Thố tử cẩu phanh

Thố tử cẩu phanh
Thố tử cẩu phanh (tiếng Hàn 토사구팽 tiếng Hán 兎死狗烹 - thố tử cẩu phanh). Ở đây, Thố - thỏ, tử - chết, cẩu - chó, phanh - nấu chín/giết. Câu này, nếu không được giải nghĩa thì không hiểu được, hoặc sẽ bị hiểu sai kiểu hiếu sát




THỐ TỬ CẨU PHANH

(Dương Chính Chức)

------


Thố tử cẩu phanh (tiếng Hàn 토사구팽  tiếng Hán 兎死狗烹 - thố tử cẩu phanh). Ở đây, Thố - thỏ, tử - chết, cẩu - chó, phanh - nấu chín/giết.


Câu này, nếu không được giải nghĩa thì không hiểu được, hoặc sẽ bị hiểu sai kiểu hiếu sát (ham giết chóc).


Câu này được trích từ câu: “Giảo thố đắc nhi liệp khuyển phanh, cao điểu tận nhi cường nỗ tàng" (狡兔得而獵犬烹, 高鳥盡而強弩藏). Ý là bắt được con thỏ khôn rồi thì giết chó săn, hết chim bay cao rồi thì cất nỏ cứng đi. Việt Nam ta vẫn nôm na là hết chim để săn thì cung tên xếp xó.


Bên Triều/Hàn thì trích câu hơi khác là "狡兎死而走狗烹 飛鳥盡而良弓藏" (교토사이주구팽 비조진이양궁장 - Giảo thố tử nhi truy cẩu phanh phi điểu tận nhi lương cung tàng). Ý là Thỏ khôn chết rồi thì giết chó đang chạy đuổi, chim bay hết rồi thì cất cung đi.


Hai câu khác chút về từ thôi. Đằng thì bắt thỏ, bên thì thỏ chết. Đằng thì "liệp khuyển" (chó săn), bên thì "tẩu khuyển" (chó chạy). Đằng thì chim bay cao, bên thì chỉ chim bay. Đằng thì cất nỏ, bên thì cất cung. Chả biết bên nào chính xác hơn (hay cái nữa là học thêm được chữ "nỗ"- "弩" là nỏ).


Sau này, do câu dài quá nên người ta chỉ lấy 1 hình ảnh để làm đại diện ví von thôi. Có lẽ, do dùng hình ảnh cung tên xếp xó nó không thể hiện đủ độ ÁC ĐỂU nên người ta dùng hình ảnh chó săn bị thịt. Vậy nên chỉ cần nói "토사구팽" - "Thố tử cẩu phanh" là đủ.


Điều dễ liên tưởng nhất khi nghĩ về câu này thường là hình ảnh một người, sau khi đã công thành danh toại, hoàn thành mục tiêu thì liền hắt hủi, bạc đãi những người đã từng trung thành, tận tụy giúp mình, một hình ảnh bạc bẽo, tàn nhẫn về cách xử thế của con người ta: khi thấy có ích thì nâng niu, khi hết thời, thấy vô dụng thì hắt hủi, ghẻ lạnh.