• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Gánh hát gánh đời

Thứ ba - 15/08/2023 16:54



(Ảnh: Thanh Huyền)

GÁNH HÁT GÁNH ĐỜI
(Bùi Thanh Huyền)

 

Một bờ dậu thưa, có dây bìm bìm nở hoa tím tím. Mảnh sân nhỏ có vại nước hứng mưa và chiếc gáo dừa như vừa có ai múc nước. Cái bếp nhỏ, làn khói thông thả bay lên mang theo mùi thơm của niêu cá kho tương. Lui cui bóng mẹ giữa những mớ rau xanh ngắt, mớ tôm tép lao xao trong chiếc rá tre….

 

Người thiếu phụ đứng ngây trên hàng rào, ngó trân trân vào những cảnh vật mà suốt 40 năm nay nỗi day dứt vẫn không nguôi trong lòng cô. Giọt nước mắt dâng tràn trong mi mắt rồi bổi hổi chảy xuống môi, vừa ngọt ngào vừa mặn…. Giọt nước mắt nhớ thương, mong đợi, có chút ăn năn muối tiếc, chút ngần ngại bẽ bàng. Cô đã từng bỏ Mẹ ra đi. Bỏ lại ngôi nhà tuổi thơ, để cả mẹ và con những đêm đẫm nước mắt biệt ly… Rồi đã từ lâu lòng nhớ thương, ruột thịt, giọt máu giống nòi trộn đâu cũng không  hòa lẫn. Đã bao chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngó về quê mẹ. Cả lần này nữa, cô đã về gần lắm, đã đứng bên hàng rào trước sân nhà mẹ, chỉ cần một bước chân là cô có thể oà vào, ôm lấy từng kỷ niệm, mà nức nở những nỗi niềm tha hương. 

 

Bờ rào thưa, mỏng manh ranh giới, nắng gió thông thênh ra vào, hoa vẫn tím chiều chiều và lá vẫn xanh ngời mỗi sáng. Chỉ có cô với nỗi niềm của 40 năm trước bên hàng rào ngăn cách. 

 

Thúy Nga Paris lại một lần nữa bước tới bên hàng rào nhà mình. Đã là lần thứ 3, Paris by night gồng gánh khăn gói ngấp nghé bên bờ rào nhà Mẹ. Lúc thì đứng ngõ sau phía Singapore, lúc lại từ ngả Thái Lan. Lần này kỷ niệm 40 năm sinh nhật, bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm xa quê, nên chương trình hẳn có nhiều điều muốn nói. 

 

Vì vậy mà mình cũng bươn bả chạy sang Thái Lan. Xem show một phần, ngẫm về cuộc đời sự nghiệp của một nhóm văn nghệ khá đặc biệt trong lịch sử, là phần lớn. Chỉ nói về thời gian thôi, thì con số 40 năm cũng đã là ấn tượng đối với bất cứ “gánh hát” nào. Hơn nữa lại là gánh rong tha hương. Gánh theo văn hóa Việt, phong tục tập quán Việt, giữ lại lũy tre làng, hàng dừa, mái đình cong. Những người Việt nơi Hải ngoại suốt nhiều năm tha hương, họ sống và thẩm thấu quê hương qua những câu hò, diệu lý. 

 

Tôi gặp trong show diễn một bé gái chừng 12-13 tuổi từ Mỹ cùng gia đình bay tới Thái Lan xem show. Tôi có phần ngạc nhiên thấy một bé thế hệ F3 mà nói tiếng Việt rất truyền cảm. Em bảo em mong ước được về Việt Nam tìm cây rau đắng. Đáp lại ánh nhìn ngạc nhiên muốn hỏi của tôi, em bảo: khi xem show Paris by night một lần em thấy ông em khóc. Chưa bao giờ em thấy ông khóc. Ông lúc đó đang nghe cô Như Quỳnh hát: ”Còn thương rau đắng mọc sau hè “…

 

Ông khóc nấc nghe câu:”Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần, Biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau”…. Ông bảo ông mong được một lần về Việt Nam, ra ruộng hái rau đắng với chị gái của ông, người đã ngoài 90 tuổi. Rồi từ đó rau đắng trở thành nỗi lòng của cô cháu gái sinh ra và lớn lên ở bên kia bờ Thái Bình dương, chỉ biết quê mình qua dáng hình chữ S. 

 

Bởi vậy mà giọng ca của những ca sĩ sao ngọt ngào mà đôi lúc nghẹn ngào. Họ hát để sống, cả phần xác lẫn phần hồn. 

 

Mình tới để mong có lần không nhìn thấy bờ dậu thưa, thưa thớt nắng chiều đó…

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.