- Trang văn
Ý nghĩa của Đức
Thứ sáu - 09/06/2023 12:06
(Ảnh: DB)
Ý NGHĨA CỦA ĐỨC
Người xưa dạy rằng: Con người cần hành thiện, tích Đức. Đức là những phẩm cách tốt đẹp của con người. Thiện mỹ, chính đại quang minh, trong sáng. Có Đức mặc sức mà ăn. Mất Đức là mất tất cả. Chữ Đức trong tiếng Trung có chứa đựng thiên cơ vạn cổ, nhìn vào Đức có thể thấy được quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhà Búp xin được tiếp tục giới thiệu với các bạn độc giả bài viết về "Chữ Đức trong văn hóa thần truyền" của tác giả La Vinh.
1/ Tích Đức
Cha ông ngày xưa luôn tự giác răn mình hàm dưỡng Đạo đức, tu Tâm dưỡng Tính để TÍCH ĐỨC cho con cháu đời sau, để luân hồi tái sinh phát Tài Lộc, hưởng Phúc Thọ…
Ngày nay,chúng ta không tin Trời Phật, Thánh Thần, việc Ác nào cũng dám làm. Ai cũng cho lợi ích vật chất cầm nắm được mới là thực tại.
Nếu quả thực người xưa đúng, thì sinh mệnh vô Nhân vô Đức ngày hôm nay quả là quá mong manh và đối diện với tương lai thật đáng sợ.
Có nhiều Đức tức là có ít Nghiệp, ít Tội. Theo Đạo Gia cũng như Phật Gia,con người sống trên đời quá ngắn ngủi. Trăm tuổi lâm chung về với đất cũng chỉ là hai bàn tay trắng. Khi sinh trắng tay khi về cũng tay trắng . Chỉ có hai loại mang theo trên hành trình dằng dặc luân hồi là Đức và Nghiệp mà thôi! Nhiều Đức chúng ta ngồi trên thuyền nhẹ thênh thênh lướt sóng cùng gió lành với trăng sao. Nhiều Nghiệp chúng ta bị dìm đầu uống no nước mặn, lôi lên bờ như con sứa chết. Tỉnh lại tiếp tục sặc nước trong bể cả luân hồi ầm ầm tiếng quỷ gào rống,tiếng đồng loại khóc than.
Trong kinh Dịch xem việc tu dưỡng “Đức” còn quan trọng hơn nuôi dưỡng hình hài, vì thế mới nói “Dữ thiên đồng Đức” có nghĩa “Đức” có giá trị vai trò ngang bằng với trời.
Trang tử trong Nam Hoa Kinh có nói:” Đức sung ư nội, nhĩ nhân hóa ư ngoại, tự nhiên cảm hóa, bất đắc giáo ngôn giả dã.” Có nghĩa Đức mà đầy đủ bên trong thì tự nhiên ứng hiện ra ngoài, thiên hạ nhờ đó mà tự hóa, đâu cần phải dùng ngôn ngữ lời nói để giáo hóa.
Trong khi đó bên trời tây Rene Descartes một nhà toán học, nhà vật lý cũng còn là triết gia nổi tiếng vào thế kỷ thứ 17 đã nói một câu đã được ghi mãi mãi trong lịch sử tư tưởng nhân loại bằng tiếng La Tinh: “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”. Descartes đã nói một điều rất quan trọng :con người là sinh vật biết tư duy, có suy nghĩ, phân biệt phải trái, hiểu rõ sự hiện hữu kiếp nhân sinh, từ đó con người cần phải sống sao cho có ý nghĩa. Phải chăng câu nói của Descartes cũng có nhiều điều giống với chữ “Đức” trong tư tưởng Đông Phương.
Tuy nhiên, theo mình nghĩ nội hàm của chữ Đức nói riêng và các con chữ Thánh Hiền nói chung nó uyên áo, vừa rộng rãi vừa hàm súc hơn nhiều!
2/ ĐỨC TRONG VĂN CHƯƠNG XƯA
Đọc văn chương của Cha Ông ta xưa, rất hiếm những tác phẩm có cảm xúc riêng tư cá nhân như thời hiện đại bây giờ. Người gọi đó là thứ văn chương PHI NGÃ, rồi dùng tiêu chuẩn hôm nay để tìm ra đủ khuyết tật của nó.
Thực ra, Phật gia rất đề cao và tôn trọng sinh mạng nhưng cho rằng cái Mê nhất của con người chính là tính Tự Tư,Vị Kỷ. Khi tăng trưởng càng nhiều chấp trước vào 3 chữ Danh ,Lợi, Tình thì người ta càng vị kỷ. Nhìn ở một góc độ mở thì đó chính là việc giải phóng cá nhân, đề cao bản ngã. Cái mà chúng ta hôm nay đang phất cao ngọn cờ Giải Phóng Phụ Nữ, rồi lạm dụng từ này cho cái gọi là Giải phóng tình dục, Giải phóng bản ngã... chỉ là sự biến dị của quy luật bất biến vũ trụ là Chân, Thiện ,Nhẫn mà thôi.
Mặt trái của xã hội hiện đại đang phơi bày phía sau tấm huy chương quá nhiều lồi lõm.
Chung quy con người đã và đang rời xa chữ Đức ngày ngàn dặm.
Trong áng văn nổi tiếng BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ, Trương Hán Siêu đã đề cập đến 3 nhân tố làm nên trận thủy chiến có thể sánh ngang với Xích Bích, Hợp Phì này. Đó là:
1 /Thiên thời : "Trời cũng chiều
2/Địa lợi : "Trời đất cho nơi hiểm trở"
3/ Nhân hòa : "Nhân tài giữ cuộc điện an ..."
Tác giả đặc biệt nhấn mạnh yếu tố thứ ba là"nhân hoà":
- Đó là "Nhị Thánh" lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, không chùn bước cả 3 lần : Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và con Ngài, Đức vua Trần Nhân Tông chính là "anh minh 2 vị thánh quân" đã bắt sống Ô Mã Nhi - tướng giặc Nguyên (1288)
- Đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã hội quân ở bến Bình Than đoàn kết toàn dân chống giặc và có tầm nhìn chiến lược :" coi thế giặc nhàn" ,..
Chúng ta đọc lại đoạn cuối bài phú này và chú ý câu cuối :
Rồi vừa đi vừa ca rằng:
"Sông Đằng một dải dài ghê,
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông.
Những người bất NGHĨA tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!"
Khách cũng nối tiếp mà ca rằng:
"Anh minh hai vị thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thanh bình,
Bởi đâu đất hiểm cốt mình ĐỨC cao."
Vua anh minh luôn biết dùng Đức gây dựng cơ đồ để muôn đời bất hủ cùng con cháu:
"Tiếng thơm còn mãi,
Bia miệng không mòn."
Đức cho ta con đường đến với chân lý, đến với chính nghĩa ,đến với viên dung trong Đại Pháp của vũ trụ. Cá nhân có Đức lớn đời này chưa hưởng đời sau hưởng; cha ông chưa hưởng thì con cháu hưởng. Phật từ bi với chúng sinh nhưng không thể từ bi với những kẻ "thập ác bất xá". Chúng ta phải có Đức thì Phật mới có thể diễn hóa năng lượng cho chúng ta Phúc,Lộc ,Thọ và cao hơn nữa cho ta thành Thánh ,thành Thần.
Ông vua muốn được phong Thánh ,phong Thần thì phải dùng Đức trị nước an dân. Không phải ngẫu nhiên người Việt Nam gọi hai vua Trần là Thánh,gọi Hưng Đạo Đại Vương bằng cái tên ngắn gọn là Thánh Trần. Từ Bắc chí Nam đâu cũng có đền thờ và dân Việt Nam luôn thành kính nguyện cầu các Ngài phù hộ độ trì cho con cháu. Cũng nên nhớ rằng vua Trần Nhân Tông sau chiến thắng Bạch Đằng đã lên Yên Tử rủ hết bụi trần ai,từ chối Danh Lợi của người đời Mê muội để sau này người đời sùng kính gọi là PHẬT HOÀNG.
Chắc chúng ta không ngạc nhiên khi gọi tên các Ngài ta thường đặt trước đó chữ ĐỨC : Đức Trần Hưng Đạo, Đức Trần Nhân Tông…
Hầu hết các phẩm chất cao quý của con người chúng ta đều có nội hàm của Đức. Ta nói tới "Đức Hy Sinh " tức là nói tới Nghĩa ; nói Đức Hiếu Thuận là tấm gương của Đức Nghiêu Thuấn; nói Đức Vị Tha là nhớ tới nàng Kiều ; nói Đức Hiếu Sinh là nhớ tới Nguyễn Trãi thay Trời hành đạo mà mở đường sống cho quân xâm lược...
Đạo khi có Đức chắc chắn là Chính Đạo ,Chính Giáo. Đã là bất chính thì nhất định sẽ là Ác Đạo ,là Oai môn tà Đạo. Ở đâu có Đức ở đó có người Tốt. Nhiều Đức con người càng tốt hơn. Đức viên mãn ở người tu luyện hoặc ở những cá nhân có ảnh hưởng tới muôn vàn sinh mệnh sẽ cho người đó thăng hoa làm thánh ,làm Thần, làm Phật.
Đọc "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi, chắc ai cũng nhớ những câu đầu:
Việc Nhân Nghĩa, cốt ở yên dân
Quân điếu phạt, trước lo trừ bạo
Nhân ấy, Nghĩa ấy, Yên Dân ấy, Trừ Bạo ấy... chính là người lãnh đạo đang lập Đức, tích Đức để "lưu phương".
Nguyễn Trãi luôn luôn coi trọng nhân dân. Coi trọng Nhân Đức:
“Mến người có nhân là dân, mà chở thuyền, lật thuyền cũng là dân”
Hãy nghe ông nói về âm nhạc khi ông dâng kế sách củng cố triều chính, chống bọn gian thần nhũng loạn, ông khuyên vua Lê Thái Tông: “Hòa bình là cái gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc... bệ hạ rủ lòng yêu thương muôn dân khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là cái gốc của nhạc vậy”. Và ông ý thức sâu sắc trách nhiệm: “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”.
Nguyễn Trãi có cả một tập thơ chữ Nôm. Trong đó, có rất nhiều bài tập hợp lại thành một đề mục về Đạo Đức. Đó là BẢO KÍNH CẢNH GIỚI ( gương báu soi mình).
Rõ ràng, ông rất quan tâm tới Đạo Đức.
Có những câu nhắc ta tới tục ngữ ca dao:
"Chơi cùng đứa dại nên bầy dại
Kết mấy người khôn học nết khôn
Ở đấng thấp thì nên đấng thấp
Đen gần mực đỏ gần son."
(Bảo kính cảnh giới- bài số 21)
"Bầu bạn cùng nhau nghĩa chớ vong
Người kia phú quí chớ quên lòng."
(Bảo kính cảnh giới- bài số 51)
Nguyễn Trãi quan tâm nhiều đến chữ Đức với nhiều góc độ.
Nào là tích Đức:
"Tích Đức cho con hơn tích của
Hãy năng tích Đức để cho con".
Nào là phải nuôi dưỡng đức :
"Trồng cây Đức để con ăn".
Ức Trai đưa ra so sánh và ông coi trọng Đức hơn tài :
"Có Đức thì hơn nữa có Tài
Tài Đức thì cho lại có Nhân"
Hoặc:
" Tài thì kém Đức một hai phần
Miễn Đức hơn tài được mấy phân"
Ông thấy giá trị của Đức:
"Đạo Đức lành ấy của chầy"
Cách đánh giá giá trị đạo đức của Nguyễn Trãi hết sức cụ thể mà cũng hết sức súc tích. Ông khuyên và răn mình,coi những bài thơ ấy là Minh Tâm Bảo Giám. Từ đây mà lan tỏa, cho mọi người đồng cảm và cao hơn là để mọi người học tập mình cùng trau dồi chữ Đức quý giá.
Có một tác phẩm có hàng trăm câu thơ rất xúc tích gọi là Gia Huấn Ca được cho là của Nguyễn Trãi dạy dỗ con cháu những điều Đạo Đức rất căn bản để làm người.
Chẳng hạn:
"Gần mực đen, gần đèn thì sáng,
Ở bầu tròn, ở ống thì dài,
Lạ gì con có giống ai,
Phúc Đức tại mẫu là lời thế gian."...
Một người anh hùng dân tộc ,văn võ song toàn; một danh nhân văn hóa nhân loại như Nguyễn Trãi ắt hẳn chiêm nghiệm được rất nhiều về giá trị chữ Đức đối với mình, với người.
Hàng ngàn năm nay, nhân loại dù phát triển đến mức nào thì cũng không thôi đặt ra vấn đề con gà mái và quả trứng gà cái nào có trước. Vật chất hay Ý thức, cái nào trước ,cái nào sau? Lẩn thẩn như vậy mà sinh ra bao nhiêu trường phái tư tưởng, bao nhiêu nhà triết học và bao nhiêu xã hội chỉ vì bất hòa gà với trứng mà xương núi máu sông...
Phật gia đã nói rằng đó là giả tướng. Từ lâu, Thích Ca đã nói về học thuyết Tam thiên Đại thiên thế giới của ông. Thực ra vật chất và Tinh thần là nhất tính. Đức là tinh thần nhưng nó cũng là vật chất. Thứ vật chất vi tế và có năng lượng thuần chính kỳ diệu ấy sẽ cải biến chúng ta, cho xã hội nhân loại được bảo tồn càng ngày càng bớt thống khổ. Chính Đức mới là thứ vật chất - tinh thần vô giá cho chúng ta thoát Mê thoát những dò dẫm trên con đường Thiên Lý mênh mông của kiếp luân hồi, kiếp lưu đày.
Nếu như con người chết chỉ có nhục thân về cát bụi nhưng linh hồn vẫn tiếp tục cuộc hành trình thì chúng ta mang theo được cái gì? Chỉ có hai thứ chúng ta đem theo là Đức và Nghiệp mà thôi.
Chào đời tay trắng,
Ra đi trắng tay,
Người lo tích Đức
Người chốn Mê Say
Nghiệp ấy, Đức này
Vay trả, trả vay....
Mời mọi người đọc bài viết trên trang "Chánh kiến "về ba điều ước cuối của một vị hoàng đế huyền thoại không ai không biết tới.
"Alexander là một vị vua vĩ đại. Trên đường khải hoàn sau khi chinh phạt nhiều nước, ông ngã bệnh. Vào thời khắc ấy, những vùng đất ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, những thanh gươm bén, và sự giàu có không còn nghĩa lý gì với ông. Ông nhận ra rằng cái chết sắp sửa đến và ông sẽ không về kịp mảnh đất quê hương. Ông bảo các sĩ quan của mình: “Ta sắp sửa rời bỏ thế gian này. Ta có ba điều nguyện ước. Các ngươi cần phải thực hiện những gì ta bảo”. Các vị tướng tuân lệnh trong dòng nước mắt.
“Điều ước đầu tiên của ta là hãy bảo thầy thuốc của ta mang cái hòm rỗng của ta về một mình”. Sau khi cố hít thở một hơi, Alexander nói tiếp: “Ước nguyện thứ hai của ta là hãy rải vàng, bạc và châu báu trong kho tàng của ta trên suốt dọc đường đến nấm mồ khi các ngươi mang quan tài của ta ra nghĩa địa”. Sau khi quấn mình trong chiếc áo khoác và nghỉ một lúc, ông nói tiếp: “Ước muốn cuối cùng của ta là hãy đặt 2 bàn tay ta ra bên ngoài cỗ quan tài”. Mọi người xung quanh ông tất cả đều rất tò mò, nhưng không ai dám hỏi nguyên nhân. Vị sủng tướng của Alexander hôn bàn tay ông và hỏi: “Thưa đức Vua, chúng thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng Ngài có thể cho chúng thần biết tại sao Ngài lại muốn chúng thần làm như vậy hay không?”.
Sau khi gắng thở một hơi dài, Alexander trả lời: “Ta muốn mọi người hiểu được ba bài học mà ta đã học được. Để cho người thầy thuốc đưa cỗ quan tài về một mình là để người ta nhận ra rằng một vị thầy thuốc không thể nào thực sự chữa bệnh cho người ta. Nhất là khi đối diện với cái chết, thầy thuốc hoàn toàn bất lực. Ta hy vọng mọi người sẽ học được rằng phải trân quý cuộc sống của họ.
Mong ước thứ hai của ta là để nhắn nhủ mọi người rằng không nên giống như ta theo đuổi mộng giàu sang. Ta tiêu tốn cả đời chạy theo sự giàu có, nhưng ta sẽ lãng phí hầu hết thời gian của đời người. Mong ước thứ ba của ta là để người đời hiểu rằng ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng và ta sẽ rời bỏ thế gian này cũng với hai bàn tay trắng”, nói xong ông nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng."