- Trang văn
Europe
Thứ bảy - 19/04/2025 08:37
(Ảnh: Đặng Văn Tôn)
EUROPE
(Đào Thanh Bình)
Nhắc đến Europe, có lẽ mọi người đều liên tưởng ngay đến “The Final Countdown”, ca khúc hit giúp Europe vang danh các bảng xếp hạng khắp thế giới. Khán giả Việt Nam có lẽ còn nhớ cả “Carrie”, “Dreamer”, hay “Open Your Heart” với giọng ca ngọt ngào của Joey Tempest và những giai điệu ballad đi sâu vào lòng người.
Nhưng với tui, Europe chỉ là nơi lãng phí tài năng của một tay guitar siêu hạng: John Norum.
Hôm nay là sinh nhật tuổi 61 của anh (23.2.1964).
Tôi đã từng rất thất vọng khi xem Europe trình diễn live. Không có chút gì giống với giọng hát cao vút được chăm chút cẩn thận như trong album của Joey Tempest. Hình ảnh thường thấy trong các show diễn của Europe đều là Joey Tempest với giọng hát thấp xuống một quãng 8 hoặc một quãng 5, né các nốt cao bằng cách chĩa mic cho khán giả. Với tư cách một frontman, tui không thấy Joey gây được ép phê cho các fan tí ti ông cụ nào. Trừ phần chơi guitar miệt mài đầy đam mê của anh chàng đứng trong góc – John Norum.
John Norum là người gốc Na Uy, nhưng chuyển qua Thụy Điển sinh sống từ nhỏ, sau quen được ca sĩ Joey Tempest (tên thật là Rolf Larsson) trước khi lập ra ban nhạc The Force năm 1979. Năm 1982, The Force đổi tên thành Europe và đi thi các ban nhạc trẻ Thụy Điển (cuộc thi Rock Sm) và đặc biệt là John được bầu chọn là tay guitar hay nhất, còn Joey thì được bầu là ca sĩ hay nhất của cuộc thi. Không tệ cho một sự khởi đầu như mơ không thua gì nhóm ABBA, Europe ra đĩa đầu tiên – sử dụng phần thưởng từ cuộc thi Rock Sm là một hợp đồng thu đĩa – cùng tên band năm 1983.
Europe chọn cách chơi Pop Rock (gọi đỡ là Synth Rock đi) khá an toàn, với phần nhạc giàu giai điệu, tiếng keyboard đối trọng với tiếng guitar, và tiếng bass và trống canh theo tiếng hard rock kiểu cũ, có lẽ từ ảnh hưởng của cả John lẫn Joey từ Thin Lizzy và những band hard rock thập niên 70s từ Anh.
Nhưng có lẽ không hài lòng với kết quả thương mại và hình ảnh của band, tay quản lý Thomas Erdtman quyết định thay đổi hình ảnh của Europe trở nên giống các glam band ở Mỹ hơn. Về phần nhạc, phần guitar của John Norum phải chơi nhẹ hơn, tiếng trống cũng không còn nện chắc nịch kiểu hard rock mà chuyển qua âm vang như glam metal, và vai trò sáng tác được chuyển qua nặng hơn cho Joey Tempest và tay keyboard lúc đó là Mic Michaeli. Điều này có vẻ đem đến thành công ngay lập tức với album Final Countdown (1986) và ca khúc hit cùng tên đã đi vào lịch sử. The Final Countdown giành số 1 trên 30 bảng xếp hạng trên thế giới và Europe đi tour không ngừng nghỉ để quảng bá cho album này. Chỉ có một người cảm thấy thất vọng: John Norum. Anh rời Europe, lúc đó đang trên đỉnh cao thành công, không lâu sau đó. Họ đã lấy đi thứ âm nhạc dựa trên guitar chơi nặng mà John theo đuổi, và với John Norum, việc được mọi người biết đến bằng hình ảnh tóc xù chít khăn và thổi bóng bằng kẹo cao su như các glam band, chỉ càng làm cho mọi thứ trở nên lố bịch.