Tiểu thuyết: Lính Miền Đông (3)

Tiểu thuyết: Lính Miền Đông (3)
Đã gần đến tết, năm nay đã là năm thứ 5, Hoan xa nhà. Cứ mỗi độ tết đến xuân về, lòng anh lại bộn bề bao nhiêu nỗi nhớ nhà. Chiều nay nhận được thư, thì ra, mấy lá thư trước, gia đình gửi vào đều thất lạc.

(Ảnh: Trần Bảo Toàn)

TIỂU THUYẾT: LÍNH MIỀN ĐÔNG (3)
(Nhà văn Biên Linh)

(tiếp theo)

Đã gần đến tết, năm nay đã là năm thứ 5, Hoan xa nhà. Cứ mỗi độ tết đến xuân về, lòng anh lại bộn bề bao nhiêu nỗi nhớ nhà. Chiều nay nhận được thư, thì ra, mấy lá thư trước, gia đình gửi vào đều thất lạc. Có khi thư chưa vào đến nơi thì đồng chí giao liên đã hy sinh, thư từ cũng bị bom thiêu cháy hết. Các cháu đã trưởng thành nhiều. Con trai đầu của anh Đoàn đã đi bộ đội như lời hứa. Nó bao giờ cũng nghiêm chỉnh đĩnh đạc. Đi bộ đội là được phân công vào ban bảo mật của trung đoàn. “Nó trốn đi đăng ký. Lúc đầu không đủ cân bị loại nhưng sau nó mượn cái áo của thằng Hoạt có bốn cái túi, bỏ trộm ít thóc vào đầy bốn túi nên đủ cân trúng tuyển”. “Mong sao hai chú cháu gặp được nhau!”. Đọc thư anh chị Đoàn xong, Hoan vừa mừng vừa bồi hồi khôn tả. “Vậy là cháu đã thành người chiến sĩ. Nó đã là đồng đội của mình rồi”! Đêm nay, trời sáng trăng. Trăng mùa khô vằng vặc, ánh trăng tràn lên những phiến lá lấp lánh. Tiếng gió xào xạc trên những vòm cây cổ thụ sau hang đá. Không khí lành lạnh làm Hoan nhớ đến mùa đông miền Bắc. Nhớ cái lạnh buốt thấu xương trong những ngày sương muối. Thương các anh chị dầm mình trong gió lạnh đi làm, thương các cháu đi học đường xa, gió rét. Đơn vị đã nhận được nhiều hàng tiếp tế để mọi người có cái tết tươm tất một chút. Các chị nuôi trổ tài gói bánh tét khiến Hoan càng nhớ những tết xưa ở quê nhà.

Nhà Hoan và nhà chú bác, cô dì ở không xa nhau lắm. Nhà này cách nhà kia chỉ một đoạn đường ngắn hoặc một cái ao. Mỗi năm tết đến, trẻ con háo hức khoe nhau áo mới. Thường là áo hoa bằng vải rẻ tiền với đủ màu xanh, đỏ, tím vàng sặc sỡ. Mỗi chiếc áo ấy là bao chắt chiu của cha mẹ suốt cả năm trời. Mỗi cái áo đều là ước mơ, là niềm vui, hạnh phúc của đám trẻ con. Từ vài tháng trước, mẹ Hoan đã phải lo dành dụm mua được ít đỗ xanh để giành gói bánh. Thóc nếp cũng được chọn cất riêng vào thùng. Thịt lợn thì vài nhà đã hẹn nhau đụng chung một con. Mỗi nhà một dọc hoặc một đùi. Hành đã có sẵn trong vườn. Lũ trẻ con hồi hộp mong đến ngày tiếng lợn kêu eng éc, tiếng giã giò vang khắp xóm. Đám trẻ lao nhao khi được người lớn cắt cái đuôi lợn thành từng miếng nhỏ phát cho mỗi đứa một miếng bé tí teo. Chúng bỏ vào miệng xuýt xoa, ngấu nghiến. Lâu lắm mới được ăn một vài miếng thịt, đứa trẻ nào chả thấy miếng đuôi lợn kia ngon nhất trần gian! Bố Hoan cùng mấy anh em trong họ đi gói bánh chưng. Gói hết của nhà này thì sang gói cho nhà khác. Vài nhà tập trung lại nấu bánh chung trong cái nồi to luôn sôi sùng sục bên bếp củi. Lửa được khơi cháy đều các cạnh. Lũ trẻ con thích nhất là được người lớn gói cho những chiếc bánh chưng con. Bánh được đặt ngay trên miệng nồi. Bánh nhỏ mau chín. Vớt ra trước, đám trẻ háu đói cố thức chờ. Đêm giao thừa, cả nhà hay quây quần bên bếp lửa rực hồng luộc bánh chưng. Bố Hoan vừa đổ thêm nước vào nồi bánh vừa kể cho các con nghe những truyện Kiều, truyện Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh - Châu Tuấn. Tiếng pháo nổ giòn khắp nơi là lúc năm mới thực sự bắt đầu. Không gian ngát thơm mùi khói hương, hoa quả. Cả nhà chắp tay trang nghiêm trước bàn thờ tổ tiên. Bố Hoan đọc lời khấn rồi vái lạy. Mẹ và các con làm theo. Cả nhà quây quần bên mâm cơm ngày tết. Mẹ Hoan ân cần gắp những miếng giò lụa mịn hồng thơm lừng vào bát cho các con. Bữa ăn ấm áp tình yêu thương. Ăn xong, bố dẫn các con đi chúc tết nhà bác cả, thắp hương cho tổ tiên, ông bà. Ngày tết là dịp dòng họ, gia đình được sum vầy, quy tụ sau bao nhiêu ngày tháng miệt mài làm lụng. Tiếng chào, câu hỏi han, tiếng cười nói ríu rít. Ngoài trời, mưa xuân lất phất bay, hoa đào chúm chím nở như nụ cười tươi thắm của mùa xuân.

Chao ôi! Trên đỉnh núi Bà Rá cao ngất cách xa hàng ngàn cây số, Hoan nhớ quá cái miền ký ức yêu thương ấy! Anh ước ao có phép màu cho đất nước thống nhất, cho nhà nhà được sum vầy.

Hoan đang miên man nhớ thì bí thư huyện ủy đến chúc tết sớm, động viên chiến sĩ làm nhiệm vụ ngay trước họng súng của kẻ thù. Quà của bí thư huyện ủy là một túi thuốc rê, thuốc lá, sợi to. Ai cũng hồ hởi. Có thuốc hút, cả đơn vị như được tiếp thêm luồng sinh khí mới.



Ăn tết xong, đơn vị được bổ sung thêm 12 người để tăng cường bám trụ, tăng sức vận chuyển tích trữ lương thực, thực phẩm và vũ khí chuẩn bị cho chiến dịch lớn. Trong số cán bộ bổ sung lần này có một cặp vợ chồng còn rất trẻ. Anh chồng tên Thời, chị vợ là Lan. Họ đúng là xứng đôi. Thời khỏe mạnh, bờ vai rắn chắc, da ngăm đen, đôi mắt sáng và sắc. Lan thanh mảnh trắng trẻo, mái tóc dài óng mượt và nụ cười tươi tắn. Nghe chị nuôi cùng quê với Lan kể lại, chị biết Lan từ khi còn là một cô bé. Mẹ Lan mất sớm, ba đi lấy vợ nhỏ. Bà vợ nhỏ là người đàn bà rất độc ác. Lan thường bị đòn, bị phạt, phải nhịn ăn: Có lần chỉ vì lỡ nêm nồi canh quá mặn; bà dì ghẻ bắt con nhỏ quỳ suốt mấy giờ liền dưới cơn mưa giông tầm tã. Vết sẹo lớn trên đầu Lan là do bà ta cầm cả nồi cám heo còn nóng úp ngược lên đầu con bé. Khi được 15 tuổi, Lan trốn nhà đi theo quân giải phóng. Cô bé ốm nhom tong teo, quần áo xác xơ, không đơn vị nào nhận. May sao có ông Chính ủy sư đoàn người cùng quê, biết hoàn cảnh của con bé đã đồng ý cho theo làm con nuôi của đơn vị. Không còn bị đánh đập hành hạ, không bị đói nữa, con nhỏ lớn nhanh, mập mạnh và xinh đẹp.

Khác với Lan, gia đình Thời khá giả có tiếng trong vùng. Thời được học hành tử tế. Ba Thời là nhà buôn bán tơ lụa, mỗi lần đi nhập hay giao hàng, ông đều chở hàng hoá, thuốc men tiếp tế cho Cách mạng. Bữa đó, ông Bảy Lâm bận việc, cậu con trai cả là Thời đi thay. Cứ ngỡ người đi kháng chiến toàn đàn ông. Người nào người nấy mình đồng đa sắt như người ta thường nói. Ai ngờ, người nhận hàng lại là cô giao liên xinh đẹp. Áo bà ba màu tím, mái tóc đen mun cặp trễ ngang lưng. Đôi mắt sáng và miệng cười tươi rói. Thời ngẩn ngơ trong dạ. 

Một tháng đôi lần, Thời mong có dịp được thay ba chở hàng cho người trong cứ. 

Có độ, không gặp Lan, Thời nghe bồn chồn, thiếu vắng. Gặp  được thì vui, về nhà lại bâng khuâng nhớ. Tình cảm ngày càng sâu đậm hơn khi Thời biết được hoàn cảnh đáng thương của Lan. Thời đã xin cha mẹ cho vào Cứ. Bà Bẩy nhất định không cho, ông Bẩy trầm ngâm hai ngày liền. Thời lo lắng, không biết xử trí ra sao, lòng anh như lửa đốt. 

Tối đó, cơm nước xong, lựa lúc má đã lên nhà thờ tổ tụng kinh, Thời pha ấm trà ngon bưng lên bàn mời ba. Ông Bẩy rót trà ra chung. Thấy vẻ mặt hài lòng của cha, Thời biết đã đến lúc nói ra tâm nguyện:

- Ba ơi! Con muốn xin ba cho con vô cứ!

Ông Bảy hớp ngụm trà, đặt cái chung xuống khay, từ tốn:

- Ba để con giao hàng, cũng là muốn con có dịp gặp gỡ những người trong cứ. Giờ con muốn vô, ba không cản. Nhưng ngặt là ở má mầy. Bả không chịu là ồn nhà ồn cửa. 

- Ba  cho con đi trước, rồi ba làm bộ không biết. Ba tìm cách nói phải quấy cho má nghe. Ít ngày là êm mà ba! 

Ông Bảy khẽ khàng. 

- Việc ba làm những năm qua cho cách mạng má con cũng biết. Tốn kém tiền bạc má không có tiếc. Nhưng con là đứa lớn nhứt trong nhà. Bả thương con nhứt, tin tưởng con nhứt. 

- Con biết mà ba. Ba cũng thương và tin tưởng con. Ba cho con đi nghe ba! 

- Từ từ, ba tính. Đi cách nào cho êm. Để chánh quyền không làm khó cho ba má!, 

Thời háo hức chuẩn bị tư trang. Ông Bẩy đã móc nối với cơ sở. Theo kế hoạch, Thời sẽ chở tơ lụa đi giao cho các tiệm ở chợ đầu mối. Tổ chức sẽ cho người bắt cóc Thời đưa về cứ. Ông bà Bảy lên trình báo chánh quyền việc Thời bị bắt cóc và nhờ tìm kiếm. 

.Vở kịch bắt cóc trót lọt. Thời được đưa về cứ an toàn. 

Chính trị viên tiểu đoàn của Lan là chỗ thân thiết với gia đình Thời. Ông tận tâm chỉ dạy cho Thời mọi việc ở cứ. 

Đám cưới của Thời và Lan tổ chức gọn lẹ. Đúng tinh thần thời chiến. Ông bà Bảy không có mặt. Một tuần sau, Thời nhận được thư nhà. Ông Bảy tỏ ý vui lòng. Ông dặn con trai phải yêu thương, chăm sóc cho vợ nhưng không được bỏ bê nhiệm vụ để đơn vị phiền trách. 

Đợt tăng cường quân cho Bà Rá, vợ chồng Thời được đi chung. 

Những ngày đầu về đơn vị mới, hai vợ chồng được chị Bảy ưu tiên cho một lán nhỏ bên phải hang. Gọi là lán nhưng chỉ có bốn cọc gỗ làm cột, mái chẳng mấy tấm tăng cũ. Đêm mưa lớn, gió tạt vô chỗ nằm ướt nhẹp, Thời lấy tăng căng lên che cho vợ ngủ. 

Bữa nào đến phiên Lan đi công tác, Thời đứng ngồi không yên. Lúc vợ về là cả hai lại quấn quýt khiến nhiều lính trẻ phát hờn. Mùa nắng, không có nước, anh em thường chia mỗi người được ba ca. Thời đánh răng rửa mặt nhìn lại, tích phần nước của mình vào cái ống tre dựng nơi góc hang để vài ba ngày cho Lan được tắm. Nhiều trưa, Thời luồn rừng kiếm lá sương sâm rừng vò ra cho Lan uống để chữa bệnh nóng trong người. 

Thời nói với Hoan khi hai người cùng xuống núi:

- Tui  bù đắp cho Lan những thiệt thòi mà Lan đã phải chịu! 

Cả đơn vị thường nói họ là cặp “Dính nhau như Sam!”


Tình hình chiến sự ngày càng căng. Địch tăng cường quân chi viện. Đội Bà Rá bám trụ trên núi, sẵn sàng chiến đấu. Chỉ khi có “cuộc họp cấp ủy hoặc có lớp tập huấn do trên tổ chức; một vài lãnh đạo cốt cán mới “xuống núi về cứ”. Thông thường đi từ hai đến ba người trong đó một lãnh đạo, hai bảo vệ.

Ở trên tổ chức mạng giao liên mỗi tháng từ một đến hai lần vượt đường lên núi liên lạc với Đội Bà Rá để mang những công văn chỉ đạo hoặc thư từ của hậu phương, gửi cho chiến sĩ. Về phía đơn vị, khi làm báo cáo gửi về, do phải vượt qua con đường nhiều nguy hiểm, tất cả công văn, báo cáo đều phải rất ngắn gọn, có những quy ước mật mã, chỉ người có trách nhiệm mới biết được thông tin trong những báo cáo bằng quy ước ấy. Công tác giao liên giai đoạn này hết sức nguy hiểm khó khăn. Họ phải luồn lách qua các trận địa phục kích của địch, vượt qua bao cạm bẫy mìn do quân địch cài ở khắp nơi.

Lan là một giao liên mới nhưng rất dũng cảm, nhanh nhẹn. Bao lần có công văn khẩn, cô đều thực hiện nhiệm vụ trót lọt.

Ăn cơm xong, hai giao liên chuẩn bị sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Nam là Hùng, nữ là Lan. Đêm có trăng. Theo kế hoạch Hùng và Lan vượt đường qua núi đến địa điểm tập kết để giao báo cáo và nhận tài liệu, chỉ thị. Hai người len lỏi men theo đường mòn, vừa đi vừa quan sát động tĩnh của địch. Giao xong báo cáo, nhận được chỉ thị và một phần thuốc kháng sinh được tiếp tế lên cho đơn vị, hai người mừng rỡ, vội vã trở về. Vừa đến chân núi, họ bị lọt vào ổ phục kích của địch. Chúng đánh mìn và dùng hỏa lực truy quét. Lan đưa tài liệu cho Hùng:

- Ráng mang tài liệu này về cứ! Chạy nhanh!.

- Để tôi đánh lạc hướng địch!

- Tôi rành đường hơn! - Lan dứt khoát.

Hùng chưa kịp cản, Lan đã chạy băng ra, thu hút hỏa lực về phía mình.

Pháo của địch bắn rất rát. Không còn thời gian chần chừ, Hùng ôm vội bọc công văn, luồn qua những thân cây mà chạy. Đạn súng nổ chiu chíu trên đầu. Chạy được khoảng 100 m, bỗng Hùng nghe tiếng rú nhỏ từ phía sau. Đoán là Lan trúng đạn. Hùng vội quay lại tìm. Anh chạy giữa những làn đạn đỏ lừ.

Nhằm theo phía phát ra tiếng rú lúc nãy, Hùng thấy Lan nằm gục trên đất hai tay ôm một gốc cây, máu ướt đầm. Hùng dùng tay ôm vai Lan xốc lên nhưng Lan thều thào.

- Chạy …đi…!

Quân địch kéo đến rất gần, pháo sáng chúng bắn lên đỏ rực. Hùng vùng chạy. Thoát thân, về được đến đơn vị. Nhìn thấy những đồng chí của mình, lúc này Hùng mới bật khóc báo tin Lan trúng đạn.

Chị Bảy triệu tập các thành viên trong đơn vị tổ chức gấp một đội tìm cách tiếp cận, lấy xác Lan về. Đang bàn thì Thời cũng vừa đi công tác về tới. Biết tin vợ hy sinh trong vòng vây của địch. Đôi vai rộng của Thời rung lên, đôi mắt đỏ ngầu sáng quắc. Hai bàn tay Thời nắm chặt run run. Thời sống chết đòi đi tìm xác vợ. Nhiều người khác cũng xung phong. Hoan cùng ba người nhanh nhẹn nhất, khả năng tác chiến linh hoạt nhất, cùng theo yểm trợ cho Thời. Họ hội ý nhanh các phương án tác chiến, tiếp cận vị trí để mong lấy được xác Lan. Đúng như dự đoán, quân địch giữ xác, phục kích tấn công. Chúng biết ta sẽ tìm cách lấy xác Lan. Nhóm của Hoan tìm cách tiếp cận dần đến vị trí Lan hy sinh. Quan sát kỹ, Hoan phát hiện quân địch phục kích ở cự ly khoảng hơn 100m. Đã nhìn thấy Lan nằm đó, nhưng không thể nào xông ngay ra đem xác đồng đội của mình về được. Hoan ra hiệu cho anh em phải nằm im chờ thời cơ. Nhưng Thời không kiềm chế được, Thời vùng đứng dậy khỏi chỗ ẩn nấp, chĩa súng về chỗ quân giặc phục kích, liên tiếp bóp cò. Khẩu súng trên tay Thời rung lên từng đợt, lửa lóe lên. Phía bên ổ phục kích của địch nghe có tiếng rú. Chắc cũng phải vài thằng trúng đạn. Lúc này, tình thế không thể nào khác, Hoan và cả tổ xông lên nhằm hướng kẻ thù nã đạn. Thời cầm khẩu đại liên với hai dây đạn dài, hai mắt nẩy lửa, Thời quét từng tràng đạn về phía địch. Khi đến chỗ thi thể của Lan, Thời quỳ xuống. Một tay anh giữ khẩu súng, nòng súng còn bốc khói, một tay xốc thi thể vợ lên ôm sát vào mạng sườn, Thời vừa bắn vừa tìm đường rút lên núi. Hoan và hai người nữa yểm trợ. Phía quân địch đã tăng cường quân chi viện. chúng nã pháo cối liên tục, phóng đạn M79 vào vị trí có đại liên. Thời bị thương rất nặng. Anh đặt xác vợ tựa vào gốc cây. Vẫn nhả đạn về phía đích. Hoan cùng đồng đội vừa bắn về phía quân thù, vừa dìu Thời. Lúc này mặt và ngực áo Thời đã đầm đìa máu. Tất cả tìm cách thoát khỏi vòng vây của địch. Khoảng 9 giờ sáng cả nhóm đã trở về được Hang Dơi; Y tá vội vã băng bó vết thương cho Thời, nhưng anh đã hy sinh. Cùng một ngày. Lan hy sinh 3 giờ sáng còn Thời lúc 9 giờ, cách nhau chỉ hơn 6 tiếng đồng hồ. Từ ngày về đội Bà Rá, chưa bao giờ Hoan chứng kiến cảnh đau lòng đến thế. Cả đơn vị lặng lẽ, mắt người nào cũng ngấn nước. 

Nét mặt ai cũng trầm tư. Không ai nói ra, nhưng Hoan biết: Tất cả đều thương tiếc cặp vợ chồng chiến sỹ đẹp người, tốt tính. Họ còn trẻ lắm mới cưới nhau, chưa kịp có con. Trong ba lô của Lan, có một con búp bê bằng vải may dở và hai cái mũ cho trẻ sơ sinh nhỏ xíu rất dễ thương. Lan đã âm thầm chuẩn bị cho đứa con mong ước. Nhìn những kỷ vật ấy không ai là không rơi nước mắt. 

Chị bảy Tâm tự tay gói ghém hết đồ dùng của vợ chồng Thời và Lan bỏ vào hai cái bồng đặt trên tảng đá cuối hang. Mọi người có mặt trong hang hôm ấy đều đứng lặng.

Lát sau, Lê nói nhỏ:

- Coi như họ vẫn bên nhau. Họ sẽ như đôi chim Tử Quy bay đi tìm nhau giữa trận chiến. Cầu cho họ sẽ được mãi bên nhau.

- Chim Tử Quy là chim gì hả anh? - Hoan hỏi Lê khi hai người ra ngoài cửa hang.

- Chim Tử Quy còn có tên gọi là chim Đỗ Quyên. Tử Quy là tên Hán của loài chim Cuốc. Giống chim này đầu, mỏ hơi cong, miệng to, đuôi dài, lông ở phần lưng màu tro, bụng trắng có một đường đen thẳng ngang. Nó thường sống có đôi, có cặp ở trong bụi rậm, hồ nước hoặc ao to. Đến thời điểm, cuối mùa Xuân đầu mùa hạ, loài chim này bắt đầu kêu tìm bạn. Chủ yếu vào những đêm trăng mờ tĩnh mịch. Tiếng kêu của nó nghe thăm thẳm thê thiết như kiếm tìm khắc khoải dễ động lòng người.

Hoan thầm nghĩ: Họ sẽ là chim Tử Quy!



Bảy Tâm nhận được giấy triệu tập của K ủy về họp. Khoảng hơn 8 giờ, Hoan, chị Bảy, đồng chí bảo vệ vượt đường về cứ. Khi đến gần một cái chuồng trâu của đồng bào S’Tiêng thường nhốt trâu, họ thấy khác thường: Trong chuồng không có một con trâu nào, cửa chuồng bị mở. Cả đoàn cảnh giác, vừa quan sát vừa nhanh chóng đi cách xa chuồng trâu. Mới được khoảng gần 100m thì địch kích hoạt cho mìn nổ và tập trung hỏa lực bắn. Chúng đã phát hiện được mục tiêu. Bị tấn công bất ngờ, bốn người di chuyển ngược lại về phía gần hơn với nơi địch phục kích và tìm chỗ ẩn nấp. Lát sau, hàng loạt đạn pháo của địch bắn về phía núi Bà Rá, chúng dự báo quân ta chạy theo hướng đó. May mắn sao! Nhờ nhanh trí ba người thoát chết.

Cuộc họp lần này, Tỉnh ủy và Ban chỉ huy quân sự Miền ra chỉ thị về chủ trương đột nhập, sống trong dân để nắm tình hình và hướng dẫn quần chúng đấu tranh chống địch. Đồng chí Bí thư K ủy trực tiếp phân công nhiệm vụ. Về đến cứ, sau khi bàn bạc, toàn đội bắt đầu tiến hành từng bước. Quyết định chọn nhà bà Sáu Nhung là cơ sở chính. Gia đình bà Sáu có bốn người con đi theo kháng chiến. Đây là cơ sở tin cậy của ta từ nhiều năm qua. Ông bà Sáu hết sức nhiệt tình. Ông Sáu cho hay, ông chọn vị trí đào hầm ngay trong bếp, sát chiếc chuồng heo bỏ không. Nắp hầm ở chỗ bà Sáu thường đứng đổ cám cho heo ăn. Phía sau chuồng là khu vườn chuối um tùm nối liền với rẫy điều rộng. Nếu có nguy hiểm sẽ dễ dàng thoát. Sữa bột, gạo rang, nước uống, thuốc kháng sinh, thuốc cầm máu xếp trong các thùng bằng thiếc được đưa xuống hầm. Dưới hầm còn có hàng chục quả thủ pháo đề phòng khi giặc bao vây, có thể cho nổ để thoát thân hoặc tự sát để không rơi vào tay giặc.

Rời nhà bà Sáu Nhung, trở về theo đường Miếu Bà, Hoan đi trước, vượt qua hàng rào kẽm gai xung quanh khu vườn nhà ai đó. Qua được, anh lấy chân đạp dây kẽm, tay đỡ dây cho chị Bảy chui qua. Chị Bảy Tâm cao lớn nên khi cúi xuống, vai áo chị bị móc vào dây kẽm gai. Đêm tối, không nhìn thấy đâu mà gỡ. Chị vùng mạnh người; vai áo rách toạc mắc lại hàng rào, may mắn thoát được ra. Vừa lúc đó, từng loạt đạn của địch réo lên. Lại bị phục kích! Hoan nhanh chóng mở khóa an toàn vừa rê đạn về hướng có tiếng súng địch, vừa rút chạy. Khi chạy được đến triền đồi phía sau thì gặp chị Bảy. Chị mừng rỡ vì đang lo lắng tưởng rằng Hoan đã hy sinh. Chị Bảy nhanh tay mở bi đông đưa nước cho Hoan uống.

- Uống đi em! Chị tưởng đâu em tiêu rồi. Lo bắt chết hà!

Năm ngày sau, theo sự phân công của đội, Lê, Hoan cùng Sơn vượt đường núi để khảo sát tình hình, tiếp cận một số cơ sở là người dân tộc thiểu số ở Sơn Trung và Bù Kroai đi làm rẫy để nắm tình hình.

Ba người men theo bìa rừng, tìm kiếm đồng bào S’Tiêng đi làm rẫy. Mùa này đồng bào đã thu hoạch xong nên các rẫy rất vắng người. Phía xa, thấp thoáng bóng người đeo gùi, Lê khá sõi tiếng S’Tiêng bèn cất tiếng gọi. Nhưng hai người kia bỏ chạy. Sợ bị địch phát hiện, Lê nói:

- Ta phải cắt đường xuống bến đò xã Phú Văn. Đói quá, ba anh em không biết đến lúc nào mới về được trạm giao liên. Đã ít mưa, dòng Sông Bé ở đoạn này nước chảy chậm, trong vắt, khoan thai trôi đi giữa đôi bờ cây cối ngát xanh. Ánh nắng như những đốm vàng rắc lấp lánh trên từng con sóng. Hoan bỗng nhớ dòng sông nơi quê nhà da diết.

Bỗng tiếng nổ lớn cách chỗ Hoan ngồi rửa mặt không xa và tiếng kêu đau đớn của Lê.

- Sơn ơi! Sơn!

Hoan giật thót người, chạy ngược về phía tiếng kêu. Lê, đang ôm xác Sơn từ dưới sông đi lên. Lồng ngực Sơn rách toang. Máu và nước sông đầm đìa ướt sũng. Máu loang trên thân người anh Lê. Hoan nghẹn ngào.

- Vì sao?

- Sơn nó đánh cá bằng lựu đạn gài tự chế. Đây là loại nổ tức thời nên khi ném chưa kịp tới mặt nước đã bung giây phát nổ!

- Nó thương anh em đói, muốn đánh mìn kiếm con cá nướng ăn…! Hoan vội vàng lấy cái võng dù mở ra đặt xác Sơn vào. Nước mắt anh lã chã rơi trên khuôn mặt Sơn. Vừa vài chục phút trước, Sơn còn là một “Chuyên gia gỡ mìn”. Mỗi lần đi công tác với Sơn, mọi người trong đội đều rất yên tâm. Mới hôm qua, Sơn còn quỳ xuống giữa bùn lầy, giữa gai góc, khéo léo gỡ mìn bảo vệ sự sống cho anh em.

Hoan nhớ khuôn mặt hiền hậu rám nắng, nhớ đôi mắt sáng rỡ của Sơn khi báo tin mìn đã gỡ xong. Anh nhớ Sơn đã kể cho mọi người nghe ước mơ: Sau này, thống nhất, sẽ về quê phụ má trồng dưa hấu, nuôi vài đàn vịt xiêm. Khi nào đồng đội cũ ghé chơi cũng có mồi nhậu. Bây giờ ước mơ ấy đã theo Sơn đi rất xa rồi!



Đơn vị nhận thêm nhiệm vụ mới. Chị Bảy Tâm phân công Hoan cùng Thu và Tiến – hai cán bộ vừa tăng cường, đột nhập vào cơ sở ở Nhân Hòa để nắm tình hình địch và nhận thêm thuốc men. Trên các hang đá giữa lưng chừng núi Bà Rá còn nhiều thương binh nặng vẫn chưa thể nào chuyển về Quân y viện. Bọn giặc vây ráp dữ quá. Thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau thiếu trầm trọng.

Ba người len lỏi qua các vườn điều, vườn cà phê trong trang phục của người dân đi làm rẫy. Chờ tối hẳn mới nhắm đường hướng đến gia đình cơ sở ở Nhân Hòa. Đến gần ngã ba, thấy đèn điện sáng trưng, tiếng cười nói ồn ào. Hoan vội kéo Thu và Tiến lùi lại, vòng ra sau xưởng gỗ. Mấy anh em nép sát vách xưởng khuất dưới tán cây um tùm tối sẫm, nghe ngóng. Hoan nhận ra: địch đã đưa một lực lượng đáng kể ra chốt ở ngã ba này. Mặc dù ba người rất quyết tâm, rất mong lấy được thuốc về cứu chữa cho các anh em bị thương, nhưng tình hình này, không thể vượt qua được trạm chốt chặn của địch. Nhẩm tính mãi thấy không có cách nào khả thi, đành quay về. Họ men theo con đường cũ, chốc chốc lại phải nằm xuống né đạn của địch. Về đến cứ đã gần sáng. Ai cũng mệt rã người và đói. Lúc báo cáo tình hình, Hoan thấy vẻ mặt của ông Tư - đội phó cau lại, ánh mắt nhìn tổ công tác lộ rõ vẻ bực bội. Vẻ mặt ấy làm lòng Hoan nặng trĩu. Chị nuôi dọn cơm. Dù bụng đói cồn cào nhưng miếng cơm trong họng Hoan đắng nghét. Trong cuộc đời của mình, Hoan đã từng trải qua không ít chuyện không vui. Nhưng chưa bao giờ nặng nề như lần này. Chưa kịp nuốt hết chén cơm, anh Tư đã nói như ra lệnh: - “Ăn nhanh lên”. Vừa nói, vừa đứng phắt lên bỏ ra ngoài. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh Hoan.

Trưa đó, Hoan cùng tổ tải gạo chuyển lương thực về các kho dự trữ … chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới. Vừa về đến khu rừng lồ ô tái sinh giáp ranh với lô cao su thì bị địch tập kích. Chúng bất ngờ từ dưới dốc dùng hỏa lực tấn công. Các chiến sĩ không kịp đáp trả. Tất cả được lệnh nhanh chóng di tản ra lô cao su. Khi tiếng súng của địch đã im. Kiểm quân thấy còn thiếu chị Năm Hường vợ anh Tư. Hoan quay lại tìm mãi mà không thấy chị. Gần một giờ sau, đi đến chỗ hố bom địch vừa ném, Hoan phát hiện thấy một số tiền vương vãi xung quanh đó, có cả mấy mảnh khăn rằn vương trên cành cây. Mấp mé cạnh hố bom là thi thể chị Năm Hường. Tay và một chân chị bị đứt lìa, văng cách xa vài mét. Nghe tin dữ, Tư xô mọi người chạy tới. Anh quỳ xuống, hai tay run run, mặt tái đi, đanh lại. Anh nhặt từng mảnh thi thể vợ đặt vào tấm dù. Hoan nhặt bàn tay của chị. Những mảnh thịt nát tan lẫn máu và đất đặt vào bên thân chị! Những người khác vừa sụt sùi vừa gom nhặt phần thịt, xương của chị Năm Hường văng vãi trên đất. Chiếc cặp ba lá dính máu, Hoan đưa cho anh Tư. Anh bỏ chiếc cặp vào túi áo bên ngực trái. Anh Tư bọc xác vợ vào tấm dù, khoác trên lưng. Anh tì người vào khẩu súng đứng dậy, lảo đảo vài bước rồi quả quyết bước đi.

Nhìn anh trong giây phút ấy, bao nhiêu nỗi buồn, nỗi trách giận trong Hoan vụt tan biến hết, chỉ còn lại niềm kính phục, xót thương không sao tả nổi!

Đợt pháo của địch bắn vào trận địa của ta trên núi, đơn vị hy sinh hai chiến sĩ. Một là Năm Hòa (con gái thứ năm của bà Sáu Nhung), hai là Kiện, em trai người yêu Năm Hòa. Hai người được chôn lấp vội vã giữa mịt mù khói lửa. Chưa kịp khỏa đất và lấy đá đánh dấu thì từ bìa rừng, một cái bóng nhỏ chạy lao ra. Con bé với bộ bà ba đen rộng thùng thình. Nó vừa gào khóc vừa chạy xô tới phía hai ngôi mộ. Hoan giữ con bé lại. Nó cố vùng, giãy dụa thoát khỏi đôi tay mạnh, chắc như gọng kìm của Hoan.

- Thả tui ra! Thả ra! Tui tìm chị Năm tui!

Nó cắn Hoan, khi Hoan vừa nới lỏng tay, con nhỏ đã chạy lao ra phía ngôi mộ, quỳ rạp xuống, lấy hai tay bươi đất trên mộ, nức nở.

- Chị Năm ơi! Tỉnh dậy với em nè!

Không ai cầm được nước mắt. Chị Bảy Tâm ôm lấy con bé, dỗ dành.

- Bé Tám! Con thương chị Năm thì nín đi! Bảy cho con cây súng của chị Năm nè! Con phải tập bắn rồi chiến đấu trả thù cho chị Năm nghe hông? 

Hoan đặt cây súng đã bị vỡ nòng của Năm Hòa vào tay con bé. Nó ngước cặp mắt to đen láy đầm đìa nước nhìn anh. 

- Các cô, các chú cho con ở lại đây nha! 

Thuyết phục cỡ nào nó cũng không chịu về, chị Bảy tìm cách liên lạc với gia đình bà Sáu Nhung, vợ chồng bà đồng ý cho con Tám ở lại trên núi. Từ đó, đơn vị có thêm một chiến sĩ tí hon.

Tám là tên gọi theo thứ tự trong gia đình. Con bé rất thông minh lanh lợi. Nó phụ giúp mấy chị nuôi nấu cơm, rửa chén. Có lúc nó xung phong dẫn đường hoặc mang công văn xuống núi. Lúc rảnh, chị Bảy Tâm hay chải đầu, cột tóc cho cô bé. Chị Bảy có cuốn sổ tay in hình nữ anh hùng Hồng Gấm. Con Tám say mê coi đi coi lại hoài không chán. Chị Bảy bèn đặt tên cho nó là Hồng - Tám Hồng.

- Bảy đặt tên con như vầy, mai mốt con lớn cũng anh dũng như chị Hồng Gấm nghe hông! 

Con nhỏ rất vui sướng, hãnh diện với tên gọi mới của mình.

Thỉnh thoảng nó lại lấy bộ bà ba đen của chị Năm nó, bận vào người, quàng chiếc khăn rằn vô cổ, cột tóc lên cao. Nhìn nó nhỏ thó trong dáng vẻ này, không ai nhịn được cười. Cô chị nuôi tên Hạnh muốn cắt ngắn ống quần và tay áo cho vừa với người con Tám nhưng con nhỏ nhất quyết không chịu. Nó nói:

- Con muốn giữ y vầy. Mai mốt lớn, con mặc vừa, con sẽ giống chị Năm!

Nó xắn ống quần và tay áo lên cao, lấy dây thun cột lại cho chặt rồi đứng xoay xoay người trước mặt chị Hạnh.

- Dì coi! Đã gọn chưa?

Sau vài tuần quen với sinh hoạt của đơn vị và được tập huấn thêm những động tác thoát hiểm, chị Bảy Tâm quyết định cho Tám Hồng đi học lớp y tá ở bệnh xá tiền phương. Trong chiến tranh, chẳng cần biết tuổi, ai làm được gì thì cứ làm thôi. Tám Hồng đã “Tốt nghiệp” sau 10 ngày được theo học lớp y tá cấp tốc. Trở về núi, nó ra những vạt rừng quanh đó kiếm cây chuối mang về tập chích thuốc. Hồng cũng đã biết thêm nhiều loài cây, lá có tác dụng, chữa cầm máu, tiêu chảy, rắn cắn, sốt rét, cảm hàn… kiếm được lá là nó nấu nấu, sắc sắc đổ đầy các chai lọ, bi đông.

 Anh Hiển - cán bộ tăng cường bị đau bụng vã mồ hôi, mặt tái nhợt, cho uống thuốc lá không khỏi. Tám Hồng nhớ đến lọ thuốc trị đau bụng, điều kinh, nó lấy mấy viên đưa cho anh Hiển. Uống thuốc được một chặp, anh Hiển thấy bớt đau, xế chiều thì khỏi. Mấy anh chị xôn xao hỏi:

- Bé Tám cho chú Hiển uống thuốc gì mà khỏi lẹ quá vậy?

Con nhỏ nói tỉnh rụi:

- Con cho ảnh uống thuốc đau bụng điều kinh. Bữa đi học mấy cô gởi cho cô Bảy.

Chị Bảy trợn tròn mắt. Những người khác có mặt bữa đó cười no luôn. Con nhỏ lúc đó mới 12 tuổi, nó đâu biết thuốc điều kinh là thuốc gì. Thấy có chữa đau bụng thì lấy cho người đau bụng uống thôi!

Có bé Tám, không khí trong hang vui tươi hẳn lên. Mỗi khi rửa chén hay lặt rau, nó đều hát líu lo “Anh em ơi! Vì nhân dân quên mình…” hoặc “Có anh Ba Hưng vốn thiệt nông dân đi lính hai năm ròng vừa mới được huân chương…”.

Lúc rảnh Tám Hồng lại đứng đọc tờ giấy có ghi mấy câu thơ như khẩu hiệu dán ở ngay cửa hang:

“Trước mặt dân ôn hòa nhã nhặn

Trước mặt kẻ thù quyết tử quyết sanh

Với khí phách anh hùng cách mạng

Giữ trọn lời thề bảo vệ thanh danh”

Đọc đến đó là Tám Hồng lại nhớ hình ảnh má nó vừa nhai trầu vừa dặn các cháu con, nghe như đọc thơ.

“Đi lính quốc gia vàng đeo đầy cổ

Đi lính Cụ Hồ vinh dự muôn năm”.

Vàng sẽ xài hết, nhưng vinh dự là còn hoài nghe bây!

Mỗi lần các cô chú đi công tác, con bé đều năn nỉ đi theo. Khi đi thu chiến lợi phẩm nó tìm được hai gói thuốc Salem, mỗi gói 4 điếu và một nửa quả cam ăn dở. Cam thì ăn liền tại chỗ. Ngọt quá trời! Cam Mỹ mà! Thuốc lá thì mang về làm quà cho mấy chú, mấy anh. Hồng mừng nhất là nó lượm được một trái lựu đạn mỏ vịt còn láng o. Nó giấu vào trong túi. Lần đầu tiên, nó có vũ khí của riêng mình!

Trên đường trở về cứ, gặp bọn lính Mỹ đi càn. Tư Thiện phát hiện thấy vội khoát tay làm hiệu. Chưa kịp di tản, bọn lính Mỹ đã bắn xối xả. Con Hồng khôn lanh, nó sợ chạy thẳng sẽ bị trúng đạn nên chạy băng ngang ra phía cánh rừng gần đó. Thấy bụi tre gai to, nó quyết định trốn vào trong đó. Con nhỏ xoay cái túi cứu thương ra trước bụng, đun đít vào trước, mắt vẫn luôn quan sát xung quanh. Nó thu người lại và lọt được cả người vào giữa bụi tre. Trên đầu, máy bay HVA gầm rít, đạn bắn chíu chíu trên mặt đất. Tiếng mấy thằng Mỹ xì xồ “vi xi… vi xi”. Con Hồng thấy tim nó run lập cập. Đôi tay liên tục xoay cái túi cứu thương hết ra phía trước lại ra sau. Nó nghĩ cách đó có thể che được đạn. Chợt nhớ đến quả lựu đạn vừa lượm còn cất trong túi, Hồng lấy ra cầm chắc trong tay, bụng nhẩm tính nếu bọn lính Mỹ tới gần, nó sẽ tung quả lựu đạn này rồi chạy. May sao, sau một hồi lùng sục, bọn lính Mỹ rút đi. Tám Hồng chui ra khỏi bụi tre nhưng loay hoay hoài không ra được.

Khi tiếng súng đã im, đoàn công tác trở về điểm tập kết. Không thấy Tám Hồng, ai cũng lo lắng. Năm Hòa vừa mới hy sinh, lỡ có chuyện với bé Tám nữa thì ông bà Sáu chịu sao xiết! Hoan cùng Tư Thuận vội quay lại tìm. Cây cối tan hoang. Ruột gan hai người rối bời. Đến gần bụi tre gai, bỗng nghe tiếng gọi.

- Chú Tư! Anh Hoan! Cứu con! - Tiếng con Hồng! - Hoan mừng rỡ. Thấy con nhỏ hết thò đầu lại xoay đít, cố chui ra khỏi bụi tre, miệng la.

- Hồi rồi chui vô được mà giờ ra hổng có được!

Hoan lấy con dao găm mang theo bên mình chặt cây tre cho con nhỏ chui ra. Thấy chân Hồng bị thương, máu nhoe nhoét. Hoan vội băng lại cho nó rồi xốc lên lưng về cứ. Con nhỏ không chịu:

- Thả em xuống đi! Em đi được mà!

Đến cứ, nghe Hồng thuật lại cảnh nó ngồi trong bụi tre, ai cũng bật cười. Con nhỏ gan lỳ thật. Nghe bà Sáu Nhung kể lại, thì Tám Hồng đã biết đi liên lạc từ năm 8 tuổi. Hồi đó, từ nhà bà qua khu ruộng mía bên kia cầu vẫn được chọn làm địa điểm liên lạc của ta, mấy ngày liền, quân địch cho lập bót dã chiến chặn ngay đầu cầu, kiểm soát gắt gao người qua lại. Anh Ba Nguyên Huyện ủy viên đang cần chuyển tài liệu gấp. Chợt nhìn thấy đôi dép của con Tám để ngoài hiên nhà, anh với một chiếc, lấy con dao nhíp luồn vào giữa khe các lớp đế dép, nhét mảnh giấy báo tin vào trong rồi gọi con Tám lại dặn dò. Mới nghe, nó giãy nảy không chịu. Nó la lớn:

- Lấy mất một chiếc dép của con rồi làm sao con đi học! 

Nó cưng đôi dép này lắm. Mỗi buổi đi học về lại tháo ra, lấy xà bông chà thiệt là sạch rồi đem phơi. Bây giờ kêu nó đưa chiếc dép cho người khác thì nó đâu có chịu! Bà Sáu phải dụ.

- Con làm vầy là giúp chị Ba, anh Tư, chị Năm con đó. Kháng chiến thắng lợi, các anh chị mới về nhà được! Bữa sau, má mua cho dép khác!

Vậy là con nhỏ đội nón, mang dép vô chân, qua cầu đi sang bãi mía, tìm chỗ để dép như đã dặn, xong nó tiếc chiếc dép còn lại không nỡ bỏ đi, cứ để y một chân dép, một chân không, đi về nhà trên con đường bỏng rát trước bao cặp mắt của bọn lính Bảo An.

 Hoan yêu quý Tám Hồng như em gái, lúc rảnh anh thường kể cho nó nghe chuyện ở quê nhà. Nó nghe rất hào hứng. Có lần Hồng xin:

- Chừng nào thống nhứt, anh Út cho em ra ngoải chơi nghen! Em nghe nói là thèm được ra ngoải quá hà!