- Trang văn
Tôn sư trọng Đạo
Thứ bảy - 21/11/2020 10:29
(Ảnh: Nguyễn Như Hiếu)
Các thế hệ tiền nhân của loài người, nhất là ở cõi Đông phương hiếu học đều cho rằng thế gian này có một thứ gọi là Đạo, và Đạo là nền tảng triết lý, là con đường dẫn người ta sống, tức suy nghĩ và hành động đúng đắn.
Đạo thì có sẵn đấy, nhưng không phải ai cũng biết, nên cần có người hiểu, giải thích và truyền lại. Người đấy chính là Thầy giáo (Sư). Thầy giáo chính là sứ giả của Thánh hiền. Thế nên mới có câu "Không Thầy, đố mày làm nên", hay "Tôn sư trọng Đạo".
Nói thêm là "Thầy giáo" là người dậy mình. Có Thầy giáo nam, có Thầy giáo nữ, và "Thầy" là từ chỉ chức nghiệp chứ không phải xưng danh theo giới tính. Chẳng hiểu từ bao giờ lại có thêm từ Cô giáo, tự dưng phân chia giới tính Thầy nam Cô nữ. Giờ dùng thành quen, muốn sửa cũng khó và dễ gây hiểu lầm.
"Tam Tự kinh" là bài học vỡ lòng, dạy con người ta cách sống, trong đó có nói về tầm quan trọng của việc học và vai trò của người Thầy. Tam Tự kinh là tài sản chung của văn hóa Nho học Đông phương, được dùng rộng rãi để dạy học tại Trung Hoa, Việt Nam, Cao Ly...đều dùng. Ở Việt Nam, Tam tự kinh tồn tại từ xa xưa cho đến tận khi xuất hiện bóng dáng người Tây, hệ chữ latin và khái niệm Tây học. Nó bị đẩy ra ngoài hệ thống giáo dục và bị quy là loại sách vở chữ nghĩa của Tàu. Thế mới buồn chứ lị.
Xin trích một số câu trong Tam Tự kinh nói về việc học và người Thầy. Có kèm giải nghĩa bằng tiếng Cao Ly cho ai thích thì tham khảo.
- Nhân chi sơ (人之初 - 인지초)
Tính bản thiện (性本善 - 성본선)
Tính tương cận (性相近 - 성상근)
Tập tương viễn (习相远 - 습상원)
Con người ta vốn thiện, vào đời rồi mỗi người một khác, vậy nên, tính nết vốn tương đồng nhưng thói quen đã khác nhau.
사람의 처음에 성품은 본래 착하다. 성품은 서로 가까우나 습관(버릇)은 서로 멀다.
- Cẩu bất giáo (苟不教 - 구불교)
Tính nãi thiên (性乃迁 - 성내천)
Giáo chi đạo (教之道 - 교지도)
Quý dĩ chuyên (贵以专 - 귀이전)
Cũng vì thế nên, nếu không được dạy dỗ, uốn nắn thì tính thiện ấy sẽ thay đổi, mất đi và trong chuyện dạy dỗ thì việc chuyên tâm là điều quý, cần coi trọng thực hiện.
진실로 가르치지 않으면 성품은 곧 옮겨진다. 오로지 마음을 하나로 모아서 공부에 힘쓰게 하는 것입니다.
- Dưỡng bất giáo (养不教 - 양불교)
Phụ chi quá (父之过 - 부지과)
Giáo bất nghiêm (教不严 - 교불엄)
Sư chi đọa (师之惰 - 사지)
Trẻ con là thế, nên đẻ mà không dạy là lỗi của cha mẹ, dạy mà không nghiêm, đấy là lỗi của người thầy.
기르되 가르치지 않으면 아버지의 허물이다.가르치되 엄하지 않음은 스승의 게으름이다.
- Tử bất học (子不学 - 자불학)
Phi sở nghi (非所宜 - 비소의)
Ấu bất học (幼不学 - 유불학)
Lão hà vi (老何为 - 로하위)
Còn với bọn trẻ, khi bé mà không học thì sẽ không biết cách xử sự, bé mà không học thì vô tri, về già chẳng biết làm gì.
아들이 배우지 않으면 마땅한 바가 아니다. 어렸을 때 배우지 않으면 늙어서 무엇을 할까.
- Ngọc bất trác (玉不琢 - 옥불탁)
Bất thành khí (不成器 - 불성기)
Nhân bất học (人不学 - 인불학)
Bất tri nghĩa (不知义 - 불지의)
Ngọc vốn quý thật, nhưng không mài dũa thì cũng chẳng dùng được gì, người sinh ra vốn là quý, nhưng không học hành thì cũng mù tịt về nghĩa lý, cư xử.
옥을 쪼지 않으면 그릇을 이루지 못한다. 사람은 배우지 않으면 의(義)를 알지 못한다.
- Vi nhân tử (为人子 - 위인자)
Phương thiếu thời (方少时 - 방소시)
Thân sư hữu (亲师友 - 친사우)
Tập lễ nghi (习礼仪 - 습예의)
Thế nên, làm người thì từ bé đã nên gần gũi thầy giáo và bạn hiền, qua đó mà học và biết được lễ nghi, ứng xử cho phải đạo.
사람의 아들이 되어서 한창 젊었을 때는 스승과 벗을 친하고 예의(禮儀)를 익혀야 한다.
Dương Chính Chức