- Trang văn
Hoa Điên Điển
Thứ sáu - 25/10/2019 22:38
Thân tặng T
Đồng Tháp Mười – vùng đất thuộc miền Tây Nam Bộ, không chỉ có những cánh đồng lúa bát ngát mênh mông, những rừng tràm trải dài tới chân trời, những dòng kênh chở nặng phù sa… mà còn gợi nhớ, gợi thương với những loài hoa đặc trưng: hoa sen, với câu ca dao mà hầu như người dân Việt Nam nào cũng đã nằm lòng: Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ, hay là hoa súng: Muốn ăn bông súng mắm kho, thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm…, những cụm lục bình hoa tím trôi lững lờ trên những dòng kênh trong bâng khuâng câu hò: Lục bình trôi mãi mà chi, như em trôi giữa lối đi một mình… Và Đồng Tháp Mười còn có một loài hoa đặc trưng khác, chỉ xuất hiện khi mùa nước nổi về: Hoa điên điển - loài hoa cũng đã đi vào ca dao, câu hát:
“Miền Tây xanh sắc mây trời,
Phù sa nước nổi người ơi đừng về
Với màu điên điển say mê
Vàng trong ánh mắt vỗ về bước chân..
Trót thương tình nghĩa vợ chồng
Nên bông điên điển nở, cho lòng vấn vương…”
Giống như cây sen, cây súng, điên điển là loài cây dân dã, tự nhiên, không cần trồng, không chăm bón vẫn tươi tốt, hoa nở sum xuê… Điên điển có nơi gọi là cây điền thanh tía, chỉ mọc ở những nơi đất ẩm ướt. Mùa khô, những hạt giống nằm im lìm giấu mình dưới đất. Đến tháng 4 âm lịch, trong tiếng sấm ì ầm vọng từ xa về, trong tiếng kêu uôm uôm rộn ràng của họ hàng nhà ếch nhái chào đón những trận mưa đầu mùa, hạt cây sẽ cựa mình, nảy mầm vươn lên…
Điên điển thường mọc cặp theo bờ kênh, nhất là những đoạn kênh mới múc, nhưng cũng có khi còn đua chen với những bình bát, tầm vông, cà na và nhiều loài cây dại khác, mà dễ nhận biết bởi màu hoa cứ nở vàng rục rỡ giữa những đám lá xanh… Điên điển ít chịu mọc từng cây riêng lẻ mà từng bụi, từng bụi xúm xít bên nhau, cành đan cành, là chen lá. Hệ thống kênh mương ở Nam Bộ thường bị bồi lắng do phù sa hàng năm theo nước nổi đổ về, nên cứ khoảng 10 đến 15 năm lại phải nạo vét để khơi thông dòng chảy, phục vụ giao thông thủy và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Những lớp bùn dưới lòng sông được múc lên trải dài theo bờ kênh chính là nơi điên điển mọc nhiều nhất, tươi tốt nhất, góp phần giữ cho bờ kênh không bị sạt lở, tạo nên dòng kênh xanh mát, thơ mộng và xinh đẹp hơn…
Tháng 7, tháng 8 âm lịch, khi con nước nổi đầu tiên từ thượng nguồn sông Mê Kông tràn về Đồng Tháp Mười, điên điển bắt đầu lấp ló những chùm hoa đầu tiên, rồi qua từng ngày, cả cụm điên điển từ từ trở nên vàng rực. Những chùm hoa hiền hòa, rủ xuống khiêm nhường, những cành hoa dịu dàng xếp nối nhau, nhưng màu vàng thắm thì không giấu được, nổi bật trên nền lá xanh thẫm. Điên điển không hoa nở vào sáng sớm như bao loài cây khác. Khi chiều xuống, ánh nắng nhạt dần, cánh hoa mới từ từ hé, như e ấp, như ngại ngùng, hay phải chăng, hoa muốn níu giữ lại những ánh nắng chiều tắt muộn …Buổi chiều, cũng là lúc thích hợp đi hái bông điên điển để làm nên những món ăn mà chỉ có vào mùa nước nổi. Cá giăng lưới về, me non hái trên cây xuống, vài ba cọng rau thơm quanh nhà, thêm mớ hoa điên điển là được nồi canh chua ngon lành.
Đẹp nhất trong tôi là hình ảnh những cô thôn nữ Nam Bộ đi hái bông hoa điên điển trong buổi chiều chỉ còn vương lại chút nắng vàng nhẹ. Trên chiếc xuồng ba lá, áo bà ba, vành nón nghiêng che khuôn mặt ửng hồng, một tay níu cành điên điển, một tay thoăn thoát hái, khẽ thả từng nắm hoa vàng tươi xuống lòng xuồng…Hái điển điển thì phải đứng mới chạm được tới hoa, cũng chả cần bơi xuồng, cứ níu theo cành, theo lá, di chuyển từ bụi hoa này đến bụi hoa khác…Thỉnh thoảng, một chiếc xuống máy chạy qua, sóng nước xô bờ, chiếc xuồng dập dềnh, bóng nón thấp thoáng lúc ẩn, lúc hiện giữa màu lá xanh non…
Điên điển là món ăn dân dã nhưng đặc sắc mang đậm chất Nam Bộ. Điên điển nấu canh chua, với người dân Nam bộ, canh chua là món ăn tổng hợp nhiều loại nguyên liệu, nhiều loại rau, tôm cá và hải sản, gia vị làm nên độ chua cũng tùy khẩu vị: là me, khế, chanh, dấm, cơm mẻ…nhưng thông thường là bằng trái me…Mùa nước nổi, là khi những cây me đã kết trái non lúc lỉu, cũng là mùa cá linh theo con nước đổ về…Cá linh như một đặc ân của thiên nhiên ban tặng cho vùng Đồng Tháp Mười, chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi, loài cá nhỏ bé này có một vị ngon riêng, vừa béo, vừa bùi, ăn một lần sẽ khó quên…Canh chua điên điển cá linh – món ăn phổ biến của người dân vùng lũ, dân dã, bình dị, nhưng hương vị ngon ngọt hòa quyện thì thật khó tả. Húp một miếng canh, xuýt xoa vì chút cay của ớt, chút chua chua thanh nhẹ của me, vị béo của cá và vị ngọt bùi của hoa điên điển…Không chỉ nấu canh chua, điên điển còn được chế biến thành nhiều món ăn ngon khác, như gỏi chua, muối chua đã đi vào ca dao: điên điển mà làm muối chua, ăn kèm cá nướng đến vua cũng thèm, điên điển làm nhân bánh xèo, điên điển xào thịt chuột, điên điển ăn kèm mắm kho, điên điển xào tép gạo… ăn hoài không ngán.
Cuối mùa nước nổi, nước lũ rút cạn dần, cũng là mùa hoa điên điển khép lại, những bông hoa kết thành từng chùm quả xanh nhạt và dần trở sang màu nâu. Quả chín, những hạt nho nhỏ, nâu nâu từ từ tách ra khỏi vỏ, buông mình rơi xuống, theo gió, theo dòng nước kênh đi xa…Rồi một lúc nào đó, hạt cây dạt vào bờ, ngủ im qua mùa khô nắng nóng, chờ đón mùa nước nổi về để lại cựa mình, nảy chồi sinh sôi…
Bông điên điển là cũng là một trong những đặc ân thiên nhiên ban tặng cho vùng Đồng Tháp Mười, cây điên điển như hình ảnh người nông dân Nam Bộ chân chất, thật thà, hiền lành nhưng cũng rất kiên cường vượt qua những mùa mưa lũ để biến vùng đất hoang vu thành vựa lúa, vựa cây ăn trái lớn của cả nước, phát triển thành những khu du lịch sinh thái với bao cảnh sắc và món ăn dân dã, bình dị mà khó quên…
Tôi xa quê hương Năm tấn đã hơn 30 năm, trải qua bao mùa nước nổi của vùng Đồng Tháp Muời, đã có thói quen về nỗi chờ mong mỗi mùa hoa điển điển nở…Và không ít lần rưng rưng nước mắt khi nâng trên tay chùm hoa vàng như màu nắng, nghe văng vẳng câu hò: “Ăn bông mà điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê. Chồng xa em khó mà về…”
Một mùa điên điển nữa lại về với vùng đất “bưng biền”. Tôi bỗng thấy nao nao, chợt nhớ lời hẹn của một người bạn thuở nhỏ đang ở rất xa, bạn hẹn sẽ một lần cùng tôi hái bông điên điển trong mùa nước nổi …Sáu năm rồi, tôi vẫn chờ, vẫn đợi…
Long An, 26/5/2019
Trần Thu Huê