• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Thế nào là biết học

Thứ hai - 06/09/2021 14:44




THẾ NÀO LÀ BIẾT HỌC

(Thân quý tặng các cháu, nhân vào năm học mới 2018 - 2019)

    

Người biết học là: biết làm trò. Biết làm trò, sẽ có lúc làm thầy. Kẻ không biết làm trò, sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành thầy ai được.

   

Vậy thế nào là biết học ? 

   Học ai ? 

   Học cái gì ? 

   Học ở đâu ? 

   Học lúc nào ? 

   Và học như thế nào...?! 

   

Trả lời đúng đắn những câu hỏi trên, là người biết học vậy! Đó là bậc thức giả, có thể làm thầy. Ngược lại, sẽ chỉ là con mọt sách, không hơn không kém. Đó là kẻ huyễn tưởng, viển vông, sĩ diện hão. 

    

Tuy nhiên, đừng bao giờ quên câu: “Tận tín thư bất như vô thư”(*) Quá tin vào sách vở, còn tệ hơn là không có sách. Đó là kẻ học mà không biết suy xét nghĩa lý, người đời quen gọi là “học vẹt”.

    

Đạo học thông thường phải có trường, có lớp. Có người dạy, kẻ học. Nghĩa là có thầy và có trò. Thầy dạy, trò học. Nhưng với người biết học, thì ai cũng có thể làm thầy mình, miễn người đó có tư cách và cao kiến hơn mình; có những kiến thức mình cần biết mà chưa được biết. 

    

Với ý nghĩa đó, thì không kể ai, thân hay sơ, đàn ông hay đàn bà, người già hay con trẻ, người dân tộc, quốc tịch nào cũng có thể là thầy ta được. 

    

Chẳng thế mà Đức Khổng Tử - vạn thế sư biểu - tôn Hạng Thác bảy tuổi làm thầy đó sao?! (**)                

    

Ngoài các bậc cao minh quảng kiến ra, thiên nhiên và thực tiễn cuộc sống quanh ta cũng là một người thầy lớn. Quan sát tinh tế cuộc sống hàng ngày, cũng có thể rút ra những bài học bổ ích, những kinh nghiệm quý báu, mà đôi khi sách vở chưa có được. 

    

Chẳng thế mà Archimedes tìm ra định luật lực đẩy trong bồn tắm. Isaac Newton nhìn quả táo rụng trong vườn, phát minh ra luật hấp dẫn vũ trụ. Quan sát con dơi phát và thu được siêu âm, người ta chế tạo ra-đa. Nghiên cứu cách bơi và cấu tạo da của cá heo, người ta làm ra tàu ngầm, tàu thủy... và còn vô vàn ví dụ khác nữa. Có cả môn khoa học mang tên “Phỏng sinh học” ra đời, chuyên nghiên cứu và bắt chước tự nhiên đấy thôi!

     

Xét cho cùng, mọi tư tưởng dù vĩ đại đến đâu, mọi kiến thức sách vở dù uyên thâm, sâu sắc đến đâu, cũng đều xuất phát từ thiên nhiên, từ thực tiễn cuộc sống khách quan phong phú mà ra. 

    

Tuy nhiên, học từ những người thầy cụ thể, từ sách vở, là ta đã được đi con đường tắt để đến với chân lý. Nói như NiuTơn là, được “đứng trên vai người khổng lồ”. 

    

Còn học từ thiên nhiên, cuộc sống, đó là cuộc thực nghiệm đầy gian khổ, mà đôi khi phải đổi bằng máu và nước mắt. Nhưng từ đó, ta cũng có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm, tươi rói tính thực tiễn khách quan, làm phong phú thêm kiến thức của mình và góp phần làm giàu thêm kho tàng tri thức của nhân loại. 

     

Đó là con đường mà hàng triệu năm qua nhân loại đã đi và vẫn đang tiếp tục, cần mẫn đi. Là con đường không có đích cuối cùng.

     

Vậy câu hỏi: Học ai? Ta đã có thể mạnh dạn trả lời rành rọt rằng: Học các bậc thầy! 

    

Cũng có nghĩa là, học ở những người có tư cách và cao kiến hơn mình, chứ không học ở những kẻ tầm thường, tư cách kém cỏi và kiến thức nông cạn hơn mình. Đó là người biết “tầm sư học đạo” vậy! 

    

Nếu lầm lẫn điều này, thì tai hại khôn lường. Học những thói hư tật xấu, những tư tưởng đê hèn của bọn hạ đẳng, đê tiện, vô sỷ, thì hệ quả thế nào chắc ai cũng rõ...!

    

Như đã bàn ở trên, trong cuộc sống hàng ngày, ta luôn có hai người thầy lớn. Một là, những người thầy cụ thể: đó là thầy cô giáo của ta và những người cao kiến quanh ta. Hai là, thiên nhiên vĩ đại và thực tiễn cuộc sống hàng ngày. 

   

Tuy nhiên, còn một người thầy nữa (thực chất vẫn thuộc về người thầy thứ nhất), mà đôi khi người ta hay “dễ quên” đi, nhất là với những người cho mình là “tự học”, là “không làm trò của ai cả” - đó là sách vở! 

    

Sách vở có giá trị chân chính, bổ ích, thiết thực là tri thức của nhân loại. Cụ thể là của những bậc cao kiến, trước tác bằng trí tuệ của mình (dù người đó còn đương đại với ta hay đã thuộc về thiên cổ), thì khi ta đọc, học sách của họ, thâu lượm những tri thức của họ, nghĩa là ta đã tự nguyện làm học trò của họ. Và đương nhiên, họ là thầy của ta! 

    

Phải kính cẩn tri ân, không thể xem thường được. 

    

Người biết học, là người biết “tôn sư trọng đạo”, biết tôn trọng, kính nể các bậc thầy. Kẻ xấc láo, vô lễ với thầy, ngạo mạn, khinh lờn các bậc cao kiến, đó là kẻ vô học, bất đễ, bất mục, vô sỷ, chẳng đáng làm trò. Và dĩ nhiên, chẳng bao giờ có thể làm thầy ai được. 

    

Ta đã biết, phải học ở thầy, nhưng không thể học tất cả mọi cái ở thầy được, vì trên đời này không ai có thể đạt được tham vọng đó. Bởi không thể đem cái hữu hạn để chứa đựng cái vô cùng. 

    

Mỗi người phải tự biết chọn lọc, để học lấy những gì có giá trị thiết thực, bổ ích cho cuộc sống của mình. 

    

Hay nói cách khác: học cái mình phải biết, cần biết và nên biết. 

    

Học mọi lúc, mọi nơi, vượt lên mọi hoàn cảnh, tạo ra mọi điều kiện để học. Đừng bao giờ nghĩ: đợi “có điều kiện” rồi mới học. Đó là lý lẽ của mấy kẻ lười biếng, nhu nhược, bất tài và ngu dốt. 

 

 Luôn tạo cho mình thói quen thường xuyên quan sát, học hỏi, phát huy triệt để, tối đa năng lực của các giác quan, để tiếp thu mọi nguồn tri thức cần thiết. 

 

Dù bận đến đâu, mỗi ngày nhất thiết phải giành ra được một vài tiếng để đọc, học, hoặc ghi chép những điều cần thiết.      

 

Người biết học, còn là người luôn biết quan sát, đánh giá, phê phán, rút kinh nghịêm những điều thâu thái được trong sách vở, cũng như ngoài cuộc sống. Có nhiều châm ngôn bất hủ mọi thời đại về cái sự học. Tuy nhiên phương pháp cụ thể ra sao để học tập có kết quả, mỗi người hãy tự tìm lấy cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, trên cơ sở tham khảo những điều đã bàn ở trên. 

 

Đó cũng là biết học vậy!

 

Lê Quang Tuệ

Hà My - 2.9.2018

--------------------

(*) Mạnh tử nói: "tận tín thư bất như vô thư".

Nghĩa là: quá tin vào sách vở đôi khi còn tệ hơn không có sách.

(**) Giai thoại về Khổng tử và thần đồng Hạng Thác.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.