- Trang văn
Mạch nguồn của quê hương
Thứ sáu - 19/05/2023 20:33
(Ảnh: Nhóm văn Búp - tháng 1 năm 2019)
MẠCH NGUỒN CỦA QUÊ HƯƠNG
(Bùi Thị Biên Linh)
Tôi sinh ra ở đồng đất Thái bình nơi cánh đồng ngọt lành hương lúa và bình yên chấp trắng những cánh cò. Hơn nửa đời lập nghiệp ở phương Nam nồng nàn nắng, nồng nàn mưa và gió, tình yêu, nỗi nhớ, lòng biết ơn Thái Bình vẫn là mạch nguồn thao thiết chảy trong sâu thẳm hồn tôi.
Mùa hè năm 2023, sự kiện ra mắt cuốn sách chung của các thành viên Búp trên cành tại thành phố Thái Bình, tôi không về được. Từ phương Nam xa xôi, tôi dõi về nơi các thầy, các bạn sum vầy, lòng tôi hân hoan như có mình trong đó. Tôi hạnh phúc rưng rưng khi các bạn gửi một video cuộc hội ngộ của các thành viên Nhà Búp với nhà văn Bút Ngữ (Nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Bình). Bác chính là người đã khởi xướng và đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên Nhà Búp từ những năm đầu khi đất nước hoàn toàn thống nhất 1976 và hết lòng với xây dựng nền văn học nghệ thuật cho quê hương; vì tâm huyết và tầm nhìn về sự phát triển bền vững cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà, nhà văn Bút Ngữ đã đề đạt với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Trìu về việc mở lớp đào tạo sáng tác văn học nghệ thuật cho các cháu thiếu nhi có năng khiếu. Được lãnh đạo tỉnh chấp thuận, Bút Ngữ đã cùng các nhà văn, nhà thơ, họa, sau Lê Duy Lễ, Nguyễn Khoa Đăng, Kim Chuông, Lê Bính, Bùi Tằng Hoàn, Hà Trí Dũng… không quản khó khăn thiếu thốn, dạy dỗ, dìu dắt cho các nghệ sĩ nhí suốt 15 năm với hơn 200 cháu. Không những thế, Hội VHNT Thái Bình còn mời các nhà văn lớn: Tô Hoài, Phạm Hổ, Phong Thu, Định Hải… về dạy cho các cháu. Hội văn học nghệ thuật còn dành riêng một tập san tên gọi “Búp trên cành” để đăng, giới thiệu các sáng tác của thành viên lớp năng khiếu này. Sự quan tâm hướng dẫn, cổ vũ của nhà văn Bút Ngữ cùng các bác, các chú văn nghệ sĩ đã chắp cánh cho tâm hồn, cho ước mơ sáng tác của chúng tôi.
Nhiều thành viên trong nhóm đã đoạt những giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác như: Lê Quang Đôn, Trần Huyền Tâm, Đỗ Mai Hương, Bùi Thanh Huyền, Nguyễn Thúy Hằng, Bùi Thị Biên Linh, Bùi Lan Anh, Chu Xuân Giao…
Từ mạch nguồn của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình khai mở, chúng tôi (hầu hết là học sinh giỏi trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia qua các năm hoặc có năng khiếu sáng tác) đã được các văn nghệ sĩ Thái Bình tuyển chọn, dạy dỗ đào tạo, đã trưởng thành, tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc. Người công tác ở ngành ngoại giao, người theo ngạch kinh tế, người gắn bó với bảng đen phấn trắng, người trở thành cán bộ quản lý hay phóng viên…
Tuy khác nhau về công việc nhưng có một điểm chung mang tên Nhóm Búp (rồi sau đó là Nhà Búp), đó là: chúng tôi vẫn sáng tác. Bền bỉ, nồng nàn suốt gần nửa thế kỷ qua để mạch nguồn văn chương, nghệ thuật được quê hương khai mở vẫn chảy. Mỗi bài thơ, trang văn, khúc hát, bức tranh vẫn đậm nét riêng của “Búp trên cành”: Tha thiết, trong trẻo mà sâu lắng. Mỗi khi có dịp gặp nhau hay trò chuyện, các thành viên chưa bao giờ quên nhắc tên những người thầy văn chương thời thơ ấu của mình với lòng biết ơn, kính trọng.
Còn có thêm trang văn chương Nhà búp với vài chục ngàn độc giả của các thành viên Nhà Búp. Đây là điều tuyệt vời nhất của mạch nguồn và hội tụ. Có lẽ, trên đất nước Việt Nam này, hiếm có một nhóm văn chương nào nhiều người tâm huyết… tài hoa, gắn bó, đồng lòng như thế! Từ ngày gặp lại 8/2015 đến nay, đã có nhiều cuộc hội ngộ vừa trang trọng vừa ấm áp tình thân của Thầy và trò Nhà Búp. Được như vậy là nhờ có nhà thơ Kim Chuông, Trần Huyền Tâm, Chu Xuân Giao cùng các bạn khác đã luôn giữ lửa. Tôi ở xa nên luôn nhận được sự quan tâm, ưu ái của các thầy, các bạn. Tôi đã khóc và xúc động khi nhà văn Bút Ngữ hỏi các bạn: “Biển có ra được không?” Bác dõi theo mỗi bước văn chương của các cháu, đọc và động viên các cháu như ngày xưa. Có lần tôi tặng bác cuốn thơ “Ý nghĩ ban mai”, Bác nhắn tin “Bác đã đọc lại lần thứ ba rồi. Cháu viết chân thật và xúc động lắm!”. Ngày tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, bác gọi điện chia vui. Tôi thấy mình may mắn, hạnh phúc biết bao khi ngày ấy, nhà thơ Kim Chuông cùng các bạn Trần Huyền Tâm, Vũ Huy Thông, Nguyễn Nga, Lam Châu, Nguyễn Diệu Liên, Bùi Lan Anh… đã về Hà Nội chia vui. Có thầy, có bạn mới thực sự là hạnh phúc! Tôi nhớ như in lời nhắn của họa sĩ Hà Trí Dũng rằng: “chú đi khoe về tin Búp Biển được vào Hội Nhà văn Việt Nam”. Chú gọi tôi là Người đi mở cõi văn chương (vì ở Bình Phước, tôi là Hội viên đầu tiên được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam). Những dòng tin ấy, với tôi, thật là trân quý. Mỗi khi ra Hà Nội nhận giải thưởng văn chương, tôi đều được chị Ánh Tuyết thay mặt Hội VHNT Thái Bình và các bạn nhóm Búp trên cành tặng hoa chúc mừng. Những bông hoa thắm tươi ân tình của quê hương luôn ngát thơm, rực rỡ trong tâm hồn tôi, quý hơn mọi giấy khen và giải thưởng.
Ban biên tập Tạp chí văn nghệ Thái Bình đã dành cho những trang viết kể lại kỷ niệm về một thời Búp trên cành một niềm ưu ái trên Tạp chí văn nghệ của quê hương.
Mấy chục năm xa quê, tôi càng thấm thía những ân tình của quê hương. Dẫu bao năm tháng, mạch nguồn ấy vẫn thao thiết chảy trong cuộc sống, trong tâm hồn mỗi thành viên Nhà Búp chúng tôi.
Bùi Thị Biên Linh