• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

“Búp Trên Cành” sau 38 năm gặp lại

Thứ hai - 25/11/2019 08:54

Giờ thì mình đang ngồi trước biển. Hoàng hôn bao giờ cũng dịu dàng và tin cậy. Những vệt sáng cuối cùng chìm xuống nước, vẫn để lại ánh lưu luyến, lung linh. Hoàng hôn như người đã đi qua tuổi hoa niên, âu yếm ngoảnh nhìn lại thời gian, nơi đã để lại phần “ngày” của mình ở đó.



Tác giả Bùi Thanh Huyền tại khu Resort 5 sao nổi tiếng Salinda (Phú Quốc).

Một phần “ngày” ấy của mình là tuổi 13. Mình thích mặc áo hoa, và thích buộc đôi bím tóc. Ngày ấy bạn bè là tất cả thế giới của mình. Những tiếng cười trong veo, và những giọt nước mắt giận hờn trong thi thoảng giấc mơ. Ngày ấy, yêu bạn không vì điều gì cả, không phải vì tốt, xấu, hay, dở… chỉ vì chúng mình luôn bên nhau.

Kéo nhau vào hội trường của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, đấy là căn phòng dài dài, có những chiếc quạt trần quay vù vù, nghe các bác, các chú nhà văn, nhà thơ dạy cho từng cách gieo vần, cách viết một câu văn sinh động. Các nhà văn, nhà thơ của thiếu nhi: Bác Tô Hoài, chú Phạm Hổ, chú Phong Thu, chú Định Hải, nhạc sĩ Hoàng Vân, cùng với các bác, các chú nhà văn, nhà thơ của tỉnh nhà đã không quản ngại thời gian, đường sá, đến với các Búp trên cành, kiên nhẫn ngồi đọc từng vần thơ, sửa từng câu văn cho các em, cố gắng hiểu và đồng cảm với những ý nghĩ ngây thơ ngộ nghĩnh, mà đầy ắp cảm xúc đẹp.

Rồi chúng mình kéo nhau xuống nhà ăn, nơi cả bác Tổng Biên tập cũng ngồi cùng bên bát mì ăn liền nấu với rất nhiều rau, cốt sao cho đầy bát. Rồi phơi chung áo quần trên một cái dây thép, đôi lúc chợt thẹn thùng nhìn áo váy con gái phơi bay bên quần áo con trai…


Nhóm Búp Trên Cành chụp ảnh kỉ niệm cùng các nhà văn, nhà thơ tại Hội VHNT Thái Bình, hè 1977

Rồi những chuyến đi thực tế đến các vùng miền. Để bây giờ vẫn xanh mướt trong lòng ánh trăng Thuận Vi, vẫn rộn rã rạ rơm trên đường quê Quỳnh Trang vào mùa gặt, vẫn thì thầm một cơn mưa biển, mưa nhỏ mà cũng có cớ để giữ chân một đêm Quảng Nạp…

Ba mươi tám năm trời không gặp lại nhau. Nhớ về nhau vẫn là gương mặt ấy, giọng nói ấy, tiếng cười ấy của tuổi 13. Ở nơi tha hương, đôi khi mình nhận được sách báo từ quê nhà gửi sang. Luống cuống lật tìm, hồi hộp đọc từng cái tên tác giả, mong manh mong một cái tên quen. Cái tên “Búp Trên Cành” thân thương một cách rất riêng. Dường như cả nước Việt Nam này chẳng ở đâu có cái tên như thế. Chẳng nơi nào có cuốn sách khổ rộng, kiểu trang giấy học trò, màu ngà ngà, trên bìa thường có hình minh họa mà ai trong số bọn mình cũng tìm thấy một nét giống mình. Chẳng trang sách nào trân trọng từng dòng thơ, từng trang văn có đề rõ tên tuổi và địa chỉ của tác giả nhí như thời ấy.

Chúng mình cũng nhận tiền nhuận bút, những đồng tiền đầu tiên từ chính sức lao động của mình. Bao giờ cũng vậy, trước khi nhận những đồng tiền nho nhỏ, là lúc nhận được ánh mắt trìu mến, khích lệ từ cô Oanh, lúc đó phụ trách văn thư, chuyên phát tiền nhuận bút cho tác giả. Cô Oanh cũng có tóc ngắn, và hình như, vì gần Búp, nên mặt cô cũng tròn xoe, và mắt long lanh như các Búp.
Hàng ngày, chúng mình thường thơ thẩn ngắm hàng liễu rủ trong sân Hội, và quả quyết trong lòng rằng đó là hàng liễu thơ mộng nhất của tuổi thơ. Chúng mình thường nhón chân qua rất nhẹ khi đi ngang phòng làm việc của Nhà văn Bút Ngữ, Chủ tịch Hội. Bác Lê Duy Lễ, Phó Chủ tịch, vì các bác thường đọc viết, làm việc âm thầm cả ngày và đêm.

Đôi buổi sáng ngủ dậy, chúng mình bỗng thấy trống vắng khi trên cánh cửa phòng bác Nguyễn Văn, dòng thông báo viết bằng phấn: “Vắng một tuần, đi thực tế về làng”.

Chúng mình tò mò, tinh nghịch nhòm vào căn phòng nhỏ, nơi cánh cửa không khép bao giờ, để thấy cục đá lớn đang hiện dần lên gương mặt người thiếu nữ. Chủ nhân của nó mải yêu, nên mỗi ngày chỉ kịp đục vài nhát, có đến cả tháng trời mới thành hình đôi mắt, mà mắt lại đầy ắp giận hờn. Chắc chỉ có Hoạ sĩ - Điêu khắc Hà Trí Dũng hiểu được điều đó thôi.

Chúng mình rúc rích cười đi rình trộm nhà thơ Lê Bính đang cảm hứng, tức cảnh thành thơ, vào những đêm trăng thanh ở làng, nơi có các cô thôn nữ tạo hứng thơ cho thi sĩ.

Mình đã đứng ngẩn người, nhìn theo trong chiều đầy gió một thi sĩ Kim Chuông, với dáng ngất ngư, ngồi trên chiếc xe, đạp từ thị xã về nhà mình chỉ để đọc một bài thơ mới viết. 

Kim Chuông, cái dáng thi sĩ phong trần, với mái tóc bồng bềnh, đạp xe thênh thênh trong chiều gió lộng, mà lúc đó, mình có cảm giác, cơn gió nào kia sẽ cuốn “thi nhân” lên chín tầng mây mất ….

Nhà văn Bút Ngữ viết văn bằng bút mực. Ngày ngày, tháng tháng cây bút đều đều, cần mẫn…. để lại hàng nghìn, hàng nghìn trang sách. Thế mà mỗi lần bạn Búp nào có một bài thơ hay, một bài văn ấn tượng, bác đều vui như khi một cuốn sách của bác ra đời.

Chú Đức Hậu bình minh muộn nhất, đôi mắt đỏ kè vì thức đêm, viết. Mỗi sáng chú bước ra khỏi phòng, bọn mình cứ ngỡ đấy là nhân vật của chú bước ra….

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng gắn bó với Lớp Búp không lâu, chỉ một năm thôi, trước khi chuyển vào Hội Văn nghệ Kiên giang, mà để lại nhiều tình nghĩa. Vừa giảng bài cho Búp, vừa cùng ban lãnh đạo Hội lo gạo tiền nuôi Búp, mà mỗi khi được nghe các Búp hát bài “Em đi giữa biển vàng”, (phổ nhạc lời thơ của chú), thì chú vui rạng rỡ. Bài hát đã trở thành niềm yêu thích của thiếu nhi cả nước. 


Nhóm Búp trên cành chụp ảnh kỉ niệm cùng nhà thơ Kim Chuông, nhà văn Lê Bính , nhà văn Đức Hậu và họa sĩ Hà Trí Dũng tại nhà riêng Nhà văn Lê Bính, tháng 8/2015

…. Ba mươi tám năm xa cách. Bây giờ trở về đây, về thời Búp. Đầu đã hai thứ tóc mà vẫn rưng rưng nghe được gọi mình là Búp. Lẩm nhẩm theo bạn đọc lại những câu thơ, câu văn của một thời, ngây thơ, trắng trong, và nhiều cảm xúc.

Gặp lại bạn, Minh Hương - Búp Nhãn, sau bao nhiêu năm, đôi mắt vẫn gợi về một thời “ long lanh hạt nhãn”, và giọng nói vẫn cứ thiết tha như vọng lại từ thuở nào.

Gặp lại em, Búp Táo - Thuý Hằng, em hiền như chiếc lá, dịu dàng xanh, hiền lành xanh như một mảnh Thuận Vi bất chợt hiện về. Lại nhớ đến “ Buổi sáng ở Thuận Vi” của cô bé Phạm Lan Anh, với câu hỏi thơ ngây, dễ thương đến thế:” Có phải tiếng chim hót/ Đánh rơi hạt sương tròn?”

Gặp lại em, Búp Mít - Nguyễn Thị Toán, em bươn bả từ Cao nguyên xuống, ánh mắt em nhìn da diết lắm, dường như em sợ không kịp nhìn hết, nhớ hết, mang theo hết. Bao nhiêu năm đi xa, em mang biển quê ở trong lòng, mang cả “nỗi buồn trong mắt ông đan dày như mắt lưới”.

Gặp lại cô bé nghịch ngợm năm xưa, ống quần lúc nào cũng vo vo, da cháy nắng và tóc khét nắng. Cô bé có cặp môi đỏ mọng và đôi mắt một mí dễ thôi miên người ấy, làm thơ tình từ năm 12 tuổi rưỡi… Em giờ là người đàn bà đằm thắm, vừa biết nấu canh bồng khoai, vừa biết thưởng rượu. Mà túi thơ vẫn đầy ắp gió trăng. Nhà báo Bùi Lan Anh. Em lặng lẽ rời các cuộc vui để lụi cụi cùng với ống kính và microphone ghi lại cho Búp những khoảnh khắc quý báu, giữ lại mãi sau này.

Gặp lại em, cô bé từng bao lần “mang chuông đi đánh nước người” giờ về đây làm một Búp Tâm, gửi Tâm đến mỗi người. 

Mình đã gần như quay đi ngay, chạy trốn dòng nước mắt đang chực trào ra trên cái mặt luôn vẻ câng câng của em. Mình đã nhìn thấy bao nhiêu nước mắt lặn vào thơ em, nữ thi sĩ Hồng Oanh. Đã từng có đêm mình khóc cùng người đàn bà của em đi tìm “Mặt trời xa lắc”. Đã từng nếm với em vị chua đến suốt đời của một quả dâu da xanh, từng run run nhặt trộm một quả táo rụng sân chùa…

Gặp lại cô bạn xinh xinh có những lọn tóc quăn quăn, tính tình vui vẻ đến nỗi ngày ấy mình đã đặt tên cho bạn là Joli, bạn cười tươi, sung sướng cho đến khi biết đó là tên của chú khỉ vui tính, trong cuốn sách mà mình vừa đọc được - “ Không gia đình” của nhà văn Hector Malot. Vẫn nhớ hình dáng bạn khi bạn đọc những câu thơ: “ Có chút gì thiêng liêng/ Rất quen mà rất lạ”....

Gặp lại em, cô bé Lam Châu (Phạm Minh Châu) ngày ấy, “đuổi con chuồn ớt mải mê cuối chiều”, giờ đây vẫn chung chiêng những vần thơ về bờ đê, bến đò, mùa ngâu và mùa đợi.

Gặp lại em, cặp kính Giáo sư đôi khi rơi mất vẻ trịnh trọng, cứ lấp lánh niềm vui bầu bạn, nét tinh nghịch của “những chú gà đi trong sân”, bài viết để các Búp luôn nhớ mỗi khi nhắc đến em - Giáo sư Vũ Huy Thông.

Một gương mặt “rất tây” làm ai cũng áy náy: sao Hạnh không đi đóng phim mà lại ngồi viết thơ? Em là người thiếu phụ làm thơ, và em khuyên phụ nữ: hãy cứ đắm say với biển, nhưng chiều về, hãy cứ gửi hết tình vào biển, đừng mang theo!

Và em nữa - Búp Hát- Thanh Bình. Miệng hát và mắt hát. Cả Hội Văn Nghệ bỗng như cái tổ chim non, ríu ran tiếng hát của các Búp.

Ngày ấy, trong khoá học đầu tiên của Búp, có chị cả Lã Thị Bắc Lý và em út Trần Thu Huê. Chị cả tóc dài, ánh mắt dịu dàng trìu mến, lo toan mọi thứ cho các Búp như một người mẹ. Mình nhớ hình ảnh chị ngồi viết thơ giữa trưa hè nắng nóng, cơn trào dâng cảm xúc làm chị chẳng để ý tới vầng trán mình đẫm mồ hôi. Chỉ có mình nhìn thấy, một khoảnh khắc thời gian mà cứ lặng lẽ theo mình, mỗi khi mình nhớ về chị, nhớ về Búp năm xưa...

Còn em út thì tóc lơ thơ, buộc túm lại thì bằng cỡ cái búp đa, còn vầng trán thì rộng mênh mông, thông minh và bướng bỉnh. Em viết về cánh đồng quê em sau cơn mưa, có những bác nông dân mặc áo mưa màu xanh ra thăm lúa... Giờ đây em đi vận động xây cầu, xây nhà cho bà con, thăm những người phụ nữ cô đơn, những người mẹ có con là liệt sĩ. Em không có mấy thời gian viết văn, văn lặn vào trong em để biến thành thơm thảo tấm lòng.

Còn bao nhiêu Búp chưa gặp lại, nhưng giờ đây đang lướt qua trong mình mỗi khi mình có được một khoảng thời gian riêng, ngồi tĩnh lặng. Búp Sóng Biển mang sóng vào tận miền đất đỏ Bình Phước, xôn xao xanh cả “ Những ý nghĩ ban mai”. Búp Nguyễn Mạnh Tuân bẽn lẽn cười khi nhắc lại những vần thơ ngày xưa, rồi yếu ớt thanh minh: “Em bận quá, vừa mới sinh thêm em bé”, (mà biết thừa rằng việc đó chả mấy quấy quả cảm xúc thơ). Còn bao nhiêu Búp nữa, người đem văn đi làm báo, như Minh Yến, người đóng góp sức mình cho Hội Văn Nghệ tỉnh ngoài như Lê Kim Hạnh, người mang thơ lên bục giảng như em Liên, em Chung, em Thái Phúc, cô giáo Vân Hương. (Không biết học sinh 13 tuổi bây giờ có viết những câu thơ: “Tiếng cuốc nghe mỏi lòng, những ngày về mùa nắng” như cô giáo ngày xưa không nhỉ, Vân Hương?).

Hai ngày qua là cơn lốc. Nó ào ạt cuốn, và nhấn, và nâng bổng, làm mình chẳng kịp làm được, nói được những gì mình muốn nói với từng Búp, trong suốt mấy chục năm qua. Nó cũng là cơn mưa, mát ngọt, dịu êm, mơn man và thấm đẫm. Và giờ đây, bên mình, nó là ánh hoàng hôn đang lặn xuống, mà sao ánh của ngày cứ tha thiết, không rơi!

Thái Bình - Phú Quốc, sau ngày gặp gỡ “Búp Trên Cành”
Tháng 8.2015.
Bùi Thanh Huyền


Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.