Đông phong hay Xuân phong

Đông phong hay Xuân phong
Từ xưa, ở Trung Quốc, gió thổi vào mỗi mùa đều có đặc điểm riêng về phương vị, không phải là mùa đấy gió chỉ thổi từ phía đấy đến mà đa phần gió từ phía đấy đến. Vì vậy, người ta đặt tên gió vừa theo mùa, vừa theo phương vị. Cụ thể:


(Ảnh: Thủy Bin)

ĐÔNG PHONG HAY XUÂN PHONG

(Dương Chính Chức)


Vừa đọc tranh cãi về "đông phong" hay "xuân phong".


Từ xưa, ở Trung Quốc, gió thổi vào mỗi mùa đều có đặc điểm riêng về phương vị, không phải là mùa đấy gió chỉ thổi từ phía đấy đến mà đa phần gió từ phía đấy đến. Vì vậy, người ta đặt tên gió vừa theo mùa, vừa theo phương vị. Cụ thể:


- Đông phong (東風)còn được gọi là gió xuân (Xuân phong, 春風), đặc điểm là nhẹ, mát dịu.


- Tây phong (西風) còn được gọi là gió thu (Thu phong, 秋風), đặc điểm là khô, nóng.


- Nam phong (南風) còn gọi là gió mùa hạ (Hạ phong, 夏風), đặc điểm là ẩm, còn gọi là gió nồm (thấp phong, 濕風).


- Bắc phong (北風), còn gọi là gió mùa đông (Đông phong,冬風). Đặc điểm là mạnh và lạnh.


Trong văn thơ, có loại gió ta hay gặp nhất chính là "đông phong" hay "gió đông". Tất nhiên, đông ở đây là hướng đông (東) chứ không phải mùa đông (冬). Đông phong (東風) tức xuân phong (春風), một làn gió nhẹ, mát, tượng trưng cho sự dễ chịu.


Điển hình là câu "đào hoa y cựu tiếu đông phong" (桃花依舊笑東風) trong bài Đề Đô Thành Nam Trang (題都城南莊) của Thôi Hộ. Có người nói khi dịch câu này sang tiếng Việt thì nên dịch là "hoa đào vẫn cười gió xuân", nghe rõ ý hơn là "hoa đào vẫn cười gió đông" vì dễ bị hiểu nhầm sang gió mùa đông. Nhưng mình nghĩ rằng mỗi từ có sắc thái riêng, tuy đông phong và xuân phong cùng nghĩa nhưng mức độ biểu cảm, hàm ý nó khác nhau. Còn thì ai nhầm thì buộc phải tìm hiểu, học lại cho hiểu thôi chứ chiều thế lại thành văn chương dễ dãi.


Có 1 câu thành ngữ mà Trung Quốc, Hàn Quốc, Triêu Tiên đều dùng là "mã nhĩ đông phong" (馬耳東風), ý là gió xuân mát dịu, vi vu thổi vào tai ngựa cũng là phí vì ngựa nó không cảm nhận được gì. Câu này tương đương với câu đàn gảy tai trâu của Việt Nam ta hay thành ngữ 소 귀에 경 읽기 (đọc kinh cho bò nghe) của Hàn Quốc, Triêu Tiên.