• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Tiểu thuyết: Lính Miền Đông (10)

Thứ hai - 06/11/2023 21:33


(Ảnh: Ngân Nguyễn)


TIỂU THUYẾT: LÍNH MIỀN ĐÔNG (10)
(Tác giả: Bùi Thị Biên Linh)

 

Sau những ngày hạnh phúc ngắn ngủi ở vùng giải phóng, Hoan lại lên đường thực hiện nhiệm vụ mới. Bù Đốp Lộc Ninh giải phóng nhưng Phước Bình, Phước Long và những khu vực lân cận vẫn còn là vùng chiến sự.

 Hiệp định Pa Ri đã có hiệu lực hơn một năm rưỡi. Để chuẩn bị thi hành hiệp định này Mỹ đã gấp rút đưa thêm vào miền Nam cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu hơn 625 máy bay các loại, 500 pháo, 400 xe tăng bọc thép nhằm “xóa da beo” tràn ngập lãnh thổ với tham vọng đẩy lùi Việt Cộng. Chúng thực hiện nhiều giải pháp. Xây dựng một triệu rưỡi phòng vệ dân sự, hơn bảy mươi vạn quân chủ lực, đưa sĩ quan xuống nắm phường xã. Trong thời gian ngắn, chúng đã lấn chiếm thêm 50 đồn bót, chiếm 70 xã, 740 ấp, kiểm soát hơn 60 vạn dân. Ngoài ra, địch còn huy động 60 phần trăm quân chủ lực và toàn bộ Bảo An, Dân Vệ vào các cuộc hành quân gọi là “Tràn ngập lãnh thổ” bình định lấn chiếm vùng giải phóng.

Trước tình hình địch tráo trở phá hoại hiệp định Pa Ri, trung ương ra nghị quyết 21 xác định phải bằng con đường bạo lực cách mạng nắm thời cơ giữ vững đường lối chiến lược tiến công linh hoạt.

Cả Miền Nam sục sôi. Quân ủy Trung ương chỉ đạo, Trung ương cục ra nghị quyết 12 để thi hành Nghị quyết 21. Quân ủy - Bộ Tư lệnh Miền B2 chỉ đạo chặt chẽ các quân khu 7, 8, 9 và Sài Gòn- Gia Định. Quyết tâm của ta là phải phá tan âm mưu của địch, ra sức giữ vững và từng bước mở rộng địa bàn, xây dựng và phát triển thực lực cách mạng; bảo vệ vững chắc vùng căn cứ, tích trữ lương thực, vật tư.

Do tính chất và địa bàn rừng núi tiếp giáp với Nam Trung Bộ và vùng giải phóng Lộc Ninh, Bù Đốp nên Phước Long có vị trí chiến lược quan trọng, tỉnh ủy tập trung chỉ đạo cho các địa phương vừa đẩy mạnh hoạt động chống càn lấn chiếm để mở rộng vùng giải phóng, vừa đặc biệt ra sức xây dựng củng cố vững chắc vùng căn cứ địa cách mạng.

Giữa năm 1974, quân ta đẩy mạnh hoạt động tiến công. Phương châm “Vây, lấn, tấn, chiếm” những đồn bốt của địch lấn chiếm trái phép trước đó, thu hẹp vùng chúng kiểm soát, mở rộng vùng tự do ta làm chủ, tạo thế để dân bung ra vùng giải phóng. Địch quay về thế phòng thủ ở Phước Long. Chúng xua quân bắt dân đào hào đắp ụ, rào kẽm gai xung quanh các khu căn cứ quân sự, các tiểu khu, chi khu đồn bót.... Cho dù địch có ra sức củng cố thì tính thần của binh lính Ngụy cũng hoang mang. Hầu như ngày nào cũng có binh lính bỏ gác, bỏ trốn. Phòng vệ xung kích, phòng vệ dân sự đấu tranh trả súng yêu cầu được về quê.

Để chuẩn bị mở màn cho chiến dịch đường 14 Phước Long, Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho Đảng bộ Phước Long phải chuẩn bị chiến trường. Đối với vùng tiếp giáp địch phải đẩy mạnh hoạt động ba mũi giáp công để kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch tại chỗ tạo thế cho quần chúng nổi dậy. Đối với vùng căn cứ, Phước Long vừa có nhiệm vụ chuẩn bị lương thực, hậu cần tại chỗ, vừa chuẩn bị địa bàn đứng chân cho các đơn vị chủ lực lớn mở đợt tiến công tiêu diệt địch. Không khí khẩn trương hoạt động ở mọi nơi. Tỉnh ủy chỉ đạo cán bộ phải bám sát cùng người dân thu hoạch vụ mùa, bảo quản tốt lương thực. Nhà nhà xây dựng hầm chống bom, chống pháo. Thôn nào, ấp nào cũng được hướng dẫn xây dựng hệ thống làng xã chiến đấu, chuẩn bị vùng an toàn ở hướng Tây Nam Phước Bình, hướng dọc sông Đồng Nai phía Bù Đăng để đón dân vùng tạm chiếm bung ra, củng cổ các đội du kích ấp, xã, thôn sóc...

Lực lượng vận tải lương thực, vũ khí đạn dược, thuốc men phục vụ cho chiến trường lúc này không chỉ có sức người mà còn huy động cả voi của người dân trong các bản, các sóc. Hệ thống trạm xá, trạm cứu thương dã chiến, thậm chí cả khu vực giam giữ tù binh, hàng binh cũng được chuẩn bị sẵn sàng.

Tháng 12/1974, Trung Ương Cục và Quân Ủy Miền giao nhiệm vụ cho Bình Phước dùng lực lượng bộ đội địa phương tiến công diệt gọn Chi khu Bù Đốp lưu vong để mở màn chiến dịch, sau đó phối hợp với quân chủ lực tấn công giải phóng Phước Long.

Thuận lợi cho lực lượng vũ trang địa phương lúc này là có điều kiện tập trung lực lượng, tập trung binh lực, hỏa lực và các mặt bảo đảm cho trận đánh then chốt. Lúc này trong thế trận chung của chiến dịch, địch bị căng kéo khả năng chi viện bị hạn chế. Nhưng khó khăn của ta nhiều vô kể. Suốt chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 lực lượng nòng cốt tổn thất mạnh chưa kịp bổ sung. Quân số thiếu hụt. Trình độ cán bộ còn hạn chế chưa có thời gian để học tập củng cố. Đây là trận đánh lớn đầu tiên kết hợp giữa đặc công, bộ binh và hỏa lực.

Chi khu Bù Đốp lưu vong đóng trên cao điểm 269 năm trên trục đường tỉnh lộ 311, chạy từ tiểu khu Phước Bình xuống phía đông nam giáp đường 14 nối liền với chi khu Bù Đăng, yếu khu Bù Na và chi khu Đồng Xoài thành căn cứ phòng thủ liên hoàn. Phía Bắc chi khu hai ki - lô - mét có Sông Bé chảy từ đông bắc sang tây Bắc. Tây Bắc chi khu 4 km có cao điểm Bà Rá địch thường gọi là “Con mắt thần” của tỉnh Phước Long. Phía đông chi khu hai km có ấp Phước Tín. Phía bắc và Tây bắc có 4 ấp chiến lược bao bọc. Các cơ quan ngụy, cảnh sát và bộ máy kiêm tề ấp cũng tập trung quanh 4 ấp chiến lược này. Xung quanh chi khu có nhiều rừng nhấp nhô, suối bưng sình lầy... địa bàn hiểm trở khiển cho việc hành quân gặp không ít khó khăn. Địch rất ranh ma, chúng âm mưu lập vành đai trắng ngăn chặn ta liên lạc móc nối với quần chúng bên trong. Chúng bắt lính phát quang xung quanh chi khu chừng ba đến năm km. Phía nam chi khu ba km là rừng liên hoàn có điều kiện tốt cho việc hành quân, trú quân của ta nhưng từ vị trí tập kết đến chi khu trống trải, địa hình phức tạp, hành quân sẽ dễ bị lộ. Chi khu này hình chữ nhật dài 200 mét rộng 150 mét. Chia thành ba khu vực. Phía Tây là khu chỉ huy và thông tin. Phía Đông là khu hỏa lực tầm xa và kho tàng. Xung quanh có hai dãy nhà gần trăm hầm cá nhân đào âm dưới đất, có nắp. Một số hầm có nắp bằng đá hoặc bao cát xung quanh có bờ thành. Dựa vào bờ thành là hệ thống 5 lô cốt lớn 10 lô cốt nhỏ kiên cố. Bên ngoài là bốn hàng rào bùng nhùng và rào đơn. Mỗi lớp rào cách nhau từ 5 đến 10 mét. Phía Tây, ngoài hàng rào địch còn xen kẽ dây thép gai và rào tre (rào lồng nhím). Loại hàng rào này sẽ rất khó khăn cho đặc công tiến nhập. Phía Nam và Đông địch còn bố trí hai bãi mìn chống đặc công và bộ binh. Phía Bắc, trên đường 311, chúng chôn nhiều mìn chống tăng ở hai đầu căn cứ và trước cổng ra vào.

Sau khi Căn cứ Bù Đốp cũ thất thủ, địch đã xây dựng căn cứ này kiên cố hơn, kiểu mới hơn rút kinh nghiệm từ sự đánh phá tiến công của ta. Chúng chọn quận Phước Bình làm nơi xây dựng căn cứ mới này từ tháng 4/1972. Đây là căn cứ phong thủ phía nam tiểu khu nên địch tăng cường bố phòng và canh giữ cẩn thận, cố giữ cho được tuyến đầu cầu tiểu khu.

Lực lượng trực tiếp đánh vào chi khu có U11, U13, đặc công và một đại đội của tiểu đoàn 208. Đại đội 14 trợ chiến. Trung đội công binh chiến đấu, đại đội bộ binh 54, hai đại đội bộ binh của Bố Đức (Bù Đốp) và huyện Phước Bình tập trung cho mục tiêu Chi khu Bù Đốp lưu vong và các mục tiêu từ ấp Phước Lộc đến cầu Phước Tín. Phương pháp đánh được lựa chọn áp dụng cho trận này là đánh mật tập... Đặc công cắt rào ém sẵn lực lượng chờ đến giờ G là nổ súng. Lực lượng còn lại của tiểu đoàn 208 bộ binh (thiếu) chiếm lĩnh trận địa chốt chặn đánh địch từ Phước Long theo đường Thác Mẹ Bà Rá xuống. Đại đội bộ binh 1 của Bù Đốp do Hoan chỉ huy hành quân làm nhiệm vụ chốt chặn tại ngã ba Phước Lộc đánh địch chi viện từ Phước Bình xuống, nhằm giải vây cho chi khu quân sự Bù Đốp đã bị ta đánh chiếm.

Theo giờ G lực lượng của Bình Phước nổ súng trước. Sau 30 phút chiến đấu của U11, U13 chi khu bị tiêu diệt. Ta làm chủ trận địa, diệt nhiều tên, thu vũ khí của địch, trong đó có pháo 105 li cùng quân trang quân dụng. 

8 giờ sáng ngày 13/12, địch từ Phước Bình xuống lọt vào trận địa phục kích của đại đội 1. Hoan ra lệnh nổ súng . Địch bị tiêu diệt nhiều. Chúng hoảng sợ lùi ra xa gọi cho phi pháo bắn vào trận địa. Ngày 14 địch dùng máy bay phản lực và trực thăng vũ trang bắn hàng ngàn trái pháo hỗ trợ cho lực lượng đại đội 18, trinh sát bảo an, dân vệ ở Phước Lộc, Bù Giai, Nhân Lý lên phản kích. Sau một đợt cối dữ dội, địch phóng M79 và dùng tiểu liên bắn về phía trận địa của ta. Các chiến sĩ trong công sự chữ T vừa bắn trả vừa né đạn. Hết đợt tấn công của địch lại thò đầu lên công sự quan sát tình hình. Lần này khác qui luật, một quả đạn mồ côi bắn ra từ phía địch sát miệng hầm. Khói bụi mù mịt, mảnh đạn bay vèo vèo rít lên trong không khí khói bụi, Hoan nhìn qua bên cạnh thấy Dũng tiểu đội phó tiểu đội 2 bị trúng đạn. Mảnh đạn ghim vào giữa trán. Dũng gục xuống công sự. Địch bớt nhả đạn, Hoan vội cử người đưa thương binh về trạm xá tiền phương. Công, Đức khiêng cáng. Hải mang 4 ba lô, 4 khẩu súng AK47. Hải đi trước dò mìn tìm hướng, cắt đường tắt về bệnh xá cho nhanh nhất. Nhiều đoạn, Hải phải lấy cả thân mình càn lướt qua những bụi cỏ, gai, mở đường cho hai người khiêng thương binh không bị vướng. Pháo 105 ly từ Phước Long bắn xuống hướng di chuyển của ba người. Có thể đài quan sát của địch trên đỉnh núi Bà Rá đã phát hiện ra mục tiêu. Mãi đến bốn giờ sáng, ba người mới đưa được Dũng đến bệnh xá. Sau khi giao Dũng cho các y bác sĩ, Công, Vũ, Hải căng võng ngay dưới rừng cao su ngủ không còn biết trời đất đâu nữa. Bảy giờ sáng, y tá lay Công dậy báo tin Dũng đã hy sinh. Trên chiến hào, ta vẫn bám trụ. Đại đội 1 đa số là lính trẻ 18 đôi mươi. Người nào cũng chiến đấu gan dạ. Tình hình càng lúc càng căng. Thấy tinh thần xả thân của những người lính trẻ. Hoan trao đổi với ban chỉ huy đại đội cho chi đoàn tổ chức kết nạp đoàn tại trận địa cho 4 đồng chí. Đại đội 1 chiến đầu liên tục từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 12. Đạn AK gần hết. Hướng tiểu đoàn 208 địch không đi. Chúng tập trung đi vào hướng đại đội 1 phục kích. Tối đến, Hoan điện cho Tiểu đoàn phó Hòa:

- Anh Hòa ơi! Bên này chiến đấu mấy ngày rồi, cơ số đạn AK hết rồi. Tôi cho trinh sát qua anh, anh cho tôi ít về để anh em chiến đấu. Tình hình ác liệt quá, anh cho cối 82 bắn vào sau lưng địch chia lửa cho chúng tôi với!

Nghe xong yêu cầu của Hoan, tiểu đoàn phó Hòa đáp lại:

- Ông Hoan ơi! Đạn thì được, còn bắn cối 82 chia lửa thì không được đâu! Phải có lệnh của chỉ huy sở. Ông thông cảm nhé!

Thời gian nặng nề trôi. Cả lực lượng vũ trang mặt trận Bù Đốp lưu vong chiến đấu giữ trận địa nằm chờ để bắt tay với quân đoàn 4 hướng Bù Đăng và đường 14 qua. Chờ không được, đến chiều 15/12 lệnh sở chỉ huy cho rút khỏi trận địa. Trận chiến kết thúc, ta giữ được trận địa đến cùng.

Kết thúc trận chiến. Dũng và Điểu K Long người dân tộc S’Tiêng hy sinh, hai người nữa bị thương.

Bốn ngày bám trụ lực lượng vũ trang của tỉnh đánh lui được 15 đợt phản kích giữ vững trận địa. Địch cố giành giật lại khu vực đầu cầu bảo vệ tiểu khu Phước Long và Chi khu Phước Bình trên hướng đặc biệt quan trọng nên mật độ bom pháo chúng tập trung đánh phá rất ác liệt. Ta thương vong nhiều: 25 hy sinh, 39 bị thương. Đại đội 1 mất sức chiến đấu phải rút ra củng cố lực lượng. Ngày 16/12 địch chiếm lại được chi khu Bù Đốp lưu vong. Tình thế  buộc ta phải dùng cối 82 mmDKZ 75 bắn liên tục vào chi khu này không cho địch có cơ hội khắc phục hậu quả: Đại đội ba, tiểu đoàn 208 cùng công binh vây ép địch trong chi khu.

Trong khi đại đội 1 đánh chiếm Phước Lộc thì đại đội bộ binh 54 và đại đội 4 tiểu đoàn 208 vượt đường 311 chiếm lĩnh trận địa. Họ dùng cối 82 và B 40 đánh đồn Thác mơ nhử địch ra đánh diện. 

Ý định của quân đoàn 4 là sau khi giải phóng Đồng Xoài, Bù Đăng, sẽ phối hợp cùng lực lượng của tỉnh giải phóng trục Phước Quả và chi khu Phước Bình.  Đồng thời cùng trung đội công binh tỉnh và đại đội 14 trợ chiến thực hiện vậy ép bức hàng, bức rút ba đồn dân vệ ở Hiếu Phong. Tiểu đoàn 208 đánh chiếm ấp Châu Ninh, Phước Hưng trên đường 311; sau đó đánh chiếm Dốc Chùa và đồn Thác Mơ tạo điều kiện cho trung đoàn 271 vào chiếm lĩnh thực hiện tiến công thị xã Phước Long.

Bước vào đợt ba, lực lượng quân đoàn 4 tiến công thị xã, lực lượng bộ đội địa phương tiếp tục tảo tề điệp cùng bọn tàn quân, sẵn sàng đánh địch từ Bù Đốp lưu vong đến Phước Lộc đồng thời đón dân, đưa dân ra thị xã. 

Trong khi đó, hướng Bù Đăng - đường 14, các đơn vị chủ lực cùng với lực lượng vũ trang địa phương tiến công giải phóng hoàn toàn chi khu quân sự Đức Phong.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.