• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Ai có Quê thì về...!

Thứ ba - 29/06/2021 09:33


AI CÓ QUÊ THÌ VỀ

(Tản văn của Phạm Minh Châu)


 


"Chị sướng thật! Em không có Quê để về". Cô em xinh tươi, tài hoa người Làng Chài của tôi nhiều lần ngậm ngùi nhắc lại câu này mỗi khi thấy tôi khoe Quê! 


Mà làm sao không khoe cơ chứ, Quê tôi, Nhà tôi - dù đã bị Bê tông hóa đến 80% - may thay, vẫn đáng yêu vô cùng trong mắt của những Người Nhà Quê ra Tỉnh như tôi!


1 - Nhà Quê


Đâu đó ở quê, vẫn còn những "Trang viên" xanh tươi, những Góc khuất hiền hòa cho bờ dậu, khóm tre, mảnh ao chưa xây kè bê-tông để chuồn chuồn, cánh cam, sâu róm, ếch nhái... tha hồ hoan ca cái bản nhạc cổ sơ của đồng quê muôn thủa! 


Chiều chiều, đêm trăng tiếng sáo diều vẫn ngân nga vi vút ru vỗ những hàng cau, khóm tre may mắn còn sót lại, âm thầm bền bỉ lưu giữ chút hương thầm tịnh nguyên ngan ngát của đất quê xưa cũ muôn đời! Bưởi vẫn nồng nàn mỗi Tháng Ba về, Thị vẫn mê hoặc kẻ xa quê trên vòm lá, Chào Mào vẫn về ăn Ổi mà chẳng ai xua ..! Quê vẫn đẹp, vì vẫn có những Người Quê yêu Cây và Đất như anh trai tôi, em chồng tôi!


Những ngày ở quê, tôi đã được chứng kiến cái ”chất quê“ sâu rễ bền gốc trong con người họ. Anh trai tôi thoát ly gia đình từ năm 16 tuổi và đã gắn bó với đất Mỏ hơn 40 năm cho đến khi về hưu. Trở về với mảnh đất quê hương, làm người “giữ  gôn” tuyệt vời của dòng họ, cái bản chất Con nhà nông vẫn vẹn nguyên trong anh. Chính vì thế mà vườn ao nhà tôi lúc nào cũng xanh tươi, nồng nàn hoa lá và ngọt lành thơm hương!


Em chồng tôi thì đam mê cây cảnh, tiền để bồi dưỡng sức khỏe (vì có bệnh) cũng cứ bỏ ra mua các loại cây và hoa quý về trồng khắp vườn, rồi không quản mệt nhọc nâng niu, gìn giữ như báu vật… Về quê, tôi như được ướp trong hương thơm hoa lá, cỏ cây. Ra đường thì rơm rạ, thóc lúa thơm giòn mùi nắng; vào cổng thì ngọc lan đón đợi; trong sân hoa nhài, hoa đại níu tay; đêm về hương cau, hương quỳnh vuốt ve từng ngọn gió … Mùa Hạ đúng là một Mùa Thơm!


2 - Chợ quê


Sáng nào cũng kiếm cớ để lang thang chợ quê…


Dù hơi buồn vì Chợ Quê bây giờ không còn họp bên sông dưới gốc cây đa, cây gạo như ngày xưa nữa. Nhưng có sao đâu, khi vẫn còn những cụ bà răng đen, tóc trắng đội nón lá ngồi bán vài mớ mùng tơi, rau đay, tía tô, ngải cứu, quả mướp, quả roi, quả ổi, chục trứng gà nhà… Những mớ rau, mớ quả ấy dù có thể không ngon mỡ màng, tròn đều bóng bảy nhưng chắc chắn rất sạch, lành thơm thảo như đất đai quê hương đã bền bỉ vắt kiệt mỡ màu nuôi lớn bao thế hệ Người Quê ra Tỉnh như chúng tôi.... Thật tiếc khi không thể mua được nhiều hơn một mớ mỗi lần, vì nhà không có người ăn!


3 - Tết Đoan Ngọ…


Năm nay tôi về quê vào Tết Đoan Ngọ!


Nhớ ngày xưa đến Tết  này, mẹ thường mua sẵn đào, mận, ổi, rượu cái từ hôm trước để sáng ra ăn ngay ”diệt sâu bọ”. Nhà ai có con gái mới gả chồng sẽ được nhà trai đem Tết một đôi Vịt (nhà giầu thì đôi ngỗng) cùng đỗ, lạc, hoa quả... Bây giờ tục lệ ấy đã mai một dần và không phải nhà ai cũng… diệt sâu bọ như xưa! Tuy nhiên vẫn còn một Nét Quê thật thơm tho đáng yêu là “hái lá mùng 5 tháng 5“. Dân quê mình - số ít - vẫn tin: lá thuốc vào ngày ấy có tác dụng chữa bệnh nên một số Người Quê “xịn” vẫn giữ thói quen này. Mấy năm nay mình bị rụng tóc tuổi “rà“ nên giã từ dầu gội đầu, trở về gội bồ kết lá thơm. Chị  mình ở quê hay cho Lá Mùng 5 để gội đầu nên đã bị nghiện! Sáng mùng 5 ra chợ, mình cũng bon chen mua lá về phơi để gội đầu dần. Những mớ lá hương nhu, mền tưới, hắc hương, ngải cứu to như bó rau chỉ  bán vào ngày mùng 5 tháng 5 được mọi người chen mua vui vẻ. Chắc chắn ối Người Quê ra Phố sẽ phát thèm nếu may mắn hít được cái mùi quê này vào hôm mình gội đầu!


4 -  Đường Quê


Lang thang trên đường làng rất tuyệt các bạn ạ, vì ven đường quê mình có nhiều cái hay lắm!


Đi trên đường liên thôn bạn sẽ được ngắm những cánh đồng nối làng nọ với làng kia (Kiểu như:Thôn Đoài ngồi hóng thôn Đông ấy). Đường liên đồng thường được trải bê - tông rộng rãi để xe công - nông chở lúa, máy cày, máy gặt có thể tránh nhau... Mùa nào đồng ruộng cũng đẹp: đẹp mỡ màng tươi mởn của lúa xanh, đẹp hồng hào vàng mơ thơm no nê của lúa chín, đẹp mộc mạc ngăn nắp của những thửa ruộng vừa cày và sinh động, lô nhô, nhiều sắc màu của những ruộng rau, đậu, hoa, dưa, ngô....gối vụ. Và hai bên đường dân quê bây giờ không chỉ trồng rau, đậu, vừng mà còn trồng nhiều hoa. Hoa Chiều Tím, hoa Mười Giờ, hoa Cánh Bướm… được trồng  nở tưng bừng cùng hoa dại! Ai dám bảo là không đẹp nhỉ? Đẹp mê mẩn, đẹp hoang dại, đẹp nức nở muôn nhà!


Đường làng bây giờ khác xưa nhiều, thường được rải nhựa rộng rãi và đôi nơi còn có vỉa hè … như phố!


Điều đáng “nể” nhất là người quê mình bây giờ có nhiều Phú Nông rất Nghệ sĩ ! Họ xây những ngôi nhà đẹp trong những khuôn viên lý tưởng mà Người Tỉnh phải phát thèm! Mình thì không biết gì lắm về kiến trúc ngôi nhà, nhưng mê mẩn với những cái cổng, dàn hoa, hàng cau, vườn lan, vườn hồng, cây cầu, ao sen, hồ súng.... quanh nhà họ. 


- Đất quê cứ dâm xuống là tốt um em ạ. Khi mình hỏi: “Các bác trồng thế nào mà tốt vậy?” họ hồn hậu và tự hào trả lời thế ...! Nhà ở quê bây giờ không chỉ có giàn mướp, bí, bầu, bòng bưởi, mít, na... mà còn có những giàn hoa, cây cảnh khiến dân thành phố ...chết thèm!


Chiều chiều, vẫn còn những bà cụ mắc võng dưới gốc cây cạnh bờ ao, dàn mướp phe phẩy cái quạt mo trông trẻ nhỏ! Gió sải cánh qua đồng ruộng, vạt cây, mặt ao luồn qua những lối ngõ, tung tăng trên bãi đất trống đẩy những con diều đủ loại lên cao… Chẳng phải trẻ con mà cả người lớn, người già, người xa, người gần, người ở Tỉnh về như mình đều mê ly với những âm thanh, sắc màu, mùi hương của đất đai vườn ruộng!


Về Quê là Về Nhà Mẹ, về với Tuổi Thơ đã xa - khi Phố Phường nắng nôi trên 50 độ!


Ai có về Quê với mình không!


23/6/2021


Phạm Minh Châu





Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.