• dau-title
  • Truyện ngắn
  • cuoi-title

Biển Nguyệt Thực

Thứ tư - 23/10/2019 15:17

Nàng lặng đi trước vẻ đẹp huyền diệu của  biển cả. Phía thăm thẳm nghìn trùng kia nhuốm một màu tím sẫm, màu tím nhạt dần loang lên phía chân trời. Bầu trời trong thẳm không một gợn mây, trăng mười sáu vành vạnh tròn rưới ánh vàng rười rượi xuống bãi cát trắng lấp lóa mơn trớn đôi cánh tay và bắp chân trần trắng nõn nà của nàng. Dưới ánh trăng nàng giống như nàng tiên sà xuống bãi biển với nước da ngà ngọc, mái tóc dài bỏ xõa tung bay trong gió lấp lánh. Sóng biển ào ào xô vào bờ. Những con sóng như ngàn vạn con rồng vàng rồng bạc liên tiếp dâng đến chân nàng. Sao trời lung linh, sao biển lấp lánh. Nàng yêu sao trời, nàng đợi sao biển. Sao biển là những ánh đèn câu mực đang thấp thoáng ngoài phía khơi xa. Trong muôn ngàn vì sao biển đó nàng đang đau đáu đợi một ngôi trở về. Chiếc Rađio nhỏ bé trong tay nàng cựa quậy: “ Chỉ còn ba mươi phút nữa sẽ xảy ra hiện tượng nguyệt thực toàn phần tại…”. Nàng run lên nghẹn thở.
Nguyệt thực – đó là điều nàng ao ước được nhìn thấy từ hơn hai chục năm qua cũng là điều khiến cho nàng khổ đau, sợ hãi và thèm khát được chứng kiến. Thuở nhỏ mỗi lần xảy ra nguyệt thực nàng chỉ được nghe lũ bạn lôi thúng mủng xoong nồi ra gõ ầm ĩ hò hét đuổi thực ăn trăng. “Thực ăn trăng là gì hả ông?”. “Đó là con rồng to gấp trăm lần cái cột nhà mình, dài gấp nghìn lần sải tay con. Nó có cái miệng to bằng thuyền thúng và nó nuốt mất trăng”. “Trăng là gì hả ông?”. “Trăng chỉ nhỏ như cái bánh đa đề ông mua cho con đó nhưng trăng soi sáng cho người đi biển trong đêm tối biết đường trở về nhà”. “Trăng nhỏ xíu mà ngoan quá, thế trăng có soi cho cha về không ông?”. Ông nội không trả lời, hình như có tiếng nghẹt mũi. Cô bé mù hoảng hốt nhổm lên túm lấy vạt áo thô cứng lúc nào cũng nồng nồng vị biển của ông, mái tóc trẻ thơ mềm mại dụi vào cái cổ gầy nhằng: “Ông à con xin lỗi! Con không hỏi nữa đâu, ông đừng khóc nữa”. “Ông đâu có khóc, chắc mồ hôi lại chảy vào mắt đó Nguyệt à”. Mồ hôi vô tình quá, mặn như thế mà cứ chảy vào cho mắt ông xót thêm. Cô bé rờ rẫm đôi bàn tay nhỏ nhắn lên khuôn mặt nhăn nheo vẫn còn ươn ướt và nghe rõ tiếng thở dài của ông bị nén nửa chừng trong dạt dào gió biển.
Cha nàng làm nghề câu mực. Từ nhỏ đã biết bao nhiêu lần cô bé mù được cha đặt trong chiếc thuyền thúng bập bềnh bơi ra biển hít thở vẫy vùng trong cái không khí bao la vô tận của đại dương. Biển đã mang cho cha hạnh phúc và phũ phàng cướp đi cuộc sống của cha. Ông kể rằng mẹ đã gặp cha trong một kỷ niệm kinh hoàng với biển cả. Người dân đi biển rất ngang tàng sóng gió, họ đã muốn điều gì thì phải đạt cho bằng được. Họ câu mực bằng những chùm vải mồi sặc sỡ, màu mực thích ăn nhất là màu xanh nõn chuối. Mẹ là văn công đi lưu diễn tới vùng biển này. Thời ấy bao cấp vải vóc còn quý hiếm. Chiều hôm ấy mẹ vô tình mặc chiếc áo xanh màu nõn chuối lơ ngơ ra chợ biển, dân đi biển vây quanh mẹ đòi mua lại chiếc áo. Mẹ sợ hãi không nghe, họ xúm lại như một đàn mực khổng lồ giằng xé áo mẹ, ai cũng mong chiếm được một phần.
Mẹ ôm ngực gào thét hãi hùng trước sự xô bồ bặm trợn quá sức tưởng tượng. Chợt có người gầm lên nhảy vào đám đông chùm lên người mẹ chiếc áo hôi nồng. Đó là cha, cha giận dữ quắc mắt gạt mọi người và lôi mẹ ra khỏi đám đông đưa đến một cửa hàng chọn mua chiếc áo đẹp nhất  ấn vào tay mẹ: “Cô thông cảm cho người đi biển, màu áo của cô rất quý hiếm mà dân câu mưc họ rất cần loại này”. Mẹ xấu hổ lầm lũi trở về đoàn, sáng hôm sau đoàn văn công đi mất. Cha được người ta chuyển tới bức thư cảm ơn và nửa chiếc ống tay áo xanh màu nõn chuối còn lại của mẹ. Ba ngày sau cha cứ ra ngẩn vào ngơ, ngày thứ tư cha xếp dọn lại đồ đi biển và quyết định lên đường.
Cảm động trước tình yêu mãnh liệt trào dâng của biển cả, hơn một năm sau mẹ để lại cho cha một bé gái thiên thần rồi lặng lẽ biến mất khỏi đoàn văn công, không một lời giải thích. Cha ôm bé về đặt tên Hải Nguyệt, cha mong bé là vầng trăng biển để đêm đêm soi đường cho cha thấy được lối về.
Hôm ấy nguyệt thực già nửa đêm, bọn trẻ con không đợi được. Suốt ngày mải mê hò hét với sóng biển, chạy thi với gió, với những con còng còng trên cát Hải Nguyệt cũng như lũ bạn mệt nhoài lăn ra ngủ. Đúng lúc nguyệt thực toàn phần một tiếng hét trong cơn mơ ngủ của Hải Nguyệt làm ông bật dậy. Ông ngồi cho tới hết đêm người ướt đẫm mồ hôi mắt chong ra biển. Cuộc đời ông đã chứng kiến mấy lần biển nguyệt thực. Đó là những lúc biển trùm trong bóng tối của quỷ thần, không hề giông tố mà sóng biển vẫn cuộn lên nuốt chìm mọi thứ vào lòng đại dương. Buổi sáng chưa kịp đợi mặt trời nhô lên khỏi mặt nước ông đã dắt Hải Nguyệt lao xuống bãi biển. Chỉ có những đám rác rưởi đen sì như những mảnh vỡ của đêm nguyệt thực nằm lăn lóc trên cát thay cho thuyền của cha trở về.
Ông khuân tấm lưng còng đi dọc theo bờ biển tìm xác cha, nước mắt của ông thành nước biển dâng trào, gió thổi từ biển về đẩy tiếng khóc của ông lên núi cao bởi vậy cha không nghe được tiếng gọi nên vẫn chưa về. Rồi đến lượt hải Nguyệt mò mẫm rờ khắp người ông, chân tay ông lạnh ngắt, không hiểu mồ hôi, nước mắt hay là muối biển vẫn còn nhơm nhớp dính trên gò má nhăn nheo. Mái tóc ông xơ cứng như những chùm lông chông gió đuổi trên bãi cát mà ông vẫn lượm về cho Hải Nguyệt mua bán cùng sóng triều. Hải Nguyệt lay gọi khản tiếng mà ông không trả lời. Ông đang mải nghĩ về đêm nguyệt thực!
Người ta đưa chôn ông lên núi cao, ở đó ông hóa thành ngọn hải đăng đêm đêm soi đường cho người đi biển. Ở đó ông gửi lời gọi theo sóng cả gió ngàn để đêm đêm cha lại về bên Hải Nguyệt. Ở đó nỗi khổ đau hóa thành đá sừng sững tạc vào nền trời xanh thẳm, hướng về phía đại dương.
Hải Nguyệt được đưa vào trại trẻ tật nguyền. Nàng lớn lên trong sự thiếu thốn nhọc nhằn nhưng lạ thay giọng hát trời phú của nàng càng ngày càng ngọt ngào đằm thắm. Như là nghiệp báo nàng phải mang tiếng hát ban phát đi khắp nơi. Từ ngày tham gia đoàn ca múa Hải Nguyệt trở nên lộng lẫy, xinh đẹp lạ thường duy có đôi mắt nàng là không hề phân biệt được màu sắc. Có phải mối tình ngang dở của mẹ cha mà nàng phải gánh chịu? Mỗi lần biểu diễn người ta khoác lên người nàng muôn vàn xiêm áo đẹp, lần nào nàng cũng run rấy van nài: “Muốn mặc cho tôi màu gì thì mặc nhưng xin đừng là màu xanh nõn chuối”.
Chiều hôm ấy một buổi chiều định mệnh, nàng rời đoàn một mình lang thang lần ra bãi biển tắm lại ký ức tuổi thơ. Sóng dìu dặt liếm nhẹ gót chân trần thầm thì kể chuyện, gió du dương ve vuốt mái tóc dài, đôi bờ vai tròn lẳn, bỗng gió bất ngờ giật tung chiếc khăn quàng cổ mỏng manh, nàng đưa tay chới với. Chợt một giọng nói nằng nặng ấm áp vang lên: “Chiếc khăn màu nõn chuối đẹp quá, xin gửi lại cô”. “Trời ơi…có lẽ nào?” Nàng hoảng hốt vùng chạy như kẻ vô hồn cho đến khi vấp ngã đầu đập vào cạp chiếc thuyền thúng mới kéo lên bờ và ngất lịm.
Nàng tỉnh dậy trên giường bệnh viện, một điều kỳ diệu đã xảy ra với nàng khi nàng mở mắt. Cái màu trắng đùng đục hàng ngày biến dần mất và ánh sáng trong phòng với các đồ vật hiện dần lên rõ mồn một. Khuôn mặt rám nắng nhân hậu với nụ cười rạng rỡ của anh là khuôn mặt đầu tiên nàng thấy trong đời rõ nhất. Sau này có một bác sĩ giải thích: nàng bị bênh thong manh do mẹ nàng bị những chấn động mạnh, rối loạn về tình cảm khi có thai nàng. Cái chết lâm sàng trong tai nạn vừa rồi đã làm dòng trường sinh học trong người nàng thay đổi vì vậy mà mắt nàng đã sáng ra. Còn nàng, nàng tin là chỉ có anh mới đem lại cho nàng cái ánh sáng cuộc sống kỳ diệu ấy. Từ biệt bệnh viện với bốn bức tường trắng xóa, nàng theo anh ra biển. Triều dâng bát ngát,  sóng vỗ dào dạt như lời hát của đại dương “Ngày xưa biển chưa có cát như bây giờ, ngày xưa biển chưa có sóng vỗ bờ. Và gió, gió hát thật êm, và mây mây trôi thật hiền. Biển ngây thơ và biển chưa yêu bao giờ. Rồi một ngày em đến…”
Đã hơn hai chục năm lăn lóc sống âm u cùng sóng biển lần đầu tiên trong đời nàng được chiêm ngường vẻ đẹp kỳ diệu muôn màu của biển cả trước lúc hoàng hôn. Mặt trời đỏ lừ từ từ lặn xuống lòng dại dương, mặt biển hồng lên phía chân trời rồi chuyển màu sẫm đỏ. Sóng hồng, sóng xanh rồi đến sóng trắng đuổi nhau trên mặt biển.  Sóng dội vào bờ tung bọt trắng lên bãi cát, xô dào dạt lên những ghềnh đá lô xô.
Đêm dần xuống, đêm của biển đẹp lung linh như thủy cung.
Anh dắt nàng di chơi phố biển, mua những chiếc vỏ sò, vòng ốc sặc sỡ đeo vào cổ nàng: “Em biết không, những chiếc vỏ sò, vỏ ốc này là hội tụ tinh túy của biển cả. Em hãy áp tai vào nghe sóng nghe gió. Người dân đi biển lâu năm còn nghe được cả tiếng khóc tiếng cười trong đó. Đây là màu hồng của bình minh, màu tím của hoàng hôn, màu đỏ thẫm của những ngày sắp giông tố. Màu xanh thẫm này là sắc biển lúc triều lên, màu xanh lục này là mặt biển kéo triều xuống. Bầu trời cũng xanh như mặt biển và có những đám mây trắng tựa như sóng bạc đầu. Con thuyền thì màu đen, cánh buồm màu nâu. Những màu này tuy không rực rỡ nhưng đã gắn bó với con người, làm bạn một đời với biển cả. Đó là màu hy vọng khi người trong bờ trông ra biển đợi người thân trở về”. “Thế còn màu nõn chuối hả anh?’. “Ở biển không có màu đó nên biển rất khao khát em à”.
Những ngôi sao biển đã lần lượt trở về. Anh sẽ sàng ngồi xuống bên cạnh nàng và cùng ngước lên trời chờ đợi cái giây phút thiêng liêng huyền bí đã in đậm vào tâm thức của Hải Nguyệt. Lần đầu tiên trong đời nàng được chứng kiến cảnh nguyệt thực bằng đôi mắt sáng bên anh.
Hải Nguyệt hồi hộp nhìn vầng trăng tròn vành vạnh, vằng vặc sáng đang khuyết dần mà cảm thấy tim mình cũng đang thắt lại. “Ông ơi lại một đêm nguyệt thực. Ông có lau hết được những giọt mồ hôi mặn mòi chay ra từ mắt  không ông? Cha ơi, rồng sắp ăn mất trăng rồi làm sao cha tìm được lối về đây cha?”. Khi trăng vầng chỉ còn là một dẫu hỏi mảnh mai giữa bầu trời tím thẫm, nàng chợt thấy ngực mình đau nhói run rẩy tựa vào vai anh. Chỉ một tích tắc nữa thôi bầu trời sẽ tối sầm lại và vạn vật sẽ chìm trong tang tóc. Nàng nghẹn ngào cố ghìm dòng nước mắt. Nhưng ơ kìa, cái mảnh sáng cong như dấu hỏi đang đậm dần trở lại, vầng trăng lại hồi sinh. Những dòng nước mắt chưa kịp trào ra, chảy ngược vào cổ họng ngọt ngào. Nàng rạng rỡ mỉm cười với vầng trăng trong sáng. Anh lặng lẽ ngắm nhìn nàng tươi hớn hở như một đứa trẻ con: “Hải Nguyệt à! Em sẽ là vầng trăng soi đường cho anh trong những đêm đi biển. Em sẽ là ngọn hải đăng để anh thấy được hướng về bờ..”. Sau nguyệt thực trăng như sáng hơn. Biển lấp lóa lung linh như chưa hề tăm tối bão giông. Hàng ngàn hàng vạn những con sóng đem ánh vàng ánh bạc ngoài khơi đổ lên bờ như lễ vật cầu hôn của biển dâng đến cho nàng. Nàng tựa hẳn vào lòng anh như lòng biển tựa vào bờ cát trắng đang tràn trề ánh trăng.
 
Cửa Lò 2006
Nguyễn Thúy Hằng

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.