• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Một thoáng miền Trung

Chủ nhật - 03/05/2020 17:44

 

 

Tôi vừa kết thúc cuộc hành trình ba ngày tour du lịch Miền Trung cùng các bạn đồng nghiệp với rất nhiều những trải nghiệm thú vị, những cung bậc cảm xúc thật khó quên. Mỗi tấm ảnh là một kỷ niệm giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về những nơi mình đã đi qua...


Điểm đến đầu tiên trong hành trình là Nghệ An. Từ trung tâm thành phố Vinh đi theo quốc lộ 46 chừng 15km, xe của công ty du lịch Hoa Binh Travel đưa chúng tôi đến Làng Sen (thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) - một làng quê yên bình, thơm ngát hương sen - đây chính là nơi Bác Hồ đã sống trong thời niên thiếu.

Dẫu đã trải qua cả thế kỷ nhưng những hình ảnh xưa cũ của Làng Sen, những kỷ vật linh thiêng, quý giá gắn bó với thời thơ ấu của Bác vẫn được lưu giữ đến bây giờ.

Ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là những ân tình của làng xóm, quê hương, là nơi chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành và khơi nguồn cho tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng lớn lao của người anh hùng dân tộc lỗi lạc sau này...

 Tạm biệt Làng Sen, chúng tôi hăm hở lên đường về với bãi biển Cửa Lò - một trong những bãi biển đẹp nhất ở nước ta. Gần một ngày trải nghiệm cái nắng, cái gió rát bỏng của miền Trung, chúng tôi nóng lòng muốn trút đôi dép quai hậu, mặc bộ bikini, chạy chân trần trên cát và được hoà mình vào làn nước biển trong xanh...

Trong cái oi bức cuối ngày, được ngụp lặn và nô đùa với sóng biển chắc hẳn chẳng có gì dễ chịu bằng...

Ngày thứ hai...

Sau bữa sáng, xe đón chúng tôi tại cửa khách sạn Tiến Anh. Được thông báo lịch trình từ trước, chúng tôi chỉnh tề trong những bộ trang phục giản dị, sẵn sàng lên đường tới tham quan và thắp hương tại đền Củi nằm trên núi Khu Độc bên dòng sông Lam.

Từ quốc lộ 1A, chúng tôi xuống xe đi bộ khoảng 500m thì đến đền. Đền tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra sông, phong cảnh hữu tình, thơ mộng.

Qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi được biết: đền được tạo lập ở cuối đời nhà Lê, thờ Đức Quan Hoàng Mười. Quan Hoàng Mười là hiện thân của vị tướng Lê Khôi (nghĩa quân Lam Sơn) gọi Lê Lợi là chú. Ông không những đánh giặc giỏi mà còn là người luôn luôn chăm lo tới đời sống của nhân dân. Một lần, sau khi thắng giặc trở về, một trận cuồng phong ập đến làm tan hoang nhà cửa của dân chúng. Thương dân, ông cùng binh sĩ chặt tre, đốn gỗ về giúp dân làm nhà. Trong một lần bão to, ông lâm nạn, dân làng chưa kịp mai táng thì mối đùn lên đắp thành mộ. Nhớ ơn ông, người dân nơi đây đã lập đền thờ ông trên núi.

Qua vài lần tôn tạo nhưng đền vẫn giữ được nét xưa thần bí, linh thiêng, hài hoà với cảnh quan, sông núi...

……………

Trưa ngày thứ 2

Từ đền ông Hoàng Mười, chúng tôi lên xe đi chừng 70km nữa mới nghỉ lại ăn trưa và thay trang phục. Thời gian không có nhiều nên tất cả mọi người đều hối hả. Trên quãng đường đến điểm khám phá mới, chúng tôi tranh thủ chợp mắt một lát để lấy lại sức.

Từ điểm dừng xe, chúng tôi ngồi chờ hướng dẫn viên đi làm thủ tục cho mọi người qua cổng và bắt đầu cuộc hành trình bằng việc lên xe điện, vi vu vượt qua chặng đường dài chừng 2km, dưới tán lá rừng hàng trăm năm tuổi. Chúng tôi thả sức selfie và reo hò. Nếu như ở ngoài kia nắng vàng rực rỡ nơi nơi, tỏa sức nóng hầm hập bao trùm khắp không gian thì ở trong rừng gió thổi mát rượi, nắng lọt qua kẽ lá. Lâu lâu chúng tôi mới nhìn thấy những khoảng trời xanh thẳm. Điều rất lạ là, ở đây những người lái xe điện toàn là phụ nữ, thậm chí còn có một chị đang mang bầu rất to. Họ dường như không biết mệt mỏi, miệng luôn tươi cười và trò chuyện với khách du lịch cởi mở như người nhà.

Điểm dừng của xe điện cũng là lúc đoàn đặt chân tới núi đá vôi sừng sững. Từ đây, chúng tôi tiếp tục leo lên mấy trăm bậc thang bằng đá xây thoai thoải, có lan can hàn bằng những ống sắt dài để mọi người vịn tay cho an toàn.

Theo lối rẽ phải chừng 20m, chúng tôi đến cửa động Thiên Đường. Chỉ nhìn thấy cái tên động thôi, mọi mệt mỏi trong tôi dường như tan biến hết. Mọi người đến đây tham quan rất đông. Tôi quan sát thấy có nhiều người nước ngoài. Tôi không biết nhiều tiếng Anh nên khi gặp họ chỉ vẫy tay chào, tặng họ nụ cười và vui vẻ hello. Họ cũng đáp lại bằng nụ cười và vẫy tay chào lại.

Tôi hăm hở bước xuống những bậc thang vào trong động. Khác với tưởng tượng, ở đây cầu thang làm bằng gỗ, đi rất êm chân, không sợ trơn trượt. Một hành lang dài và vòm đá rộng mênh mông hiện ra trước mắt, thu hút mọi ánh nhìn. Cái lạnh trong động làm cho tôi hơi sởn da gà. Xung quanh bốn bề là những lớp thạch nhũ trơn láng, ẩm ướt, đủ các hình thù sinh động. Mạng lưới điện thắp sáng tạo điểm nhấn ở các góc cạnh của lớp trầm tích. Vô số những cụm thạch nhũ nguyên thuỷ tạo thành một bức tranh khổng lồ, kỳ vĩ. Theo dọc hành lang gỗ, chúng tôi càng đi sâu vào phía trong càng ngạc nhiên trước những khối thạch nhũ tạo hình đặc sắc nằm riêng lẻ như một bảo tàng điêu khắc có một không hai. Có lẽ, chính vì vậy mà động Thiên Đường đã ghi vào sách kỷ lục VN: cây cầu gỗ dài nhất và động khô dài có hệ thống thạch nhũ độc đáo nhất.

Được đặt chân vào đây chẳng khác nào như được đặt chân vào chốn bồng lai tiên cảnh.

Tôi đã hiểu, vì sao các nhà thám hiểm lại đặt tên cho động là Thiên Đường...

Chiều ngày thứ 2...

Ra khỏi Thiên Đường, chúng tôi trở về với "thực tại". Cái nắng, cái gió bỏng rát của miền Trung khiến cho ai nấy đều cảm thấy mệt mỏi, mồ hôi vã ra như tắm.

Lên xe được một lúc, mọi người thôi không cười đùa mà đều thiu thiu ngủ. Bác tài xế rất tâm lý, mở những bản nhạc guitar nhẹ nhàng.

Đoàn chúng tôi về đến thành phố Đồng Hới đã gần 6 giờ chiều. Thời gian còn quá ít để mọi người có thể thỏa mãn với niềm đam mê hoà mình với biển.

Chúng tôi nhanh chóng nhận phòng tại Osaka hotel. Một điều bất ngờ làm bốn đứa chúng tôi reo lên thích thú khi mở cửa phòng 604. Trước mắt chúng tôi là khung cửa sổ cỡ lớn nhìn ra cây cầu Nhật Lệ nườm nượp người qua lại. Hai bên cầu điện đã thắp sáng trưng. Dòng sông thơ mộng mà tôi đã từng được học, được đọc trong thơ ca nay đã hiển hiện ngay trước mắt. Chẳng ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều lấy điện thoại ra để ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời này.

Các phòng lân cận lúc đó đã í ới gọi nhau. Tiếng gõ cửa, tiếng nói cười rộn rã cả sảnh khách sạn. Chúng tôi nhanh chóng mặc áo tắm và cùng nhau thả bộ trên đường phố. Nghĩ cũng buồn cười thật, những lúc bình thường, mặc cái áo hơi ngắn một tí hay cái quần hơi cộc một tí đi ra đường đã thấy ngại. Đằng này... hai mảnh nhé, cứ thoải mái tung tăng giữa phố đông, chả thấy ngượng ngùng...

Từ khách sạn đến bãi biển Nhật Lệ thật xa, dễ đến cả cây số. Mặt đường nhựa nóng bỏng, đá dăm lợn cợn làm đau những đôi chân trần. Chúng tôi ra đến biển thì trời đã sẩm tối. Cả bãi biển dài hàng ki-lô-mét vắng ngắt, chỉ có duy nhất vài chục người của đoàn chúng tôi. Bác bảo vệ của khu vực bãi tắm tuýt còi báo hiệu đã hết giờ. Chúng tôi năn nỉ mãi bác mới đồng ý cho đoàn xuống lội nước. Chỉ chờ có thế, không ai bảo ai, chúng tôi co cẳng chạy ào ra với biển. Lúc đầu thì lội, sau thì không cưỡng lại được sự cuốn hút kỳ lạ của nước, chúng tôi thả sức ngụp lặn, nô đùa. Sóng biển về tối dữ dằn lắm. Sóng bạc đầu cứ dồn dập xô vào bờ. Cả đoàn chúng tôi chia làm vài ba tốp, cầm tay nhau dàn thành hàng ngang, chờ sóng đến là hò nhau cùng nhảy. Hai lần tôi bị sóng nhấn chìm, sợ hãi nắm chặt tay bạn. Nước biển vào mắt, vào miệng mặn chát. Tôi đã tắm biển ở nhiều nơi nhưng chưa thấy nước biển ở đâu mặn đến như vậy.

Ở biển, trời tối nhanh lắm. Mọi người đứng cạnh nhau mà không nhìn rõ mặt. Gió mỗi lúc một to, sóng mỗi lúc một lớn. Bác bảo vệ ra hiệu yêu cầu chúng tôi vào bờ. Chúng tôi ra về trong sự tiếc nuối vô cùng...

Sau bữa tối ở nhà bè, chúng tôi đến dâng hương ở tượng đài Mẹ Suốt; ngắm thành phố và dòng sông Nhật Lệ về đêm. Khi lên đèn, thành phố Đồng Hới tỏa sáng rực rỡ. Ánh sáng điện lung linh in bóng xuống dòng sông huyền ảo, thơ mộng. Khách du lịch từ khắp mọi nơi đến với Đồng Hới đều cảm nhận được sự hiếu khách, thân thiện, cởi mở.

Là một thành phố từng chịu nhiều sự tàn phá của bom đạn trong chiến tranh nhưng đã vươn lên, vượt qua bao khó khăn, kiến thiết và xây dựng để trở thành một thành phố tươi trẻ, năng động và xinh đẹp như hôm nay...

Sáng ngày thứ 3...

Chưa đến 5 giờ sáng, các phòng bên cạnh đã rậm rịch tiếng bước chân. Mọi người gõ cửa và í ới rủ nhau ra biển xem mặt trời mọc. Mấy bạn trẻ nhí nhố tạo dáng và selfie ngay trong sảnh khách sạn, chốc chốc lại phá lên cười vui vẻ. Tôi nhỏm dậy thấy đau ê ẩm trong người. Cảm giác lười biếng níu tôi nằm lại. Tôi lắng nghe tiếng ríu rít nói cười của mọi người mỗi lúc một xa...

Ngồi dậy, tôi với tay kéo mạnh chiếc rèm cửa. Ánh sáng sớm mai tràn ngập căn phòng nhỏ. Tôi mở cửa sổ nhìn xuống những mái nhà xanh đỏ nhấp nhô và tận hưởng những làn gió mát lành buổi sớm. Xa xa, cây cầu Nhật Lệ đã bắt đầu nhộn nhịp người qua lại, các phương tiện giao thông phân luồng một cách rõ ràng. Dòng sông lung linh, huyền ảo đêm qua giờ như tỉnh giấc và sống động bởi thuyền bè qua lại. Bầu trời Đồng Hới vừa mới sáng đã xanh ngăn ngắt, báo hiệu một ngày nắng chói chang...

...

Chúng tôi thu dọn hành lý, trả phòng và ăn buffet tại tầng 1 của Osaka hotel. Đúng 7h, xe chuyển bánh đưa chúng tôi vào một hành trình mới. Tạm biệt thành phố Đồng Hới mến khách và thân thiện, mong một ngày không xa được trở lại nơi này để có những trải nghiệm dài hơi hơn, thú vị hơn...

Tiếng cậu hướng dẫn viên du lịch thông báo lịch trình trong ngày, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Cảm xúc chợt nhen lên khi anh bạn trẻ nhắc tới Vũng Chùa. Con đường dài 67km từ trung tâm thành phố Đồng Hới đến Thọ Sơn dường như ngắn lại. Những gì mà tôi được biết qua các kênh thông tin đại chúng trước đó, bây giờ cứ lần lượt hiện ra như đang xem một bộ phim.

Qua Đèo Ngang, tôi cảm nhận được mình đang đến thật gần nơi yên nghỉ của vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp. Tôi chăm chú nhìn qua cửa kính ô-tô, hàng phi lao vun vút hai bên đường. Và kia rồi, tôi đã nhìn thấy biển! Một vùng biển trời mây nước bao la và hết sức yên bình. Tôi không tin vào mắt mình khi nhìn thấy một hòn đảo xanh nằm cách bờ không xa là mấy. Có lẽ nào... đảo Yến là đây? Không thể nhầm được! Đảo Yến! Đảo Yến thật rồi! Tôi reo lên và chỉ cho người bạn ngồi ghế bên cạnh được thấy. Hai đứa chưa hết ngỡ ngàng thì xe đã dừng lại. Chúng tôi mở cửa bước xuống giữa cái nắng trưa Quảng Bình. Ở bãi đậu xe, nhìn ra xung quanh chẳng có lấy một bóng râm nào cả. Chúng tôi ai nấy đều vội vàng khoác chiếc áo che nắng toàn thân, mũ nón, khẩu trang kín mít.

Để lên viếng mộ Đại tướng, chúng tôi đi bộ theo con đường rộng được ghép bằng những tấm đá hình chữ nhật, uốn cong theo triền núi dẫn tới chân núi Thọ Sơn. Qua tháp chuông, chúng tôi đi thêm một đoạn đường ngắn nữa là gặp đội cảnh vệ, họ tận tình chỉ dẫn cho các đoàn tới viếng mộ Đại tướng. Theo dòng người đi trước, chúng tôi rẽ sang trái và bước lên cầu thang gỗ. Chưa kịp định hình thì tôi đã thấy mọi người dừng lại dâng hương, thành kính. Tôi hơi bất ngờ, rồi như có một luồng điện chạy qua người, tôi lập tức hướng nhìn lên gò cao phía bên tay phải. Trước mắt tôi là một lư hương lớn, sau là tấm bia đá hoa cương khắc dòng chữ: Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra. Mộ Đại tướng đây ư? Trong thâm tâm, tôi nghĩ rằng còn phải đi thêm một đoạn đường dài nữa mới tới. Nơi yên nghỉ của Người đến giờ hẳn phải được xây dựng công phu, đẹp đẽ và sang trọng. Nhưng không, tất cả đều rất đơn sơ và bình dị; bình dị như chính cuộc sống của người lính...

Tôi đã bao lần mơ ước được đến nơi này để tỏ lòng tri ân sâu sắc tới vị tướng tài ba của dân tộc. Nay đã được toại nguyện, tôi chắp tay kính cẩn, nghẹn ngào...

...

Sau khi dâng hương, chúng tôi nán lại chụp ảnh kỷ niệm. Từ vị trí này, tôi có dịp được phóng tầm mắt quan sát xung quanh. Vũng Chùa thật yên bình và thơ mộng. Thiên nhiên đã hào phóng ban cho nơi đây một cảnh quan đẹp như tranh vẽ, núi non hùng vĩ, sóng biển hiền hoà. Giữa đại dương bao la, Đảo Yến nổi lên như viên ngọc xanh mang dáng vẻ của một thế núi uy nghiêm nằm trấn giữa đất liền và biển cả. Giữa cái nắng trưa Quảng Bình, chúng tôi vẫn cảm nhận được những làn gió mát lành từ biển khơi thổi vào. Không gian thật bình yên và khoáng đạt. Tôi có thể cảm nhận được phần nào lý do Đại tướng chọn nơi đây để yên giấc ngàn thu...

Chúng tôi đến Ngã ba Đồng Lộc khi cái nắng đã đứng bóng, trời cao trong vắt, không một gợn mây. Không gian tĩnh lặng và linh thiêng...

Nghe lời dặn dò của bác tài xế: "Giờ đang là giữa trưa, mọi người nên giữ trật tự để các anh, các chị nơi đây yên nghỉ...", chúng tôi xuống xe và xếp hàng ngay ngắn, lặng lẽ đến dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc. Tôi gai người khi nhìn những tấm bia lớn khắc tên 1950 anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc này. Chúng tôi xúc động chia nhau từng nén nhang thơm thắp lên lư hương lớn trước đài tưởng niệm, cầu mong cho linh hồn các anh, các chị được tịnh độ, siêu sinh. Thật không sai khi nói rằng: nơi đây chính là trang sử hào hùng và bi tráng của lịch sử, là hiện thân của "vai trăm cân, chân ngàn dặm". Tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ TNXP sẽ được lưu danh muôn đời để lớp lớp con cháu ngưỡng vọng, tôn kính, tự hào...

Rời nhà bia tưởng niệm, đoàn chúng tôi nhanh chóng quay trở lại con đường cũ để đến viếng mộ 10 cô gái TNXP anh hùng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã quyết tâm san lấp hố bom, giữ cho huyết mạch giao thông được thông suốt từ Bắc vào Nam. Các chị đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ:

 

"Đồng Lộc nơi đây thật tự hào

Núi sông ghi tạc những công lao

Còn đây ý chí 10 cô gái

Dũng cảm hy sinh thuở má đào..."

Tôi đứng lặng trước từng nấm mộ, ngắm nhìn di ảnh của các chị. Những gương mặt rạng rỡ, những nụ cười hồn nhiên, những ánh mắt ngời lên niềm hân hoan của tuổi trẻ... Tất cả, tất cả như mới vừa đâu đây...

Chúng tôi vây quanh tấm bia đá cạnh gốc cây bồ kết khắc bài thơ: "Lời thỉnh cầu ở Ngã ba Đồng Lộc" của tác giả Vương Trọng. Mắt ai cũng đỏ hoe, nghẹn ngào…

 

"... Cần gì ư? - Lời ai hứa trong chiều

Tất cả chưa có chồng và chưa có người yêu

Ngày bom vùi tóc tai bết đất

Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được

Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang

Cho mọc dậy vài cây bồ kết

Hương chia đều trong hư ảo khói nhang..."

...

Trước khi quay lại cùng với đoàn, tôi đứng lại thật lâu ngắm nhìn 10 ngôi mộ trắng, 10 lọ hoa cúc trắng, 10 di ảnh của các chị... với lòng thành kính vô hạn. 10 đóa hoa thơm mãi mãi tô thắm mảnh đất này. Tên tuổi của các chị đã được lịch sử ghi danh và trở thành bất tử...

Hai cây bồ kết mướt xanh đang mùa trổ hoa, hương thơm bay trong gió, vi vu giữa đại ngàn như ngân lên những thanh âm dịu ngọt của đất trời, của quê hương, ru êm giấc ngủ ngàn thu của các chị...

...

Tạm biệt 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi lên xe trở về Thái Bình, kết thúc hành trình 3 ngày đến với miền Trung. Tuyến đường chúng tôi đang đi chính là huyết mạch giao thông của chiến tuyến năm nào, bây giờ đã thênh thang rộng mở. Nhìn qua cửa kính xe thấy bầu trời phía trước cao xanh lồng lộng. Bất giác, tôi ngân nga câu hát: "Trời mô xanh bằng trời Can Lộc, nước mô xanh bằng nước sông La, ai về Hà Tĩnh quê ta..."

50 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Đồng Lộc hôm nay đã đổi thay, đất nước đã đổi thay. Những hố bom chi chít năm nào giờ đã trở thành những dấu tích của lịch sử, chứa đựng những huyền thoại cao cả, linh thiêng và hết sức tự hào...

 

Ngày 27 tháng 6 năm 2017

Bùi Thái Phúc

 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.