• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Tiểu thuyết: Lính Miền Đông

Thứ năm - 21/03/2024 16:21


(Ảnh: Hà Nga)

TIỂU THUYẾT: LÍNH MIỀN ĐÔNG (p13)
(Tác giả: Bùi Thị Biên Linh)

(tiếp theo)

Những ngày đầu giải phóng, đơn vị Hoan được giao công tác quân quản.  Lúc này tình hình rất lộn xộn. Cướp nổi lên. Đời sống của nhiều khu vực bất an. Phải nhanh chóng ổn định tình hình để người dân sớm yên ổn làm ăn. Đó là mệnh lệnh. Nơi nào có quân giải phóng, nơi ấy trộm cắp cướp giật được dẹp yên. Người dân phấn khởi trở lại nhịp sống thường nhật. Một bộ phận khác của đơn vị phối hợp với du kích địa phương đảm nhận việc dọn dẹp sân bay Phước Bình. Tuy không biết chính xác nhưng ai cũng ngầm đoán sẽ có sự kiện quan trọng sắp tới. Không khí hồi hộp, mong chờ nóng lên làm cho ngày như dài ra. 

 
Trên bầu trời Phước Long, chiếc máy bay nâng lên hạ xuống mấy lần rồi lượn vòng đáp xuống. Các chiến sĩ sau bao ngày đón đợi, rộn ràng, vui sướng. Phi công bung dù, thắng muốn cháy bánh máy bay. Máy bay ra khỏi đường băng khoảng 200 mét. Nhìn thấy chiếc xe zép lùn của lính Nguỵ, phi công Nguyễn Thành Trung hoang mang ngỡ hạ cánh lầm xuống sân bay của địch. Trong anh thoáng nghĩ đến việc bấm nút hủy máy bay chấp nhận hy sinh. Bình tĩnh nhìn kĩ lại vài giây anh vui mừng nhận ra lá cờ giải phóng. Đúng sân bay Phước Bình rồi! Chiếc  xe là chiến lợi phẩm của ta.  Nguyễn Thành Trung reo lên. Các chiến sĩ trong tổ đón máy bay ùa đến vây quanh. Họ ôm nhau cười vang.

Mọi người trong đội hò nhau đẩy máy bay trở lại đường băng. Ba Đông bị một phần bánh máy bay sợt qua bàn chân bị thương. Cả đội cười rần rần.

- Ba Đông bị máy bay cán vô chân rồi!

Những người không chứng kiến cảnh đẩy máy bay nghe vậy cũng bật cười:

- Dóc tổ! Máy bay nó bay trên trời. Cán được vô chân thằng du kích xứ rừng?! Ngộ quá heng!

- Ngộ thiệt chớ nói chơi à!

Mấy ngày sau, đi đến đâu cũng nghe chuyện: Ba Đông bị máy bay cán vô chân!

Cuối tháng 1 năm 1975, tỉnh đội thành lập tiểu đoàn bộ binh Bà Rá. Hoan được phân công làm chính trị viên tiểu đoàn cùng lực lượng quận Phước bình và dân quân du kích các xã tự vệ cơ quan bảo vệ vùng giải phóng sẵn sàng đánh địch và giữ gìn an ninh trật tự.  

Cùng ngày, Hoan nhận được nhiều tin vui. Tin Ý đã sinh con trai đầu lòng. Anh chỉ muốn chạy ngay về Bù Đốp ôm lấy vợ con. Anh hình dung ra khuôn mặt con. Ý bảo con giống ba như đúc. Con là con của hai chiến sĩ. Con anh được sinh ra ở vùng giải phóng, trong khi cha đang cầm súng ngoài mặt trận.  Hoan ước con anh lớn lên sẽ không phải cầm súng như cha mẹ nó. Cả đêm Hoan náo nức trong lòng, mong được về bên con. Anh thiếp đi trong giấc ngủ hạnh phúc.  

Sáng hôm sau, đang bàn công tác với ban chỉ huy tiểu đoàn thì nhận được thư của anh Lê. Từ ngày rời trường Quân Chính Miền, Hoan không biết gì về tin tức của Lê. Hoan mừng rỡ đọc. Lê báo tin đơn vị anh sẽ phối hợp với quân đoàn 4 xuống mặt trận Phú Giáo chuẩn bị tiến về Sài Gòn.  

Lê viết rằng “anh chúc hai em hạnh phúc, bình an. Khi đám cưới của anh và Dạ Thuỷ không được vắng mặt các em đâu nha”

Hoan gấp lá thư bỏ vào túi áo ngực. Hoan , nhớ lời Lê nói bữa chia tay hôm nào:

- Hoan à. Mảnh đất Miền Đông này đã cho anh em mình gặp nhau, sống với nhau như ruột thịt. Anh mừng cho em và Ý. Cũng mừng luôn cả cho anh và Dạ Thuỷ.  Trong cuộc chiến giành tự do hạnh phúc cho Tổ quốc, anh em mình đã tìm được hạnh phúc của chính mình.  

Hoan đã ôm vai Lê xiết chặt:

- Bởi vậy, chúng ta phải biết ơn những ngày từng là lính Miền Đông phải không anh!

Lê cười:

- Biết đâu sau này, chúng ta lại làm sui gia nhỉ?!

- Ô! Anh có ý giống em  quá!.

Hai anh em cùng cười.   

 Trong lúc Hoan cùng lực lượng vũ trang  địa phương mệt nhoài với công tác quân quản và bảo vệ chủ quyền biên giới, Lê tiếp tục được điều về Bạn tác chiến sư đoàn với chức vụ trưởng ban 

Cùng với chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên -Huế -Đà Nẵng, cục diện chiến trường miền Nam đã hoàn toàn thay đổi. Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn giao nhiệm vụ cho quân đoàn 4 triển khai lực lượng trên hai hướng Đông và Tây Nam Sài Gòn. Sư đoàn 7 ở Lâm Đồng được lệnh nhanh chóng đưa lực lượng trở lại theo đường 20 chuẩn bị cho trận đánh Xuân Lộc.  

Thị xã Xuân Lộc có nhiều đồi thấp, đồng ruộng bãi sắn (củ mì) vườn cây cặp theo những con suối bao quanh. Địa hình bị chia cắt khá phức tạp. Phía địch coi Xuân Lộc là cánh cửa thép của Sài Gòn. Chúng tập trung lực lượng lớn phòng thủ gồm sư đoàn 18 đủ 3 chiến đoàn. Trung đoàn 5 thiết giáp, 8 tiểu đoàn Bảo An,  20 đại đội địa phương quân, hàng ngàn cảnh sát và phòng vệ dân sự. Lực lượng pháo binh và không quân rất mạnh.  

Địch còn chuẩn bị lực lượng ứng cứu: Lữ đoàn thiết giáp 3 ở Biên Hoà, lữ đoàn Dù 1 ở Sài Gòn cùng các sư đoàn bộ binh và lực lượng binh chủng quân khu 3 và quân khu 4 

5 giờ 40 phút ngày 9/4/1975, ta đồng loạt nổ súng tiến công các mục tiêu trong thị xã Xuân Lộc. Suốt 12 ngày đêm liên tục chiến đấu, Xuân Lộc đã được giải phóng. Cánh cửa thép Xuân Lộc khét tiếng đã bị mở toang,  quân địch hoang mang lo sợ. Sư đoàn 18 ngụy bị xoá sổ hoàn toàn. Nhưng bên ta cũng hy sinh hàng ngàn chiến sĩ... Đại đội được phân công cản xe tăng của địch đã hy sinh gần hết. Các chiến sĩ đều còn rất trẻ. Nhìn những thi thể chiến sĩ sắp hàng, Lê đã khóc. Dù anh vẫn biết rằng: Đó là cái giá của độc lập tự do.  

Ngày 26/4/1975, Chiến Dịch Hồ Chí Mình lịch sử bắt đầu. Quân đoàn 4,  sau khi giải phóng Xuân Lộc áp sát Trảng Bom phối hợp với Các cánh quân sư đoàn 2, sư đoàn 3 và lữ đoàn 52 cùng 6 trung đoàn đặc công, hàng chục đội biệt động đã sẵn sàng. Các phí đội không quân của ta ở sân bay Thành Sơn đã sẵn sàng cất cánh. Không khí khẩn trương và quyết tâm tiêu diệt hang ổ cuối cùng của địch lan đi khắp các đoàn quân. Với những người lính lúc này, không có gì mong đợi hơn chiến thắng và được trở về. Sư đoàn 7 Quân đoàn 4 được giao cho nhiệm vụ cắm cờ trên dinh Độc Lập. Nhưng sau khi đánh chiếm chi khu Trảng Bom, Hố Nai, kéo qua cầu Hoá An, không ngờ cầu bị địch đánh sập không cơ động được, buộc xe tăng và bộ binh phải quay lại Tam Hiệp để tiến vào Sài Gòn trên đại lộ Biên Hoà -Sài Gòn, qua cầu Sài Gòn vào Dinh Độc Lập, vì thế bị chậm hơn lữ đoàn 203 tăng thiết giáp của quân đoàn 2 một giờ.  

Lúc 11 giờ 30 phút cờ giải phóng đã được cắm trên nóc Dinh Độc Lập thì 12 giờ 30 phút sư đoàn 7 quân đoàn 4 mới vào đến.  

Nhìn lá cờ giải phóng tung bay giữa sào huyệt của quân thù, không còn gì diễn tả được niềm sung sướng của lính ta giây phút ấy. Nhưng chiến sĩ sư đoàn 7 vẫn hậm hụi tiếc vì đã không kịp vào để được cắm cờ trong thời khắc thiêng liêng chờ đợi suốt hơn 20 năm.  

Các chiến sĩ  hò reo. Người dân Sài Gòn đổ ra đường đón bộ đội và mừng chiến thắng Đường phố ngập cờ và hoa. Lính ta ôm nhau hò hát nhảy múa. Có người lấy súng ra bắn chỉ thiên để ăn mừng. Cán bộ không phê bình mà cười theo.  Nếu là lúc trước thì cậu lính đó sẽ bị kỷ luật nhớ đời.  

Tiếng reo, tiếng hét:

- Giải Phóng rồi! Được về với mẹ rồi!

- Hoan hô! Hoan Hô! Ta vẫn còn sống!

Cánh lính trẻ hát vang 

- Ta là con của bố ta mẹ ta 

Hết giặc là ta sẽ được về 

Ta đi về quê thôi! Ta về quê thôi!

Nhiều người vừa hát theo vừa gõ nhịp vào bát ăn cơm hay báng súng.  

- Về quê cưới vợ thôi các cậu ơi!

- Cưới thật to nhá! Nhớ mời bọn tớ nhá!

Bỗng có tiếng khóc 

- Thằng nào khóc đấy?

Lại nhớ bạn rồi! 

- Tao cũng thế, thương thằng Thân, thằng Thắng, thằng Sinh quá! Chỉ còn vài tiếng là giải phóng thôi mà chúng nó phải chết!

- Ngày nhập ngũ, tao hứa với mẹ thằng Sinh sẽ cùng nó trở về. Sắp tới đây,  tao phải làm sao! Nhà nó chỉ có một mẹ một con!

- Thôi mày ạ. Đạn bom không có mắt. Nhà tao cũng gần nhà Sinh, tao với mày dù no đói gì cũng cùng chăm sóc mẹ thằng Sinh.  

Không khí mừng vui như chùng xuống trong giây lát.  

  Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam phát đi phát lại bản tin chiến thắng. Bài hát Như Có Bác Hồ Trong  Ngày Vui Đại Thắng vang lên khắp nơi.  

Trên đường phố lớn, dọc lối đi, trên những con hẻm nhỏ... quần áo quân trang của lính ngụy ngổn ngang. Loa phát thanh liên tục phát đi những bài hát Cách mạng hào hùng: Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù. Tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô.

Những đoàn xe quân sự kéo cao cờ giải phóng chạy như bay. Các nhà báo phỏng vấn người dân Sài Gòn về giải phóng. 

Người vui mừng, người ngơ ngác hoang mang. Các Uỷ Ban Quân Quản được thành lập để quản lí xã hội.

Trên khắp các đường phố, người dân, sinh viên tập trung thành những tụ điểm nhảy múa ca hát. Những thanh niên mang đàn ghi ta, đàn măng đô lin đệm phập phừng theo điệu nhảy. Không  khí hồ hởi. Mặc cho nắng tháng tư gay gắt như nung. Cờ giải phóng tung bay bên cạnh xác chiếc trực thăng bị bắn cháy, rơi chính ình trên nóc khu  cư xá cao tầng.

Trên đường, khắp các toà nhà được trưng dụng làm các trụ sở hành chính, người dân (chủ yếu là sĩ quan, cán bộ của chính quyền cũ) đến khai báo. Ai cũng có vẻ khép nép dè dặt.

Các chiến sĩ làm công tác quân quản đeo băng đỏ cùng các nữ sinh, nam sinh Sài Gòn tình nguyện, hướng dẫn người dân đi khai báo, nhận giấy thông hành và làm các thủ tục hành chính. Nhiều khuôn mặt rạng rỡ nhưng đa số cán bộ chế độ cũ không giấu được sự âu lo. Nghe giảng giải về chính sách khoan hồng, họ mới  bớt căng thẳng, nhưng vẫn rụt rè trả lời câu hỏi của các chiến sĩ đại diện cho chính quyền cách mạng.
(Còn nữa)

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.