• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Bắc Hà mùa hoa mận nở

Chủ nhật - 09/02/2020 08:19

 

Mùa xuân ngược dòng sông Hồng lên thị trấn Bắc Hà xem mận nở hoa, ngồi bên bếp lửa nghe câu chuyện của người già, rồi bật dậy mở cửa ra theo tiếng nhạc ngựa lượn vòng xuống chợ. Chợ đã đông, tiếng cười nói lao xao mà ta nghe không hiểu đến một nửa. Núi rừng và con người Bắc Hà làm ta bừng tỉnh lại, cho ta hiểu ta hơn và thêm yêu cuộc sống.  

 

Vùng đất Bắc Hà được biết đến như một địa danh từ thời vua Hùng Vương thuộc đất Tây Âu của Thục Phán. Trải qua thăng trầm của hàng nghìn năm lịch sử, Bắc Hà vẫn luôn là một thị trấn nhỏ thơ mộng nằm trên con đường buôn bán từ Vân nam Trung quốc, nối liền với Phố Lu rồi đi theo dòng sông Hồng về phía nam, qua Si Ma Cai về phía đông nối với Hà Giang.  Theo Wikipedia, cái tên Bắc Hà xuất phát từ cụm từ tiếng Tày "Pạc ha" nghĩa là "trăm bó gianh". Thời thuộc Pháp, người Pháp ghi lại âm “Pạc ha” bằng chữ cái latinh thành Pakha. Người Việt đọc trại thành Bắc Hà rồi trở thành tên gọi chính thức của vùng đất này. Người H'Mông chiếm xấp xỉ 50% dân số Bắc Hà, các dân tộc khác là thiểu số. Thế nên nét văn hóa đặc sắc của Bắc Hà là văn hóa của người H'Mông đỏ. Gọi là người H'Mông đỏ vì trang phục của họ có màu đỏ rực rỡ và trang trí cầu kỳ.

 Ngày nay người ta hay gọi Bắc Hà là Cao Nguyên Trắng là vì cho đến tận những năm 1985 trở về trước, bên cạnh cây ngô, cây xèo và cây cải nương làm lương thực chính, người dân nơi đây trồng nhiều cây thuốc phiện và cần sa để bán và trao đổi hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống. Vào năm 1977, đoàn công tác của trại giống cây Bắc Hà có đi Quảng Ninh và đến Hoành Bồ tham quan học tập kinh nghiệm. Thấy ở Hoành Bồ có trồng giống mận, nói là giống mận to, ngon đang trồng khảo nghiệm. Các kỹ sư trại giống Bắc Hà đã “xin trộm” một vài cây về trồng rồi sau đó lai ghép với giống mận thổ địa của Bắc Hà tạo ra giống mới gọi là mận Tam Hoa. Kỳ lạ thay, giống mận Tam Hoa hợp khí trời khí đất của Bắc Hà mà nhanh chóng trở thành một giống cây kinh doanh mới thay thế cho cây thuốc phiện lúc này đã bị cấm trồng. 

Những cây mận giống gốc vẫn còn ở Trại Giống Cây Ăn Quả Bắc Hà vào những năm 1993 khi tôi lần đầu tiên được đến Bắc Hà. Nghe nói là những cây này chủ yếu để chiết cành lai ghép phục vụ nhu cầu trồng mận của người dân Bắc Hà thôi. Đem đi nơi khác trồng là chất lượng quả không còn đảm bảo nữa. Tam Hoa mận gốc cho quả màu tím lịm, ngoài phủ một lớp phấn trắng trông giống như màu sương khói của trời đất Bắc Hà. Mận Tam Hoa chín chỉ có vị ngọt mà không có vị chua chát. Mận Tam Hoa phải ăn tại vườn, chí ít là tại Bắc Hà. Có lần tôi mang thử về đến Phố Lu thì mận đã chuyển thành mềm nát không ăn được nữa. 

Người H'Mông ở Bắc Hà có cách nấu rượu ngô rất đặc biệt. Loại men được dùng nấu rượu nơi đây là hạt của cây Hồng Mi, một loại cây giống như cây Kê. Hồng Mi được trồng thành từng ruộng ở nơi đây, để lấy hạt làm men rượu. Hạt Hồng Mi được phơi khô, xay thành bột, sau đó nắm thành từng bánh, đem phơi nắng và làm men để nấu rượu. Nước để cất rượu phải là nước suối, ngon nhất là con suối chảy qua Bản Phố. Dùng nước ở suối khác để chưng cất thì rượu có vị khác người biết uống rượu Bắc Hà không chịu. Khách đến Bản Phố ngày xưa thường được mời vào xem nấu rượu và uống thử rượu nóng vừa mới chảy ra khỏi vòi.  Uống xong một chén nhỏ là quên đường ra khỏi bản luôn.

Một loài cây rất nhỏ bé bình dị mà gắn liền với mảnh thung lũng Bắc Hà hàng trăm năm qua đó là cây cải nương. Gọi là cải nương vì nó được gieo trên nương cùng với ngô. Ngô mọc lên cao che nắng còn cải mọc dưới giữ ẩm đất cho ngô. Giống cải của người H'Mông chịu hạn, không cần chăm bón, trên mặt lá phủ một lớp lông tơ, cuống lá có gai sắc để ngăn ngừa sâu hại. Ở những nơi nhiều nắng, lá cải ngả màu đỏ tím, nhưng cải luôn non mềm và có mùi thơm đặc biệt. Vì cải nương gần như là loại cây rau duy nhất được gieo ở trên nương nên qua hàng trăm năm nó vẫn không bị biến đổi do lai tạp với các giống cải khác. Cải nương không phát triển được nếu đem xuống vùng thấp, nên nếu ai muốn biết cải nương mùi vị thế nào thì phải đến Bắc Hà.

Chó Bắc Hà cũng là một giống chó rất đặc biệt, có lông xù để giữ ấm vì trên đó mùa hè cũng rét về đêm. Trông hiền lành vậy thôi mà chúng dữ lắm. Ngày trước tôi thường dậy sớm đi chạy bộ nhưng những hôm đến Bắc Hà thì phải nghỉ vì bị chó đuổi rất nguy hiểm. Số là do ở trên đó người dân không ai chạy ngoài đường cả, nên chó không quen nghĩ là kẻ xấu có hành động lạ. Cũng như mận Tam Hoa và cải nương, chó Bắc Hà đem xuống núi nuôi cũng không thành.

Bắc Hà ngày nay khác rất nhiều so với thung lũng Bắc Hà của 30 năm trước. Bây giờ ai cũng làm du lịch, cái gì cũng được trương ra cho khách du lịch ngắm để kiếm tiền. Vẫn Bản Phố đấy mà ngày nay người ta lái xe vào tận nơi, vẫn chợ ngựa đó mà người ta đến để chụp ảnh. Khách đến thăm Bắc Hà ngày nay cũng khác, vội đến vội đi, chụp ảnh chớp nhoáng để rồi sau chuyến đi ngồi xem lại. Có ai ngồi lặng yên để cho tiếng của rừng của núi, của mây của suối lắng sâu vào tâm hồn, để trái tim đập cùng nhịp của đất trời Bắc Hà? Có ai hỏi Bắc Hà như thế nào bao nhiêu năm về trước?

Cây xèo Bắc Hà có hạt nhỏ li ti trước đây được người H'Mông trồng để làm bánh, ngày nay người ta gọi là cây Tam Giác Mạch, họ trồng cả vạt núi lớn để làm nền cho khách chụp ảnh. Còn nghe nói họ trồng cả hoa hồng, hoa oải hương và hoa gì nữa để thu hút khách hiếu kỳ. Vẫn biết rằng phát triển kinh tế du lich, nhưng cái cách người ta thưởng thức thung lũng Bắc Hà thì thật là hời hợt quá, vô tình quá. Đất Bắc Hà với hàng nghìn năm lịch sử, quá nhiều những nét văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn và làm du lịch, cớ sao phải chắp vá vay mượn từ các nền kinh tế khác?

Lời cuối, xin mạn phép mượn lời thơ của tác giả Hoàng Anh Tuấn:

Ngược sông lên tới Bắc Hà

Tình người quyện với tình hoa thắm nồng

Bắc Hà - sơn nữ chưa chồng

Để tôi xuống núi sinh lòng tương tư...

Để hẹn gặp nhau mùa xuân này ở Bắc Hà.


Tuấn Khanh


Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.