• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Tản mạn hoa

Thứ năm - 23/04/2020 10:46

 




Ở Châu Âu, hết tháng Ba, qua đầu tháng Tư thời tiết thật đẹp. Nắng vàng trải khắp nơi. Nhiệt độ trung bình trên 10 độ C. Cây bắt đầu xanh tươi trở lại. Cả cánh rừng mùa đông trơ cành khẳng khiu, sần sùi và nâu sẫm nhưng chỉ sau mấy ngày nắng ấm, cây đã đâm chồi nảy lộc... 


Từng đốm xanh, từng mảng xanh, rồi một ngày bất ngờ nhìn thấy màu xanh trải dài đến ngút cả mắt nhìn. Màu xanh đầy sức sống, mạnh mẽ, dịu dàng và bình yên. Giữa nền xanh thao thiết ấy, bỗng sáng lên những chùm hoa trắng tuyết. Tháng Tư, khắp nơi trên vùng đất tôi đang sống, muôn hoa đua nở. Tôi luôn bất ngờ, luôn say đắm bởi những loại hoa, những màu hoa. Trong vườn nhà, hoa Mắc cọp, (tên một loại quả lai giữa Lê và táo), hoa Lê trắng tinh khôi, nhỏ nhắn, bình dị nhưng thanh cao; Hoa mận trắng thuần khiết.... Ba loại hoa trên giống nhau, người ta chỉ có thể phân biệt được khi quan sát nhụy của chúng. Hoa Lê nhụy đỏ đô, hoa mận nhụy vàng, còn hoa Mắc cọp nhụy có màu xám ngả nâu. Hoa đào hồng nhạt, mỏng manh khiến lòng nao nao nhớ về cái Tết miền Bắc Việt Nam, nơi chôn rau cắt rốn của tôi, nơi tôi đã trải qua thời thơ ấu đầy kỷ niệm không quên. Đào ở đây là đào ăn trái, có 2 loại: một loại đào cho trái có lông nhỏ mịn và một loại đào cho trái nhẵn nhụi, không có lông. Hoa của hai loại Đào này cũng giống nhau, khó có thể phân biệt. Hoa Mộc Lan hồng phấn, cánh to, nở dày đặc từ gốc tới ngọn, cả cây chỉ toàn hoa, không hề có một chiếc lá nhỏ, hương thơm dịu dàng. Loại hoa này nhanh nở nhưng nhanh tàn, chỉ vài ngày rộ lên rồi tàn lụi, nó khiến tôi nghĩ đến hoa Phù dung sáng nở tối tàn. 


Có một loài hoa dại, đầu tháng Tư nở trắng rừng, đó là hoa tỏi gấu. Cũng màu trắng dịu dàng, cánh hoa nhỏ dài, hơi nhọn được bọc trong đài màu xanh dịu. Mỏng manh nhưng dường như bông hoa ấy gói cả nguồn nhựa sống gom góp suốt mùa đông, chỉ chờ hết mùa đông băng giá là bừng mở. 
 

Hoa Bồ công anh nở vàng tươi xuất hiện ở khắp nơi: trong vườn, bên lề đường, bãi cỏ, công viên... Hoa Bồ công anh vừa giống hoa Cúc vàng, vừa giống hoa Đồng tiền. Những cánh dài, nhỏ xếp thành tầng, vừa mềm mại, vừa mạnh mẽ. Màu vàng mượt mà, óng ánh cứ như tất cả nắng trời gom hết vào cánh hoa vậy. Hàng ngày, tôi thường mở cửa sổ, ngắm vệt hoa Bồ công anh phía bên đường đối diện, chúng cứ rực sáng lên dưới ánh nắng vàng mật của tháng Tư. Một sáng, con gái tôi chợt kêu lên: “mẹ ơi, ai đã dọn hết những cây hoa vàng rồi”. Tôi vội chạy đến bên cửa sổ, vén tấm rèm nhìn xuống đường, đúng là những bông hoa đã biến mất. Một thoáng bồi hồi, nuối tiếc, tôi trấn an: có lẽ là nó đã tàn con ạ. Nhưng, khi mặt trời lên cao, tôi lại bất chợt thấy vạt hoa vàng rực. Hóa ra, hoa cũng biết ngủ. Có lẽ nó đã ngủ một giấc dài để rồi tiếp tục vươn lên gom nắng trời.


Đi dọc con đường từ nhà đến cửa hàng thực phẩm, trong cái mướt mát, non tơ của  mùa xuân, sẽ ngập ngời muôn màu sắc của hoa. Những bụi hoa vàng tươi, cánh nhỏ nhắn giống hoa mai của miền nam Việt Nam nhưng màu đậm hơn, chỉ có 4 cánh, dài thon, nở chúm chím như sợ rằng nở hết mình thì mùa xuân sẽ qua nhanh. Lễ Phục sinh, người dân đến bẻ những cành hoa vàng để bện thành vòng nguyệt quế (tất nhiên chỉ được bẻ cành ở nơi được phép). Rồi những bụi hoa màu hồng ngọt ngào, nhìn xa giống hệt hoa đào chơi Tết ở miền Bắc Việt Nam. Cánh hoa dày, mạnh mẽ mọc đầy trên những thân cành nhỏ nhắn vươn thẳng và đầu cành lú nhú những búp lá xanh non. Rồi những hàng hoa tím ngắt và mượt như nhung khiến tôi nao lòng nhớ về xứ Huế với tà áo tím dài dịu dàng trên đường phố giờ tan sở. Rồi những cánh hoa không thể nói chính xác màu gì, mỏng manh trong gió nhẹ. Rồi những bông hoa dường như mọc từ đất, bởi vì tôi chỉ nhìn thấy những bông hoa li ti đủ màu sắc mà không hề nhìn thấy cây hoặc lá... Tôi tự đặt cho loài hoa ấy là hoa An lành. Rồi hoa tulip trắng, đỏ, xanh, vàng, tím đua nhau nở. Tulip thường được người dân trồng trong vườn hoặc cạnh hàng rào, nơi lối vào nhà hoặc lối vào của tòa chung cư. Mỗi lần ra khỏi nhà để đi mua thực phẩm, tôi lại nhớ “Cô bé quàng khăn đỏ”, mải mê ngắm hoa, ngắm trời đất mà quên cả lời mẹ dặn…


Một công viên rộng lớn cách nhà tôi ở mấy bước chân, rất nhiều cây lớn với đầy hoa. Có cây hoa đỏ, có cây hoa trắng, có cây hoa tím. Đặc biệt có nhiều cây mang trên mình hai loài hoa khác nhau. Cành này nở đầy Mộc lan hồng phấn, cành khác lại chi chít những bông hoa màu trắng như hoa Mận, hoa Lê... Có lẽ nó đã được lai tạo hoặc ghép giữa các loài hoa với nhau. Thật độc đáo. Mỗi bình minh hoặc hoàng hôn, dạo dưới vòm hoa ấy, lòng thấy an yên đến vô cùng. 


Cứ vậy, hoa và hoa, bừng nở ở khắp nơi suốt từ tháng Tư, khi mùa đông vừa qua cho đến khi cả đất trời nhuộm vàng hương sắc mùa thu. Nhớ tháng Sáu năm 2019, khi tôi vừa từ Việt Nam đặt chân đến thành phố Kosice, tôi đã thốt lên ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa trong trẻo, vừa rực rỡ của vùng đất này. Hai bờ sông Krásna (Krásna, tiếng Slovak có nghĩa là đẹp) trước nhà cậu em trai đã khiến tôi mê mẩn bởi vẻ đẹp của rất nhiều hoa cỏ. Tôi ấn tượng nhất với một loài hoa trắng đục, mọc dày đặc như được ai đó gieo trồng. Thấy tôi không rời mắt khỏi khoảng rộng toàn hoa ấy, ông xã tôi (anh đã sống ở đây trên 30 năm), nói: đó là một loài hoa dại nhưng có giá trị lớn trong ngành công nghiệp sản xuất bia. Bia Tiệp nổi tiếng ngon xưa nay, nhưng thật không ngờ rằng men để ủ ra loại bia ngon như vậy lại làm từ một loài hoa mọc hoang dã trên các triền sông và bờ bãi. Ông xã tôi giải thích: trừ những loại cây dại độc hại bị nhổ bỏ, còn lại đều được bảo vệ như cây trồng. 


Tôi chợt hiểu một điều, trong công viên hay vòng xuyến giao thông ở đây không cần trồng hoa, bởi đất lành nên tự hoa sẽ mọc lên, vẫn đẹp, vẫn lung linh... Và con người chỉ cần giữ gìn và nâng niu nó cho mùa này và cho những mùa sau.


Slovakia 20/4/2020

Lê Thị Kim Hạnh

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.