Quan âm Thị Kính
- Thứ năm - 13/02/2020 00:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sự tích Quan Âm Thị Kính được lưu truyền phổ biến trong dân gian Việt Nam từ xưa qua nghệ thuật hát chèo, quan họ, truyện thơ và văn xuôi. Mặc dù trong câu chuyện có nhắc đến vùng Cao Ly (Triều Tiên) nhưng căn cứ vào nội dung lời văn, tiếng thơ truyền lại, thì bối cảnh của câu chuyện Quan Âm Thị Kính lại liên quan mật thiết đến một ngôi chùa cổ ở miền Bắc Việt Nam, Pháp Vân tự (chùa Dâu, Bắc Ninh). Ở vùng Kinh Bắc từ lâu đã lưu truyền sự tích Quan Âm Thị Kính và bài hát “Gái Kính Tâm lấy chồng Thiện Sĩ” nhằm ca ngợi đức nhẫn nhịn bao dung của một người tu Phật, đã chịu bao nỗi thống khổ oan khiên, và cuối cùng đủ duyên đắc Pháp, thành tựu chính quả sau 10 kiếp tu hành.
Chuyện rằng ngày xưa, có một người trải đã 9 kiếp, kiếp nào cũng giữ mình đức hạnh và thành bậc chân tu nhưng chưa kiếp nào được thành Phật. Đến kiếp thứ 10, Phật thử lòng, cho đầu thai làm con gái một nhà họ Mãng ở vùng Cao Ly.
Họ Mãng đặt tên nàng là Thị Kính. Lớn lên, nàng tài sắc nết na lại hiếu thảo hết lòng. Khi đến tuổi lấy chồng, nàng được bố mẹ gả cho thư sinh Sùng Thiện Sĩ. Sùng Thiện Sĩ là người đẹp trai, chăm học. Hai vợ chồng thật là trai tài gái sắc ăn ở với nhau rất mực kính ái và hòa thuận. Một đêm, Thiện Sĩ ngồi đọc sách, Thị Kính ngồi may bên cạnh. Thiện Sĩ bỗng thấy mệt mỏi, bèn ngả lưng xuống giường, kê đầu lên gối vợ chuyện trò rồi thiếp ngủ. Thị Kính thương chồng học mệt nên lặng yên cho chồng ngủ. Nàng ngắm nhìn khuôn mặt tuấn tú của chồng, bỗng nhận ra ở cằm chồng có một sợi râu mọc ngược. Sẵn con dao cắt chỉ trong thúng khảo đựng đồ may, Thị Kính liền cầm lên định tỉa sợi râu cho chồng. Bỗng Thiện Sĩ chợt tỉnh, tưởng vợ có bụng hại mình, liền la lên: "Nàng định cầm dao giết tôi lúc tôi đang ngủ ư". Thị Kính đáp: "Không phải đâu. Thấy chàng có sợi râu mọc ngược, thiếp định cắt nó đi, kẻo trông xấu lắm". Nhưng trong cơn nghi ngờ và hoảng hốt, Thiện Sĩ nhất định không tin những lời giải thích của vợ. Ông bà Sùng nghe tiếng vợ chồng lời qua tiếng lại, vội lại hỏi nguyên do. Nghe con trai kể, ông bà tin ngay, khăng khăng cho rằng Thị Kính mưu sát chồng. Bị oan ức, Thị Kính than rằng:
Trăm năm nguyện một chữ tòng
Nào con có dạ bưởi bòng gì đâu!
Nhưng lời than đó đâu có ý nghĩa gì đối với ông bà Sùng. Họ lập tức cho mời ông bà họ Mãng sang trách móc và trả lại con:
Gái bất nghì bà phó giả mẹ cha
Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo
Thị Kính không biết giải thích sao về nỗi oan của mình, đành cắn răng chịu nhục rời nhà họ Sùng để về nhà họ Mãng:
Nghĩ trách mình phận hẩm duyên ôi
Xui nên nỗi thế tình run rẩy
Về cùng cha có trở về như vậy
Cũng không sao tránh khỏi tiếng mỉa mai
Về ở với cha mẹ, Thị Kính thấy sầu phiền, nỗi oan khổ chẳng biết thổ lộ cùng ai. Nàng bèn lặng lặng cải trang thành trai và trốn nhà đi tu ở chùa Vân Tự nay là Chùa Dâu thuộc Bắc Ninh. Nhà chùa đặt pháp danh là Tiểu Kính Tâm:
Nam mô Phật đường siêu khổ ải
Ngũ phúc chiếu hoàn lâm
Mở Phật kinh thấy tích Quan Âm
Nhà họ Mãng ở Cao Ly Quốc
Nhân duyên sớm kết với họ Sùng vừa được ba năm
Vì cắt râu nên nổi sóng Ngân hà
Trốn cha mẹ lên tu chùa Vân Tự
Từ đó Kính Tâm nương náu cửa thiền, lòng vui với đạo nên khuây khỏa được sầu phiền. Tu hành chưa được bao lâu thì một tai vạ lại đến với Kính Tâm. Gần chùa Vân có ả Thị Mầu là con gái của một phú ông, vốn tính lẳng lơ đa tình. Cô này lên chùa thấy Tiểu Kính Tâm liền đem lòng si mê. Thị Mầu nhiều lần trêu ghẹo, nhưng cái tâm tu luyện của Tiểu Kính Tâm trước sau không lay chuyển. Về sau vì không nén được lòng ham muốn, Thị Mầu cố ý có mang với người đầy tớ của cha mình là Chàng Nô. Khi hào lý trong làng tra hỏi, Thị Mầu khai là con của Tiểu Kính Tâm và cám dỗ rằng:
Chuyện sau bia dù có dù không
Chàng cứ nhận cho nên chồng nên vợ
Tiểu Kính Tâm bị tra khảo nhưng vẫn một mực mà rằng:
Quyết một lòng sắc sắc không không
Điều đơm đặt xin làng tra cho tỏ
Kính Tâm không biết biện bạch ra sao để gỡ mối oan này nên đành cam chịu sự đánh đập tàn nhẫn. Sư cụ thấy tiểu bị đánh đòn đau, thương tình, kêu xin với làng nộp khoán. Vì sợ ô danh chốn thiền môn nên dù thương xót Kính Tâm, sư cụ cũng phải để Kính Tâm ra ở mái Tam Quan chứ không được ở trong chùa nữa. Đủ ngày tháng, Thị Màu sinh một đứa con trai. Phú ông bắt thị Màu đem đứa bé trả cho cha là Kính Tâm. Kính Tâm đang tụng kinh, thấy tiếng trẻ khóc, nhìn ra thì thấy Thị Mầu đem con bỏ đó rồi đi. Động lòng từ bi, Kính Tâm ra ẵm lấy đứa bé và chăm lo nuôi nấng hết lòng, bởi vì nàng nhớ lời thầy dạy:
Hộ nhất nhân đắc kỳ vạn phúc
Cứu một người phúc đẳng hà sa
Thế là từ đó, người ta thấy Kính Tâm bế đứa bé đi xin sữa ở đầu làng cuối xóm, chịu bao nhiêu tiếng cười chê. Dân gian có thơ rằng:
Thay xiêm áo trá hình nam tử
Ả Thị Mầu đơm đặt chuyện vu oan
Ẵm con thơ ra mái tam quan
Nương bóng Phật giải oan thanh khiết
Sau ba năm, đứa bé đã khôn lớn, Phật thấy Kính Tâm đã thực sự vượt qua thử thách, tâm tính được đề cao tới tầm Bồ Tát, liền làm cho siêu thăng. Trước khi rời thế, Kính Tâm viết một bức thư để lại. Khi xem thư và khâm liệm thi hài, người ta mới biết rằng Kính Tâm là đàn bà. Nỗi oan tình của bà được tỏ và khi lá thư của bà về đến quê thì ai nấy lại đều biết bà không phải là gái giết chồng. Thiện Sĩ vội theo ông bà họ Mãng tới chùa Vân Tự làm lễ ma chaỵ Ai nấy đều nhận thấy rằng sự chịu đựng và nhẫn nhục của nàng từ bấy đến nay quả là cùng cực. Sư cụ làm lễ giải oan cho bà. Giữa lúc cử hành đàn chay, một đám mây ngũ sắc từ trên trời từ từ hạ xuống trước đàn lễ. Đức Phật hiện ra, chứng cho bà làm Phật Quan Âm và cho toàn gia bà được siêu thăng, linh hồn được về Tây phương cực lạc. Riêng Thiện Sĩ, thấy rõ tình cảnh vợ, sau khi chôn cất Kính Tâm xong, chàng xin ở lại chùa tu đến hết đời.
Ngày nay, người ta họa hình Quan Thế Âm Bồ Tát đội mũ ni xanh, mặc áo trang trắng, ngự trên tòa sen bên tay phải có con chim mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề, tương truyền chính là Thiện Sĩ, bên dưới có đứa trẻ bận khôi giáp chắp tay đứng hầu, đó là con của Thị Mầu. Mỗi khi nói về những nỗi oan khiên cùng cực trong cõi người thường, dân gian thường gọi là “nỗi oan Thị Kính”:
Gái Kính Tâm lấy chồng Thiện Sĩ
Tỉa râu chồng mang tiếng bội phu
Giở về nhà thế phát đi tu
Phận là gái oan tình phải trái
Sách có chữ tâm bất quản ngại
Oan thời oan, nàng chẳng nói làm sao
Miệng ru con, tay gõ mõ đào
Ngồi tụng niệm rù rì tiếng đọc
Như tay chuông tay mõ rù rì
Khi thì tụng niệm khi thì ru con
Đố ai quét sạch lá rừng
Để tôi khuyên gió, gió đừng rung cây
Ta ru hời, ru hỡi, ru hỡi hời là ru.
Mời các bạn nghe video bài hát Gái Kính Tâm lấy chồng Thiện Sĩ tại:
https://www.youtube.com/watch?v=oDYoYykR10M
Tuấn Khanh