- Thể ký
Thầy tôi
Thứ ba - 21/04/2020 11:23
Sáng mùng 4 tết năm 2006 tôi đang ngủ nướng thì chuông điện thoại reo, tôi lười biếng cầm lên vừa a lô, thì một giọng nói quen thuộc vang lên: “Thầy cô đang lên nhà em!”
Tôi bật dậy vội vàng nhảy ra khỏi giường, cuống cuồng ngó trước ngó sau và bắt đầu dọn dẹp tất cả gối, ra, khăn, áo nhét vào tủ đồ. Rồi gọi mải cho người giúp việc nhờ đi chợ mua vài thứ đặc sản về đãi khách. Tôi tất bật vào bếp. Vốn vụng về, nhưng tôi vẫn muốn tự tay nấu một vài món đãi thầy cô của mình. Nhờ sự giúp sức của chị giúp việc, cuối cùng các món đã khá là tươm tất. Đúng lúc chiếc xe du lịch màu trắng về đến cửa. Tôi vỡ òa trong niềm vui gặp lại thầy giáo tôi cùng vợ và 2 con của thầy. Thầy vẫn khỏe mạnh, cô vẫn trẻ trung và 2 con của thầy thì đã lớn, đứa nào cũng đẹp. Trần Mai Nam đã là sinh viên đại học, còn Mai Lê Gin thì đang học cấp III. Ngày xuân được quây quần bên những người mình yêu quý, tôi thấy thật là hạnh phúc.
Sau 20 năm, thầy mang về tặng tôi cuốn Kỷ yếu của trường, trong đó có bài thầy giới thiệu về thơ của tôi. Tôi xúc động vô cùng, đón nhận những tình cảm ưu ái thầy cô dành cho tôi. Tôi biết cô Thắm - vợ thầy cũng là một cô giáo giỏi. Say mê văn chương và cũng là người tiếp sức cho thầy khi thầy viết bài cảm nhận về những tác phẩm của tôi. Những trang thơ bé nhỏ của tôi như những dòng nhật ký bằng thơ mộc mạc chân tình về những tình cảm tôi dành cho cha mẹ, anh em, bè bạn, học trò... đã được thầy phân tích đánh giá thật sắc sảo công tâm và sâu sắc, bằng sự đồng cảm và trí tuệ. Thầy đã tốt nghiệp cao học và là chủ nhiệm khoa văn của trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé - nơi tôi học ngày xưa. Có lẽ trong cuộc đời đi học của mình và cho đến bây giờ điều tôi luôn kiêu hãnh tự hào không phải là những thành tích như: 4 lần dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia, nhiều giải thưởng sáng tác Văn học nghệ thuật trong nước và cả của Hội hữu nghị Việt - Xô mà chính là tôi được sống trong tình cảm thầy trò thiêng liêng đẹp như cổ tích. Ở cấp học nào tôi cũng có những thầy cô vô cùng yêu quý và giành cho những tình cảm chăm sóc dạy dỗ đặc biệt như các nhà văn Tô Hoài, Phong Thu, nhà thơ Kim Chuông, Lê Bính, thầy Lê Thanh Hải, cô Đặng Huyền Trâm, nhà giáo, nhà thơ Từ Nguyên Thạch, cô Trịnh Mai Lam, nhà giáo - nhà văn tài năng; cô Trịnh Thị Hồng Luyện và thầy Trần Xuân Lý cùng dạy tôi ở trường Cao đẳng sư phạm Sông Bé.
Ngày ấy, khi vừa tốt nghiệp cấp III (THPT), với thành tích học tập khá xuất sắc của mình: Học sinh giỏi cấp quốc gia, lại từng là học sinh của nhà văn Tô Hoài, đã có bài đăng liên tục trên các báo của Thái Bình và Trung ương từ năm 11 tuổi, nên tôi được xem là trường hợp đặc biệt và dễ dàng được nhận vào làm biên tập viên văn nghệ tại phòng văn nghệ xuất bản sở Văn hóa Thông tin Sông Bé.
Khi vừa tốt nghiệp cấp III. Nhưng làm biên tập quá khó và có vẻ già so với cô bé gần 18 tuổi. Một hôm tôi theo cô Mai Lam, vợ chú Phạm Ngọc Am - Trưởng ban biên tập, vào trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé, nơi cô dạy học để chơi. Đến nơi nhìn cảnh sinh viên trong ký túc xá đông vui, sinh viên khoa văn năm thứ nhất đang say sưa hát dân ca, (vì họ đang học phần văn học dân gian), vốn là đứa thích hát và cũng đã từng đi hát trong các hội diễn văn nghệ thiếu nhi, nên tôi mê man cả người. So với công việc hiện tại của mình, tôi thèm được như các bạn kia. Tôi hỏi cô Mai Lam: “Cô ơi, cháu xin vào đây học được không ạ?” Cô Lam bảo:”Em vào đây thì tốt quá còn gì!”. Sau buổi chiều ấy, tôi quyết định xin thôi việc ở Sở VHTT để xin vào học tại trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé.
Ngày đầu tiên lên giảng đường, khi ấy các bạn khác đã nhập học được hơn một tháng, nhưng vì tôi là trường hợp đặc biệt nên vẫn được nhận vào không phải thi, lại đúng tiết thầy Trần Xuân Lý. Thấy cô sinh viên mới, thầy yêu cầu “Khai báo” họ tên. Vừa nghe tôi giới thiệu tên xong, bất ngờ thầy bảo: “Chúng tôi đợi bạn đã lâu, chúng tôi đã nghe tên bạn rồi.” Sau lời phán ấy, hàng trăm đôi mắt tò mò đổ dồn về phía tôi, khiến tôi ngại ngùng bối rối. Liên tiếp những tuần sau, các thầy cô cũng đặc biệt chú ý đến sự có mặt của tôi trong lớp. Có lẽ cái danh là học sinh của Tô Hoài và những tác phẩm đã đăng báo khiến tôi nổi tiếng. Sau đó là các bạn sinh viên ngấp nghé, chỉ trỏ: “Biên Linh kìa!... Biên Linh kìa!”
Cuộc đời sinh viên khổ, nhưng thật thích, có biết bao niềm vui, nhất là sinh viên khoa văn. Thầy Lý là chủ nhiệm khoa nên mỗi khi tổ chức câu lạc bộ văn học của khoa ,thậm chí là của giáo viên, công nhân viên, thầy vẫn giao cho tôi viết và trình bày những đề tài của câu lạc bộ. Tôi đã chọn “tình yêu trong ca dao” trong câu lạc bộ văn học dân gian. “Tình yêu - điểm tựa của chiến sĩ” trong phần văn học cách mạng. Kỳ lạ là sinh viên trường xem trên bảng tin cứ căn phần trình bày của tôi là kéo đến, đông chật kín cả hội trường. (Có lẽ họ thích nghe đề tài tình yêu). Bất kể lễ lớn nào của nhà trường, tôi cũng được chọn thay mặt cho sinh viên phát biểu cảm nghĩ (có lẽ do giọng nói khá ăn mi-crô và tôi thường nói những điều giản dị, có cảm xúc). Tôi cũng thường dẫn chương trình cho các hội diễn văn nghệ của trường và hội diễn liên trường. Đôi khi cao hứng tôi còn ngâm thơ nữa. Tôi luôn được các thầy cô tin tưởng, bạn bè gần gũi nhưng người luôn động viên tôi qua những bài viết, cổ vũ cho các sáng tác của tôi chính là thầy Trần Xuân Lý. Đọc những đánh giá của thầy về tác phẩm của mình tôi cảm nhận sâu hơn về chính những điều mình viết, vì thầy viết đồng cảm và sâu sắc lắm.Thầy tôi sống giản dị và tận tâm với học trò đặc biệt là những bạn văn. Thầy lặng lẽ đem tài năng và tâm huyết của mình viết những bài giới thiệu, thẩm bình cho tác phẩm của học trò, bạn bè, đồng nghiệp. Chăm chút và ân tình. Bao tác phẩm của mọi người qua lời bình của thầy giúp cho người đọc – đôi khi cả chính tác giả cảm nhận được sâu hơn, gợi cảm xúc, suy nghĩ nhiều hơn. Tôi biết ơn thầy vì giữa lúc cuộc sống bộn bề khó khăn thầy đã động viên tôi đừng bỏ cuộc. Cũng nhờ thầy cô, tôi có ngày hôm nay, vững vàng trên con đường tôi đã chọn.
Còn nhớ khi tôi đang học đại học - ngành thứ 2 ở Búng (cách TP. Hồ Chí Minh 14 km). Một buổi chiều mưa năm 1989, thầy đạp xe đến trường tìm, không quên mang theo cho tôi tờ báo có bài thầy mới viết cảm nhận về thơ tôi. Thầy bảo rằng thầy chuẩn bị làm một tuyển tập thơ giới thiệu về thơ các bạn bè và cả tôi. Tôi vui quá, đưa thầy cả một tập thơ viết tay như nhật ký bằng thơ của mình. Sau đó thơ được báo đăng và ông Giám đốc Nhà xuất bản gọi điện bày tỏ sự xúc động, khi đọc bài "Chiều mưa không quên" viết về bố của tôi. Ông ngỏ lời mời tôi về làm việc ở nhà xuất bản. Qua sự giới thiệu của thầy, nhiều người yêu thơ tìm đến gặp và kết bạn với tôi. Cuộc sống thêm bao điều thú vị.
Nhớ đến thầy, bao giờ tôi cũng thấy ấm áp tình cảm kính trọng, biết ơn như đối với người anh, người cha thực sự của mình. Khi tôi về dạy học ở Phước Long - quê tôi lúc ấy vô cùng khó khăn thiếu thốn; sách báo là thứ xa xỉ đối với người dân nơi đây. Muốn mua một tờ báo phải đi xa gần 20 km đường lầy bụi đỏ nên nhiều khi thèm cũng đành chịu mà thôi. Biết tình hình thế nên hễ cứ có sinh viên nào quê ở Phước Long học tại trường là thầy tìm cách nhờ họ chuyển sách báo cho tôi đọc. Viết được bài nào, tâm đắc, tôi lại gửi xuống qua bưu điện để thầy cô đọc, sửa giùm, và thầy luôn là người gửi đăng giúp tôi.
Tôi thật hạnh phúc khi có người thầy tận tâm như thế. Nhờ thầy, cô mà những tác phẩm của tôi đến được với mọi người. Hồi ấy những khoản nhuận bút cũng giúp tôi trang trải một phần chi phí học tập. Vì tôi học 2 ngành khác nhau, thời gian học dài gấp đôi người khác nên tốn kém không ít.
Cầm cuốn kỷ yếu của trường CĐSP kỷ niệm 30 năm thành lập trường, mà tôi là một sinh viên đặc biệt được vinh dự có tên trong đó qua bài viết Thơ của một đồng nghiệp - cựu sinh viên trường ta, tôi không sao giấu nổi niềm xúc động bồi hồi. Tôi càng xúc động hơn khi chính thầy, cô và cả các con thầy đã vượt gần 200 km đường đất đỏ mang tặng cho tôi cuốn sách ngày đầu xuân này.
Nếu như nhiều người tự hào về sự thành công, có địa vị giàu sang thì tôi có một niềm tự hào thiêng liêng lắm; rằng tôi có những người thầy tuyệt vời như thế. Và tôi mãi mãi yêu quý, kính trọng và biết ơn thầy - người cha tinh thần, cùng với cô Mai Thu Thắm vợ thầy và nhiều thầy cô khác đã chắp cánh cho tôi trong cuộc đời cũng như trong sáng tác nghệ thuật.
Bùi Thị Biên Linh