- Trang văn
Hoa đèn (Phần II)
Thứ bảy - 20/06/2020 21:57
(Tiếp theo)
Khi nói đến một cuộc cách mạng thì người ta thường nghĩ đến những sự kiện "long trời lở đất" nhằm thay thế cái cũ bằng cái mới tiến bộ hơn. Việc "đèn dầu Tây" thay cho "đèn dầu Ta" cũng là một cuộc cách mạng trong đời sống của người Việt nhờ vào 2 đặc tính hơn hẳn của nó là: sáng hơn và di chuyển thuận tiện hơn. Nhưng việc đèn dầu Tây (còn gọi là đèn dầu hỏa) thay thế đèn dầu Ta (đèn dầu thực vật, đèn đĩa) ở xứ ta là một quá trình khá dài.
Theo anh Google thì vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ Xx, một công ty của Mỹ khi vào Việt Nam đã bán kèm dầu hỏa là chiếc đèn do họ sản xuất. Và từ đó, dân ta gọi đèn dầu Tây là đèn Hoa Kỳ. Nhưng cũng phải đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX thì đèn Hoa Kỳ mới hoàn toàn thế chỗ của đèn đĩa xứ mình. Thú vị hơn, khi người Việt hầu như đều đã xài đèn điện thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa tặng Tổng thống Donald Trump một chiếc đèn dầu Hoa Kỳ bằng gốm Bát Tràng nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ (1995-2020).
Với mình, suốt 10 năm tuổi học trò đều gắn bó với chiếc đèn Hoa Kỳ. Tuy vậy, 7 năm cấp 1, cấp 2 học ở nhà nên chuyện dầu đèn do mẹ lo liệu. Chỉ những năm học cấp 3 ở Trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ Tĩnh) thì tớ mới có quyền độc lập, tự chủ trong lĩnh vực dầu đèn. Bởi khi bố mẹ đưa con đến ở nội trú thì đều lo sắm cho con hầu hết mọi tư trang, vật dụng phù hợp với gia cảnh. Riêng mỗi đèn dầu là thằng bé được toàn quyền. Đơn giản là không thể lịch kịch tha đèn, rồi bóng đèn, rồi dầu hỏa từ huyện xuống Vinh. Mà vào năm 1979, trường tôi nằm sâu trong xã Hưng Lộc nên mang tiếng ở thành phố nhưng không có điện. Thế là ra chợ Cọi mà sắm thôi. Hàng đèn ở phía gần trong cùng. Thuở ấy, đèn dầu thường làm bằng sắt tây. Do hàn thiếc nên có những chiếc bị hở mối hàn ở bình. Đúng là hết khổ! Dầu cứ lai rai rỉ ra. Vừa hôi vừa tốn của. Lấy xà phòng cục mà trét nhưng cũng chỉ "ba bảy hai mốt ngày" là phải sắm chiếc khác. Bởi vậy ta phải cẩn thận. Trước hết, tháo ổ đèn ra. Rồi ngậm mồm vào bình mà thổi. Thổi thật lực. Thổi đến lúc hơi phì ra 2 lỗ tai mà hơi trong bình vẫn không suy chuyển là đạt chuẩn!
Rồi đến ổ đèn. Bộ phận này cấu tạo phức tạp hơn, nhưng chỉ cần vặn thử mà bấc lên xuống trơn tru là ổn. Xong hạng mục cốt yếu thì chuyển sang chọn bóng đèn, hay còn gọi là "chụp đèn" (bởi nó chụp lên ngọn đèn). Bóng đèn đựng trong mấy chiếc thúng to, được xếp thành nhiều lớp, giữa các lớp phải lót rơm. Trước hết, ta nhẹ nhàng cầm lên một chiếc bóng rồi dùng vạt áo lau sạch phía ngoài. Tiếp đó, lấy ngón tay luồn vào vạt áo rồi chùi bên trong. Xong, ta đưa lên mà soi. Ngoài chuyện không nứt, thì bóng đèn phải trong, không một bọt khí, nếu không thì bóng sẽ mờ và dễ vỡ. Ngày đó, có người (thường ở xa chợ) mua một lúc cả chục chiếc bóng đèn để dùng dần. Họ xâu bóng đèn thành một vòng rồi . . . đeo lên cổ!!! Bây chừ mà trông thấy cảnh đó thì chắc là ngộ lắm. Nhưng hồi đó thì cũng thường thôi. Bởi dù là đi bộ hay xe đạp thì đó vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm bảo đảm an toàn cho chuỗi bóng đèn. Cuối cùng là dầu, có thể là dầu hỏa hoặc dầu mazut. Nếu cô bán dầu ngày xưa dùng thùng gỗ mà đựng thì bà hàng dầu ngày nay có thùng sắt tây. Nhưng can nhựa thì còn hiếm lắm. Chai mua dầu thường được buộc một sợi dây, tạo ra một cái vòng rồi người ta xỏ ngón tay vào mà xách để khỏi dính dầu. Hôi lắm. Vả lại, đó cũng là cách khỏi lẫn chai dầu hỏa với các chai khác. Đến cái nút chai cũng có chuyện mà kể. Nếu là rượu hoặc nước mắm thì dùng lá chuối khô; còn nút bằng giấy thì phải lấy một miếng nilon bọc ngoài nếu không thì giấy bị ngấm sẽ bở ra. Trong khi đó, chai dầu thì nút bằng giấy vô tư, bởi dầu sẽ làm cho giấy chắc hơn.
Buổi tối, lũ học trò chúng tôi học ở trên lớp từ 7 giờ đến 10 giờ đêm. Cặm cụi suốt mấy tiếng bên chiếc đèn dầu nên sáng rửa mặt thì chỉ cần ngoáy một phát vào mũi là chiếc khăn đen sì một lớp. Nhất là dầu mazut. Phía trên ngọn đèn là cả một dải khói đen trông rõ mồn một. Có đứa lấy bìa cuộn thành ống nối lên bóng đèn như ống khói nhưng cũng chẳng ăn thua. Tuy vậy, nhớ nhất là những lúc đang chăm chú học thì ngọn đèn cứ lụi dần, lụi dần rồi tắt hẳn. Chỉ còn một đốm than của bấc đèn. Thế là dầu đã cạn. Nhưng cũng phải lắc lắc để kiểm tra. Nếu vẫn còn non nửa bình thì chứng tỏ do bấc ngắn. Nếu chai dầu cũng hết thì đi ra giếng. Cứ cho nước giếng vào là dầu nổi lên và đèn lại sáng. (Chẳng kém chi công nghệ bơm nước ép vỉa dầu của Vietsovpetro thời nay!!!). Nhưng công nghệ này bất cập ở chỗ là bấc ngấm nước sẽ bị thối. Chạy ra chợ Cọi mua một sợi bấc thì mất công quá. Mà lại mất tiền nữa. Cho dù chỉ độ 1 hào/sợi. Nhưng nghĩ mà xem: 5 hào 1 gói xôi bắp, 2 hào 1 miếng kẹo lạc. Còn 1 hào thì mua được món gì nhỉ? Đúng rồi, "kẹo cục múc". 3 chiếc/1 hào. Đó là thứ kẹo đứng chót bảng. Nó được làm bằng 100% mật mía. Thảng hoặc người ta cho thêm chút gừng. Mà không có cũng chẳng sao. Điều cốt yếu của mọi thứ kẹo là phải lấy cái ngọt làm trọng! Thế đấy, ra chợ vừa mất công vừa mất tiền. Chỉ cần tìm một miếng vải cũ cuộn lại là có ngay một sợi bấc!
Trường hợp dầu đã cạn sạch thì hoặc là chạy về phòng ngủ mà đổ vào. Nếu chẳng may chai cũng hết thì mượn đỡ từ đèn của bạn. Chuyện mượn dầu này cần lưu ý: thứ nhất, khác với xin mực, mượn dầu là phải trả; thứ hai, rót dầu từ đèn sang thì phải rất khéo, nếu không sẽ đổ ra ngoài. Tệ nhất là đổ ra vở, những trang đó coi như bỏ vì không "ăn" mực nữa.
(Ơ, lại lan man rồi, Hoa đèn là có thật không đấy?). Ô, hoa đèn là có thật nhưng hiếm gặp lắm. Đó là vào một đêm thật khuya. Sau mấy tiếng mải mê sách vở, chàng thiếu niên ngẩng lên, chợt sững người khi bắt gặp hoa đèn đang rực hồng trong ngọn lửa. Nếu mô tả chân thực thì hình dạng, kích thước của nó giống như hạt phôi trong hạt ngô luộc. Nhưng với chàng thiếu niên thì đó là một con tim đang thổn thức. Chúng bạn truyền nhau: hoa đèn là điềm báo về một điều thiêng liêng đang tới. Hỏi gặng thêm chút nữa thì mới hay rằng có một người đang nghĩ về bạn. Đó quả là điều thiêng liêng và kỳ diệu! Và lúc này, chắc người đó cũng đang có một bông hoa đèn, bởi cũng đang có một người nghĩ về bạn ấy.
Đêm ấy, chàng thiếu niên là người ra về cuối cùng. Chàng thổi ngọn đèn bằng một làn hơi thật nhẹ với mong ước rằng bông hoa đèn sẽ không rụng để tối mai lại được ngắm nhìn và mong ước.
Nhưng hoa đèn chỉ là điềm báo. Mà điềm thì chỉ báo một lần mà thôi. Hoa đèn ơi!
Trần Anh Chiến