- Trang văn
Nước chui vào cống rãnh
Thứ tư - 18/10/2023 14:51
(Ảnh: Kim Anh)
NƯỚC CHUI VÀO CỐNG RÃNH
(Nguyễn Phương Thủy)
Munich, một chiều thu tĩnh lặng. Góc phố bình yên. Nắng phớt hồng, lan man trên những vòm cây. Văn phòng của tôi xinh xắn, trang trí nhẹ nhàng bằng những bức tranh tự vẽ, màu xanh nước biển, xanh hoa lý. Rèm cửa cũng xanh dịu dàng.
Chị nhân viên mới đến đúng hẹn. Chị xin phép đóng cửa phòng lại để nói chuyện. Dáng gầy gò thanh mảnh. Mái tóc ngắn nhuộm đen kịt, vuốt cao khoe khuôn mặt nhẹ nhõm, đường nét sắc cạnh. Nước da mai mái, quầng mắt hơi trũng toát lên sự mệt mỏi vật lộn của tinh thần. Đôi mắt nâu sẫm gần như đen, không giống người Đức chút nào.
Cách đây một tháng khi duyệt hồ sơ xin việc tôi bắt gặp chị. Chẳng hiểu sao duy nhất thư của chị bị lọt vào Spam, suýt nữa bị bỏ quên. Thu hút ngay sự chú ý của tôi là ảnh chị. Tấm ảnh chụp rất thật, chị nhìn thẳng, sâu, không mỉm cười. Tiểu sử của chị có nhiều nét đối nghịch nhau. Chị đã tốt nghiệp đại học mỹ thuật ảnh. Công việc chị xin vào cơ quan tôi thì rất đơn giản, không cần bằng cấp gì cả. Có mấy cuộc đời không có đường cong? - tôi thầm nghĩ. Những người nghệ sĩ đến được với cái đẹp, tạo nên được cái đẹp, ở lại bên cái đẹp, không phải dễ dàng. Đời không phải lúc nào cũng “xử đẹp“ với họ.
Ngày làm việc thứ hai chị mang tài liệu đến, không rõ đưa cho ai, để vào đâu. Gặp tôi chị hỏi, tấm phong bì run lên trong bàn tay. Tôi vội đón lấy. Mấy ngày sau chị gọi điện cho tôi, báo trục trặc kỹ thuật, giọng hồi hộp, mặc cảm như là chị đã làm lỗi gì to lớn lắm. Sau một tuần chị chỉ cho tôi xem những tác phẩm nghệ thuật thành công của chị. Có những tấm ảnh chị đã bán quyền sử dụng với giá hơn ngàn Euro. Đã hơn 4 ngàn bức ảnh nghệ thuật ra mắt khách hàng. Đó là con người thứ hai trong chị.
Chiều nay, sau hơn hai tuần làm việc, chị đến văn phòng tôi để đón những cây cảnh tôi tặng chị.
Chị ngồi trước tôi, lưng quay ra cửa sổ. Tôi rót nước trà Thái Nguyên mời chị. Khởi đầu câu chuyện chúng tôi nói về công việc. Biết tôi là người Việt chị hỏi về nhà sư quá cố Thích Nhất Hạnh. Chị muốn học cách phát âm cho đúng tên thầy. Chị hâm mộ và đọc nhiều sách của ông.
Bộc bạch chị kể đã hai lần trong đời bị đột quỵ vì làm việc quá sức.
-Tại sao chị để xảy ra chuyện ấy?
-Tại tôi có vấn đề, trong tôi ... do bố tôi...
- Bố chị gây áp lực cho chị?
- Vâng đúng thế, bố tôi nói suốt với tôi “mày là nước chảy vào cống rãnh“ . Em trai tôi cũng bị bố tôi nói như thế.
-Chị đã đi bác sĩ tâm lý chưa?
-Có, quyết định đi chữa bệnh tâm lý là một tiến bộ lớn của tôi.
Tôi gật đầu, thấy yên tâm hơn.
Chị kể tiếp:
- Bố tôi khi sống đã làm đến chức chánh án. Ông ấy là bạo chúa trong gia đình. Ông mất hơn chục năm rồi, thọ 70 tuổi. Mẹ tôi mất cách đây hơn ba mươi năm, bệnh ung thư. Tôi nghĩ mẹ tôi phát bệnh vì không chịu nổi bố tôi. Khi ấy chúng tôi vừa 17, 18 tuổi. Mẹ tôi mất lúc bà bằng tuổi tôi bây giờ. Bà là người mẹ rất đỗi yêu thương – chị mỉm cười, nét mặt mềm lại - Sau khi bố tôi chết đi, tôi mới phát hiện được con người yêu nhiếp ảnh trong tôi.
Điều cuối cùng không làm tôi ngạc nhiên vì biết chị học đại học rất muộn. Tôi không muốn đi sâu hơn về tình trạng hai trẻ đang tuổi trưởng thành, sống không mẹ, với một ông bố “bạo chúa“.
Tôi cũng không muốn nghĩ thêm về tấm lòng người mẹ đã mất, về những gì bà trăn trở trước khi ra đi.
Im lặng.
Tôi rót thêm nước vào chén chị. Trà đã ngả màu vàng, sóng sánh như muốn vỗ về xoa dịu những nỗi đau. Nắng quái thẫm màu tha thiết rọi ngoài sân. Rèm cửa xanh sau lưng chị dường như se lại vì gió cuối chiều chớm lạnh.
- Lẽ ra phải có một tiêu chuẩn đặt ra cho những ai muốn trở thành cha mẹ. Chị tiếp lời tôi:
- Đúng thế, muốn lái xe cũng còn phải có bằng!
Chị đứng lên, khoác túi vào vai, kết thúc câu chuyện:
- Thực ra bố tôi cũng là một nạn nhân vì ông cũng đã từng bị gây áp lực. Đến một lúc nào đó cái vòng luân kỳ này vỡ ra, tạo nên một khoảng trống và nó sẽ bị chấm dứt.
Nhìn vào mắt tôi chị nói:
-Tôi biết là bố tôi đã từng yêu quý tôi.
- Chắc chắn là như thế - tôi khẳng định.
Chị đi rồi, quá khứ của chị như làn khói không màu vương lại quẩn quanh.
Nước chui vào cống rãnh? Có những dòng nước lọc trong mình sau đá sỏi. Có những tâm hồn bị tổn thương từ bé, vật vã với đời để hiến dâng, để khát khao. Họ sống với phần còn lại méo mó của họ. Họ yêu với trái tim hằn vết sẹo của họ.
Chiều đã tan màu trong đêm tối
Cây không xào xạc nữa
Góc phố ung dung đi vào giấc ngủ.
Sớm mai,
Những tia nắng trong lành sẽ đến.
Lấp lánh trên từng mái nhà, từng khung cửa sổ.
Lấp lánh trên từng cánh hoa, từng ngọn cỏ.
Lấp lánh trong cả những dòng nước nhỏ,
chảy rón rén bên đường, ai đó bước qua...
Munich 06.10.2023
Nguyễn Phương Thủy