- Tản Văn
Chuyện xưa
Thứ sáu - 24/02/2023 09:03
Ảnh: Trần Bảo Toàn)
CHUYỆN XƯA
(Trần Huyền Tâm)
Tôi biết em vào một ngày hè nắng chói chang. Nhìn em thật bức sốt với cái đầu đầy tóc rối tung, lòa xòa xuống mặt, sau được em chiếu cố cặp vội cặp vàng bằng cái bím ba lá. Những lọn tóc khét nắng bết dính cả đống mồ hôi. Em lúc nào cũng như vừa chạy chơi ở đâu về, quần ống thấp ống cao, cái mắt, cái miệng tranh nhau nói. Em rất nghịch ngợm, lém lỉnh. Hình như ở em, cái gì cũng là sẽ hơi quá một chút, chứ nó không hẳn bình thường như những đứa trẻ ở tuổi lên 10. Nhìn lại những bức ảnh chụp tại Trại viết năm ấy, tôi không thấy có em. Hỏi thì em bảo chắc lúc đó em đang ngồi vắt vẻo trên cành cây táo trong cái vườn nho nhỏ của Hội Văn nghệ. Khi ấy, em vừa thoát khỏi tuổi “nhi đồng thối tai” thôi. Thế mà sau này, trong một lần cả nhóm tụ họp, em hùng hồn tuyên bố là lúc đó, vào lúc em 10 tuổi ấy, em đã viết thơ tình rồi. Có thể các bạn nghe điều này thấy khó tin, nhưng trong trí nhớ của tôi thì hình như em nói đúng. Vì có lần, trong lúc sửa bài cho chúng tôi, nhà thơ Lê Bính cười nói: Cái Lan Anh nó yêu rồi. Đọc thơ chú biết liền. Ông đã bình khá lâu về cái câu thơ mà ông cho rằng con bé 10 tuổi này đã biết yêu:
Bầu trời là cái bánh đa
Trăng là cái quạt, sao là vừng thơm.
Thú thực, lúc đó, bọn trẻ con chúng tôi ngơ ngác, chưa hiểu tại sao ông nói vậy. Bởi chúng tôi chưa hiểu cái sự yêu ấy nó đầu cua tai nheo như thế nào. Chỉ biết nghe và tin vậy thôi. Phải nói thêm rằng hai nhà thơ Kim Chuông và Lê Bính có ảnh hưởng rất lớn đến bọn trẻ chúng tôi nên ngôn từ, tác phong, hồn phách, những lời văn ý thơ và cả ý tưởng của các ông đều khắc sâu vào trong tâm trí chúng tôi. Sau này đọc bài thơ “Đám cưới các vì sao” của một bạn, tôi mới vỡ vạc ra một chút.
Lớp viết chúng tôi tụ tập sau nhiều năm không gặp nhau. Lúc gặp lại, em đã là một nhà báo tận tụy với nghề. Gặp nhau được một buổi, vội vàng là thế, mà em cứ như cái chong chóng, xoay tít mù. Em chạy từ cơ quan, về nhà rồi ra khách sạn tôi ở như một con thoi. Cũng vẫn miệng nói, mắt nói, hừng hực như một ngọn lửa. Cái ngọn lửa ấy cháy thật mạnh, nồng nàn dành cho ba người đàn ông của đời em. Tôi bảo: “Hôm nay em có thể ở lại đây với cả hội mình được không. Để chúng ta lại ngâm thơ bình thơ cho cái nậm rượu nó đổ”. Em cười: “Thế thì chị gọi điện xin phép chồng em giúp em nhé. Và cho cả cu Tít nhà em đi cùng nữa”. Vui thế đấy. Nhà thơ tình của tuổi lên 10 bây giờ lại không muốn ngâm nga thơ nếu không có các tình yêu của mình bên cạnh.
Sau này, một lần chúng tôi ngồi thơ thẩn đắm đuối trong nhịp trống, phách và nhị, em đã điều cả tình yêu của em ra để chứng kiến cảnh em say thơ. Nghe kể rằng trước đây hai người mới yêu nhau, họ đã cõng nhau lội dọc triền đê trong một chiều đông giá rét. Cõng nhau đi trong mùa hoa cải ven sông, chân trần, áo mỏng. Nghe thật là lãng (sờ) mạn. Cũng tò mò, chả hiểu hôm ấy cặp tình nhân này say nhau, họ có bị mùa đông nó “hành” không nhỉ. Đang bị say thế, mà ốm nữa thì rõ khổ. Những người đang yêu hay bị “ốm” lắm.
Thấy có quá nhiều người mang nợ với thơ, lũ chúng tôi quyết định làm một chuyến đi Hồ Tây để trả nợ mùa Thu. Đúng là trong tâm tư của các nhà văn, nhà thơ, dường như chẳng có mùa nào đa tình say đắm hơn mùa Thu cả. Thực sự là cứ lơ ngơ, say say, nghiêng ngả, liêu xiêu. Mùa Thu đa tình bắt mất hết cả hồn vía chúng tôi. Cái cảm giác bị bắt hồn vía ấy, nó lạ lắm, chẳng biết tả thể nào. Chỉ biết là thế này, có một vài lần, tôi đã ở trong cảnh bị bắt hồn vía như vậy. Đang đánh gôn mà tư tưởng để đi đâu đâu ấy. Kết quả buổi chơi hôm ấy rất tệ. Nhưng có thơ ra đời. Lại lơ ngơ, chông chênh.
Sau buổi trả nợ tâm tư tình cảm cho mùa Thu, lũ chúng tôi thêm gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Và có rất nhiều bài thơ về mùa Thu nặng trĩu tâm tình đã ra đời sau chuyến đó. Lan Anh có trình cả nhóm hai bài thơ, trong đó có một bài thơ tình có tiêu đề “Chuyện Xưa” mà nó viết trước đó. Đọc lên, thấy thích ngay:
Anh ngồi ngắm hết em chưa
Những môi những mắt như vừa mới quen.
Đúng là từ ngữ thì không lạ lẫm gì, nhưng mà cái men này thì say lắm, khó mà tả được. Người ta bảo là có hai thứ không giấu được: một là say tình, hai là say rượu. Nhưng cái lũ bạn tôi, chúng nó mà say thơ thì cũng chẳng giấu được. Chẳng ai cản được chúng nó say. Cứ dạt dào. Cứ say đắm. Cứ ngẩn ngơ. Hết cả chỗ nói. Chúng nó giống hệt hai ông thầy phụ trách lớp. Rõ đa tình. Rõ chân tình. Rõ phiêu linh. Sẵn sàng mất cả buổi ra bờ sông… Chỉ để tìm xem có chỗ nào cho riêng mình ta đứng khóc. Để cho thỏa cái nỗi nhớ “riêng một mình ta”. Để rồi bung biêng ngồi gỡ “lời thề cỏ may”…. Rồi lại tỉnh bơ, nghịch ngợm trêu chọc nhau:
Anh ngồi “chén” hết em chưa
Những môi những mắt như vừa mới quen.
Có một bạn nói rằng nhìn Lan Anh thì lúc nào mà chả Xuân. Mà hình như không có mùa nữa. Nói thế, là có thể ứng cả bốn mùa vào nó. Mà cũng chẳng phải. Chẳng hẳn là có nghĩa thế. Mùa cũng như không mà. Nó chẳng cần mùa. Nó như đám cháy, lúc nào cũng cần cứu hỏa, lúc nào cũng cần có nước dội thẳng vào người nó thì mới nguôi ngoai đi được. Bài thơ ấy đây, ngắn gọn, mà tình ơi là tình:
“Chuyện xưa
Thôi ta uống nốt giọt này
Nghe đi cho hết những bài hát xưa
Anh ngồi ngắm hết em chưa
Những môi những mắt như vừa mới quen
Giọt này uống nốt đi em
Nắng chiều vàng thế ai đem đi rồi
Chuyện xưa - xưa lắm một thời
Còn đâu quán vắng với người tôi yêu.”
Là nhà thơ, nhưng giờ em chỉ chăm chăm viết báo. Em chẳng chịu cho mọi người đọc thơ em viết nữa. Như thế không biết có phải là ích kỷ không. Nhưng thôi, ai chẳng có tâm tình riêng. Ai chẳng muốn nhìn lại mình, ở cái tuổi này rồi, yêu ai, ghét ai, thì đều là kiệm lời cả. Tôi nghĩ em nó muốn là con dế ngủ vô tư trong đám cỏ mềm. Thật khác với cô bé ngày xưa làm thơ tình từ hồi lên 10 tuổi. Nhưng con dế vô tư trong em giờ đây đã khai quật ra mình có biệt tài nấu nướng. Em đã có một quán ẩm thực rất đắt khách ở Hà Nội. Đọc em viết về món ăn quê nhà, thấy chỉ muốn về quê ngay thôi. Nhà thơ mà viết về món ăn cũng khiến người ta say, người ta thèm, ghét thế đấy. Riêng tôi, mới đây, trong sự kiện các Búp ra mấy tập thơ, tôi còn ghét em hơn. Vì em dám bỏ các Búp chúng tôi - những người đang say sưa với việc bình thơ, ngâm thơ, nhúng thơ, dìm thơ… để tận tâm tận sức với cái lớp tập huấn nghề nghiệp gì gì của em ấy. Em bảo: làm báo là phải luôn lạnh lùng, tỉnh táo. Ai mà dám tin. Nhìn cái mắt ấy, mặt ấy, sao lại có thể tự tin tự gọi là “lạnh lùng, tỉnh táo” được nhỉ.
Các bạn đọc thơ và văn của em đi, thử xem tôi nói có đúng không.