- Thể ký
Chú Út
Thứ tư - 25/09/2024 16:16
(Ảnh: Kim Anh)
CHÚ ÚT
(Phạm Minh Châu)
Tên chú là Dũng. Nguyễn ... Dũng!
Chú là em út trong đàn con bảy đứa gồm bốn trai ba gái của gia đình chồng tôi. Tôi biết chú trước khi biết anh - “người trăm năm” mà tôi đang gắn kết.
Chú Dũng là “đại diện ưu tú của giai cấp công nhân” trong gia đình. Chú Dũng tốt nghiệp trường cao đẳng nghề Thái Bình.
Chàng trai lái máy cày đẹp trai hào hoa, con nhà gia giáo ngày ấy là “người trong mộng” của biết bao cô gái xung quanh, thuộc mọi nghề nghiệp. Mà chú cũng là người có duyên nhất trong bốn anh em trai. Bác trưởng thì tôi không được tiếp xúc vì bác lớn tuổi, lại công tác xa. Bác hai cao to nhất trong nhà, đã từng là bộ đội tham gia chiến dịch thành cổ Quảng Trị, sau là giáo viên dạy nghề, hiền lành vô tư nhất trong bảy anh chị em. Ông xã tôi thứ ba, là lính kỹ thuật, khô khan hay cáu gắt. Chỉ mỗi chú út là hài hòa nhất:tính tình vui vẻ, khéo tay, chăm chỉ và cũng rất lãng mạn, nghệ sĩ.
Chú út lớn lên thì anh chị em trong nhà đã đi thoát ly hết. Chú lại công tác trong huyện nhà vì vậy mà gắn bó với gia đình nhiều nhất.
Mẹ tôi kể: ngày bé chồng tôi là đứa lười và khôn vặt nhất nhà, hay dừa việc cho người khác, nhưng lại được bố chồng tôi nuông chiều vì học giỏi, cho nên bao việc đổ lên đầu anh thứ hai (anh Hưng) và chú út. Chú út làm gì cũng nhanh nhẹn, khéo léo. Chú là cánh tay phải của mẹ tôi trong việc đồng áng, nghề phụ, buôn bán, khi các anh chị đã đi công tác xa.
Mẹ tôi nhớ lắm. Nhất là, ngày quê tôi đang có nghề phụ làm cói xuất khẩu, chú là người chăm chỉ, vất vả nhất cùng mẹ tôi lấy cói về phân loại, phơi, cán, đan thành sản phẩm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Chú làm rất giỏi nên nhà tôi thường có thu nhập cao. Vậy là vô tình, cậu út trong nhà lại thành một lao động chính cùng mẹ chăm chút việc nhà. Có lẽ vì vậy mà cả bố và mẹ tôi đều yêu thương chú nhất.
Vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ở nông thôn có phong trào đóng và nung gạch thủ công để xây dựng nhà cửa. Hầu như gia đình nào có nhân lực đều lấy đất ruộng phần trăm hay đào đất vườn lên đóng gạch mộc, rồi tự nung để xây dựng các công trình lớn nhỏ trong gia đình.
Chú Dũng nhà tôi khi ấy mới chỉ học cấp hai, nhưng cũng cùng bạn bè đổi công cho nhau làm gạch, với mong ước phụ giúp cho gia đình làm một ngôi nhà khang trang hơn thay cho ngôi nhà bé nhỏ đã cũ nát của gia đình.
Mấy năm sau đó, nhờ sự dành dụm, chắt bóp cả đời của cha mẹ tôi và cả sự hỗ trợ của các anh chị đã trưởng thành, gia đình tôi xây được một căn nhà mái bằng nho nhỏ.
Khỏi phải nói chú Dũng tích cực, hăng hái trong quá trình xây dựng như thế nào. Về sau này, tôi vẫn luôn thấy Cha chồng tôi ghi nhận đóng góp của chú trong việc xây nhà.
Có lần tôi hỏi đùa Cha tôi khi Người không còn minh mẫn lắm “Ông ơi, sau này ông cho ai ngôi nhà này?” Ông tôi đáp ngay, không một chút đắn đo “Cho thằng Dũng, nó út ít, lại có công nhất khi xây cái nhà này…”.
Dù cả người hỏi và người trả lời đều chỉ nói cho vui, nhưng qua đó cũng thấy cha mẹ chúng ta từ xưa luôn thương quý con út đến nhường nào, và chú đã thực sự được bố mẹ tôi ghi nhận những đóng góp vô tư, không mệt mỏi từ ngày còn rất trẻ!
Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề, chú Dũng ra trường và về làm công nhân của phòng nông nghiệp huyện nhà. Chú là một trong những thợ lái máy cày đầu tiên của ngành nông nghiệp Thái Bình trong quá trình “cơ giới hóa nông nghiệp” ở quê lúa.
Ngày ấy, chiếc máy cày và các chàng “xế máy” rất danh giá ở quê tôi. Chú tôi vốn là chàng trai nhanh nhẹn, xốc vác lại đẹp trai, hào hoa nên đi đến đâu cũng có các “hoa khôi” trong thôn xã ngưỡng mộ thương nhớ.
Chú Dũng yêu một cô gái đẹp có tiếng trong vùng lại khôn ngoan, nhanh nhảu mồm miệng. Nhưng rồi tình yêu ấy không được gia đình tôi ủng hộ nên không thành. Sau cú sốc về tình cảm ấy, các anh chị tôi thuyết phục chú đi học đại học kinh tế tại chức để chuyển nghề vì lo lắng cuộc sống tự do, phóng khoáng của những “tài xế ruộng đồng” làm cho cái chất nghệ sĩ, lãng tử trong con người chú có nguy cơ vượt ra khỏi những khuôn phép của một gia đình rất đề cao gia giáo như gia đình tôi.
Vậy là sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế, cuộc đời chú Út rẽ sang một ngã khác. Chú tạm biệt quê hương, rời buồng lái chiếc máy cày đã gắn bó những tháng năm trai trẻ để bước vào một môi trường làm việc hoàn toàn mới trong một nhà máy dệt ở Thành Nam - thủ đô dệt may của cả nước từ thời Pháp thuộc.
Tại nơi đây, chú đã yêu và nên đôi lứa với một cô thợ dệt xinh xắn, có làn da trắng mịn màng, khuôn mặt trái xoan và mái tóc suôn mượt, hoe hoe nâu rất đẹp (em Nhung).
Cuối năm 1992, tôi về làm dâu trong nhà thì sau đó mấy tháng cô chú cũng kết hôn. Ngày cưới tôi, chú và em nhiệt tình, hào hứng nhận mua hoa, trang trí phòng cưới và đạo diễn cho “Chú Rể” (là chồng tôi) lớ ngớ, vụng về (vì 16 năm sống trong trại lính, tận năm 34 tuổi mới thoát nạn “ế ẩm”).
Những tháng năm sau đó, cùng với sự thăng trầm biến chuyển của ngành dệt may Thành Nam và sự chuyển đổi cơ chế của kinh tế đất nước, chú Dũng lại một lần nữa chuyển nghề. Hình như có duyên nợ với ruộng đồng, chú lại trở về với ngành nông nghiệp nhưng ở lĩnh vực khác: bảo vệ thực vật. Lần này, chú Dũng đến với mảnh đất Hưng Yên – nơi cha chồng tôi đã có một thời gắn bó. Vốn là người năng động và chịu khó, ở lĩnh vực nào chú cũng thích ứng nhanh và làm tốt công việc của mình.
Điều làm cho mọi người trong nhà, nhất là bố mẹ tôi rất yêu quý chú là tính tình vui vẻ, xởi lởi, nhiệt tình với công việc chung của gia đình và đặc biệt rất “Tâm lý” với mọi người. Chú là người rất chăm về nhà thăm cha mẹ, hay chú ý mua sắm về nhà những đồ dùng cần thiết, không ngại ngần sửa chữa, nâng cấp, cải tạo nhà cửa, vườn tược cảnh quan cho đẹp, đàng hoàng, thuận tiện, an toàn hơn cho cha mẹ già.
Vốn là người chăm làm từ nhỏ, lại sớm sống độc lập nay đây mai đó, chú còn nấu ăn rất ngon và thích nấu nướng tụ tập anh chị em. Em dâu tôi cũng khéo tay, nội trợ giỏi, tính tình rộng rãi, chu đáo nên cả vợ chồng chú đều được bố mẹ tôi rất “tín nhiệm” và anh chị em yêu quý.
Đàn ông tuổi “Tứ tuần” đã chín chắn và trưởng thành. Cũng ở tuổi ấy họ có điều kiện hiện thực những ham thích và thú vui mà thời trẻ họ chưa làm được, chú tôi cũng vậy. Vốn là người có máu nghệ sĩ, phóng khoáng, lãng mạn từ thời trẻ, giờ đây có điều kiện thuận lợi, chú dốc lòng cho những ham thích rất nghệ sĩ của mình. Chú thích cây và hoa cảnh. Chú cũng ham mê đồ cổ (gỗ, sành sứ ,và... quạt điện Nhật) Chú say mê sưu tầm, ươm, mua về biết bao nhiêu là cây và hoa đủ mọi chủng loại. Vườn cơ quan không còn chỗ để, chú đem gửi bạn bè; không còn gửi được ai nữa chú chở về vườn nhà ở quê. Mảnh vườn khá rộng của cha mẹ tôi được chú chăm chút và mang đủ mọi loại cây, hoa quí, hiếm các nơi về trồng. Đã có những lần bọn trộm cướp mang hẳn xe ô tô vào cơ quan chú cướp đi nhiều chậu cây cảnh quý, chú liều mạng chiến đấu với bọn chúng và bị thương nhẹ khiến cả nhà tôi lo lắng.
Sau lần ấy vợ con chú và cả gia đình phải nói mãi chú mới “đứt ruột” giải tán bớt vườn cây cảnh của mình. Hằng tuần về thăm bố mẹ , chú đều dành nhiều thời gian chăm chút, tỉa tót, vun trồng, tưới tắm, chăm bón cho cây. Cả nhà tôi phản đối cái ham mê “tốn kém” của chú, nhưng quả thực, chú đã đem đến cho cảnh quan trong nhà những điều kỳ diệu tuyệt vời mà không nhà ai có được. Nhờ có chú mà tôi và mọi người mới được chiêm ngưỡng những loại hoa quý gần như đã tuyệt chủng ở quê hương tôi như hoa Hạnh, hoa Lựu, hoa Ngâu. Nhờ có niềm đam mê cây cối của chú mà khu vườn nhà tôi đã trở thành một “Khu bảo tồn hoa trái” khi nó có mặt tất cả những loài cây giờ đây chỉ còn trong câu hát được ít người nhớ đến về một tuổi thơ nghèo khó nhưng trong lành của những đứa trẻ thuộc thế hệ 6X. 7X, 8X ở nhà quê xưa.
Mỗi lần về quê, ai cũng được hít hà từ đầu ngõ cái hương thơm của các loài hoa trái mùa nào thức ấy. Tôi thích nhất là mùa hè nằm trên tấm phản đá mát lạnh ngắm hoa nở, tiếc hoa rơi, vẩn vơ nhớ về những ước ao “cái ngày mình sắp lấy chồng”… Và khi về thành phố, lại ních đầy cái “giỏ con con... mười ba gang” nào: khế, táo, roi, hồng , bưởi, ổi, thị, na, sung... chín thơm, vàng hươm mang ra làm quà quê cho bè bạn...
Tôi thầm nghĩ: tại sao chúng ta đã vô tình hưởng thụ mà còn trách móc cái người vất vả tốn kém bạc tiền, công sức trồng và chăm cây cho mình hái quả. Cái đam mê tốn kém ấy của chú út nhà tôi suy cho cùng là vì cái gì, nếu không phải là một tình yêu nồng nàn sâu rễ bền gốc với mảnh đất quê hương mà tuổi thơ của chúng tôi đã gắn bó máu thịt, cái mảnh đất ấy đang ngày một mất đi vẻ đẹp trong lành, giản dị , dân dã của “hồn Quê” bao đời!
Ngoài cây cối, chú tìm mua những món đồ cổ mà chú thích bày khắp nhà, nâng niu, lau chùi, trao đổi, đàm đạo, thưởng thức, lan tỏa với những người cùng sở thích.
Em dâu tôi cũng khổ vì ham mê thái quá ấy của chồng, nhưng rồi vốn hiền lành, thương chồng nên cũng phải nhịn. Tuy vậy, bố vợ chú thì lại ủng hộ. Ông nói với con gái “Giữa việc chồng con mua đồ cổ về nhà và mang tiền đi cờ bạc, chơi bời, con chọn việc gì”. Em dâu tôi dù ấm ức trong lòng nhưng cũng đành chịu vậy. Và thế là khắp nơi trong nhà mình, rồi nhà bố vợ chú, đến nhà mẹ chồng tôi, và cả các anh chị em trong đều xuất hiện các món đồ cổ đủ loại do chú sưu tầm, từ đồ gỗ, đồ sứ, đồ đồng, xe đạp , quạt điện…Tóm lại, ngôi nhà nhỏ của chú đã trở thành một “Bảo tàng của các loại sở thích mang tên… Ông Dũng”.
Những người anh em trong nhà suýt soát tuổi nhau thường dễ hiểu và thân nhau thì phải! Chồng tôi thứ năm và chú thứ bảy, hơn nhau tám tuổi nên cũng kết nhau. Hai ông hay thậm thụt tung hứng, trao đổi bàn bạc về các loại đồ cổ, xây sửa nhà cửa, vườn tược, mua cây và hoa. Không hiểu gì nhiều nhưng thích cây cối nên tôi cũng hay nghe lỏm và xía vào chuyện “triều đình”. Vậy là, mùa nào thức ấy, khu vườn nhà tôi đều tràn ngập hương hoa, thơm mùi trái chín và có tất cả những cây trái mà tôi mơ ước từ thủa nhỏ: thị, táo, hồng, lựu, hạnh, hải đường, mẫu đơn ….
Hè về, ngồi dưới tán cây nghe gió reo, chim hót, hít căng lồng ngực hương cau, hương bưởi, mùi thị thơm lành, mát trong… ai không chạnh lòng nhớ về người… không vì lợi ích gì cho riêng mình mà bỏ tiền túi ra trồng đủ các loại cây cho Ngôi nhà tuổi thơ của những người đều đã làm ông làm bà, lúc nhớ lúc quên.
Công tác ở Hưng Yên, dường như tuần nào chú Dũng cũng về quê với bố mẹ già trước khi về Nam Định với vợ con. Vốn là người chăm chỉ, khéo tay, chú Dũng chẳng nề hà một việc gì trong nhà (khác hẳn với ông anh kế là chồng tôi); từ việc sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc đến nấu nướng, tưới cây, chăm chút mẹ già. Thật cảm động và ấm áp khi nhìn cảnh người con trai tóc đã hoa râm gội đầu, hong tóc, cắt móng chân, móng tay cho mẹ già tóc trắng như mây. Bố tôi thì hoan hỉ khi chú út về vì khi ấy, Ông có “liên minh hút thuốc lá” bất chấp “cấm vận” của mẹ tôi. Chú út cùng có “nết xấu giống bố” (Cha tôi nói thế) là nghiện thuốc… vì vậy, quan điểm của chú là: “Ông già rồi, sống chết mong manh, đừng cấm đoán ngặt nghèo quá, thương lắm!”
Sau này Bố tôi mất, mỗi lần về nhà thắp hương cho Ông, bao giờ chú cũng đốt cúng một điếu thuốc. Mẹ tôi thì cuối tuần nào cũng mong ngóng chú về. Có phải mẹ thường thiên vị với con út; hay vì hai mẹ con hợp tính nhau nên mẹ tôi rất yêu thương chú. Bà luôn quan tâm chi chút cho chú và cùng dễ tha thứ cho những khiếm khuyết của thằng con “ cấn cơm cấn sữa” vất vả nhất nhà.
Nhưng không phải con người ta lúc nào “ở hiền” cũng “gặp lành”. Giữa năm 2017, chú bị bệnh nan y. Nhờ phúc ấm của tổ tiên, chú đã vượt qua trọng bệnh, nhưng cũng vì thế mà sức khỏe giảm sút nhiều. Khi con người ta phải trải qua những thử thách sinh tử của số phận, người ta sẽ thay đổi nhiều trong cách nhìn nhận cuộc đời cũng như ứng xử với cuộc sống. Chú Dũng nhà tôi cũng không ngoại lệ. Chú sống trầm lắng, nội tâm hơn, hướng về tâm linh nhiều hơn, quan tâm chăm sóc mẹ già hơn… nhưng những đam mê nghệ sĩ thì vẫn không đổi.
Chú có thể không mua những loại thuốc, thực phẩm chức năng đắt tiền để bồi bổ sức khỏe cho mình, nhưng vẫn sưu tầm những cây cảnh, cây ăn quả đẹp và đắt tiền trồng khắp vườn nhà ở quê. Chú nhiệt tình, chu đáo, đôn đáo và không ngại ngần xắn tay áo tham gia làm những việc hiếu, việc thờ phụng, kiến thiết sửa sang trong gia đình, dòng họ. Mà làm việc gì chú cũng cẩn thận, chu đáo và muốn làm đàng hoàng nhất trong điều kiện có thể.
Em dâu tôi thì xót chồng nên bực tức vì can ngăn không được. Các anh chị em thì thương em nên dù không muốn cũng ủng hộ. Tôi cứ nghĩ: những gì chú ấy cố gắng làm không chỉ đơn thuần là do ham mê, mà còn như một việc làm “lưu giữ văn hóa, tâm hồn” cho những thế hệ sau trong gia đình tôi. Nó sẽ là những di sản tinh thần còn mãi về ông bà cha mẹ, về mảnh đất hương hỏa của Tổ Tiên, quê hương - nơi 5 thế hệ gia đình tôi đang sống.
Tôi và chú Dũng đều là con út trong nhà. Bây giờ tôi và chú đều đã lưng chừng cái tuổi “Tri thiên mệnh”, trong niềm quý thương sâu thẳm, tôi chỉ cầu mong sao cho chú luôn bình an, khỏe mạnh để có thể tiếp tục những việc mà mình yêu thích; để mỗi dịp đại gia đình tôi sum họp lại nghe tiếng cười dí dỏm của chú diễn trò “móc trộm tiền trong túi của bà” với những câu chuyện phiếm để cả nhà cười vui… kéo dài những tháng ngày hạnh phúc của anh chị em tôi bên mẹ già đã gần “bách niên giai lão”!
Hải Phòng, tháng 2/2020