Tiêu tiền cho người chết hay tiêu tiền cho người sống

Tiêu tiền cho người chết hay tiêu tiền cho người sống
Bài này ban đầu mình định đặt tên là Nhà Thờ hay Nhà ở. Nội dung sẽ có nhiều đụng chạm, có lẽ có thể gây nhiều bức xúc, rất mong người đọc có thể bình tĩnh, đọc và nghĩ về cuộc sống, không chỉ của mình, của người thân hiện đang ở quanh mình, nghĩ về những cuộc sống hiện còn éo le khác, để đạt được thấu hiểu với những điều mình sắp kể.


(Ảnh: Lê Thu)


Tiêu tiền cho người chết hay tiêu tiền cho người sống?

(Nguyễn Thu Thủy)



Bài này ban đầu mình định đặt tên là Nhà Thờ hay Nhà ở. 


Nội dung sẽ có nhiều đụng chạm, có lẽ có thể gây nhiều bức xúc, rất mong người đọc có thể bình tĩnh, đọc và nghĩ về cuộc sống, không chỉ của mình, của người thân hiện đang ở quanh mình, nghĩ về những cuộc sống hiện còn éo le khác, để đạt được thấu hiểu với những điều mình sắp kể. Viết cũng dài, viết từ chuyện nhà ra chuyện thế giới, mình sẽ đi từ Việt Nam sang Ai Cập nhé. 


Mình xin bắt đầu bằng hình ảnh rất đẹp, mà mình vừa được bố gửi cho mình. 


Bức ảnh có bố mặc áo gió màu đen, nổi bật dưới những tán hoa xuân trắng phau phau, viền quanh là rừng hoa mận hoa lê, một dải đất nâu đỏ và núi đồi biêng biếc xanh lam. Bố ngồi trên một chiếc xe máy dream và đội mũ bảo hiểm, lấp ló giống một bác xe ôm, không biết bắt được khách nào sộp thế, mà cười rất tươi. 


Tuy đã nhắn tin trêu bố nhớ hóp bụng, đừng uống rượu, uống thì phải giữ ấm, sợ nơi Hà Giang lạnh quá, dễ dính cảm, nhưng mình thấy đây là số ảnh đẹp nhất trong ngày, đẹp hơn cả ảnh mình chụp giữa muôn vàn hoa đào ở Đài Loan. Vì đó là bố của mình, đang khoẻ mạnh, vui vẻ, người đã vất vả nuôi mình lớn lên, bao bọc con trong ốm đau gió bão. 


Sáng ra kể lể gì đó, mình đã nhắc với bạn mình về việc hồi bé, khi mình ốm như sắp hấp hối, bố đã ôm mình vượt hàng chục km trong mưa bão để cấp cứu trong đêm ra sao. Dĩ nhiên mình nào biết, sau này mẹ kể vậy. Nuôi mình khó lắm, vì hay ốm nặng, không bệnh nào là không dính, bơi thì không giỏi nhưng hay lặn tới ngất đi, trèo leo thì ngã suốt ngày như con mèo, đã thế lớn lên còn bướng, hay cãi. Thế mà nuôi được tới giờ này thì bố mẹ mình cũng siêu nhân ra phết. 


Mình giống bố ở điểm, rất thích đi chơi. Có lẽ nhờ từ nhỏ, bố đã xách mình đi khắp nơi. Và tới giờ này, trên bản đồ nam châm tủ lạnh, mình luôn đinh ninh sẽ phải đưa bố đi tới những vùng đất nào, dạo qua những thành phố nào, để bố ăn đồ ăn gì. Dù sao trong nhà, mẹ và các con do tính chất công việc nên hay đi đây đó, có mỗi bố bao năm chôn chân ở nhà vì công việc bắt buộc. 


Vậy mà cũng tới lúc bố hỏi ý kiến mình về việc xây nhà thờ. Mình cũng không phản đối gì. Một người dễ tính, muốn gì là ok, miễn đừng làm mình mệt thì mình đồng ý cả. 


Nhưng mình bắt đầu làm bài toán thống kê. 


Giả định của mình phải logic, nên mình bắt đầu bằng việc trả lời câu hỏi đầu bài mình đã đặt ra: TIÊU TIỀN CHO NGƯỜI SỐNG HAY TIÊU TIỀN CHO NGƯỜI CHẾT? 


Mình vẫn nhớ, hai ông mình là liệt sỹ, mộ phần không tìm được cho ông ngoại. 20 năm bố mẹ đi tìm, trăn rắn, rừng suối, mộ cát, nắng gắt 45-50 độ vẫn đứng cúng, nước mắt rơi bao lần. Mình cũng nhớ bà ngoại đã mất sớm ra sao, đau đớn 2 năm vì khối u đột biến từ tiểu đường. Mình còn nhớ kỹ hơn khi bà nội trở bệnh, run lẩy bẩy, đau tới mức xin con cho chết sớm, mà vẫn cố gắng, hơn 5 năm, cho tới phút cuối vẫn nhớ tên từng đứa cháu, nhắm mắt bên câu hỏi vu vơ người cháu bảo bà: "Bà ơi, bà đã bao giờ đi biển chưa bà?". 


Mình nhớ cả những câu chuyện tổ tiên của mình. Cũng như mình luôn đọc và học lịch sử như một môn học yêu thích, yêu thích tới mức bỏ hết đội tuyển toán, văn, anh, hoá để quyết tâm thi học sinh giỏi môn Sử. 


Lịch sử đất nước và nhân loại, theo mình thống kê, cứ triều đại nào xây nhiều lăng mộ, to to, chôn rõ lắm, thì thường là triều đại cuối cùng. Một triều đại lụi tàn, để người sống sống khổ hơn cả người chết, mất nước, bị diệt vong, bị chiến tranh hành hạ, bị thiên nhiên huỷ diệt. 


Có một ngày rằm, mình ngồi quán quen, có quán quen hay gội đầu cho mình ngay bên cạnh, đốt rõ lắm tiền vàng, khói um cả ngõ, không thể thở nổi. Nhà thì bé xíu xiu, cửa có đúng một cánh mở ra mở vào. Bà chị hay gội đầu đột ngột chạy qua hỏi mình: "Thuỷ ơi, em biết thầy nào xem tốt, cho chị đi cải vía, nhà chị đang dính lô hàng mãi ko bán được, tình hình tệ quá". Mình biết chị cũng lâu, thấy chị chăm chỉ, con chị thông minh ngoan ngoãn, mình cũng quý. Mình bèn chỉ ngay vào đám tiền vàng đốt um lên và bảo chị, là chị đừng đốt tiền vàng nữa, nếu còn định có phong thuỷ đẹp, em thấy chị đốt như thế này thì chả còn không khí mà sống nữa là làm giàu trở lại. 


Mình nói hơn tiếng đồng hồ, về việc mình thực ra bao năm không đi chùa, không tới đền, cũng chả đốt cái gì, hương không thắp, mình không cúng gì cả nhưng mà mọi việc của mình vẫn tốt. Thậm chí nói khí không phải, mình còn hay mơ được thần báo mộng, mọi việc xảy ra y xì, trong nhà lúc nào cũng tràn một nguồn năng lượng bảo vệ mình, chưa bao giờ ma quỷ có thể quấy nhiễu, hay là bất kể sự sợ hãi nào làm mình sợ cả. Dù rằng dĩ nhiên, mình biết xem những điều mà các thầy bói hay dặn dò và xem. 


Mình bảo chị, là phải thay đổi nếp suy nghĩ nương nhờ tổ tiên, mà nên nghĩ về việc làm thế nào để tốt cho toàn bộ nhân loại, nghĩ lớn sẽ làm được điều tốt, dù là nhỏ nhất, khi đó tổ tiên tự hào, tự khắc tốt. Dĩ nhiên mình lắm mồm lắm nên giờ cũng không thể nói hết những gì mình tâm sự. 


Câu chuyện chỉ là để nói rằng, với mình, linh hồn không vì tiền vàng và đồ ăn mà tỏa sáng. Linh hồn của người đã mất chỉ thăng hoa khi người còn sống, có liên kết sợi chỉ dòng tộc với họ đã làm điều có ích, có phúc đức !!! 


Xưa, có những lần đi xem, thầy bói bảo là, trước các cụ con làm điều này điều nọ ko tốt nên tới đời này các con phải gánh. 


Nghĩ mà xem, nếu các cụ đã từng làm điều như thế để tương lai gánh lại, thì những gì chúng ta làm bây giờ, tương lai sẽ là hậu quả. 






Mình không muốn bố nghĩ tới việc xây nhà thờ, vì thời gian của bố, mình mong nó còn dài, thật dài, để mình dành tiền đưa bố đi chơi, ngắm nhìn thế giới tươi đẹp, giúp ích cho họ hàng, cho con cháu, những đứa trẻ còn bé đang đi học, những đứa nhỏ sắp được sinh ra đời. Mình muốn đưa bố tới những nền văn minh đã từng rực rỡ và tắt ngấm. Mình muốn bố cảm nhận từng tia sáng ban mai bên gia đình, lời ca tiếng hát của người vợ đã tần tảo yêu thương bố cả cuộc đời, của đứa cháu luôn thương ông yêu ông nhất nhà. Tổ tiên sẽ mỉm cười khi bố mình hạnh phúc. Tổ tiên cũng sẽ tự hào khi những đồng tiền tuy không dành để xây nhà thờ, nhưng có thể xây nhà ở cho những người cần tới, hoặc ví dụ để người đang gặp gánh nặng tiền bạc, có cuộc đời ổn định hơn, không nghĩ tới việc chết đi trong đau đớn. 


Mình nhỏ nước mắt vì mình mong người lớn hiểu điều đó. Hiểu rằng tiền để chăm sóc sức khoẻ và tương lai con cháu, có giá trị gấp tỷ lần việc chi tiêu cho những mảnh nhà không ai về ở, cho bát hương mà ngàn năm sau cũng vỡ. Chỉ còn dòng giống và dòng máu này tuôn chảy trong những thân xác đang cần sống. 


Mình nhìn những ngôi lăng mộ to tát mà buồn. Con cháu của những vị hoàng đế có lăng mộ khủng bố bên bờ sông Hương, đẹp tới thế mà cuộc đời tha hương mất nước. Sử sách đã ghi lại gì về họ ngoài những khế ước đầu hàng? 


Lớn còn vậy, nhỏ sao không biết tập tư duy cho khác đi? Đã sống tới mấy niên giáp, vẫn còn tù túng trong thứ đất mà khi chết đi chỉ vài mét vuông đã là dấu chấm của cả cuộc đời, một bát hương le lói dưới mưa bão gió cát sao? 


Khúc xương gắn liền khúc ruột.


Khúc ca gắn liền khúc tình.


Tiền chả là gì hết nếu nó dùng không đúng vị trí của nó!


Cuối cùng quanh những lăng mộ cổ Ai Cập chỉ là cát…

Hà Nội, 10/3/2023
NTT