- Trang văn
Ngại nợ
Thứ tư - 15/01/2025 15:03
(Ảnh: Xuan Nguyen)
NGẠI NỢ
Truyện ngắn của Hoàng Liên Sơn
Nhuận cầm theo cuốn sách đã ghi sẵn lời đề tặng; tắt đèn bàn viết, bật đèn cầu thang, tắt đèn phòng, xuống tầng trệt rồi lại tắt đèn cầu thang. Anh nói với bà Nền, mẹ anh là nhà sắp có khách, cái Minh con bà Nếp.
Bà Nền bảo ồ thế thì anh cứ tiếp. Tôi phải đi đằng này có việc đây. Nhuận vâng, lấy nhúm trà Shan Tuyết cho vào ấm, chắt nước sôi ra cốc chờ đôi phút rồi mới rót vào trà để tránh bị cháy. Mẹ anh bảo ồ vậy nó ngấm làm sao được? Anh đáp loại này thậm chí có thể pha bằng nước lạnh ạ.
Lát sau Minh ào vào nhà, bảo em có gói đậu Kênh biếu hai bác ăn chơi ạ. Nhuận phì cười, bảo cứ như cháu ruột bà Nền chăm bác thế. Hay tại anh không lấy tiền sách thì cô mình trả bằng món này? Minh cười, bảo em chẳng coi đây là nợ, nhưng đúng là em ngại mang nợ lắm.
Rồi Minh kể có lần phụ huynh học sinh tới thăm nhà, mang cho cân nhãn. Khi khách về rồi, sợ hỏng nên chị cho ngay vào trong tủ lạnh. Hàng tuần sau khi ăn gần hết chị mới phát hiện ra dưới đáy túi còn có cái phong bì. Chị lúng túng khó xử bởi đem trả sẽ kém duyên vì chậm quá rồi, mà chưa trả thì ngày nào cũng như dành cho thằng bé con nhà ấy một sự quan tâm khác thường; lại mang mặc cảm thiếu công bằng với những đứa trẻ khác.
Nhuận chăm chú nghe, mỉm cười, kể thường mua rượu đi Tết từ một cửa hàng khá tin cậy. Chủ cửa hàng kể nguồn rượu cũng có từ nhà một quan to. Sau lần anh trả lại cái phong bì rất dày, họ luôn chuyển bán sỉ cả cho anh, tin tưởng cả vào mức giá anh định cho từng chai xách tay ấy.
Minh đáp vâng, em hiểu ông quan ấy có thể chẳng cảm thấy nợ nần gì người biếu, nhưng công việc của em và con người em không phù hợp. Từ bận đó, em luôn kín đáo soi ngay trong đáy túi trái cây xem có cái phong bì nào là trả lại luôn.
Một lát bà Nền về, nhân đấy kể đã mua sẵn mảnh đất ở nghĩa địa từ hàng chục năm trước. Từ năm ngoái khi có vẻ xương cốt yếu thêm, bà xây sẵn luôn thành các ô để sau này có ai tới cõi con cái chỉ việc đặt xuống. Bà dặn Nhuận giờ chẳng còn ai nợ bà, nhưng bà cũng không nợ ai cả. Trời gọi lúc nào thì đi không cấn cái.
*
* *
Cuộc sống làng quê chằng chịt những đan bện nợ nần. Mỗi đám hiếu hỉ rút cục gia chủ đều phải lên một cái danh sách dài ngoằng để chuẩn bị cho ngày trả nợ. Nghe tiếng kèn vẳng lên ở đâu đó trong tầm tai là rà soát lại để xem nên thế nào. Lớn lên bắt đầu thực hành, còn nhỏ thì nghe lỏm người lớn.
Học lớp bốn Minh đã nghe xì xào trong nhà, nhiều lần bà nội nói với chú và bố mình về việc mang nợ với người ta. Bố Minh chỉ đưa tiền cho bà, không truy vấn gì. Còn ông chú thì sau vài bận mới bảo bà nợ ai thì lên danh sách rồi con mang tới trả người ta. Nhưng mãi không thấy bà đưa danh sách, và cũng không nói chuyện nợ nần với con nữa. Thực ra bà chẳng nợ ai, chỉ là nại ra chuyện ấy để có tiền ăn quà; ăn tại trận chưa đủ còn mua về cất đi để hôm sau ăn tiếp, nhưng không dám nói đúng lý do ấy. Chị Nếp có lần buột miệng đúng là gần chợ để nợ cho con.
Một bận, bà chị đôi con dì đi chợ rẽ vào nhà chị Nếp chơi, mua hai cái bánh chưng con thì cho Minh một. Chị Nếp bèn bảo chỉ lần này thôi nhé, còn từ nay tuyệt đối chị không quà cáp gì cho cháu nữa.
Sau khi hướng dẫn bà chị cách viết đơn từ, giới thiệu gặp những ai để hoàn thành việc xin lối đi vào nhà; tránh phải đi nhờ hàng xóm mãi, chị Nếp mới tỉ tê từng lẽ. Thứ nhất nhà em con đông, em không muốn con út có quà còn các anh nó lại không. Mà đủ cho cả đám thì lấy đâu ra? Giờ đã đỡ chứ từng có giai đoạn thiếu gạo em thường phải vào mâm chậm lại chờ con ăn tạm tạm rồi mình mới bắt đầu. Chúng nó ngoan, cũng biết bảo nhau là mẹ đang có em bé nên cần ăn, nhưng nhớ ra thì chỉ còn rau, nồi cơm còn ấm nhưng cơm đã hết. Thứ hai là nhà bác con còn đông hơn nhà em mà.
Lại có bận chị nói với các con, nhiều hôm hàng thịt ế, chào mời rẻ đi đến phần tư giá mà không cần trả tiền ngay. Tuy nhiên chị nhất định không mua vì chịu được một hai ngày chứ đâu chịu được mãi? Rồi quen tay mỗi ngày mua chịu một ít cộng dồn lại thành cả đống thiên hạ chả cười cho. Hôm nay là đồng quà, ngày mai là nợ tình nợ nghĩa.
Tuy nhiên đó là đoạn về sau, chứ ngày hôm ấy thì cái Minh hể hả vô cùng với mùi lá dong thơm chỉ ngày Tết mới gặp, rồi đến gạo nếp dẻo mịn và nhân đỗ bùi quện với vị thịt béo ngậy.
Nó không có cơ hội ăn lần nào nữa, nhưng thỉnh thoảng trong mơ lại nhặt được tiền, và thậm chí còn nghịch ngợm gói thành cái bánh như thật nhưng bên trong bằng đất sét và khoái trá bụm miệng cười khi thấy ối người nhặt. Một bận chị Nếp phát hiện ra và mắng ai dạy mày trò oái oăm này thế, về nhà người ta thấy là đất thì không chửi mày đâu mà chửi cha cái người đẻ ra mày kìa.
Sau khi nó lí nhí vâng dạ, chị bồi thêm tuyệt đối cấm cái kiểu nghịch của con nhà không có người dạy.
*
* *
Một ngày nọ, ông chủ tịch huyện là hàng xóm của Minh gọi chị đến nhà vì một việc mà chị mong đợi từ lâu là vào biên chế trong khi ông là chủ tịch hội đồng xét duyệt. Ông bảo chỉ tiêu đợt này là năm người, và về mọi tiêu chí thì chị đều vượt trội; nào là người duy nhất tốt nghiệp loại giỏi từ trường đào tạo bài bản. Nhiều người biết chị là người giỏi chuyên môn mà lại rất yêu nghề mến trẻ. Tuy nhiên nếu ông ký duyệt cho chị thì ông sẽ bị kiện ngay lập tức mà sau đó thì chị có thể cũng không còn giữ được chân, vì năm chị kia đều đã công tác lâu mà lại con em thương binh liệt sĩ!
Chị thưa ông giúp thế cũng là hết sức mình rồi, nên sẽ kiên nhẫn chờ cơ hội sau. Chị không thể xem là mình kém may vì bố không phải diện đó.
Ông bảo giờ có cơ hội này, cứ về suy nghĩ kỹ rồi trả lời ông sau, không vội. Tức là chuyển sang bên văn hóa, lương không cao nhưng ổn định mà vẫn có thể dùng đến tài đàn hát phục vụ các em bé.
Chị lại thưa con không cần suy nghĩ thêm đâu chú ạ, chú cứ cho con chuyển công tác ạ.
Ông chủ tịch gật gù, thấy quá đỗi lạ lùng bởi cái nghề có được công phu thế, được lựa chọn kỹ càng thế mà sao chị có thể buông nhẹ bẫng? Ông không biết rằng chị từng suýt bị đẩy ra khỏi lòng mẹ bởi cao ích mẫu, nên từng ngày sống đã là một giải độc đắc, địa vị vô cùng cao quý rồi.
Ông bảo sang đấy cơ hội thăng tiến là có. Chị lại cười bảo cứ có công việc ổn định là con vui rồi chú ạ, cơ hội thăng tiến không có cũng không sao ạ.
Ông càng thấy lạ hơn bảo sao vừa xinh xắn vừa thông minh mà nó lại kém cầu tiến thế?
Ông không biết bởi không đủ thân tình để Minh có thể kể đã từng nhìn trộm được mẹ mình đã lần lượt đốt dần cả xấp giấy khen bởi thấy những người cống hiến không hơn gì chị mà được hưởng đủ loại trợ cấp hưu trí nhờ chạy chọt; mà đấy là cái việc chị không muốn làm.
Chị lại cũng, mặc dù dường như nợ sinh thành bị xước bởi liều cao ích mẫu lửng lơ, vẫn muốn trả món nợ ấy dù với tâm niệm được bao nhiêu thì được chứ chẳng cách gì trả hết nổi. Mà để nhoằng cái lại về với bố mẹ được thì đừng dính líu chức tước gì.
*
* *
Vợ chồng bà Nếp chia đất với nhà làm mấy phần, các con giai nhỉnh hơn một chút, khiến Minh lại càng thấy nợ nặng hơn. Khi thay cái tivi cũ thì việc của Minh cũng chỉ là nhờ bạn học cũ đi mua giúp rồi đưa về lắp, chứ hết bao nhiêu là bà xỉa tiền mặt bắt cầm đủ về.
Minh vâng dạ, nghĩ bà càng tư duy và hành động triệt để lại càng làm khó mình thêm. Chị đưa mẹ đi Hà Nội khám và chữa mắt xong, trên xe về bà mới bảo chú tài xế hôm nay phấn khởi yên tâm hẳn. Chị chột dạ ra bà nhất định để con tự đề đạt chứ không chịu hé ra ý nguyện của mình.
Rút kinh nghiệm, với bố Minh bèn gạ gẫm ông lên tuyến trên khám cho kỹ thì ông chỉ chịu đi thị trấn, lý sự rằng bác sĩ nào mà chả phải học. Thay vì đưa tiền trực tiếp, chị phải thêm thuốc bổ cho ông bằng cách mua sẵn rồi nhờ bác sĩ cấp phát thêm khi khám.
Chị bảo thế mẹ muốn chẳng nợ nần gì ai hay con cái, thế còn nợ của con cái với bố mẹ thì sao? Chúng con biết trả bằng kiếp nào? Bà lườm, chị thì chỉ lắm chuyện. Thấy bí, Minh bèn ghé vào nhà Nhuận tìm kiếm câu trả lời tương đương từ một hoàn cảnh tương tự.
Nhuận bảo nợ trần rũ dễ thế thì ông nhạc sĩ họ Trịnh đã chả phải thống thiết ca rằng “trả nợ một đời không hết tình đâu”. Các bậc sinh thành nghĩ vậy là sạch đường vay trả ở trần gian, nhưng phải đâu. Ăn thì vay từ vũ trụ rồi trả sau một đôi ngày, uống tới đôi ba giờ, còn thở là trả vay trong từng giây một; không trả chết mà không vay nữa cũng chết.
Trong cõi người, lại từng ngày lo đứa con này gia đình có ổn không, đứa cháu kia tìm được việc chưa; cái chứng quai bị lúc nhỏ liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của nó sau này... Nhuận cười, em muốn báo hiếu thì hãy khiến họ có được cái tâm không dính mắc dù chỉ là tình cảm ở đời. Biết đâu họ còn đang lo chắt chút chít của mình chịu làm sao khi nhiệt độ trái đất tăng thêm dăm độ nữa?
Minh bảo ối giời thế thì em chịu bởi chính em cũng sợ nước biển dâng đây.
Nhuận thong dong nhai từng hớp nước rồi bảo đừng lo, bởi anh công phu lắm mà cũng chưa thành; chỉ tự động viên rằng cha mẹ người ta đã đi vãn hoặc alzheimer với parkinson hết lượt cả rồi.
Tháng 11/ 2024