- Thể ký
Chèo làng Khuốc hôm nay
Thứ tư - 04/01/2023 17:53
CHÈO LÀNG KHUỐC HÔM NAY
(Tác giả: Bùi Lan Anh)
Vượt qua nhiều thành phố, thị xã, thị trấn những dãy hàng hóa sầm uất, những nhộn nhịp người xe, những ảo não nhạc vàng và rậm rật nhạc ngoại, chúng tôi lọt về với tĩnh lặng ngọt ngào một vùng quê Đông Hưng (Thái Bình). Cái làng nhỏ có cái tên cổ kính làng Khuốc vào vụ rét ngọt này đang xanh rờn rau màu vụ đông. Những khoảnh ruộng đã thu hoạch xong đang cày làm vụ Xuân tới. Mùa qua mùa, thời gian tiếp nối thời gian, nhưng ở đây, cứ tiếng trống chèo vang lên gióng giả, là gái trai náo nức, người già trẻ lại, như hôm qua, như ngày mai, đam mê lắm. Chả thế mà đã thành ca dao “ Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có xem chèo Khuốc với anh thì về”.
Có một gánh hát có làng mang tên Hội Nhớn, do cụ kép Điệu làm chủ gánh. Có một điều lạ là những diễn viên đầu tiên của gánh hát phần lớn là con cháu các cụ đồ. Cái lý “xướng ca vô loài” của các cụ, xem ra không thiêng bằng tiếng trống chèo, cái đã làm say lả bỏ con cháu những người “ăn mày” cửa Khổng sân Trình. Gánh hát Hội Nhớn lại được một hào trưởng ham mê chèo làm Mạnh Thường Quân, thành thử các cụ nhà ta có điều kiện thỏa mãn niềm đam mê sân khấu nghệ thuật của mình. Cuối thế kỷ XIX, cả làng Khuốc đã có 13 gánh chèo với 13 ông trùm, nhiều nghệ nhân và một dàn diễn viên có nghề, đi khắp gầm trời nước Nam, nếm cơm thiên hạ. Đấy là thời hưng thịnh nhất của chèo Khuốc, cái thời nhắc lại con cháu còn thấy tự hào. Thái Bình là chiếng chèo Nam trong bốn chiếng chèo Nam - Bắc - Đông - Đoài của cả nước. Trong Thái Bình có làng Khuốc với những tên cụ Trùm Đối, Trùm Viên…, và nhiều nghệ nhân nổi tiếng khác.
Đấy là chuyện trước năm 1930, thời gian ấy các cụ đóng nhiều tích hát cổ “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Phan Trần”, “Từ Thức”. Sau năm 1930, cụ Nguyễn Đình Nghị từ Hưng Yên sang dạy các gánh chèo làng Khuốc chèo cải lương với 5 trận cười. Thế là các vở chèo ngắn, những lời hát, câu thoại đã khéo léo nhắm vào thực dân Pháp và tay sai bán nước, nhằm vào chế độ thống trị. Tính chiến đấu đã xuất hiện ở chèo từ thuở ấy. Sau tổng khởi nghĩa, chèo tham gia tuyên truyền cho cách mạng, cho bình dân học vụ, tiêu diệt giặc đói, giặc dốt.
Một chi tiết do một người già kể lại làm tôi rưng rưng. Năm đói, một góc chợ Phương Nam, người làng nhận nhau qua điệu hát xẩm “Quân tử vu dịch”. Tiếng hát não nề quen quen, lật mê nón, mừng tủi đớn đau, cứu được nhau qua cơn bĩ cực…
Chúng tôi mầy mò đến làng Khuốc, với niềm mong mỏi gặp lại các nghệ nhân chèo của làng, và còn biết bao tò mò rằng chèo làng Khuốc còn tiếng tăm như xưa nữa không? Con cháu làng thời nay có thích chèo hơn nhạc trẻ? Ông Mạnh Tường, đoàn trưởng Đoàn chèo Thái Bình, người dẫn đường kể cho chúng tôi nghe: Phong trào văn nghệ mà chèo là chủ đạo vẫn mạnh mẽ ở làng Khuốc, câu lạc bộ chèo họp một tháng một lần. Từ ông già 90 tuổi đến cháu bé 6 tuổi đều biết nghe chèo, ham mê chèo. Các cụ còn hát không ư? Ôi! Đã thành máu thịt rồi, nói dăm câu ba điều là hát ngay, nhiều khi giữa câu hỏi dừng lại để… thở. Con trẻ nghe hát trong nôi, tập hát sau khi biết nói. Cách đây vài tháng, huyện mở lớp dạy chèo cho thanh niên từ 15-20 tuổi, bọn chúng học chăm lắm.
Thì thật là vậy. Gặp các cụ nghệ nhân Cao Kim Điền, Cao Kim Trạch mới thấm câu “Đã mang lấy nghiệp vào thân” của cụ Nguyễn Tiên Điền. Cụ CaoKim Điền thì yếu lắm rồi, không ra được ngoài cửa; nhưng, cụ Cao Kim Trạch, 87 tuổi, bé nhỏ, gầy guộc, chỉ còn khuôn mặt đầy chất “nghệ sĩ”, là vẫn còn diễn, mà diễn hay, diễn tuyệt. Năm 1993, cụ dự hội diễn sân khấu chuyên nghiệp ở Ninh Bình, còn mang về cho làng Khuốc một giải thưởng đặc biệt. Cô bé Thảo 6 tuổi hát “Đường trường tiếng đàn” cái tay múa, chất giọng không chê vào đâu được. Rồi anh Ngạn, anh Thiên, chị Bái… những nông dân “xịn” mà lên sàn diễn thì cũng “tông” chẳng kém gì chuyên nghiệp. Sân đình, trải 4 cái chiếu, một nhóm nhạc công đơn sơ, bà con vòng trong vòng ngoài, thế là lại thổn thức, hồi hội được rồi. Ba, bốn thế hệ chung một chiếu chèo. Nên nghệ thuật dân tộc, nét đẹp truyền thống từ ngàn xưa, ơn những người bình dân, lại vẫn còn đây trong thắt lưng hoa lý, trong e ấp quạt hồng, trong mắt môi, câu chữ. Sân khấu mộc mạc thành lộng lẫy cờ hoa, và những khó khăn lùi xa, cái ác, cái xấu sẽ trở thành bùn đất để cái thiện, cái mỹ tỏa sáng.
Cụ Cao Kim Trạch, thế hệ già làng, đã bỏ nhiều công sức truyền nghề cho các cháu, cứ ước ao rằng trước khi cụ mất đi, cụ đào tạo được vài người thay cụ, và chèo làng Khuốc được đi diễn trong nước và quốc tế. Chèo làng Khuốc không chết!
Tôi thì tôi nghĩ rằng: Cái đáng còn sẽ chẳng bao giờ mất được. Bởi vì ngoài kia, giữa một thời đại khoa học kỹ thuật tinh vi, chiến tranh giữa các vì sao, các cuộc bầu cử Tổng thống đầy phức tạp trên thế giới,... thì đồng làng Khuốc lúa và khoai vẫn xanh rờn nuôi người làng Khuốc. Cuộc sống vốn giản dị, mấy nghìn năm rồi dân mình vẫn mộc mạc hạt lúa củ khoai để rồi sống mãnh liệt, yêu mãnh liệt. Thì chèo làng Khuốc vẫn có thể vượt lên cùng với cái dàn ăng-ten ngạo nghễ kia chứ. Tại sao không?
Thái Bình, 12/12/1996
Bùi Lan Anh