• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Chuyện cổ tích về ngoại

Thứ sáu - 17/09/2021 15:18


(Ảnh: Trần Bảo Toàn)

 

Chuyện cổ tích về ngoại

 

Mùa hè này nữa là mùa hè thứ hai, ngoại không còn ra ngõ ngóng con về....

Chuyện cổ tích về ngoại

Anh em tôi sinh ra và lớn lên vào những năm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hàng đàn máy bay B 52 đêm ngày gầm rú trên đầu. Nhà bố mẹ gần bến cảng - mục tiêu thả bom của giặc lái Mỹ. Đã bao lần tôi cố tuột khỏi tay bà nội ngoi lên khỏi miệng hầm chữ A thấy pháo sáng đầy trời và cả loạt bom nối đuôi nhau như đàn lợn sà xuống cánh đồng quê, bệnh viện, trường học... Rồi những tiếng nổ rung trời, rung đất. Rồi tiếng gào khóc, tiếng chân người chạy rầm rập, những hố bom toang hoác to hơn cả ao làng vây bủa đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái ngôi nhà nứt rạn. Cha mẹ cho tôi và anh trai thứ ba của tôi sơ tán về ngoại, một làng quê có dòng sông và những lũy tre xanh bao quanh êm đềm như chưa hề có chiến tranh. Các cậu tôi lớn lên lần lượt cùng lớp lớp trai làng hành quân vào Trường Sơn, rồi dì Đua tôi cũng đi thanh niên xung phong nơi tuyến lửa. Ngoại vốn hiền lành, nhân hậu, hay thương người, cả đời chả to tiếng với ai, làng trên xã dưới đều quý nên được giao cho trông coi chùa Vô Hối, một ngôi chùa có lẽ đã mấy trăm tuổi trầm mặc giữa một vườn cây trái và ruộng lúa, bờ ao. Hàng ngày chúng tôi giúp ngoại quét chùa, sắp nẻ hoa, đĩa quả, đứng sau  xem ngoại thắp hương, kéo chuông, nghe chuông chùa vang xa, ngân nga, ngắm nhìn những pho tượng, vừa sợ, vừa tưởng tượng ra đủ những câu chuyện trong tích Phật! Buổi trưa hè nắng nóng nền chùa đất nện vẫn mát rượi, anh tôi nhảy bùm xuống ao chùa tắm rồi cởi trần lăn ra ngủ, ông ngoại lặng lẽ ngồi vót nan bên ấm nước chè xanh, tôi nhớ mẹ, nhớ em, khóc ti tỉ. Bà ngoại kéo tôi vào lòng, dỗ dành xoa đầu, xoa lưng phe phẩy cái quạt làm từ tấm mo cau vừa rụng còn thơm ngát quạt cho tôi và dì út (hơn tôi 1 tuổi) ngủ. Phía xa xa là cánh đồng văng vẳng tiếng ếch nhái, tiếng chim tu hú gọi bầy và con đường mùa gặt tháng 5 trải đầy rơm rạ…

 

Khi tôi tỉnh dậy thì nắng đã xiên ngang. Bụng ngon ngót đói. Gian chùa vắng ngắt. Tôi quờ tay thấy chiếc rổ nhỏ đựng mấy củ khoai lang còn nóng hổi, chắc ngoại vừa luộc. Một chiếc rá vo gạo nan tre còn mới tinh đựng một ít nẻ hoa trắng muốt thơm hương lúa nếp. Chắc ngoại biết tôi ngủ dậy thường hay đói nên luôn để sẵn cho tôi. Tôi nhìn quanh chỉ thấy những bức tượng im lìm, sợ lắm, chực khóc, ngó ra cửa gọi: bà ơi! Dì út lon ton chạy từ vườn vào bằng cửa sau, tay cầm chùm nhãn còn chưa mọng. Dì ngoắc tôi theo dì, tôi chạy theo ra sau vườn. Một cây nhãn cổ thụ tỏa bóng sum suê, sai trĩu quả. Xung quanh toàn là chuối xanh ngút mắt. Ông ngoại đang cầm cù lèo cố ngoắc một chùm lớn trên cao vừa hái vừa dặn: để ông mang vào cho bà thắp hương dâng Phật hoa quả đầu mùa rồi xin lộc cho cháu nhé!

- Bà cháu đâu rồi ông? 

- Bà cháu tranh thủ chạy vào trong xóm thăm bà cụ ốm.

- Anh cháu đâu ông? 

- Ừ, thằng Khương, nó vừa đây đã đâu rồi nhỉ? (Năm ấy tôi 4 tuổi còn anh tôi 7 tuổi). Ông vừa tự hỏi vừa nhìn ra ngõ. Bỗng có tiếng ai hét thất thanh ngoài đường: ối làng nước ơi, con cháu nhà ai mà nghịch dại thế này, ông tôi lao ra, tôi và dì út cũng chạy theo ông. Một bác nông dân cao lớn đang kéo xềnh xệch anh tôi về phía ông. Mặt anh đỏ gay, đầu tóc, quần áo dính đầy rơm. Bác vẫn oang oang: đời thuở nhà ai dại thế không biết, có cái com măng ca về làng, thằng bé này thấy ô tô từ xa không tránh lại chui xuống dưới rơm ở giữa đường, may mà tôi thấy động đậy dưới rơm chạy vội ngăn xe lại, kéo nó ra chứ không thì xe nó cán cho rồi.

Ông giận lắm, bắt anh ôm cột chùa rồi với cây roi tre giắt trên mái ngói. Ông vừa giơ roi lên bỗng đâu bà tôi ào vào che chắn, cuống quýt: thôi ông, cháu nó biết lỗi rồi, ông tha cho cháu, từ nay cháu không nghịch dại nữa. Mặt ông vẫn còn tái đi vì giận (chắc ông vẫn còn hoảng) trong khi anh tôi thì vẫn trơ ra không tỏ vẻ  sợ hãi. Bà tôi vội kéo anh ra chum nước bên chái bếp, cầm cán chiếc gáo dừa tròn ủng múc từng gáo nước trong vắt, mát rượi gội đầu cho anh, liên tục xuýt xoa: Suýt nữa thì hôm nay... Ông bà biết ăn nói với bố mẹ cháu làm sao, từ nay cấm nghịch dại thế nữa nhé! Mà ai về làng nhỉ, lâu lắm rồi có thấy cái ô tô nào đâu, cám ơn Trời Phật...! Mong Trời Phật phù hộ cho các cậu con, dì con tránh được mũi tên hòn đạn… Dì Mái đâu, cái Toán đâu, ra đây bà tắm cho luôn nào...

Ngoại tôi có gương mặt tròn đầy đặn, hàm răng nhuộm đen đều tăm tắp luôn nở  nụ cười ấm áp. Ánh mắt ngoại mới hiền hậu làm sao. Có một lần tôi thấy ngoại lén quay đi chùi nước mắt, đấy là lần ngoại tiễn cậu Lin tôi đi bộ đội. Cậu tôi cũng có gương mặt tròn, nụ cười hiền như ngoại,  dáng cậu gầy gầy có lẽ còn chưa kịp lớn, xúng xính trong bộ quân phục mới toanh, vai khoác ba lô, vẫy tay chào rồi bước vào hàng ngũ hành quân, vừa bước vấp váp vừa thỉnh thoảng ngoái lại. Ngoại tôi đứng như hóa đá giữa bà con lối xóm xung quanh, giữa bao nhiêu tiếng khóc của những người mẹ, người em, người cha, người chị có con em lên đường bữa ấy. Tiếng loa phóng thanh rộn ràng ca khúc Lá còn xanh.... bài hát được phát nhiều lần đến mức trẻ con chúng tôi cũng thuộc làu. Đoàn quân thấp thoáng khuất xa tận cuối con đường. Tôi giựt giựt áo ngoại. Ngoại ôm tôi, cố cười nhưng nước mắt cứ trào ra: thôi,  bà cháu mình về để cậu đi chân cứng đá mềm, hết giặc cậu về cưới vợ cháu nhỉ… rồi bà quay sang ông tôi cũng đang dõi mắt ra xa, ông ơi, về thôi ông! Con nó đi, chiến thắng nó lại về mà....

Sống bên ngại suốt thời thơ ấu tôi chưa thấy ông bà nặng lời với nhau bao giờ. Khi ông làm gì không đúng ý bà, bà thường cười cười nói: cháu xem, ông buồn cười chưa kìa... Ông chỉ lẳng lặng làm lại cho vừa ý bà mà không bao giờ tỏ ý bực bội hay nói lại bà một câu. Và tôi luôn nghĩ bà tôi thật hạnh phúc, tôi đâu biết bà đã từng nếm trải mất mát, khổ đau…

Ngoại tôi sinh được 8 người con. Mẹ tôi là con gái cả theo chồng về quê biển Diêm Điền cách quê ngoại Vô Hối 15 km, nhưng thời ấy là cả một sự xa xôi cách trở. Chiến tranh, đường đất lầy lội, đi xe đạp rất vất vả. Vậy mà khi Hiệp định Paris được ký kết, hòa bình lập lại, cha mẹ đón anh em tôi về lại nhà, ông ngoại mỗi tuần vẫn lóc cóc đạp xe xuống thăm chúng tôi, gom góp cho chúng tôi rất nhiều quà quê, tỉ mẩn gọt đẽo cho chúng tôi những thằng người bằng tre và dây thép, dành dụm cho các cháu cả những tờ 1 hào mới tinh - tiền công của  ông chèo đò chở khách qua sông sớm tối.

Ông thương quý các cháu đến nỗi 6 anh em tôi không hề biết rằng ông chỉ là cha dượng của mẹ mà thôi. Chúng tôi không hề biết bà ngoại tôi khi ấy còn rất trẻ đang mang mẹ tôi trong bụng thì chồng mất vì bạo bệnh. Khi mẹ tôi 3 tuổi, mẹ chồng của bà tức cụ nội tôi đã nuôi mẹ tôi và khuyên ngoại tôi đi bước nữa với một chàng trai tốt bụng cùng làng tỏ ý thương ngoại. Đó chính là người mà suốt thời ấu thơ chúng tôi vẫn nghĩ là ông ngoại ruột yêu quý cho tới mãi sau này khi chúng tôi lớn khôn mẹ tôi mới kể cho nghe! Ôi hóa ra bà ngoại đã phải trải qua nỗi mất mát,  truân chuyên. Ôi, ông ngoại hai của chúng tôi, ông thật bao dung, nhân hậu! Và ông bà của tôi đã có với nhau 7 mặt con, đã viết lên một câu chuyện gia đình thật cảm động, thật ấm áp, yêu thương! Và may mắn phúc đức sao ba người cậu của tôi đều từ chiến trường trở về, tuy cũng có cậu còn mảnh đạn găm nhức nhối  trong người. Dì Đua tôi cũng trở về lành lặn để lại rừng Trường Sơn mái tóc xanh mượt và nước da hồng con gái. Thay vào đó là mang về những trận sốt rét rung giường khiến tôi sợ hãi. Dì sốt cách nhật, cứ cách ngày một lần mãi không khỏi đến nỗi nghe ai mách dì phải nuốt cả giun đất. Rồi ngoại tôi có đủ con dâu,  con rể, cháu chắt đông đàn...đi lập nghiệp gần xa. 

Rồi ông già yếu và mất. Không còn ai kéo chuông chùa mỗi sáng, mỗi chiều. Bà xin với làng xã cắt cử người khác trông coi chùa. Cậu tôi xây cho bà và dì út một ngôi nhà rất nhỏ xinh bên ngõ vào nhà cậu (dì út không may bị còi, chỉ cao chưa được 1 mét nhưng rất xinh với mái tóc dài và hàm răng trắng đều tăm tắp). Tôi nghe nói có đoàn xiếc đến nhà xin dắt dì đi nhưng ngoại không cho. Hai mẹ con bên nhau sớm tối, vẫn cấy, vẫn gặt,  dì út nhỏ xíu vẫn gánh về những gánh lúa vàng nặng trĩu, ngoại vẫn phơi rơm, phơi thóc, trưa hè nóng bức quá thì ra ngõ ngồi dưới bóng tre với chiếc quạt mo thưở nào đã lên nước bóng loáng.  Trong gian bếp nhỏ thóc vẫn đầy bồ. Lần nào chị em tôi về quê thăm ngoại,  ngoại cũng bảo :để bà nói dì út xát cho ít gạo mang về thành phố mà ăn. Gạo quê ngon lắm! Cái Toán, sao gầy xanh vậy cháu, về ngoại nuôi,  ngoại nấu canh mồng tơi, rang tép đồng cho ăn, chả mấy chốc mà béo khỏe... Ôi, ngoại của con...!

 Ui, mà quên mất. Ngoài mẹ tôi và 7 cậu dì do ngoại rứt ruột sinh ra, ngoại còn có mấy người con nuôi nữa hay chính xác các cô chú ấy (người làng trên, người xóm dưới)  nhận ngoại tôi là cha mẹ nuôi, ngày nọ ngày kia, tết nhất, giỗ chạp vẫn đưa cả vợ chồng, con cái về đông đủ. Trong số đó có một người do đi xe đạp luống cuống thế nào chẳng may tông vào ngoại bữa ngoại đi chợ Đông Hồ làm ngoại ngã rạn xương phải bó bột và tập tễnh mất mấy tháng, rồi tới lui thăm hỏi xin làm con nuôi luôn. Ngoại đau lắm nhưng vẫn vui vẻ đồng ý và  yêu quý  như con cháu trong nhà. Ghé thăm ngoại mà không ở lại ăn với ngoại bữa cơm là ngoại không chịu, ngoại buồn và phàn nàn mãi.

Khi tôi sinh con trai đầu lòng, ngoại nhờ ai chở bằng xe đạp đến tận khu tập thể trường Đông Thụy Anh cách 16km để thăm cháu. Ngoại ngồi cả buổi vuốt mũi xuống cho chắt Minh để mũi đỡ bị hớt. Mới đây ở tuổi 99 ngoại còn lên cả thành phố Thái Bình (cũng cách quê 16km) để bế chắt đích tôn mới chào đời.

Hôm đoàn xe của trại hè sáng tác thiếu nhi Búp trên cành họp mặt ghé thăm ngoại vội vã, ngoại vui mãi, ai tới cũng kể cái Toán và các bạn nó mới về thăm, biếu bà nhiều lắm... bà có biết tiêu gì đâu. Rồi Thu Huê còn trở lại thăm ngoại khi con không thể về, rồi cả cháu rể cũng về thăm ngoại, hỏi ngoại có nhận ra ai không? Lúc đầu ngoại bảo bác là thợ điện phải không, vì lúc đó nhà đang mắc điện mà, một lúc ngoại bảo Bách phải không, rồi ngoại kể lại lần xuống trường Đông thăm cháu Nhật Minh. Chao ôi, cháu Minh đã gần 29 tuổi rồi và ngoại thì sắp sang tuổi 100...

Vui nhất là gần đây con gái đầu lòng của ngoại - mẹ của con đã sang tuổi 80 từ Tây Nguyên đã trở về sau cơn bạo bệnh và thăm ngoại, ở lại ôm mẹ đẻ một đêm cho thỏa bao năm xa cách nhớ nhung. Đứa con gái mất cha từ khi còn trứng nước, lại phải tự lập từ nhỏ, xa mẹ từ nhỏ nên ngoại thương mẹ con vô cùng phải không ngoại?

Hôm nay ngoại ngủ trưa rồi ngủ hoài vậy ngoại? Sắp đến mùa xuân thứ 100 để cháu con thêm một lần mừng thọ ngoại rồi. Ngoại tỉnh dậy đi, đừng để dì út nhỏ bé một mình bơ vơ trong căn nhà trống trải. Tội dì mà ngoại ơi...!

 

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.