- Trang văn
"No nước uống"
Thứ tư - 07/09/2022 15:21
(Ảnh: Lê Thu)
“NO NƯỚC UỐNG”
(Trần Anh Chiến)
Không biết ngày xưa cụ Nguyễn Trãi có trà búp hay chè xanh mà uống hay không, nhưng thanh bạch thì cũng là nước đun sôi để nguội. Khi cụ viết "No nước uống" thì ta hiểu ý cụ là uống nhiều nước để mà quên bớt cái đói. Đây là 1 phương pháp có tính khoa học. Bởi ngày nay, khi giảm béo thì người ta đặt vào dạ dày 1 túi nilon đựng đầy nước để tạo ra cảm giác no mà ăn ít đi. Ấy thế mà lũ cháu chắt của cụ ở Trường cấp III Phan Bội Châu là bọn mình khi đọc câu này lại nghĩ: ước chi ngày nào mình cũng có nước đun sôi mà uống cho thỏa thích, uống đến no thì thôi . . .
Khách quan mà nói thì ngày ấy bọn mình cũng có nước đun sôi để uống. Mỗi ngày, nhà bếp đun 2 chảo nước sôi (sáng, chiều) rồi múc cho mỗi lớp 2 nồi (nam - nữ). Gáo múc nước cũng là cái nồi nhôm với 1 thanh gỗ dài xỏ qua 2 quai làm cán. Cứ khoảng 8h sáng và 3h chiều thì đứa trực nhật lên khiêng nồi nước về phòng. Mỗi thằng 1 cái tô cứ thế mà múc uống luôn. [Úi giời ơi, uống nước bằng tô à? Thế thì uống hết phần thiên hạ rồi còn gì?]. Ở đây cần làm sáng tỏ cho mọi người 2 vấn đề:
Thứ nhất, gần đây 1 vài nơi có kiểu uống bia bằng tô được coi là mới lạ nhưng bọn mình đã uống bằng tô từ thời tám hoánh rồi. Hơn thế nữa, "công cụ ẩm thực" của bọn mình chỉ cần mỗi 1 cái tô là xong. Phổ biến là loại tô sắt tráng men với công dụng "3 trong 1" là: đựng nước uống, đựng canh và đựng cái gọi là "cơm. Không những thế, bọn mình còn "cải biến" cái tô thành cái nồi(!). Lâu lâu ra chợ Cọi kiếm được nửa chục chú cá trích, về bỏ vào tô, cho ít nước lã và nhúm muối đun lên là "tươi đời"!!! (Bây giờ nghĩ lại thấy vợ sắm hàng chục cái tô cùng hàng chục cái nồi mới phí phạm làm sao!).
Thứ 2 là, nồi nước sôi ai muốn thì cứ tự nhiên múc mà uống. Nước canh thì phải chia đều vì có "chất dinh dưỡng" chứ còn nước sôi thì khỏi cần chia. Một phần là xử lí cho mau để mang nồi lên nhà bếp nhận canh. Mang nồi lên chậm có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. (Đến đây, chắc có bạn băn khoăn: 1 cái nồi mà dùng để đựng cả canh và nước uống thì nước sẽ lẫn dầu mỡ, uống làm sao nổi? Ôi dào, cứ "lo bò trắng răng". Không chỉ là cái nồi của lớp mà ngay cái chảo nấu canh lẫn nấu nước thì cũng "nhi che vô, Liên Xô bảo thế - không sao cả". Canh mà có chút váng dầu, váng mỡ thì đã phúc nhà to!!!). Nhưng lý do chủ yếu khiến bọn mình không mặn mà với nước sôi của nhà bếp là dù có chia đều thế nào cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Theo các chuyên gia, cơ thể con người cần mỗi ngày 02 lít nước. Cứ cho là mỗi lớp Trường Phan hồi đó có 25 đứa thì cần 50 lít/ngày. Mà mỗi nồi nước được chừng 04 lít. Vị chi mỗi ngày cả lớp được 4 lít × 4 = 16 lít. Như vậy, nước sôi chỉ đáp ứng chưa đầy 1/3 nhu cầu. Thế nào rồi cũng phải. . . ra giếng. Vậy thì cần chi phải hơn kém nhau chút nước sôi cho "mất đoàn kết nội bộ"?!!! Còn xét về mặt "Vi trùng học", 1 khi nạp vào cơ thể 2/3 lượng nước là nước giếng thì có nạp thêm 1/3 lượng nước đun sôi cũng không giải quyết được vấn đề vô trùng. Về mặt "Hương vị học", nước nhà bếp hơi ngang ngang của mùi khói than đá trộn với bùn. Còn nước giếng mới tinh khiết, ngọt ngào làm sao. "Trước lạ sau quen, lâu dần thành nghiện". Đến nỗi, trong lớp có tên quả quyết rằng hễ nó uống nước đun sôi là . . . đau bụng. Bởi thế, "4 mùa" hắn chỉ "yêu thương" mỗi nước giếng!!! Nếu ai đó cắc cớ hỏi:mùa Đông mà uống nước giếng thì không sợ rụng răng vì buốt à? Xin thưa, bạn nên tham khảo cuốn "Nước giếng học nhập môn". Ngược với nước sông, nước giếng mát vào mùa Hè, ấm vào mùa Đông bạn ạ.
Đến đây, mình xin giới thiệu về những cái giếng của Trường Phan ngày ấy.
Xã Hưng Lộc khi đó là ngoại ô của thành phố Vinh nên không có điện lẫn nước máy. Không có điện thì học với đèn dầu. Ngay cả khi Trường chuyển lên phường Hưng Bình tuy mang tiếng có điện mà vẫn đèn dầu đấy thôi. Nhưng không có nước máy mà sông Lam thì xa nên Nhà trường tất phải có giếng. Càng nhiều giếng càng tốt. Lũ học trò cấp III đang ở "tuổi ăn tuổi uống". Ăn không no đã đành, nước còn thiếu thì làm sao mà lớn để "sánh vai" với học trò "các nước cường quốc 5 châu"? Thật may, cơ ngơi khi Trường chuyển về đây (nếu mình nhớ không nhầm) thì đã có 5 cái giếng. Lại ơn Trời, hay như ông cha ta thường nói là "Trời sinh Trời dưỡng": Theo mình biết thì nhiều phường nội ô khi đó như Hưng Bình, Lê Lợi, Lê Mao. . . nước giếng đều màu bùn, có cả váng phèn nên mỗi giếng đều phải có bể lọc mà nước vẫn cứ lờ lợ. Còn vùng đất ở Trường Phan (kéo lên tận khu Tỉnh ủy cũ trên Kênh Bắc) tuy gần biển hơn mà nước giếng khá dồi dào và đặc biệt trong, ngọt. Mạch nước ngầm nằm khá nông nên chỉ cần đào xuống khoảng 3m là có nước. Chẳng bù cho các vùng đồi núi quê tôi (Hương Sơn - Hà Tĩnh) muốn có nước phải đào 6-7m, có nơi hơn chục mét. Vì là vùng đất cát nên các giếng của Trường đều đặt ống xi-măng, mỗi giếng 3 ống (cả thành giếng), mỗi ống cao khoảng 1,3-1,4m. Khi đầy, nước sẽ ngập hết 1 ống nhưng ta vẫn nhìn rõ từng chiếc lá phi lao nhỏ xíu dưới đáy.
Buổi sáng, sau khi đánh răng rửa mặt thì mỗi đứa làm luôn 1 bụng nước giếng thay bữa sáng để thanh lọc cơ thể. Nhờ đó mà lũ học trò bọn mình đứa nào cũng có tâm hồn trong veo như nước giếng. Rồi trưa, rồi chiều, rồi tối . . . hễ khát là ra giếng. (Chẳng khác chi vừa ăn phải "vại cà nhà em")!
Nói thế nhưng không đồng nghĩa là nước giếng thì muốn uống bao nhiêu cũng được. Có 5 cái giếng phục vụ cho khoảng 200 con người. Nước giếng được cái trong, dễ đào, nhưng thật ra thì lượng nước không đủ dùng, nhất là mùa Hè. Buổi trưa Hè, ăn xong chạy ra giếng thì nước đã cạn. Thả dây xuống mà nước không ngập chiếc gàu cao su. Đành cho nó từ từ nằm nghiêng rồi nhẹ nhàng kéo lên nhằm hạn chế đến mức tối đa lượng cát chạy theo nước. Mỗi lần chưa được nửa gàu. Với những đứa có tính cẩn thận, ưa vệ sinh như Trung Bột, Thái Sinh thì sẽ cho nước vào bi-đông hoặc tô đưa vô phòng, đợi chừng 15 phút cho cát lắng gần hết rồi mới dùng. Còn như tớ hay Bình Vịt Tơ thì 2 tay bịt 2 lỗ thủng dưới đáy gàu, chờ 1 phút 30 giây là đưa lên miệng làm 1 hơi!
Bọn con trai là thế, còn con gái thì sao nhỉ? Mình nghe đâu đó câu ca dao:
Đàn ông nông nổi giếng khơi
Đàn bà sâu sắc cũng "xơi" giếng này!!!
Chỉ có điều, ngày xưa mình băn khoăn không biết bọn con gái có uống nước giếng bằng gàu hay không? Nếu có thì các nàng nhấp từng ngụm nhỏ hay cũng làm 1 hơi như bọn mình?!!!