Sản phụ và CPU
- Chủ nhật - 24/11/2024 11:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
SẢN PHỤ VÀ CPU
(Truyện ngắn của Hoàng Liên Sơn)
Dù đã mang bầu đứa thứ hai, Minh vẫn thuộc loại “ma mới” ở trung tâm văn hóa thể thao hàng huyện này. Theo luật bất thành văn, bà bầu cũng không ngoại lệ nên chị vẫn phải bê hơn chục cái ghế đại biểu từ tầng trệt lên tầng hai trong ngày chạy Olympic phát động phong trào toàn huyện. Không ai nỡ bảo chị để đó họ làm hộ, rồi đi pha nước cho nhẹ nhàng hơn.
Quét xong cái sảnh và cái sân đàng hoàng đồng nghĩa với rộng rãi, chị ngồi thở, nhớ những ngày còn học cao đẳng trên Hà Nội, mỗi lần tới chơi với anh trai và nhóm bạn chẳng phải chợ búa nấu nướng gì. Ăn xong không ai khiến rửa bát. Anh Hải sinh viên trường y có bận còn đạp xe cả chục cây số đến chỉ để dặn không đủ thể lực hiến máu đâu nên đừng có nghe theo người ta hô hào.
Chị đi ăn trưa cùng đồng nghiệp rồi báo cáo chú giám đốc cho nghỉ ngày mai để đi khám định kỳ.
Sau bữa tối chị bỗng thấy có dấu hiệu rò ối; bèn giục Quang chồng chị gọi xe đi bệnh viện tỉnh ngay, không quên mang theo ít đồ cũ của thằng Đăng con đầu, vừa lấy khước vừa là tiết kiệm. Nơi đây giờ trang thiết bị đã khá hiện đại và y bác sĩ trực đêm đầy đủ nên chị được đưa vào siêu âm ngay mà không phải chờ. Kết quả nước ối trung bình, chị thong dong nhập phòng hộ sinh chờ cơn chuyển dạ.
Chị ít hồi hộp có phần bởi đây cũng là nơi chị sinh thằng Đăng dăm năm trước. Vẫn nhân viên hợp đồng nên dù sinh ở huyện hay tỉnh chị cũng không được bảo hiểm xã hội hỗ trợ chi phí nào. Theo phương châm “độc lập tự do miếng to thì gắp”, nên chị “vượt tuyến” thêm hẳn một nấc “dự phòng” cho chắc, chứ cũng nhớ cả ba anh em tới chị là út chỉ cần ra trạm xá xã là yên tâm rồi. Đằng này lại còn siêu âm bốn chiều, biết anh cu ngôi xuôi, ít quậy, không tràng hoa quấn cổ hay món oái oăm gì thì “chốn cũ ta về” là ổn.
* * *
Sáng ra, chị chủ động xin kiểm tra lại ối thì đã cạn! Chị nhắc Quang đi gặp bác sĩ báo cáo tình hình và xin mổ sớm nhất có thể. Bác sĩ trực hỏi về lần sinh đầu. Anh thật thà nói cháu nặng ba cân tám và đẻ thường. Câu trả lời là nhất định không mổ vì ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của chị mà chả cần thiết. Con so còn đẻ thường được thì nên cố gắng.
Từng phút, rồi tới hàng giờ qua đi. Cơn chuyển dạ vẫn không tới.
Minh vốn học ngành sư phạm mẫu giáo và đã làm bảo mẫu cho trường liên cơ mấy năm. Trường lớp ấy cũng đủ cho chị có kiến thức sơ giản, không có nước ối là đứa trẻ không có môi trường sống. Nhưng biết làm sao ngoài chịu đựng bây giờ? Chả lẽ chị đôi co với bác sĩ về chuyên môn của họ hay sao? Bằng cấp của họ còn hơn cả thầy dạy chị môn ấy!
Có ông cậu trước làm trưởng khoa ngoại của bệnh viện này lại mới mất nên giờ chị chẳng biết gọi ai. Nghĩ tới phiền con cái ông thì các anh chị ấy cũng rời đi sống và làm việc ở xa cả rồi.
Tới khoảng hai giờ chiều, chị lại đòi mổ. Bác sĩ vẫn im lặng! Là im với chị thôi chứ anh ta vẫn hót như khướu cùng đồng nghiệp giờ mua đất khu nào thì ô tô vào tận cửa.
Quãng bốn giờ, chị gằn giọng nếu con tôi làm sao sẽ bắt đền cả ca trực này. Vẫn không nói gì với chị; nhưng họ bắt đầu bảo nhau truyền dịch, đặt thuốc hậu môn cùng là cho uống. Dùng đủ kiểu kích thích nhưng cơn đau đẻ vẫn rất mờ nhạt, với sinh môn chỉ mở hơn ba phân.
Chắc đã hết cách, chị hộ sinh buộc phải rạch tầng sinh môn và luồn tay vào bắt em bé. Minh đã nghe tiếng khóc của con, nhưng đứt đoạn rồi nhỏ dần, khác hẳn tiếng ré lên của anh nó. Chị chỉ thoáng nhìn thấy nó khi hộ sinh giơ lên trước mặt, bảo con em yếu nên cần chuyển sang phòng nhi luôn.
Quang xin phép thỉnh thoảng vào thăm con, báo với chị là bé đã trong lồng ấp.
Vài giờ sau chị bắt đầu cảm thấy đau từ vết rạch đã được khâu lại. Không thể ngồi, đứng thẳng hay nằm vì đều rất đau, nên chị cứ vịn tay thành giường mà lom khom; chẳng dám khóc bởi nhớ người ta đã cảnh báo trước là sẽ rất hại sức rồi. Chị nghĩ, hại cũng phải chịu chứ chả lẽ để con yếu thêm nữa sao? Rồi nhỡ thành cả đời nó yếu thì sao? Lại bàng hoàng tự hỏi, biết đâu những bàn tay đỡ đón hài nhi ở đây, lúc ra phòng khám tư cũng thường làm thủ thuật chấm dứt thai kỳ?
* * *
Tám giờ sáng hôm sau chồng chị báo các cô hộ sinh mang bé ra tắm. Một lát anh lại vào bảo mẹ mày ạ, con đang thở khò khè và có vẻ yếu thêm!
Minh càng lúc càng bất an. Và thêm một lần thấy Quang báo con yếu thêm thì chị giục chồng làm thủ tục xin chuyển bé lên viện nhi trung ương.
Bác sĩ bảo cứ ở đây sau vài ba ngày là bé sẽ ổn. Họ cũng nói nào là trên đó có máy móc thuốc thang gì thì ở đây cũng có, nào là giờ đi thì có con không mẹ vì vừa mổ thế mà di chuyển ngay sẽ có cơ đứt chỉ chảy máu và đi thế thì con bú bằng gì, nào là đã đi mà có sao ở đây sẽ hết trách nhiệm.
Nhưng Minh không chùng xuống mà tiếp tục giục chồng hãy tìm cách. May thay có anh cán bộ hành chính của khoa người cùng huyện xởi lởi giúp đỡ nên non trưa thằng bé được lên đường, sau khi mang tên cũng là Quang! Về nguyên tắc là khi chuyển tuyến mẹ phải đi cùng con, nhưng các chú bên trung tâm cấp cứu thương và lo chị bị băng huyết nên để chị ở lại.
Sau này nghĩ lại, Minh mới lần lần nghĩ dường như trong mình có một cái CPU nạp và xử lý rất nhanh hàng loạt dữ kiện đầu vào để rồi ra cái quyết định dứt khoát ấy; chứ lúc đó có ai hỏi vì sao chị cũng không trả lời rành rẽ được, trừ cái tên thằng bé bởi đã thuộc lòng.
Lúc siêu âm, biết là con trai chị hỏi thằng Đăng thích em tên là gì? Ngẫm ngợi một lát, nó bảo con là Trần Minh Đăng gồm cả phần họ của bố, tên của mẹ rồi; vậy đặt tên em là Trần Minh Đăng Quang. Chị ừ bảo vậy cho thành vòng tròn quấn quít. Chị đặt tạm lúc cần ghi gấp vào giấy chuyển viện thôi chứ biết là còn cơ hội để đổi.
* * *
Khi xe tới nơi thì trưởng khoa đã chờ sẵn và bế thẳng thằng bé vào phòng cấp cứu. Chị là bạn chị Quyên, vợ anh Thành, con chú con bác với Minh ở quê. Mỗi ngày thằng bé được các bác sĩ hội chẩn mấy lần. Sữa xin được từ bà chị họ nhà khu chợ Mơ cũng đang nuôi con thơ.
Nghe Quang gọi về báo, Minh tạm yên tâm và thục thân ăn uống như thể thi đua cùng thằng bé, mong sớm bình phục để lên với nó. Chị buộc phải vắt sữa ra liên tục để không bị tắc tuyến khi gặp được con, và cũng uống luôn để sức lực thêm chút nào tốt chút nấy. Khi khám vết mổ và khâu, thấy tạm ổn thì bác sĩ cho về nhà để tiện chăm sóc.
Chị gạ thằng Đăng uống sữa mẹ. Nó thử một lần rồi từ đó thôi tịt.
Cảm giác đau của chị giảm dần. Nhưng từng ngày Quang vẫn gọi về cho chị truyền đạt rằng bác sĩ nhắc phải sẵn sàng hậu sự cho con! Mẹ chồng chị đi xem bói khắp nơi để tìm kiếm mối manh về tương lai của nó. Nếu mối manh xấu lại đi xem thầy mới. Ông bố chồng từng làm nghề mộc cả ngày bần thần, nghĩ tới nghĩ lui về việc làm cỗ hộp cho cháu bởi chẳng nơi nào có sẵn để bán, rồi bảo chị thôi nếu có bề gì bố làm loáng cái cũng xong. Ông chẳng bao giờ ngờ nghề cũ đắc dụng theo cái cách này!
Ở quê xem, trên Hà Nội cũng xem. Anh Thành quen một ông thầy phong thủy rất giỏi, nhân gặp nhau thì kể chuyện khủng hoảng của gia đình. Ông xem rồi bảo giờ sinh hơi phạm, nhưng cái tên đã được đặt rất đẹp và rất hợp, sẽ cứu thằng bé nên đừng đổi. Hãy kiên nhẫn và tìm thêm mọi cách để mà cứu cháu bởi mệnh nó chín sinh một tử. Nếu qua được năm ngày là nó sẽ ở lại với mẹ.
Khi Thành về kể với vợ, là lúc chị mới đi siêu thị mua sẵn túi to và đồ dùng sơ sinh mới, phòng phải thay hết đồ cũ của thằng Đăng mà mang về, kiêng cho nó. Chị tức tốc đến khoa, tỉ tê tâm sự với y tá và điều dưỡng đang chăm bé, thì một cậu điều dưỡng rỉ tai còn có loại thuốc đặc dụng, nhưng phải đề đạt với lãnh đạo khoa chứ anh không quyết được. Chẳng phải trình độ bác sĩ non yếu gì, chỉ bởi nhiều khi quá bận người ta không quán xuyến xuể, không nắm hết mọi tài nguyên mình có mà thôi.
Sau mũi tiêm đầu tiên, thằng bé đã giảm nôn. Sau mũi thứ hai, các chỉ số sinh tồn hiển thị trên máy dần được cải thiện!
Sau năm ngày Minh tạm đủ thể lực để lên Hà Nội, được người nhà đưa đến dòm. May nó nằm gần cửa sổ nên kiễng chân thì chị cũng nhìn thấy loáng thoáng. Bắt gặp, cậu điều dưỡng bảo có thể vào thăm một chút nhưng phải choàng kín đồ vô trùng. Minh gật gật, máy móc làm theo mọi chỉ dẫn trong im lặng. Khu chăm sóc đặc biệt sáng đẹp long lanh như vừa bứng nguyên tòa từ Tây sang đặt xuống. Mỗi phòng mười lồng ấp thẳng lối hàng như một đội quân đang miệt mài chăm sóc các VIP.
Tới chỗ thằng bé, chị đứng ngây người, ứa nước mắt nhưng kìm tiếng khóc. Chẳng bao giờ vừa soi gương vừa khóc, nên chị không ngờ mình đang mang một vẻ đẹp rất lạ. Cậu điều dưỡng liên tưởng tới những bông hồng còn đọng sương mai, tủm tỉm hỏi chị có muốn bế cháu không? Minh chỉ cười mà không biết nói gì, như thể cái CPU đã bị đơ.
Cậu bảo vài giây thì được, rồi thận trọng mở nắp lồng, gỡ một số cái dây rồi bế bé lên trao cho chị. Ôi, những giây đáng nhớ suốt đời của con; à không, của mẹ, vì con chưa biết nhớ! Chị nhận ra cái đầu thằng bé hơi bẹt và méo, chắc do bản năng xui khiến nó xoay mặt về hướng cửa sổ có ánh sáng, rồi giữ miết thế nằm.
Chị ngẩn ngơ chẳng biết mình đang làm gì hay nên nói gì, chỉ nghe tiếng cậu điều dưỡng đều đều “như này là cháu đã vì yêu mẹ mà rất kiên cường đấy, chứ mấy hôm trước thì thật không biết tả cháu thế nào!”.
Sau vài chục lần của vài giây; cậu ấy đưa bé lại lồng, cắm trả lại các ống và đứng chờ các máy hoạt động ổn định trở lại, hiển thị thông số bình thường rồi mới rời đi, trả lại sự yên tĩnh cho bọn trẻ. Chị nghĩ, với một điều dưỡng như này chắc sẽ không tắm cho trẻ khi nó đang yếu.
Qua mười ngày thằng bé được bỏ bớt các loại dây loằng ngoằng khắp người và bú mẹ trực tiếp.
Anh sinh viên Hải năm nào giờ là bác sĩ chuyên về chấn thương chỉnh hình tới thăm cháu. Chị thun thút kể lúc ở tỉnh; khua tay phác cử chỉ tả cái lúc người ta rạch tầng sinh môn, đủ gần để anh có thể hình dung, đủ xa để đảm bảo tế nhị; chỉ thấy đây là ông anh thân gần chứ nhãng luôn chuyên môn của người đối diện.
Nghe chị tường trình, anh cũng nói lượng sinh viên ngành y được đào tạo hàng năm tăng rất ít so với các ngành khác. Thế nên bệnh viện tuyến dưới dù máy móc chẳng thiếu gì, nhưng thiếu người biết vận hành khai thác. Vẫn chụp ra cái phim xương ấy, người này thấy gãy người kia bảo rạn. Năng lực có hạn lại thêm cái tự ngã to đùng, chỉ muốn chứng minh mình đúng nên nước đến bẹn rồi mới miễn cưỡng nhảy.
Anh thắc mắc sao chị vốn nhu mì mà giờ đáo để phết? Chị cười bảo chắc do lây từ Quang và họ hàng, toàn dân bê đầu chợ bán cuối chợ.
Cái CPU của chị đã nạp vào cả những điều trong tiềm thức, rằng nếu đi thì có thể gặp những gì lúc đó còn vô biểu như sữa của người thân, thuốc đặc trị và bác sĩ với trình độ vượt trội; chứ cứ ở nhà thì mọi tài nguyên đã huy động. Tiềm thức cũng mách rằng khi đã làm hết cách, con có bề nào chị còn được thanh thản dẫu trong đớn đau.
* * *
Thêm hai mươi ngày theo dõi, rồi thằng bé được về nhà. Bạn đồng nghiệp hỏi thế có xuống kiện bác sĩ không? Chị cười bảo lỗi nhận định của họ quá rõ, hậu quả cũng lù lù, nhưng rồi con sẽ khỏe bù đến đủ. Có lẽ họ cần nâng cấp cái CPU để xử lý mớ kiến thức và kinh nghiệm hiệu quả hơn.
Bạn lại hỏi thế giờ bố Quang con Quang thì gọi làm sao? Chị bảo thành ra giờ chẳng dám quát con. Mỗi khi gọi nó còn phải chu đáo thêm cái tên đệm vào.
Tháng 10 năm 2024