- Trang văn
Một dòng sông đi giữa thành phố và tôi
Thứ hai - 19/05/2025 10:27
(Ảnh: St)
MỘT DÒNG SÔNG ĐI GIỮA LÒNG THÀNH PHỐ & TÔI
(Lương Duyên Thắng)
“Thái Bình có cái cầu Bo
Có nhà máy cháo có lò đúc muôi”
Câu thơ ấy do ai viết và có từ bao giờ?
Ai viết thì tới giờ chắc cũng chả ai biết, nhưng ra đời từ bao giờ thì chắc chắn phải sau nạn đói Ất Dậu 1945 thì khỏi phải bàn. Khi ấy Nhật hất cẳng Pháp tại Đông Dương bắt người nông dân Việt Nam phải nhổ lúa trồng đay. Thái Bình là một tỉnh thuần nông trồng lúa, không trồng gì ngoài cây lúa phải chuyển sang trồng đay. Trong khi lũ lụt ở Thanh Hoá Nghệ an, rầy nâu làm mất mùa ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, thực dân Pháp phải thu gom cho Nhật 900.000 tấn gạo để nấu rượu phục vụ cho Thế chiến, thì làm gì còn có lúa và gạo đâu mà ăn. Số người chết trong nạn đói năm ấy theo một số báo cáo cả nước lên tới gần 2 triệu người và Thái Bình cũng có số người chết nhiều hơn các tỉnh khác có người nói lên đến trên 200 nghìn người.
Có cháo để ăn ư. Có là quý lắm rồi.
Đúng thế, có một nơi thường phục vụ cháo cho mọi người nằm ngay sát cầu Bo thật. Nó xuất phát từ những người nhân sĩ trước thảm cảnh nạn đói tràn lan đã quyên góp lương thực từ mọi nơi về để nấu cháo phát cho dân và đã cứu sống được hàng vạn người . Tại vị trí đó sau này đã được xây dựng thành bảo tàng Tỉnh Thái Bình bây giờ.
Về lò đúc muôi thì là nơi một làng nghề truyền thống của cha ông thuộc huyện Vũ thư chứ chả phải để phục vụ cho chuyện ăn cháo như mọi người vẫn nghĩ.
Nói về sông Trà Lý là một nhánh phụ lưu của sông Hồng bắt nguồn từ gần nơi giáp ranh của huyện Đông Hưng và Hưng Hà, nơi gần ngã ba sông có một bến đò là đò Tịnh Xuyên, phía bên kia là xã Hồng Lý của huyện Vũ Thư. Nay cầu Tịnh xuyên đã thay cho cái bến đò đơn sơ ngày ấy.
Cái cầu Bo lần đầu tiên tôi được đi lại là cái cầu phao dã chiến sau đợt ném bom của Mỹ làm sập nên phải qua bằng cầu phao làm tạm. Tôi đến thành phố Thái Bình lần đầu tiên (ngày ấy là thị xã) có lẽ là vào hè của năm 1971 trước khi hiệp định Pari được ký kết. Lần đầu tiên được bố đèo qua cái cầu Phao bằng xe đạp , rồi đi vào đường Lê Lợi, tôi nhớ không nhầm thì vào một nhà người quen là nhân viên của bố tôi thì phải. Nhà ở tập thể tầng bốn phía bên phải đường Lê Lợi, theo hướng từ cầu Bo sang.
Mới lần đầu tiên đến thị xã lại ham chơi xuống cầu thang chơi rồi không biết lối để về, bị lạc mất một lúc làm bố tôi và gia đình nhà ấy dỗ mất một lúc mới nín( thời ấy không sợ bắt cóc và tai nạn giao thông ) như bây giờ.
Khi về bố chở tôi qua lối cầu treo, sau này tôi mới biết là cầu Bo cũ bị sập gần hết nên phải vừa làm cầu phao vừa sửa cầu bê tông thành cầu treo để phục vụ thông xe đường 10 cho sản xuất và chiến đấu.
Những năm vào Đại học tôi còn phải đi trên cái cầu Bo cũ thêm một thời gian nữa và tới 1994 thì đã có một cây cầu hoàn toàn mới vững chãi uy nghi , dù chưa được đẹp nhưng chắc chắn và an toàn.
Lại nói về cầu Bo, tên của nó là tên một làng nổi tiếng về Ổi đó là làng Bo thuộc xã Hoàng Diệu (bây giờ là phường Hoàng Diệu) Người dân ở đây chủ yếu trồng cây ăn trái, hoa màu cây cảnh và rất chịu khó siêng năng ( chứ không ki bo đâu nhé các bạn),
Sáu năm đại học biết bao lần tôi vượt dốc cầu Bo đi trên bờ đê ấy về nhà. Biết bao lần ngồi bên những bãi cát bờ đê hay trên những diếm canh nhìn ra bờ sông, ra cầu Bo lộng gió tha thẩn nghĩ về quê hương về hiện tại tương lai và con đường phía trước.
Tôi yêu sông Trà đỏ nặng phù sa, những triền đê và những thảm cỏ dày xanh ngắt trong vi vút sáo diều và tiếng ì oạp sóng vỗ bờ của những ngày nước cả.
Rồi tôi đi xa, nơi quê nhà thị xã Thái Bình mở rộng lên thành phố. Mở rộng về phía Đông Bắc phía bờ Hoàng Diệu và Đông Hoà . Hiện đã có thêm 4 cây cầu xinh đẹp bắc ngang qua dòng Trà Lý. Với Thái Bình thì đã có một dòng sông đi giữa lòng thành phố còn cây cầu cũ bây giờ phía bên nhà bảo Tàng chỉ còn một mố cầu kiêu hãnh đứng lặng câm. Nó như một chứng tích thời gian qua bao thời kỳ Pháp thuộc, trải qua bao cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước tới tận ngày nay.
Dòng sông Trà Lý ngày nào vẫn cùng đi với tôi suốt chiều dài cuộc sống, chảy giữa tâm hồn tôi, trong trẻo thương yêu chẳng hề phai nhạt. Mố cầu Bo với những ký ức đau thương ngày cũ, với những chiến công thời chống Mỹ anh dũng , tự hào, thiêng liêng và ắp đầy kỷ niệm.
Ôi con sông Trà Lý con sông đi giữa lòng thành phố và đi suốt cuộc đời tôi và những người con quê lúa Thái Bình.