Bức tranh "Mùa Đông"

Bức tranh "Mùa Đông"
Trong phòng triển lãm, tôi bị cuốn hút vào bức tranh ấy đến nỗi mấy hôm sau đều quay lại ngắm nhìn. Một bếp củi, ngọn lửa hồng ấm áp. Chiếc nồi đang sôi, xì ra mấy luồng khói. Mọi thứ cạnh bếp đều lờ mờ trong ánh lửa bập bùng. Chiếc đèn dầu le lói đằng trước mấy cái chai cao thấp. Trên chiếc ghế con, một cái khăn vuông len bỏ lại hờ hững vội vàng.

 

Trong phòng triển lãm, tôi bị cuốn hút vào bức tranh ấy đến nỗi mấy hôm sau đều quay lại ngắm nhìn. Một bếp củi, ngọn lửa hồng ấm áp. Chiếc nồi đang sôi, xì ra mấy luồng khói. Mọi thứ cạnh bếp đều lờ mờ trong ánh lửa bập bùng. Chiếc đèn dầu le lói đằng trước mấy cái chai cao thấp. Trên chiếc ghế con, một cái khăn vuông len bỏ lại hờ hững vội vàng.

Ngoài ô cửa, mặt trời đã lặn. Dải làng xa in đậm một vệt đen sẫm nhấp nhô. Những bóng nhà, bóng cây cũng như đang xiêu theo chiều gió bấc. Nền trời xám xịt, nhưng cao hơn nữa có vài dải mây tan tác theo gió và mép viền của nó ánh lên sắc vàng quái đản. Một cành cây khẳng khiu chìa ra ô cửa như đang cố sức níu kéo lại vài chiếc lá mỏng manh.

Toàn bộ bức tranh ẩn chứa sự day dứt, xung đột giữa các gam màu lạnh của buổi chiều đông chạng vạng với bếp lửa ấm áp. Hơi ấm từ bếp lửa hồng, từ luồng hơi nước và từ chiếc khăn phụ nữ như có sức mạnh lan tỏa thầm kín từ trong tận cùng của góc tối bức tranh. Chắc người phụ nữ vừa mới đứng dậy, vẫn còn quanh quẩn đâu đây với những bận bịu của một bữa cơm thường ngày. Có lẽ sắp có tiếng hát, tiếng nói, tiếng cười; và người phụ nữ trở lại, nhặt khăn choàng lên đầu, chụm củi cho bếp sáng hơn, mặc cho gió bấc ngoài kia cứ thổi và ánh ngày tắt hẳn.

Người họa sĩ ngồi trầm ngâm. Tôi đánh bạo đến bên anh bắt chuyện.

-  “Bán được nhiều tranh không anh?”

-  “Bán mất ba bức rồi.”

Tôi nghe như có chút ngậm ngùi trong câu trả lời.

-  “Sao có bức anh ghi giá tiền, có bức lại không, như bức “Mùa Đông” ở kia?”

-  “Không ghi giá vì tôi không bán”.

-  “Thế ư! Tôi cứ tưởng bày ra đây là bán tất. Tôi mù tịt về hội họa thế nhưng tôi cứ thấy có gì đó là lạ trong bức “Mùa Đông”.

-  “Vâng, tôi để ý mấy lần anh đến chỉ để xem nó thôi”.

Chiều hôm đó, ngồi bên nhau trong quán nước, anh đã kể tôi nghe kỷ niệm anh vẽ bức tranh này.

“...Đó là mùa đông năm 89, những tháng ngày ngắn ngủi ấy in hằn trong tâm trí tôi như một niềm day dứt khôn nguôi. Năm đó, tôi vừa tốt nghiệp trường Mỹ Thuật. Chắc anh biết cái cảnh sinh viên tốt nghiệp không có việc làm thời ấy ra sao. Sống vạ vật trong trường với mấy đứa khóa sau làm tôi chán ngán. Nhân lúc ông anh họ có căn nhà mới làm mà chưa dọn đến ở, tôi xin ở nhờ và coi nhà giúp luôn.

Căn nhà tôi ở nằm rìa một ngôi làng bên sông Tô Lịch với con đường nhỏ lát gạch nghiêng. Nhiều đoạn đường làng còn nguyên bờ rào cây xanh được cắt tỉa công phu, nhiều đoạn chênh vênh nhô ra bên bờ ao sạt lở. Những buổi chiều đông, sau hàng giờ lang thang trên con đường gạch mòn lõm, tôi lại trở về nằm dài trong căn phòng vắng lặng, la liệt sách báo, giá vẽ và lủng củng chai lọ. Của nả quý nhất của tôi là chiếc chăn dạ bộ đội và một chiếc ruột chăn bông cũ rích ố vàng. Tôi hay nằm ngắm bầu trời mùa đông xám bạc qua ô cửa, có cành cây đen xì nhô ra như vết nứt vỡ của bầu trời.

Một chiều đông như vậy, tôi gặp Lan. Đó là ngẫu nhiên hay duyên nghiệp, tôi không biết nữa. Có lẽ đường đời chúng tôi tiệm cận nhưng chẳng gặp nhau. Hôm ấy về đến nhà vừa cuộn mình vào tấm chăn trên nền gạch lạnh, tôi giật mình thấy một cái que đang khều đôi giày tôi để ngoài cửa. Lại mấy thằng nhóc hay đùa. Tôi nghĩ bụng và nhảy ra cửa định quát chúng một tiếng nhưng tôi khựng lại. Người đứng ở đó là một cô gái ăn mặc khá khêu gợi, nét mặt thản nhiên như không có việc gì. Tôi bắt gặp mình với cái miệng còn đang há hốc khi cô gái lên tiếng bắt chuyện.

-  “Chắc anh không nghĩ là em định ăn trộm đôi giày chứ?”. Kèm theo là một tiếng cười rất vô tư.

-  “Không… mà cô là… là…”. Tôi ấp úng không biết phải nói thế nào.

-  “Anh không biết em đâu. Còn em thì biết anh từ lâu rồi. Mà anh không muốn mời em vào nhà ư?”

-  “Ồ, vâng. Mà cô thông cảm. Nhà tôi chẳng có gì để ngồi cả”.

Tôi loay hoay kéo cải chăn dạ ra khỏi đống sách, trải ra giữa phòng mời cô ta ngồi. Lúc này tôi mới nhìn kỹ cô gái. Một gương mặt trái xoan xinh xắn, song nước da và đôi lông mày hình như đã từng được tỉa tót và son phấn thái quá cho nên khi không được trang điểm nom cứ dài dại. Tôi mơ hồ hiểu cô gái là ai.

-  “Em tên gì?” Cái tính thẳng ruột ngựa của tôi trở nên thô kệch.

-  “Em tên là Lan”.

-  “Nhà em ở đâu?”

-  “Em không có nhà”.

Sau mấy câu trao đổi, Lan kể tôi nghe em không còn cha mẹ và đã phiêu bạt từ quê lên thành phố từ hồi 11, 12 tuổi. Qua mấy năm bán nước chè ở ga kiếm sống, nhưng một đứa con gái lớn thì không thể cứ bán nước mãi ở bến tàu. Cuối cùng, em rơi vào tay một thằng ma cô chăn dắt. Tháng trước hắn sốc thuốc chết ở khu vệ sinh công cộng, mấy cô gái như Lan đột nhiên được tự do.

-  “Chắc anh không nhớ em đâu. Đã có lần, em ngồi làm mẫu cho các anh vẽ. Em biết về anh qua các bạn của anh. Em nghĩ là anh có thể giúp em được”.

Lan vừa nói vừa cố tránh nhìn tôi, người hơi co lại vì lạnh. Tôi lặng lẽ nhìn cô gái. Tôi có thể giúp cô gì được trong cuộc đời này. Cái thân tôi cũng vật vờ trôi dạt, không biết ngày mai sống bằng gì và sẽ ở đâu nữa là. Lan ngước nhìn tôi, tiếp tục bằng một giọng ngập ngừng:

-  “Em muốn… anh cho em ở nhờ”.

Chẳng hiểu sao nỗi buồn bực trong lòng tôi trào lên. Ở nhờ ư? Có phải nhà tôi đâu. Nhà chỉ có hai gian thông thống, như thế có tiện không? Lại mấy ông bạn bẻm mép thỉnh thoảng sách rượu đến bù khú nữa chứ.

-  “Em đến ở đây… có phiền đến anh lắm không? Nếu phiền quá thì thôi. Em có thể tự lo liệu được”.

 Nói rồi Lan chậm chạp đứng dậy. Bên ngoài trời sập tối, thành phố đã lên đèn. Quầng sáng trung tâm hắt lên bầu trời mây thấp như sắp đổ sập xuống đầu. Cái lạnh buổi chiều đã chuyển thành cái rét buốt của sương đêm. Tôi đứng phắt dậy, vô cớ trở nên gay gắt.

-  “Cái nhà này, tôi ở nhờ. Cô thấy rồi đấy, chỉ có thế này”. Tôi khoát tay chỉ hai cái chăn và đống sách. “Nếu cô ở được thì cứ tự nhiên”.

Nói rồi tôi lẳng lặng nhặt cái áo khoác đi ra khỏi cửa. Đúng lúc ấy, không hiểu tại sao tôi quay lại nhẹ nhàng bảo Lan: “Em cứ đóng cửa đi ngủ đi, Anh có chút việc phải vào trường”.

Chiều hôm sau, tôi về nhà. Mọi thứ trong nhà thay đổi đến không ngờ. Với bản tính lam làm của một đứa trẻ sớm lam lũ, Lan đã đi xin rơm ở đâu và làm hai chiếc ổ rơm ở hai góc nhà. Góc phía Lan đã căng một tấm vải che kín đáo. Một chiếc va li cũ kỹ cũng được kê tươm tất ở đó. Giá vẽ, sách vở của tôi cũng được xếp lại ngay ngắn bên cạnh một tấm gỗ kê mấy viên gạch như một chiếc bàn. Lan trong bộ đồ ở nhà đứng nhìn tôi, nửa như thăm dò, nửa như muốn khoe kỳ công của mình. Tôi không biết nên khen xã giao hay nên cau có vì nếp sống của tôi đã bị đảo lộn. Cái đói đưa tôi về hiện thực. Chắc cô ta cũng chưa ăn gì. May có ít tiền công trang trí cho quán cà phê đầu Ô vẫn còn trong túi, tôi đưa cho Lan:

-  “Em cầm đi mua cái gì về ăn. Anh đói lắm rồi”.

Lan bước ra ngoài. Tôi lại gần cái ổ rơm của tôi. Trên lớp rơm là tấm chăn dạ, êm và ấm hơn nhiều chứ không lạnh như trải ngay lên sàn. Trong lúc mơ màng, tôi cảm thấy đôi giày được lột ra khỏi chân và một bàn tay đẩy tôi nằm ngay ngắn lại. Tôi nghe tiếng cơm sôi, tiếng hát khe khẽ và mùi trứng rán bốc lên ngào ngạt. Tôi mở mắt. Lan đã kiếm đâu được chiếc nồi, lượm đâu được ít củi và đặt bếp ngay ngoài hiên nhà. Hơi bếp tỏa ra làm cho căn phòng bớt lạnh giá. Bất giác, tôi nhớ lại một khoảnh khắc nào thời thơ ấu, mẹ tôi nấu bằng bếp củi trong nhà. Hai đứa em tôi vui vẻ nô đùa. Hơi ấm cũng râm ran lan tỏa như vậy.

-  “Dậy ăn cơm đi anh”.

Lan nói nhỏ nhẹ. Có lẽ cô ta biết tôi không ngủ. Chúng tôi ăn cơm. Bát đũa không có. Tôi dành cho Lan cái thìa duy nhất trong nhà, còn tôi thì dùng hai cái cán bút bi. Một bữa cơm lạ lùng nhưng ngon lành. Tự nhiên, lúc này tôi trở nên lắm lời.

-  Lan giỏi thật, thế mà vẫn có cơm ăn. Mấy tuần nay anh mới có một bữa cơm nóng sốt như thế này.

Lan không nói gì chỉ tủm tỉm cười. Sau bữa cơm, mỗi đứa về ổ rơm của mình. Tôi rút thuốc lá ra hút. Có lẽ mùi khói thuốc làm cô ta khó ngủ hay sao ấy mà thỉnh thoảng lại trở mình.

Bữa cơm đầu tiên cũng là bữa cơm duy nhất hai đứa cùng ăn. Cả tuần tiếp theo rất ít khi chúng tôi gặp mặt. Nếp sống của chúng tôi quá khác biệt. Tôi thì đi cả ngày, còn Lan đi cả đêm. Nhiều buổi chiều tối tôi về thì Lan đã đi rồi. Bao giờ Lan cũng sắp sẵn mâm cơm cho tôi để đó. Lan đã mua thêm mấy thứ đồ dùng. Còn tôi, giữa mùa mưa phùn gió bấc, chẳng làm gì ra tiền. Nếu không có Lan thì chắc tôi phải sống vạ vật vào mấy thằng bạn cùng cảnh. Tôi sống nhờ vào Lan, nhờ vào những đồng tiền Lan kiếm được bằng cách gì chắc ai cũng hiểu. Thỉnh thoảng có hôm gần sáng, Lan về bơ phờ như một kẻ vô hồn. Chúng tôi ít nói chuyện với nhau, những lúc như vậy càng tránh thốt lên lời.

Tôi không biết ngượng ư? Tôi căm ghét tôi ư? Tôi nên nói với Lan lời biết ơn ư? Tôi nên giao giảng cho Lan nghe những lời cao đạo ư? Tôi không hiểu điều gì đang diễn ra trong đầu mình, tôi im lặng. Lan cũng im lặng, Lan vẫn nuôi tôi những ngày ấy. Không biết Lan có kinh tởm tôi không?

Những lúc đi kiếm việc vẽ thuê, kẻ biển hay những giờ lang thang vô định, trong tôi luôn dạt dào nỗi khát khao sẽ vẽ được tác phẩm tầm cỡ. Tác phẩm ấy tạo dựng tên tuổi cho mình, tên tuổi kéo theo sự giàu có. Mình sẽ sống đế vương, sẽ tiếp xúc với giới tinh hoa của xã hội, sẽ có những cảm xúc thanh tao, đẹp đẽ; sẽ có thêm những tác phẩm siêu việt, sẽ đoạn tuyệt với cuộc sống hèn kém này.

Ý tưởng của tác phẩm tầm cỡ đó là gì, tôi không biết. Tuy nhiên, có lúc tôi mơ hồ cảm thấy nó chờn vờn đâu đó bên cạnh tôi, nó thúc ép tôi cả trong mơ và khi thức. Tôi như bị trôi dạt giữa cái thực và cái ảo, nó có thể ở gần mà cũng xa xa lắm.

Chiều hôm ấy, trong buồn bã vô vọng, tôi trở về nhà. Đợt gió mùa đông bắc vừa ngớt. Bầu trời đôi chỗ quang mây lộ ra những mảng xanh hiếm hoi. Không gian vàng úa vắng lặng như đang chờ đợi một điều gì. Lan ở nhà đang gấp mấy chiếc áo vừa phơi khô.

-  Anh ốm phải không?

Nhìn thấy bộ dạng tôi, Lan chợt ngẩng lên hỏi. Ánh mắt sáng lên dịu dàng. “Chiếc áo bục chỉ em đã khâu lại đây này”.

-  “Ừ”.

Tôi vẫn cố ít lời như mọi khi. Chiều đó, Lan lại nấu cơm muộn. Mấy tia lửa hồng hắt bóng Lan lung linh trên tường. Cảm xúc hôm nào lại trào đến. Tiếng gió bấc rít lên, ánh lửa bập bùng, mùi khói và hơi ấm lan tỏa… Phải chăng, đó là điều mà tôi không thể chộp bắt bấy lâu nay. Tôi bật dậy, vồ lấy cây bút chì và tờ giấy. Bóng người mẹ hay người con gái, không biết. Đường nét một người phụ nữ, thế thôi. Không, cũng không cần thiết. Chỉ cần hơi ấm của người phụ nữ, hơi ấm của bếp lửa là đủ. Còn bên ngoài là chạng vạng chiều đông...

Những ý nghĩ ngắt quãng dồn dập đổ đến. Phác thảo về ý tưởng coi như tạm ổn. Chỉ mấy đường nét đơn sơ đã giải thoát tôi khỏi cái gánh nặng day dứt bao lâu. Niềm vui ào đến biến tôi thành kẻ lắm lời. Lan đứng đó vẻ hoảng sợ. Cô ấy không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Suốt bữa ăn, tôi huyên thiên độc thoại, cố nói cho Lan hiểu ý đồ trong tác phẩm. Đó chính là mẹ, là em, là hạnh phúc, là hơi ấm gia đình, là chỗ dựa của mỗi cá thể nhỏ nhoi trước mọi thách thức của cuộc đời...

Lan xúc động mạnh. Đêm, tôi nghe Lan thổn thức mãi trong góc của mình. Tôi có lỗi, tôi đã vô tình xoáy vào nỗi đau của Lan. Chúng tôi sống dựa vào nhau, nhưng chúng tôi đâu có thể can thiệp vào đời tư của nhau. Lan làm gì, suy nghĩ ra sao, tôi đâu có quan tâm. Chỉ đến lúc đó tôi mới hiểu Lan có một tâm hồn hết sức nhạy cảm và trong sáng. Tôi ngồi dậy đi về phía Lan.

-  “Lan! Anh chỉ muốn kể về tác phẩm của anh thôi. Nếu có điều gì không phải, làm cho em buồn…”

-  “Không”. Lan ngồi dậy nắm lấy tay tôi. “Anh rất tốt, anh đã làm cho em hiểu ra nhiều điều. Trước đây, em nghĩ rằng anh khinh em lắm”.

Anh họa sĩ trầm ngâm như hòa tan vào kỷ niệm xa xôi. Tôi im lặng không dám làm xáo động dòng suy tư của anh, mặc dù rất muốn biết câu chuyện tiếp tục ra sao. Tôi vụng về xoay lại tư thế ngồi. Tiếng động làm anh họa sĩ như chợt tỉnh và kể tiếp:

“Đêm hôm ấy, chúng tôi ở lại bên nhau. Tôi phát hiện ra rằng tôi yêu Lan. Anh biết đấy, cánh họa sĩ chúng tôi rất mê cái đẹp, mà phụ nữ thì đương nhiên là thuộc về cái đẹp rồi. Thế nhưng cũng lạ là đối với Lan, bằng ấy ngày gần nhau mà tôi không hề có mảy may ham muốn, thậm chí có nhiều lúc còn thấy ngại cô ấy nữa. Chỉ đến đêm ấy tôi mới hiểu là mình yêu. Tình yêu có khi bộc lộ trong hoàn cảnh đau xót như vậy đó anh ạ”. Rồi anh kể tiếp:

“Sáng hôm sau, tôi hối hả mang phác thảo vào trường, căng khung vẽ. Tôi vẽ một mạch cả đêm không nghỉ. Bức tranh hoàn chỉnh không phải cạo xóa gì nhiều. Ý nghĩ đầu tiên của tôi sau khi hoàn thành bức tranh là đem về cho Lan xem, nhưng lúc đó còn lâu mới sáng. Mấy cậu đàn em xúm lại bình luận, chúc mừng rồi lôi nhau đi uống rượu. Khi tôi về, nhà cửa vắng tanh. Chiếc va li cũng không còn ở góc nhà nữa. Trên tấm chăn của tôi có một tờ giấy với mấy hàng chữ to, xiêu vẹo:

“Anh! Em rất cảm ơn những gì học được ở anh. Em phải làm lại cuộc đời mình. Anh đừng lo gì cho em cả và cũng đừng tìm em. Em sẽ tìm anh khi nào có thể. Chỉ tiếc lúc ra đi không gặp được anh. Em không bao giờ quên anh.

Em Lan.

À quên, em xin anh cuốn lịch tay mà anh vẽ bông hoa lan lên đó. Anh vui lòng nhé”.

Ngừng một lúc như cố nhớ lại, anh họa sĩ kể tiếp: “Tôi bước ra khỏi cửa, đi lang thang theo những ngõ ngách đường làng gạch cổ. Lan ơi, em đi đâu? Mà tại sao cứ phải đi đâu mới làm lại được cuộc đời? Cuối đợt gió mùa, nắng rát mặt mà sao cơn lạnh tái tê cứ dần dần nuốt lấy cả người tôi. Có lẽ hơi ấm kia tôi đã cất trọn cả vào bức tranh ấy rồi”.

Tôi ngồi lặng khi hiểu ra tại sao lúc trước anh họa sĩ nói “bán mất ba bức rồi”.

Bùi Đại Dũng