• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Nơi yêu thương gọi về

Thứ tư - 11/01/2023 16:15




NƠI YÊU THƯƠNG GỌI VỀ

(Trần Thu Huê)


 Trong những năm tháng học trò, tôi và bao bạn bè thuộc nằm lòng câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang:


         “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen

  Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

          

Tôi ấp ủ mơ ước được tới nơi ấy, để được thỏa thích ngắm những cánh đồng hoa sen mênh mông, biết thế nào là “miền sông nước” như trong “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Tôi cũng không ngờ sau này cuộc đời mình lại gắn bó với vùng đất rất xa xôi, cách đồng bằng Bắc bộ gần 2.000 km ấy – Đồng Tháp Mười.

       

Ngày tôi đặt chân tới Đồng Tháp Mười là cuối tháng 5.1984. Đường tỉnh 49 – nay là Quốc lộ 62, mới chỉ là đường đất đỏ, mỗi lần xe chạy qua, bụi cuốn bay mù mịt, bụi len vào hốc mắt, vào mũi, vào miệng, phủ màu đỏ mờ lên quần áo, lên tóc tai người đi đường. Mùa mưa thì nhiều đoạn trơn trượt do bị trôi mất lớp sỏi đỏ, xe đạp, xe máy đi qua không lái cứng là cả người và xe “nằm đường” sình lấm từ đầu đến chân. Mùa nước nổi, nhất là những năm lũ lớn, tất cả chìm trong biển nước mênh mông, không phân biệt được đâu là đường lộ, đâu là dòng kênh, những căn nhà nhỏ lưa thưa cặp lộ cũng ngập trong nước. Đường tỉnh 49 là một trong những công trình trọng điểm thực hiện chủ trương khai phá Đồng Tháp Mười của tỉnh ủy Long An. Hàng ngàn dân công, cả cán bộ công chức cũng được huy động luân phiên tham gia đào đất, đắp đường liên tục trong nhiều tháng, con đường như sợi chỉ đỏ vắt ngang qua những cánh đồng tràm xanh ngắt, là tuyến đường duy nhất xuyên suốt các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, nối liền trung tâm tỉnh tới biên giới Việt Nam – Campuchia. Lúc ấy, cả mấy chục cây số đường chạy giữa đồng, không có nhà cửa, quán xá san sát như bây giờ, thỉnh thoảng lại có mấy chòi lá của những người tới chưng cất tinh dầu tràm bằng những cái thùng phuy lúc nào cũng nghi ngút khói. Đến nay, đường tỉnh 49 được Trung ương đầu tư, qua mấy lần nâng cấp, mở rộng, trở thành Quốc lộ 62, là tuyến đường chủ lực trong hệ thống đường bộ phục vụ phát triển kinh tế - quốc phòng cho các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An và các huyện, tỉnh bạn giáp ranh…

        

Lúc tôi về nhận công tác, huyện Tân Thạnh mới thành lập được gần 04 năm, tách ra từ huyện Mộc Hóa cũ, cơ sở vật chất còn rất đơn sơ. Trụ sở UBND huyện tận dụng dãy nhà làm việc của chế độ cũ, tường xây thấp và mái lợp tôn xi măng, vào những ngày nắng gắt thì nóng hầm hập, mồ hôi vã ra như xông hơi. Huyện chưa có điện lưới quốc gia, chỉ Bưu điện có máy phát điện phục vụ trong giờ làm việc và UBND huyện có máy phát điện lớn hơn nhưng chỉ hoạt động khi có sự kiện quan trọng và thắp sáng từ 19 giờ tới 21 giờ tối, các cơ quan huyện và nhà dân dùng đèn dầu. Nhà ở tập thể không có, các chú, các anh lãnh đạo huyện ở ngay tại phòng làm việc, ngăn cách bởi tấm bảng gỗ ghi lịch công tác, còn nhân viên thì ngăn căn nhà kho ra thành những ô vừa đủ đặt một cái giường và một cái tủ nhỏ. Tất cả mọi người đều “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”. Không có cấp dưỡng, mọi người – trừ lãnh đạo cơ quan, luân phiên đi chợ, nấu cơm. Tôi vốn quen với bếp rơm rạ ngoài quê, lần đầu nấu cơm bằng bếp trấu, bữa cơm cho gần 20 người ăn, lúng túng vô cùng… Cái lò trấu cao gần ngang ngực tôi, nhóm gần hết một đồng giấy vụn, vỏ tràm mà không sao cháy được, chọc nhẹ quá thì trấu không được tiếp đều, mà dùng que cời chọc mạnh, trấu sụp ào xuống, bếp tắt ngấm. Cơm cạn nước, cứ để trên bếp trấu là chín, chứ không vùi dưới tro như ở ngoài quê. May có chị bạn chạy tới hỗ trợ, cuối cùng cũng nấu xong bữa cơm với cá kho, canh rau tập tàng…trong nước mắt cả vì cay khói và vì khóc…


Hồi nhỏ ở nhà tôi chưa từng nấu ăn, làm cá, do toàn đi trọ học xa nhà, ăn cơm tập thể từ nhỏ. Mà làm cá ở trong Nam cũng khác lắm. Con cá rô, cá lóc, cá mè… sau khi đánh vảy xong phải chặt vây, móc mang sạch sẽ, cắt bỏ được phần miệng cá, phần đầu cá vanh tròn gọn ghẽ, làm cho con cá như mập hơn. Cá lóc phải móc cục tanh ở cổ, cá trê móc cục tanh 02 bên mang rồi rửa lại bằng nước muối, nước chanh hoặc dấm, sao không còn nhớt mới đạt yêu cầu…Các bà mẹ chồng đi chọn dâu cũng hay để ý, nếu làm cá gọn và đẹp, sạch nhớt thì mới chấm là dâu đảm, dâu khéo…


Đến giờ ăn, nghe tiếng kẻng gõ keng keng, mọi người gọi nhau ý ới tập trung vào nhà ăn, gọi là nhà ăn nhưng chỉ là mấy cái bàn làm việc ghép lại, cũng không có khăn trải bàn. Bữa cơm tập thể thời bao cấp đạm bạc, chỉ là dĩa cá kho, tô canh “không người lái” lõng bõng nước, đĩa rau sống chấm nước cá kho… nhưng luôn vui vẻ trong sự chan hòa của mọi người, những câu chuyện vui, những gán ghép cho ai kia đỏ mặt…      

Phía trước cơ quan là dòng kênh Dương Văn Dương, khi ấy cá nhiều vô kể. Chỉ cần nhấn chìm chiếc xuồng cũ xuống cặp mé kênh, bỏ vô đó mấy nhánh chà và ít lục bình, sau vài ngày tát cạn nước, kéo xuồng lên là được cả một rổ vừa cá, cua, tôm… đủ loại. Buổi chiều, các anh nam vừa tắm vừa rủ nhau mò tôm, cá trốn dưới gốc dứa dại mọc dày bên bờ kênh, nhờ đó, bếp ăn cũng tươi hơn… Những ngày nghỉ cuối tuần, mọi người ít về nhà do việc đi lại còn khó khăn, đám con gái rủ nhau làm nấu chè, làm bánh, tôi biết nấu chè, nấu mấy món cơ bản của Nam bộ cũng từ những ngày ở tập thể này. Các anh thì bày món nhậu, ngà ngà xỉn là lấy vung xoong làm trống, lấy đũa làm dùi, vừa gõ, vừa ca cải lương… cảm giác ấm áp như trong gia đình. Vào mùa nước nổi, tôi hay theo các anh chị chống xuồng vào rừng tràm bắt chuột. Nước ngập sâu, những con chuột mập ú trốn trong bụi cây, kéo vỏ tràm làm tổ, lắc mạnh chuột rơi xuống nước, phải nhanh tay chụp kẻo nó lặn mất tiêu. Hiệu quả nhất là bắt chuột bằng ná thun, phóng chĩa… Chuột đem về nhúng vào nước nóng già, lột da, bỏ ruột, chặt bỏ đầu đuôi, chân… rồi đem ướp, chế biến ra gần chục món ăn rất hấp dẫn, không dễ gì nhận ra đó là món ăn làm từ chuột. Hôm ấy có đoàn khách trẻ tuổi từ Thành phố Hồ Chí Minh về giao lưu với đoàn thanh niên cơ quan, được đãi mấy món: chuột khìa nước dừa, chuột nướng ăn với rau răm, chuột ram vàng bằm nhuyễn rồi xào với lá cách, xào với củ kiệu, đổ bánh xèo nhân thịt chuột … Ai ăn cũng khen ngon nức nở vì lạ miệng, hỏi là thịt con gì? Anh bạn tôi trả lời tỉnh queo: con sóc tràm, sóc ở Đồng Tháp Mười nhỏ xíu và thường ở trong rừng tràm rậm rạp… Tụi tôi nghe mà bụm miệng, hổng dám cười thành tiếng…

        

Năm 1988, một nhóm công nhân được bố trí về ăn nghỉ tại Văn phòng UBND huyện, trong khu nhà kho vừa được dọn dẹp. Đó là những người đầu tiên làm công tác thiết kế, lập kế hoạch, sau đó là tuyến đường điện trung thế đầu tiên được kéo từ Thị trấn, lan tỏa dần tới các xã. Đưa điện về nông thôn thực sự là đưa ánh sáng của cuộc sống văn minh, hiện đại về. Đêm đầu tiên có điện, cả một vùng bừng sáng lung linh, tiếng hò reo tưng bừng, rộn ràng, thị trấn rộn ràng không ngủ. Có điện, huyện mới có điều kiện để triển khai xây dựng trạm cấp nước đầu tiên ở Thị trấn. Lâu nay, việc cung cấp nước sạch nhờ vào công trình quạt gió do UNICEF tài trợ, cũng chỉ đủ phục vụ cho khu vực UBND huyện. Một mũi khoan hơn 300 mét đi sâu vào lòng đất, nối với hệ thống cánh quạt quay nhờ sức gió để đưa nước lên, hoặc có thể dùng sức để điều khiển cần bơm tay. Vào mùa gió nhiều, nước tuôn xối xả, hồ chứa nước đầy tràn. Nhưng vào những ngày trời im gió, cây cối đứng lặng phắc, lắc cần bơm mỏi tay mà vẫn không có nước, trời nắng như đổ lửa, cả nhóm phải cử một người khỏe mạnh leo lên quay cật lực cánh quạt để rút nước lên, ở phía dưới là một dãy dài xô, chậu, thùng… chờ hứng nước. Những anh chàng muốn ghi điểm với “đối tượng” của mình, cứ chiều đến là luân phiên xung phong lên quay cánh quạt. Có câu chuyện kể về một chàng trai tối tối xách một xô nước ngọt  lặng lẽ để đặt trước cửa phòng cô gái mình thầm thương… Chả cần nói lời nào, cách “trồng cây si” này thật hiệu quả, vì mấy tháng sau, thấy họ ríu rít bên nhau đi… hứng nước.


Khi trạm cấp nước ngầm đầu tiên được xây dựng ở khu trung tâm huyện thì quạt gió cũng chính thức được nghỉ ngơi, nhưng bao năm nay, nhiều người coi đó là hình ảnh thân thương, “biểu tượng” của huyện, của một thời gian khó… Hơn 40 năm qua, dù cảnh quan thay đổi rất nhiều, nhưng huyện vẫn quyết định giữ lại cây quạt gió, dịch chuyển tới một vị trí ổn định lâu dài hơn ở gần nơi cũ, để nhắc nhớ mọi người kỷ niệm về những ngày đầu thành lập huyện thiếu thốn trăm bề, để thấy một Tân Thạnh đã thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng sau hơn 1/3 thế kỷ.

        

Hơn 38 năm gắn bó với vùng đất được coi như lòng chảo Đồng Tháp Mười này, tôi đã được trải qua những mùa nước nổi rất đặc trưng, cả những trận lũ lịch sử như trận lũ lụt năm 2000. Hàng năm, cứ từ tháng 6, tháng 7 âm lịch là người ta lại hồi hộp, thấp thỏm chờ đợi “ không biết năm nay nước về thế nào”, có nước lũ hay không có nước lũ, nước lớn hay nước nhỏ.. Từ cuối tháng 8 âm lịch, nước từ đầu nguồn sông Mê Kông qua Campuchia đổ về Đồng Tháp Mười. Nước dâng từ từ nhưng liên tục hàng tháng trời và lưu lại vài ba tháng, gọi là “thời gian ngâm lũ”. Trận lũ lụt lịch sử năm 2000, nước lũ dâng cao 2,66 mét, một vùng đất rộng lớn biến thành biển nước mênh mông, nước nhấn chìm đồng lúa, ao cá, đường sá, nhà cửa của dân, trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế…cũng ngập sâu trong nước. Những hộ dân nhà ở cặp bờ kênh, nhà tre lá… được chính quyền cử người và phương tiện hỗ trợ đem đồ đạc, giường tủ… di dời lên gò cao, che chòi ở tạm chờ lũ rút, những hộ có nhà ở chắc chắn hơn thì đốn cây làm sàn, nước tới đâu, kê đồ đạc lên tới đó, khi nào không trụ nổi thì mới chạy lũ lên các khu đất cao. Trường học tạm đóng cửa, học sinh có thời gian phải nghỉ học do lũ. Lúc ấy, những khu gò cao, các đoạn đường, cây cầu không bị ngập trở thành nơi cư ngụ của hàng chục gia đình, cả gà vịt, heo, trâu bò cũng ở chung đó, trời nắng nóng hầm hập, xung quanh nước ngập mênh mông, cuộc sống vất vả vô cùng. Việc di chuyển hoàn toàn bằng ghe, xuồng. Có ghe xuồng thì đi chở đất mướn, giăng lưới, hái rau lo cuộc sống hàng ngày. Nhà nào cũng phải có ít nhất 01 cái xuồng, như bây giờ mỗi nhà có ít nhất 01 cái xe máy vậy. Không có xuồng, khác nào bị trói chân tay. Những đoàn tới cứu trợ lũ lụt, tặng xuồng là bà con mừng lắm, vì lúc đó, mì tôm, gạo, nhu yếu phẩm là “con cá” để no lòng qua ngày nhưng chiếc xuồng mới là “cần câu” để bà con mưu sinh trong và sau lũ. Những đứa trẻ ở vùng sông nước từ bé đã được tập bơi lội, tập chèo xuồng. Lên chín mười tuổi là biết bơi xuồng đi giăng câu, thả lưới, hái rau, hái bông súng, bông điên điển gần nhà. Suốt mùa lũ giang nắng, đứa nào cũng đen nhẻm, sách vở quần áo đồng phục bỏ quên một góc nhà, tới khi lũ rút, đi học trở lại thì kiếm không ra vì bị chuột cắn, nước cuốn trôi từ hồi nào. Có những vụ đuối nước thương tâm của những em bé còn quá nhỏ do sự bất cẩn của người lớn, hay người đi giăng câu giữa đồng trống gặp giông gió bị lật xuồng. Năm nào, đầu mùa lũ, chính quyền và đoàn thể cũng liên tục nhắc nhở, cảnh báo, nhưng vì chủ quan, nên tai nạn đuối nước vẫn xảy ra…Tôi được giao nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình diễn biến của lũ lụt và thiệt hại do lũ lụt hàng năm liên tục từ năm 1991 cho tới năm 2010, lũ lớn phải trực xuyên suốt cả ngày và đêm. Con đường từ nhà tới cơ quan ngập sâu trong nước, cho con nhỏ ngồi giữa, 02 vợ chồng 02 đầu bơi xuồng tắt cánh đồng đi làm. Nhà ở cũng ngập nước, đồ đạc, giường tủ kê cao, đi lại trong nhà trên một tấm gỗ bắc như cây cầu nhỏ, đêm nằm nghe cá quẫy tí tách dưới gậm giường, có đêm mưa lớn, nước lên nhanh quá, đang ngủ thấy dưới lưng lành lạnh, sờ tay thấy giường chiếu ướt mèm, vợ chồng phải choàng, loay hoay kê giường cao thêm. Những buổi tháp tùng lãnh đạo huyện đi thăm bà con vùng ngập sâu nắng cháy da, tất cả cả đoàn đi chân đất để tiện lội nước, suốt mùa lũ, ai cũng gầy xọp, hốc hác và đen nhẻm. Có những chiều muộn chạng vạng, cả đoàn còn lênh đênh giữa đồng nước mênh mông vì tác ráng chết máy, chỉ có một cây dầm, mọi người thay nhau bơi, cả bằng dầm, cả bằng tay, vừa mệt vừa đói…Nhưng sáng hôm sau, máy sửa xong thì vẫn tiếp tục lên đường, để đến với những hộ dân đang rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ trong mùa lũ…

      

Bên cạnh những thiệt hại của những năm lũ quá lớn, thì lũ Nam bộ vẫn được coi là “lũ hiền”, không có sức tàn phá khủng khiếp như lũ quét, lũ ống ở miền Trung, Tây Nguyên hay các tỉnh miền núi phía Bắc. Nước lũ dâng từ từ, chứ không đổ về ào ạt, mang theo phù sa bồi đắp đồng ruộng, cuốn đi hạt cỏ, mầm sâu bệnh, mang theo tôm cá… Vụ lúa năm sau sẽ nhẹ chi phí phân thuốc mà năng suất cao hơn. Mùa nước nổi gắn với những đặc sản mà thiên nhiên ưu ái cho vùng đất này: cá linh, bông điên điển, bông súng, rau hẹ nước … làm nên rất nhiều món ăn dân dã mà đậm hồn quê…Từ sau trận lũ lịch sử năm 2000, chương trình “ dân sinh vùng lũ” của Chính phủ đã đầu tư nguồn lực rất lớn để xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đưa các hộ ở vùng ngập sâu lên ở an toàn ổn định, hỗ trợ kinh phí nâng nền nhà, các công trình dân sinh, cầu lộ đều được xây dựng cao hơn đỉnh lũ năm 2000, con em không còn phải gián đoạn việc học hành do lũ… Giờ cuộc sống ổn định và khấm khá hơn, người dân vẫn có thói quen mong ngóng mùa nước nổi về mỗi năm “đến hẹn lại lên”. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, do những đập thủy điện xây dựng phía thượng nguồn và biến đổi khí hậu, mùa nước nổi có năm về nhiều, năm về ít, thất thường trong sự thấp thỏm chờ mong của người nông dân. Lũ không về, là cạn kiệt nguồn tôm cá, đất thêm bạc màu, năm sau chi phí cho vụ lúa sẽ nặng hơn…Vậy nên, vào mùa nước nổi, nhìn ra thấy nước băng đồng trắng xóa, bà con vui mừng lắm, mùa lũ đã về!

        

Gần 40 năm gắn bó với nơi đây - mảnh đất phương Nam xa xôi ngày bé chỉ là tưởng tượng qua câu ca dao, thì nay đã là quê hương thứ 2 của tôi. Công việc chuyên môn của tôi luôn gắn bó với cuộc sống của người dân, điều hành hoạt động trên các lĩnh vực chăm lo sức khỏe, giáo dục, đời sống văn hóa tinh thần và an sinh xã hội, chăm lo cho những hộ nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Trước khi nghỉ hưu vào năm 2020, điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc là huyện đã giảm hộ nghèo xuống còn hơn 1%, các gia đình chính sách đã cơ bản được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa ổn định, hàng trăm hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở; các hộ dân đều có nước sạch và điện phục vụ sinh hoạt; bệnh viện, trường học, trạm y tế đã được xây dựng khang trang, 13 xã, thị trấn có nhà bia tưởng nhớ các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ, Nghĩa trang liệt sỹ liên huyện được nâng cấp đẹp hơn, khang trang hơn; các tuyến đường liên ấp, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa, xe 4 bánh đã vào tới cả các ấp vùng sâu, vùng xa, không còn cảnh “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”, không còn lo ngập lụt mỗi khi mùa lũ về…Từ vùng đất chua phèn chỉ sản xuất một vụ lúa, nay hàng năm huyện có trên 26.000 ha sản xuất 3 vụ, cung cấp cho thị trường trên 400.000 tấn lúa, chủ yếu lúa xuất khẩu. Từ một huyện thuần nông với cây lúa là chủ lực thì nay công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đã phát triển ở tất cả các xã và vùng đất chua phèn trũng thấp ngày nào nhờ có hệ thống đê bao ngăn lũ vững chắc và ứng dụng khoa học kỹ thuật, huyện đã có hơn 30 ha trồng sầu riêng cùng hàng trăm ha cây ăn trái các loại cho năng suất cao như một kỳ tích….Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thạnh đang nỗ lực phấn đấu để xây dựng huyện đạt chuẩn huyện Nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025.

        

Ngày đầu tiên đặt chân tới mảnh đất vốn được coi như “rốn lũ của vùng Đồng Tháp Mười”, với “đặc sản”: “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”, vốc bụm nước từ kênh Dương Văn Dương lên rửa mặt, cảm nhận vị chua, chát thấm vào đầu lưỡi, tôi chợt ứa nước mắt khi cảm nhận những ngày tháng sắp tới sẽ nhiều khó khăn… Những ngày cuối tuần, lại thèm cảnh cả nhà quây quần bên mâm cơm, nhớ những món ăn thân thuộc của quê hương, những đêm 30 Tết lặng lẽ khóc vì nhớ nhà, nhìn đòn bánh tét lại nhớ mùi bánh chưng, thấy hũ kiệu muối lại nhớ vại dưa hành của mẹ… Một ngày đầu tháng 12.1984, tôi đã òa khóc không kìm nén khi nhận được lá thư của người bạn thân từ hồi lớp 4, bạn bảo rất khó khăn mới tìm được địa chỉ của tôi, nói tôi hãy ra Hà Nội tiếp tục ôn thi Đại học “để chúng mình gần nhau” … Nhưng tôi đã chọn ở lại nơi này là quê hương thứ 2 của mình, đứa con gái út bướng bỉnh của mẹ muốn thử xem sức chịu đựng của mình tới đâu, muốn tự mình lớn lên… Dù nhiều vất vả, khó khăn, có lúc tưởng như quá sức chịu đựng với những biến cố và nghiệt ngã, với biết bao vui buồn trong cuộc sống và trong công việc, nhưng tôi luôn biết ơn mảnh đất Đồng Tháp Mười đã cho tôi có được sự trưởng thành, những người dân chân chất hiền hòa, những đồng nghiệp, cộng sự đã cho tôi sự ấm áp, thân tình và cũng thấy ấm lòng khi được góp một phần nhỏ bé trong những đổi thay của huyện trong hơn 40 năm xây dựng và phát triển…

 —---------

 * Nhân kỷ niệm 42 năm ngày thành lập huyện Tân Thạnh: 20.10.1980 – 20.10.2022


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.