Cao Ích Mẫu huyền kỳ
- Thứ năm - 05/12/2024 19:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
CAO ÍCH MẪU HUYỀN KỲ
(Truyện ngắn của Hoàng Liên Sơn)
Minh biết mẹ mình từng “xịn sò” muộn thế, bởi lúc sinh nó thì chị Nếp đã thôi làm lãnh đạo xã. Năm bảy bảy, khi xã chị sáp nhập với xã trên làm một, địa giới từ tiếp giáp một tỉnh lên hai; cùng với rất nhiều cái mới phải căn ke hài hòa đại diện khu bao nhiêu dân ngồi ghế gì. Mạn tây bắc bí thư thì đằng đông nam phải chủ tịch chẳng hạn. Bấy giờ việc vì dân thu nhập thấp mà chị lại tới lúc thừa danh nhưng thiếu tiền lo cho đàn con còn lít nhít, bèn chuyển sang hợp tác xã thủ công để làm thủ kho.
Chuyện xã cũ chỉ còn được nhắc tới ở các cuộc mít tinh ôn lại truyền thống ở hội trường ủy ban. Tuy nhiên, Minh vẫn hơi lạ bởi cả với nó mà cái xịn sò ấy mẹ cũng chẳng buồn nhắc. Nó chợt nhớ từ cái đêm duy nhất trong đời ở nhà người khác, mẹ nó chưa từng hỏi con đã ở đâu dù không ít lúc vui.
Giàu con út, khó con út. Mẹ lo cho các anh kiệt lực rồi nên nó không dám xin tiền học thêm, ôn thi ở lò nữa mà tự ôn rồi đỗ đâu học đó. Từ nửa ngày học nửa ngày làm, thi xong phải làm cả ngày. Hết mẹ nhường bố giờ đến nó nhường các anh, chả biết hay ở chỗ nào nhưng là truyền thống dân tộc! Truyền thống này hơi khác các đồng châu như Nhật với Hàn.
Sáng nay trong lúc đợi mẹ đi chợ về thì Minh chọn cói. Cái bó to một ôm tay chở về từ đồng cói ven biển được ngả ra, nhặt những thân mòng tức là bị sâu và đổi màu để riêng, rồi phân loại thành gốc to và bé theo tỉ lệ tương đương để chuyển cho người dệt. Việc nhẹ nhưng mỗi lần về thăm nhà, thằng anh cái Minh đang sinh viên ngành kỹ thuật cơ khí lại vật vã mãi không quen bởi lọc và loại đều trên cái căn cứ khá mông lung, không chắc chắn cụ thể như tiêu chí loại chi tiết máy phế phẩm.
Khi hai mẹ con đang người chao, người dập cùng bắt biên, thì bác y sĩ trong thôn ghé chơi. Hai bà trung niên trò chuyện về món nhiêu khê là kế hoạch hóa sinh đẻ và đình chỉ thai kỳ. Bỗng chị Nếp bảo “ngày xưa em uống mấy chai cao ích mẫu để đẩy thai ra mà nó có ra đâu”. Bác ấy trả lời uống ít chỉ ngang đấm bị bông, còn uống đẫy vào làm thai chết lưu rồi đi xử lý lại nguy hiểm hơn. Thà đến thẳng viện từ đầu.
Vẫn thoăn thoắt bắt nhịp với mẹ, nhưng Minh lởn vởn với cả đống câu hỏi; cái đứa “có ra đâu” ấy là mình hay một trong các thằng anh? Thằng cả hẳn là không phải rồi bởi được cả họ mong, chuẩn bị sẵn mấy cái tên đẹp để giai hay gái cũng ghi giấy khai sinh ngay được. Thằng hai chắc cũng không bởi bấy giờ cả dàn người lớn chỉ trông nom vài đứa trẻ. Thằng thứ ba giãn cách ra đã khá xa, có vẻ vẫn ít lý do để đẩy ra hơn nó!
Chả lẽ lại là mình ư? Mà có nhẽ thế thật? Tò mò lắm nhưng Minh không dám hỏi thêm bà mẹ ít nói.
*
* *
Nhập học, vào ký túc xá nằm giường tầng rồi, Minh vẫn ngẫm ngợi lan man về câu hỏi ấy mỗi khi rảnh rỗi, dù rằng kết thúc đã rất có hậu là “có ra đâu”. Nó giả dụ là cao ích mẫu hiệu quả, vậy đấy nên là nó hay anh kế mình?
Nếu đó là anh thì đến nó sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn, dù cũng thấy nghề đã chọn nhiều cái đáng yêu và gắn bó.
Còn nếu là nó, bao nhiêu ngày tháng oai nghiêm đứng hô cả trường thực hiện nghi thức đội; hay xách dép rồi chân trần chạy như múa ở rãnh giữa giữa các luống khoai sẽ không có. Nó sẽ ở đâu đó ngắm bọn bạn một cách thèm thuồng chăng? Hay sẽ sinh vào một nhà khác? Hay cứ ở rìa làng vô hình vô ảnh như bà nội bảo “ngày ấy mày còn ở bờ tre đống ốc”? Rồi đứa nào sẽ tới vặt hộ táo cho cụ Thân? Cái vị ngọt của táo ở miệng đứa ấy có giống ở nó không?
Xong lại giả sử bớt đi mình hay thằng anh thì mẹ nó sẽ sướng hơn? Có phép lạ nào đó cho mẹ được chọn lấy một, thì sẽ chọn ai? Nó có cần chứng minh với mẹ là nên chọn mình không?
Lại có lúc Minh nghĩ, sao không phải là vui mừng chào đón cả nó và anh? Và tự trả lời rằng mẹ nó đã quá sức bởi bố nó vẫn công tác biền biệt, mỗi bận về chẳng đến nỗi mang của nhà đi tiêu nhưng cũng không đưa vợ được là bao.
Rồi Minh ôn lại thái độ, tình cảm của mẹ dành cho mình. Rõ là khi nó được cử làm liên đội trưởng thì mẹ có vẻ vui. Lúc nó trở về sau một đêm ở nhà khác vì sợ mắc lỗi rồi ăn đòn, mẹ đã “ừ” khi nó lí nhí chào, không nửa câu mắng.
Chẳng bao giờ được nghe “mẹ yêu con” nhưng nó cũng chưa từng cảm thấy bị mẹ ghét. Thế thì chắc là cái cao ích mẫu kia chẳng phải đã dành cho nó. Lại nghĩ cũng chưa chắc, nhỡ do ân hận đã suýt hại con nên bù đắp để chuộc lỗi thì sao?
Rất ít câu hỏi có câu trả lời cuối cùng, nhưng Minh không mấy thiết tha với việc yêu đương bởi thấy một người “xịn sò” như mẹ Nếp mà còn khó khăn trong kiến tạo hạnh phúc gia đình thì nó càng chẳng tự tin. Làm quan sát viên tình ái của cả phòng, hoặc rảnh thì đến nhà trọ của anh trai chơi; Minh không chung kết nổi với giai đẹp nào bởi cứ trào lên chút cảm xúc lại nhớ nỗi vất vả của mẹ, nghĩ lúc này bà vẫn đang phải cặm cụi thoăn thoắt hai tay dù tới tuổi nghỉ hưu rồi.
*
* *
Từ năm học thứ hai, mỗi bận Minh về là chị Nếp kể về cánh thanh niên hay vào chơi nhà, cùng xã có mà tít dưới thị trấn cũng có. Cớ lý thì đủ loại, nào là bạn học phổ thông của anh con bác, nào là đang làm trạm cấp nước khu vực đi khảo sát nhu cầu của dân.
Thấy con ậm ừ không vồn vã, chị chuyển sang chuyện bác Xuân hàng xóm. Bác có đứa con gái làm ở Hà Nội, mỗi bận ốm đau không dám gọi vì ảnh hưởng tới công việc của con, mà phiền đến đứa cháu trong làng thì cháo lão mặn nhạt chẳng dám nhận xét. Nhất là đêm hôm ra ngoài sợ gió mà bảo chồng lấy cho cái bô thì ngượng. Minh càm ràm đã ốm còn ngượng gì chứ. Chị Nếp lại bảo đấy là còn có chồng ở gần để khi đỡ ngượng thì nhờ, chứ chồng ở xa chắc bò ra mà tự tìm bô.
Những chuyện tương tự rất sẵn và luôn mới mỗi lần Minh về. Còn nó nhìn cái sân thường phơi kín chiếu, nghĩ nếu về xã mà dạy thì cầm chắc khổ như mẹ thế này thôi.
Có hôm bà mẹ ít nói của nó còn nhắc tít tới ngày còn đi học, bài tập làm văn có mấy phần. Rồi trong phần kết luận hay kèm liên hệ bản thân. Minh hào hứng vâng dạ và cũng nhắc lại cái đoạn liên hệ bản thân khi làm bài về bài thơ Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa. Chị Nếp bảo thích thế, nhà thơ có khác, từ bé đã biết sắm cả ba vai chèo mua vui cho mẹ. Thêm rằng chắc là bấy giờ thôi chứ thời nay lấy đâu ra; lớn lên chúng nó lại chẳng theo nhau chuồn sạch.
Thì cái Minh bỗng men mén thấy câu trả lời cho câu hỏi mấy năm trước; ra là chẳng bị ghét, chẳng được yêu; nhưng được cần rồi. Vầng, nghe chuyện hàng xóm cũng cần liên hệ bản thân. Chả lẽ lại để ông anh hay bà chị dâu nào lo khoản bô cho mẹ.
*
* *
Nhận bằng, Minh đã định vào trường mầm non liên cơ của tỉnh làm việc, cũng là tương đối gần quê, và rất gần mẹ so với các anh trai.
Nhưng chưa kịp đến nộp hồ sơ đã có điện thoại của anh con bác gọi cho, bảo em có về dạy ở liên cơ thị trấn thì anh giới thiệu. Chị nói em có chỗ ở tỉnh rồi. Ông anh lại bảo thấy dì phàn nàn dạo này không còn được khỏe, nên tưởng em thích ở càng gần quê càng tốt.
Minh vâng dạ rồi về thăm nhà, bảo mẹ ơi yếu đau gì mà “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông” vậy? Bảo thì trong nhà ai thèm quan tâm đâu mà chả nói với ngoài ngõ. Minh nhìn mười ngón tay mẹ thoăn thoắt thu gạt các sợi cói, ngờ ngợ cái vụ đã cảm thấy yếu đi này, nhưng thấy cũng chả đáng căn vặn gì mà cho rằng chắc do lo xa quá thì bỗng dưng thấy yếu thôi. Lại nghĩ, thế là ngoài được cần có vẻ cũng có tí được yêu.
Trường cách mười lăm phút chạy xe nên hàng ngày Minh về ở với mẹ. Sau một thời gian phân rã dần ám ảnh về cái khổ, từ chối mối lo anh này lịch thiệp nhưng có bố bị sập bẫy đàn bà, anh kia hóa ra chân tình nhưng từng dám phát ngôn việc cưa cẩm xuất phát từ nhận thách đố… thì rút cục cũng chung kết với một anh tự doanh vật liệu xây dựng gần thị trấn. Nơi đây mặt tiền từng cơ quan long lanh với những miệng người thét ra lửa, nhưng ngả hậu um tùm cây cỏ với vài cái máy xúc hỏng để nhờ.
Khi người ta hai mươi, lại ngày mấy ca đun nước đãi khách; khó bao dung đến độ bỏ qua thiếu sót dù lãng nhách và chẳng hề nặng về đạo đức hay căn cốt.
*
* *
Nhà chồng gần nên thỉnh thoảng Minh lại chạy xe về thăm bố mẹ. Bỗng hôm nay chị không thấy bà Nếp đâu, chỉ có ông lật đật chạy từ vườn ra. Minh hỏi:
-
Bố đào cỏ vườn để trồng gì à?
-
Mình bố có ăn mấy đâu mà trồng.
-
Ồ thế mẹ con đâu?
-
Bà ấy lên thành phố trông con cho thằng cả rồi.
-
Vậy bố còn dọn cỏ làm gì?
-
Thì mẹ mày dặn phải dọn để rắn rết không kéo về ở.
-
Vậy bố ăn uống thế nào?
-
Nấu một lần ăn hai bữa, nhưng mấy nay chuối chín cây nhiều quá nên có bữa bố ăn trừ cơm.
Chị dặn dò ông không được đi thể dục sớm mà cứ đợi nắng rọi thềm rồi hãy ra khỏi nhà. Còn cỏ cứ để đấy con sẽ giải trình với mẹ. Lại tự hỏi thực chất mình được cần hay được yêu trong lòng mẹ đây? Vẫn trông nổi cháu thì còn lâu mới cần, mà nếu yêu đã chẳng đi không hẹn ngày về với chị.
Chị đâu biết, ngoài cần và yêu bà Nếp còn có một nỗi bất an về cái đáo để ngầm của con. Năm lớp bốn, thấy cứ mía ngon mẹ để dành bán còn ăn mấy cây sâu xi, nó bèn mách mẹ có cây chắc bị gà nhảy lên làm gãy. Thì ăn thôi, nhưng mấy ngày sau Minh mới nói lại với chị mình là thủ phạm. Giữ ở gần, khi cần chị còn phản ứng kịp; cái cần nó ở hai chiều!
*
* *
Còn son, Minh ăn uống sao cũng được. Lớp ngôn ngữ của mẹ chồng làm kinh doanh có phần không êm tai nhưng chị hiểu cả ngày người ta quần quật với hô hào bê lên đặt xuống các tải xi măng bụi mù thì cũng chẳng nên xét nét.
Dẫu vậy, không có nghĩa là dăm ba câu bóng gió chì chiết không đọng lại trong chị. Và cái hiện thực từ khi chị mang bầu thực đơn vẫn không có gà qué gì chả phải như nước đổ lá khoai. Rồi bảng so sánh với thực đơn của bà chị dâu mang sẵn bụng bầu về giường cưới thì vẫn kẻ. Chị cũng mặc xác sự lép vế của họ trong vụ nếu không vì trót có cái bầu ấy thì gia đình chị kia nhất định chẳng gả vào nhà nhiều tiền ít chữ.
Một ngày nọ cô người làm thì thụt mách rằng nhà chị bị mẹ chồng đánh giá “tưởng có gì mà hóa ra chả có gì”. Vậy là tối ấy chị lễ phép mời bà uống nước thưa gửi con có nhời cần thổ lộ. “Mẹ ạ, nhà con quả là chả có gì, nhưng con chẳng vác bụng theo không về nhà này mà mẹ đã phải đội lễ lên đầu đến nhà con xin xỏ cẩn thận. Và dẫu không có gì thì mẹ con cũng chẳng tháng tháng phải long l… đi lo trả nợ ai đâu”.
Cũng tru tréo méo giật ầm ĩ từ bà, quát tháo ra oai từ ông đang ở tầng trên, nhưng rút cục êm thắm. Bà mẹ chồng thấy Minh xinh xẻo nhưng nhu mì nín nhịn trong thời gian dài, nên rất bất ngờ với thái độ gay gắt ấy. Bà không biết Minh đã hết tom góp sự nể trọng của tha nhân từ khi biết mình suýt bị cao ích mẫu di dời khỏi lòng mẹ. Suy cho cùng ai dám khoe khôn với mấy chai cao ích mẫu?
Nhưng động đến cha mẹ chị lại là điều mà Minh thà hy sinh tương lai dự là sáng hơn, lộn về cái thị trấn còn rất xập xệ này và giữ. Chị chợt bừng ngộ mình chính là đứa “có ra đâu”. Bà Nếp vừa mong cái hĩm vừa sợ vớ thêm thằng cu nữa nên chắc là liều dùng lơ lửng. Chị tặc lưỡi tự an ủi đứa chết hụt thường sống dai.
Minh thấy cái tên thuốc thật oái oăm, chìa đoạn thiện lành ra còn cất biến mẩu hại tử.
Tháng 10 năm 2024