Tự nhiên và con người

Tự nhiên và con người
Con người ngày càng xa rời Tự nhiên. Không những thế, họ nghĩ là họ có thể cải tạo thiên nhiên được. Họ đào núi phá đồi, lấp sông vượt biển... bắt mọi thứ thay đổi để phục vụ cho nhu cầu của con người.

(Ảnh: Đặng Văn Tôn)


TỰ NHIÊN và CON NGƯỜI

(Dương Chính Chức)


1. Con  người ngày càng xa rời Tự nhiên. Không những thế, họ nghĩ là họ có thể cải tạo thiên nhiên được. Họ đào núi phá đồi, lấp sông vượt biển... bắt mọi thứ thay đổi để phục vụ cho nhu cầu của con người. 


Nhưng đều thất bại. Mọi nỗ lực cải tạo đều để lại hậu quả. 


Phá rừng thì đón lũ, xả khói là gọi bão, hút dầu moi than là chiêu mời động đất, xả rác nhựa và tăng bụi cao su là mở cửa đón ung thư vào nhà, cải tạo giống cây con bằng cách đột biến gen là tự tạo di truyền dị dạng, bê tông hóa môi trường dẫn đến mất vùng xanh, phát triển trí năng nhân tạo thiếu kiểm soát là bước quyết định dẫn đến nô lệ hóa con người, xa hơn là diệt vong nhân loại... 


2. Tự nhiên vốn là sự cân bằng được hình thành, ổn định qua nhiều triệu, nhiều tỉ năm biến đổi không ngừng. Con người chỉ là 1 phần cấu thành cực nhỏ nhoi của Tự nhiên mà thôi. Bởi vậy, loài người mà cải tạo Tự nhiên thì chả khác gì 1 tế bào muốn thay đổi cả cơ thể vậy. Vậy, nếu Tự nhiên là 1 cơ thể thì loài người chúng ta có lẽ đang bị coi là vi rút, là tế bào ung thư đang phá hoại, đang đồng hóa cơ thể. Và, giống như cách ta ứng xử đối với vi rút, vi trùng và tế bào ung thư trong cơ thể, Tự nhiên sẽ loại bỏ nhân tố nguy hiểm - con người bằng nhiều cách. Nếu đứng ở lập trường của Tự nhiên, dịch bệnh hiện nay ta gặp phải có thể là thuốc, là vắc-xin mà Tự nhiên dùng để điều trị bệnh, xử lý chúng ta, thiên tai có thể là những đợt thanh tẩy của Tự nhiên giống như ta làm hóa trị, xạ trị vậy... 


3. Cái phép tắc Tự nhiên dùng để vạn vật tồn tại, kết nối chính là Đạo. Cân bằng chính là Đạo. Con người và vạn vật muốn tồn tại an lành thì phải sống theo Đạo ấy, và Đạo ấy đã được các bậc giác giả như Phật, Chúa, Thánh... đã chỉ ra rồi. 


Lão Tử nói Thuyết Âm Dương rằng âm dương quân bình thì an hòa, bất quân bình thì sinh họa. Âm Dương muốn quân bình thì bao dung, nuôi dưỡng nhau nên như trong Lưỡng Nghi thể hiện, Âm Dương quấn nhau và trong Âm có Dương, trong Dương có Âm vậy.


Phật Thích Ca nói về Duyên khởi, Nhân Quả:  Cái này có nên cái kia có; Cái này sinh nên cái kia sinh; Cái này không nên cái kia không; Cái này diệt nên cái kia diệt...


4. Nhắc đến Đạo của Tự nhiên, có lẽ quen thuộc nhất chính là Lão Tử. Cụ ấy từng nhấn nhiều, nhấn mạnh đến Phép Tự nhiên, khuyên con người và mọi thứ sống thuận theo Tự nhiên. Người Việt ta hay nhắc câu "tùy kỳ tự nhiên" của Lão Tử, trong khi bên Triêu Tiên, Hàn Quốc thì không thấy câu "tùy kỳ tự nhiên" mà dùng câu "vô vi tự nhiên" (無僞自然, 무위자연). Không rõ bên Trung, bên Nhật dùng câu gì. 


Tùy kỳ tự nhiên cũng là nguyên tắc con người nên theo để nuôi dưỡng tâm ý thiện lành. Phàm cái gì, dù là của cải, địa vị, hay cơ hội, nếu là của ta nó tất sẽ về với ta, còn là của người, ta cố chiếm rồi cũng vẫn mất, cộng thêm phần quả báo. 


Lại có câu: Vô vi nhi vô bất vi (無為而無不為). Vô vi chính là không coi, không lấy cái gì làm cái gì sất. Và vô vi nhi vô bất vi chính là không làm gì đã là làm rồi. Tự nhiên nó thế sẵn rồi, không cải đổi, không phá Tự nhiên tức là đã làm điều ích lợi rồi. Nó giống như kẻ hậu đậu, vụng về, ngồi im đã là giúp giữ cho công việc được vẹn toàn vậy