• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Nguồn cội

Chủ nhật - 04/05/2025 10:19




(Ảnh: Nhà thơ Kim Chuông)



NGUỒN CỘI 
(Kim Chuông)

Làng Thắng, gốc gác xưa, từ thuở Vua Gia Long cho lập “Địa bạ cổ” huyện Vĩnh Bảo (1805,) tên “Làng Đắc Thắng” có lẽ, cũng tồn tại hàng nửa thế kỷ, chả ít. “Đắc Thắng” thuộc đất Trang Thanh Xuyên xưa, nay là Giang Biên, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. (Rồi, hình như, sắp tới đây, (2025) họ đang còn hợp nhất các xã và đổi tên khác nữa.) Trước dòng trôi mịt mờ của lịch sử, chưa ai xác lập rõ ngày tháng, niên đại nào, buổi Trang Thanh Xuyên “khai  thiên lập địa.” Nhưng, từ Trang Thanh Xuyên, rồi thành Quý Xuyên. Rồi Giang Biên hôm rày ... Có lẽ, tính từ thời Trần, cũng đã trải qua gần một thiên niên kỷ dài xa ...

Cái tên làng Thắng, Giang Biên bây giờ, có nghĩa, đây là đất bên sông. Đất nằm ven sông Luộc, nơi có cửa hợp lưu của ba sông : Thái Bình, sông Luộc, sông Hóa.

Truyền rằng, thuở xa, Thắng là dân chài. Không đất ở. Một ngày, dân chài hung hăng mở cuộc giao tranh quyết liệt với Quý Xuyên để chiếm đất, định cư. Dân chài vốn khỏe về lực lại mạnh về tranh tụng. Họ đã đánh gục Quý Xuyên trong cuộc đọ sức.

Sự kiện diễn ra, Tòa xử. Phán rằng. “Hãy cho buộc dây vào cổ người bị chết bên thua, để kéo. Bao giờ cổ người chết bị đứt, chỗ ấy là ranh giới đất được phân chia dành cho bên thắng cuộc.”

Do người xưa hồn nhiên. Kẻ thắng mải vui mở cuộc rượu chè say sưa bí tỉ.  Nhè cơ hội mất cảnh giác ấy, người Quý Xuyên bí mật lấy dao thiến xung quanh cổ người chết. Khi kéo, chả mấy chốc, cổ người bị buộc đây đã đứt, rơi ra. Bởi vậy, đất dành cho dân chài, bên thắng cuộc nằm chen vào giữa, cắt đôi Quý Xuyên làm hai phía. Một bên là Quý Xuyên Nội, (Làng Lác). Một bên là Quý Xuyên Ngoại (Làng Râu). Đất dân chài trụ lại ở giữa, được đặt tên là “Đắc Thắng.”

Đất làng “Đắc Thắng” chạy thẳng băng từ Quốc lộ Mười xuống ven sông Luộc. (bên kia là Tiên Lãng.)  Đất “Thắng”  khá hẹp và “thẳng như ruột ngựa.” Bởi vậy, từ thuở xa, người ta bảo, người làng Thắng thật thà, ít mưu mô so với hai làng Râu và Lác.

Do đánh thắng Quý Xuyên, đất dân chài mang tên “Đắc Thắng.” Một tên làng  được đặt, gợi khá nhiều vẻ kiêu ngạo, hiềm khích, thù hận. Không biết đích xác tự năm nào, nhưng, trước năm 1945, thời thuộc Pháp, tôi nhớ, bố tôi vẫn cho xem một văn bản có con dấu hình bầu dục (in màu xanh lè) con dấu mang tên chính quyền làng Đắc Thắng còn để lại.

Cũng do truyền thuyết (chả biết thật hư thế nào) mang đầy bi kịch trên, Nhưng, một thời, ba làng Thắng, Lác, Râu tính cách khác nhau, nói tiếng khác nhau. Ví như làng Thắng, gọi “Nước chảy” thì dân Lác gọi là “Nước chỉ.” Thắng bảo “tao với mày,” thì Lác gọi “Tao “nhau” mày.”Còn, Làng Râu (đất trồng dâu. Đất “bãi bể nương dâu,” nhưng dân Họ Hoàng to nhất làng Râu, uốn lưỡi chữ “E-rờ” rất mạnh, họ gọi “làng Râu” quen rồi. Tên làng Râu “ngộ” hơn. Thích hơn … Và, ai nấy đều quen gọi và viết “làng Râu.”

Một thời xa, trai gái ba làng “kỵ nhau.”  Cha mẹ không gả bán con cái cho nhau làm chồng, làm vợ. Mãi sau này, thời gian khoảng trước năm 1930 “khi Đảng Cộng sản ra đời, với tinh thần hòa hợp, ba làng mới dần gần gũi nhau, yêu thương đùm bọc nhau hơn trong tình làng, nghĩa xóm.

Đến bây giờ, đất quê tôi vẫn giữ nguyên tên “Làng Thắng,” nhưng từ “Đắc Thắng” đã đổi thành Nội Thắng, nghe dịu êm hơn.

Làng Thắng ngày xưa có ngôi đình ở giữa làng, bên cạnh là cái Ao khá to, không nhớ ao đấy là của nhà ông Phận hay ông Lẽ. Còn Ao Cả to nữa, là của nhà ông Hân, bố ông Thẩm. Ngày bé, nhìn ao Cả mà có lúc rợn người. Nó kéo dài từ mặt đường làng qua nhà ông Mạn, ông Đồi, ông Chung Sậy đến tiếp giáp ao nhà ông Chước. Bên kia ao là nhà ông Lựu, ông Hời, ông Uyên gì đấy.

Làng Thắng có hai cây đa to. Một cây tiếp giáp Cống, bên kia là Trạm xá, đất làng Râu. Cống hay được gọi là cầu, được bắc bằng hai hòn đá to, dài. Một thời, làng nào cũng có cây cầu đá. Đấy “là mốt,” biểu hiện là “tài sản” của mỗi làng nữa.

Làng Thắng còn một cây đa to, ở Đình giữa thôn. Hai cây đa không hiểu do bão gió hay ai phá, đã không còn trước khi cuộc Cải cách ruộng đất (1957) diễn ra.

Làng Thắng chỉ có một ngôi Chùa. Ngày xưa, trước cửa chùa là Đình. Chùa làng Thắng nhỏ, làng nghèo, từ xưa không có Sư nào đến trụ trì. Tôi vẫn nhớ, có người trông coi, giống như “ông Từ” của chùa, có tên là ông Tỷ. Ông Tỷ nặng tai, người xóm Đằng Cõi. Tôi thường được Cha kéo đi lễ chùa vào tối ba mươi Tết. Tôi được xem đôi ba lần diễn ra “cuộc tế” trước cửa Đình. Sau cuộc tế là buổi diễn “tuồng cổ” hay có đêm diễn tích chèo, cải lương vào dịp xuân sang. Chú Biếng, chồng cô Hối, cô ruột tôi thường “thủ vai Tuồng” trong màn dạo đầu trước khi vào tích trò đêm diễn.      

Làng Thắng, chỉ có ba họ. “Nguyễn, Phạm, Bùi.” Gồm ba họ Phạm. một họ Bùi, hai họ Nguyễn. Nhưng dòng họ Nguyễn tôi sinh là “Nguyễn to nhất.”

(Làng Thắng, năm tháng ấy và tôi, Nhà sách thi thư gia bảo - 2025)

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.