• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Trong bóng mẹ

Thứ sáu - 29/11/2024 08:53



(Ảnh: Kim Anh)


TRONG BÓNG MẸ

(Truyện ngắn của Hoàng Liên Sơn)


Mỗi chiều tan trường là cái Minh thường đi tắt qua lối giữa hai dãy lớp học, qua hàng rào tre hóp rồi theo các bờ ruộng để về nhà. Đường ngắn được đoạn chả hơn nó chạy ở sân trong dăm phút giờ ra chơi, thậm chí có lúc phải đi như làm xiếc qua chỗ lồi lõm, nhưng nhiều cái để khám phá.  

Có hôm nó phát hiện ra thửa lúa nếp mới qua thì ngậm sữa, bèn nháy mấy đứa bạn thân tuốt trộm về rang. Nhưng nó chỉ đóng vai đứng canh chừng ở xa xa chứ không dám lội ruộng. Và từ bữa đó cũng không dám đi ngang thửa ruộng ấy nữa, hy vọng người ta sẽ chửi chuột chứ không chửi mình. 

Nay nó bỗng sững lại trước cổng nhà cụ Thân, vụt nhớ bài thơ vừa học “Khế chín đầy cây/ Vàng treo lóng lánh”. Đây là táo, nhưng cũng vàng ươm và hứa hẹn là ngọt lịm, lại còn loáng thoáng có quả đã rụng xuống đất!

Hai cánh cổng tre được buộc dây sơ sài, nhưng với nó tựa như một ổ khóa cực kỳ chắc chắn. Mà cây táo thì lại ở khá sâu trong “lãnh địa” nên nó xốc cặp bước tiếp. 

Chiều hôm sau nó lại dừng ở cổng, lấy can đảm cất tiếng “ông ơi”. Một hai lần không thấy động tĩnh gì, nó gọi to hơn chút; rồi sau vài lần vừa to vừa dài thì nghe tiếng ông:

  • Đứa nào gọi ông thì vào đây

  • Nhưng mà ông buộc cổng rồi ạ

  • Ừ, chờ ông.

Ông ra hỏi:

  • Cháu làm gì đấy?

  • Táo chín ông ạ!

  • Ồ thế thì đi đi, táo chín kệ ông. – Ông vừa nói vừa thở.

  • Ông cho cháu xin quà!

  • Không, mày vào phá cây của tao.

  • Cháu không phá ạ, chỉ xin ông quả rụng dưới gốc cây kìa. – Minh nói và chỉ tay. 

Ông nhìn theo tay chỉ và hỏi vẻ ngần ngừ:

  • Mày con nhà nào?

  • Cháu nói, nhưng ông đừng mách mẹ cháu nhé? Mẹ cháu biết là cháu sẽ bị ăn đòn. 

Ông có vẻ bớt nghi ngại nhưng vẫn hỏi lại:

  • Mày cứ nói xem con cái nhà nào đi.

Con bé lí nhí như sợ ai nghe thấy dù ở đấy chỉ có hai ông cháu:

  • Dạ, cháu con mẹ Nếp cháu ạ. 

Ông nói như quát:

  • Hả, tao chả nghe thấy gì, mày nói to lên.

Con bé càng sợ nhưng vẫn phải cố nói to hơn. Nghe thủng rồi thì ông ừ và bảo con nhà Nếp ông cho nhưng chỉ nhặt chứ không được vặt táo của ông. 

Ông vẫn đứng canh chừng. Nó nhặt mấy quả xong chẳng hiểu sao lại buột miệng hỏi ông có bán táo không? Ông bảo có nhưng ông không vặt được. Nó bảo chúng cháu tự vặt ạ. Ông nhìn cây táo, gặng hỏi mày vặt cho ông hả, rồi trả lời được.

Hôm sau nó gọi, không to lắm nhưng ông nghe thấy liền. Một mình nó vào vặt trong khi các bạn chờ ở ngoài. Có lúc mải nhìn trái táo to chín mọng quá, nó quên cả việc chính; làm ông tưởng con bé đang định giấu diếm đi đâu, giục sao lâu thế? 

Vậy là cái Minh có táo ăn suốt mùa dù tiền toàn của các bạn vì mẹ nó cấm ăn quà. Có hôm nó về ngang đã thấy ông chờ sẵn ở cổng, bảo chim nó ăn hết nhiều táo của ông; nên cháu cứ vào vặt mà ăn nhưng chú ý đừng làm gãy cành.  

Trong làng, cụ Thân có tiếng kẹt xỉ; nhưng là khi cuối đời hoặc sau một bừng ngộ nào đó, chứ cụ từng hiến không hàng mẫu ruộng vào hợp tác xã. May có cụ bà trước đó kịp bán nhanh được một ít cho người ta. Tên vậy không có nghĩa cụ cầm tinh con khỉ, mà là em kế cụ Mùi. Nhắc tới chị Nếp là cụ nhớ ngay vì sinh hoạt cùng chi bộ thôn. 

***

Vèo cái hai năm trôi qua với nhiều vụ nghịch ngợm mà cái Minh đầu têu cho bọn trẻ nhưng không thò tay, hoặc bám càng các anh lớn trong làng chờ chúng bẻ trộm mía dưới bãi mang lên tới đê thì ra xin một khúc. Nó vẫn nửa thèm nghịch thèm chơi nửa sợ mẹ đánh đòn. Thiếu nữ lớp bảy giờ chuyển sang học ca sáng, còn buổi chiều làm chút việc nhà và nấu bữa tối.   

Bố vẫn đi công tác xa. Sau bữa cơm chị Nếp đi nằm và không quên nhắc con rửa bát xong thì ngủ trưa. Nó ngoan ngoãn vâng lời lên giường nằm, nhắm mắt. Nhưng chưa kịp buồn ngủ thì lại văng vẳng tiếng cười nói, hò hét từ chợ Bùi. Nhớ lời mẹ dặn, nó bịt tai, nhưng vẫn rõ mồn một lanh lảnh tiếng cái Ngà. Bụng bảo dạ thôi ra ngó tí xem là chuyện gì rồi sẽ về luôn. 

Ra là Khai điên đang biểu diễn đủ trò. Anh ấy thoăn thoắt đu leo khắp các cây cột của lán chợ, có lúc xé quần áo, hoặc nằm ngửa tơ hơ giãy đành đạch. Thỉnh thoảng thoắt cười như ma rồi thoắt khóc tu tu, gọi những cái tên vẻ như bất thình lình hiện ra trong đầu, có cái là của một chị nào đó mà cái Minh cũng biết. Nó vừa thích, vừa sợ, rồi một lúc cũng biết chán.

Nhưng bạn nó thấy các dãy lán chợ tin hin lợp rạ chi chít cọc thích quá lại rủ chơi trò đuổi bắt. Món này thì không thể đứng chỉ huy mà phải trực tiếp tham chiến rồi, vẫn ang áng rằng nhất định sẽ về trước khi mẹ nó ngủ dậy.

** *

Nghe tiếng mẹ cái Ngà gọi con về cái Minh giật mình nhận ra đã quá muộn rồi. Nó luồn cồn tre về ngang nhà đã nghe tiếng lách cách sập của mẹ và anh trai đang dệt chiếu. Nó bèn len lén ra sân, vườn cuốn hết chiếu mẹ nó đã phơi, mang qua cầu sang nhà bà nội, hối hả ghim cho xong mức khoán rồi lại mang về phơi như cũ. 

Nhiệm vụ đã hoàn thành, còn dư thời gian để vo gạo nấu cơm, nhưng nó biết sự thịnh nộ nhằm vào vụ bỏ đi bêu nắng cả trưa vẫn lù lù ở đó, thế nên ra cồn tre ngồi. Hết ao ước giá như mẹ nó cũng giống mẹ cái Ngà, cho con chơi rồi gọi con về; lại tự nhủ mẹ ít nói vì muốn mình tự giác. Nó ước giá như bỏ bớt trò đuổi nhau! Nhưng mà chạy đuổi giữa cái rừng cột này khác ở sân trường trống trơn nhiều lắm. 

Không át nổi nỗi sợ bị đòn, nó ngẫm ngợi rồi thấy có chị tổng phụ trách là nơi khả dĩ tá túc một lúc. Vốn yêu quý con bé nhà nền nếp và được việc cho đội thiếu nhi thôn, từ cấp một đã làm liên đội trưởng, cả nhà chị rủ nó ở lại ăn cơm dù cũng thuộc diện chạy ăn từng bữa, như thể vinh dự được đón mời khách quý. 

Đến tối chị lại vồn vã rủ ở lại ngủ và vội vàng đi chuẩn bị giường màn, chẳng mảy may hỏi han có cần về nhà không. Lại còn sắp sẵn mấy tờ Thiếu niên tiền phong, tiêu chuẩn riêng của tổng phụ trách cho nó đọc. Cũng từ một số báo, trung thu năm ngoái con bé đọc thuộc lòng cái truyện ở đó rồi đi thi kể chuyện diễn cảm kiểu đến nhân vật nào thì giả giọng nhân vật đó; được thưởng đôi khăn quàng đỏ loại vải valize xịn.  

Cái Minh thấp thỏm vì nhà cô ruột ở ngay đằng trước. Buổi tối nghe rõ mồn một chị Nếp hỏi em chồng là nó có xuống đó không, rồi về. Nghe giọng mẹ đầy âu lo, nó thương mẹ sẽ tiếp tục đi tìm ở nhiều nhà khác, nhưng nỗi sợ lớn quá nên vẫn không dám hé răng. Nửa đêm nó còn ngồi với con mèo trong khi cả nhà đã ngủ, mặc dù chẳng ưa gì mèo. 

***

Sáng sớm cái Minh lén về lấy trộm cặp rồi tới trường. Cả buổi sáng chẳng được mấy chữ mà toàn chỉ nghĩ trưa nên thế nào, rồi ước gì buổi trưa đừng đến. Sang nhà bà nội lánh cũng chẳng ăn thua. Nghĩ gì thì tan trường chân nó vẫn bước dần về hướng nhà mình. 

Qua nhà cụ Thân, nó chợt nhớ ra cụ đã vì là con mẹ Nếp mà tin tưởng giao cây táo cho nó, lại thấy mình được việc và đáng yêu, dù cũng có cái đáng ghét. Chị tổng phụ trách còn hẹn thích mèo thì lúc nào sang bế về mà nuôi. Nghĩ thế nó rón rén đi vào, chỉ mong đừng bị ăn roi thôi chứ khó mà thoát nghe chửi.

Khi nó lí nhí chào, chị chỉ nói “ừ”. 

Cái Minh săm sắn đi ăn rồi dọn dẹp bát đũa, leo lên giường mà vẫn chưa hết ngạc nhiên vì sao mẹ mình bỗng hiền đến vậy! 

Nhắm mắt mà chẳng ngủ được tí nào, bởi còn phấp phỏng lo mẹ sẽ hỏi vì sao tự ý bỏ nhà qua đêm rồi để mẹ thức trắng. Nó đâu biết chị hết lo nó sợ đến bỏ đi hẳn, lại tự động viên làm cán bộ liên đội rồi chắc sẽ chẳng dại dột quá thế. Chỉ khi không còn thấy cái cặp sách ở chỗ tối qua chị mới yên tâm chắc là nó đã an toàn và đến lớp. Chị nhớ cô chủ nhiệm lớp dặn dò trong buổi họp phụ huynh rằng hãy xem cấp hai là trọng tâm uốn nắn; bởi từ cấp ba đứa nào đã ngoan sẽ khó thành hư, đã hư thì không dễ ngoan lại được. 

Ngủ không nổi thì nó nghĩ lung tung, nhớ tờ báo đọc tối qua đầu nó lóe ra cái kế hoạch táo bạo. Buổi tối nó rủ rỉ với mẹ bảo cho con se đay sợi sau khi đã ghim chiếu xong, rồi mẹ cho tiền để sang cô Chuốt văn thư nhờ đặt mua báo Hoa học trò, chứ không chỉ đọc ké Thiếu niên tiền phong nữa. Chị Nếp vui vẻ đồng ý, thấy cái năng lượng mới lớn này đã có chỗ dùng hữu ích. 

Cứ thế, cái Minh vừa học giỏi vừa chăm đọc đủ loại sách báo; đến cấp ba thì thêm cả Tiền phong, Hoa học trò sinh viên… Nó thành nhà báo hay nghệ sĩ kịch nói, hay phát thanh viên, tuyên truyền viên thì mỗi bạn đọc có thể tự tưởng tượng và có lấy suy đoán của riêng mình, nhưng hẳn Minh luôn mang theo ký ức tốt về những người hàng xóm. 

Và hành trình ấy là logic thông thường bởi trước khi nghỉ về làm nghề thủ công cùng các con đỡ cho chồng, chị Nếp từng là chủ tịch rồi bí thư đảng ủy xã; điều mà khi viết lý lịch vào phổ thông trung học cái Minh mới biết. Khi trao chứng nhận tốt nghiệp trung học cơ sở cho nó, thầy hiệu trưởng bảo ta còn là ông trẻ của cháu đấy, vì đã dạy ở đây từ khi mẹ cháu mới học lớp sáu kìa.

Tháng 10 năm 2024



Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.