• dau-title
  • Truyện ngắn
  • cuoi-title

Tiểu thuyết: Lính Miền Đông (8)

Thứ sáu - 18/08/2023 15:59


(Ảnh: Huyền Bùi)

TIỂU THUYẾT: "LÍNH MIỀN ĐÔNG"
Bùi Thị Biên Linh

(tiếp theo)



 Lê đã quyết định trở lại đơn vị sớm. Mặc dù y lệnh chưa cho phép nhưng ruột gan Lê cồn cào khi nghĩ đến bao đồng đội còn nguy nan ngoài chiến hào. Những ngày này, thêm một tay súng là đồng đội có cơ may bớt máu chảy đầu rơi. Dạ Thủy tần ngần khi nghe Lê nói về quyết tâm trở lại mặt trận. Cô biết không thể níu Lê ở lại. Thuỷ tranh thủ làm hồ sơ xuất viện và chuẩn bị cho Lê thêm ít thuốc. Lê tranh thủ chào các y bác sĩ và các thương binh khác để sớm mai lên đường. Đêm cuối cùng ở Quân y viện tiền phương, Lê không sao ngủ được. Lòng chộn rộn nghĩ đến lúc lại được cầm súng trên chiến hào chia lửa với những người đồng đội đã từ lâu trở thành ruột thịt. Về cái nơi mà người ta nhường cho nhau sự sống và sẵn sàng hy sinh vì đồng đội của mình.

Lê nhìn quanh lán quân y. Bồi hồi khôn tả. Nơi đây anh đã được chữa lành vết thương. Đã được hiểu thêm, cuộc kháng chiến này nhiều gian khổ hy sinh nhưng cũng đầy ắp nghĩa tình đồng đội. Nơi đây đã cho anh được gặp lại cô bé mắt tròn hay nghe lén tiếng đàn của anh và từng cứu anh thoát khỏi trận đòn ngày thơ bé.

Không biết từ lúc nào, hình ảnh Dạ Thủy trong chiếc áo blu màu xanh lá, khẩu trang xanh che kín khuôn mặt trái xoan chỉ còn nhìn rõ đôi mắt sáng, cái cổ cao trắng ngần và dáng người thanh mảnh đã in sâu trong cảm nhận của Lê. Anh nhớ khoảnh khắc Thủy nắm lấy bàn tay anh đặt lên đôi vai mảnh dẻ của cô, dìu Lê bước đi trong ánh chiều chạng vạng. Lê khoác ba lô lên vai, chào mấy thương binh cùng lán một lần nữa. Ra khỏi lán, Lê hướng mắt nhìn về khu vực lán A, nơi ấy giờ này chắc bác sĩ Thủy đang vào ca trực, rồi rảo bước. Đang hăm hở đi, Lê bỗng nghe tiếng gọi - Lê! Anh Lê!

Là Dạ Thủy! Tự nhiên trống ngực Lê đập rộn. Dạ Thủy vừa đi vừa chạy xuống chân đồi, chỗ Lê đang đứng đợi.

- Lê định qua bên đó chào, Thủy đang phải trực nên…

- Thủy ổn rồi, bác sĩ Khang trực thay rồi. Tiễn anh Lê một đoạn.

- Cảm ơn Dạ Thủy nhiều lắm nghe!

- Ơn chi nà!

Ước chi kháng chiến mau dừng! Mình được về quê Lê hỉ!

- Thủy ở lại đây nhớ giữ gìn sức khỏe, bình an. Khi mô có dịp Lê sẽ về thăm Thủy!

- Anh Lê cũng luôn bình an nha!

Lê gật gật đầu, anh định nói với Thủy nhiều lời tha thiết nhưng lại cố lảng sang chuyện khác. 

Hai người đi về hai phía. Được vài bước chân, Lê ngoái lại, Dạ Thủy cũng đang ngoái lại nhìn anh. Bỗng Thủy quay ngoắt lại chạy đuổi theo Lê. Cô vòng tay ôm ngang lưng Lê từ phía sau, khuôn mặt cô áp vào lưng Lê ấm nóng

- Lê! Nhớ em không?

Lê xoay người lại đôi mắt anh ngợp trong ánh mặt tha thiết của Dạ Thủy. Trái tim Lê dâng lên những nhịp đập nồng nàn.

 


Ý chuyển công tác về K11 đã được gần hai năm. Công tác văn phòng và phục vụ vất vả hơn lúc trước. Nhiệm vụ của Ý và các thành viên là tải lương thực từ đường 9 về kho dã chiến. Nhiều khi đi kiếm măng, củ nần củ chụp... làm lương thực thực phẩm đón các đoàn về tập huấn. K11 phần đông là nữ. Tinh thần phấn đấu của các cô không thua kém cánh thanh niên. Phấn đấu được kết nạp Đoàn rồi kết nạp vào Đảng bằng nỗ lực tải gạo, vác vũ khí, tải thương binh băng rừng vượt suối. Gian nan nhưng không ai rên la nửa lời. 

Lần đi tải gạo này, Ý dặn Cam.

- Đợt này chị em mình phải cõng nhiều hơn trước nghen!

- Bữa trước 25 giờ 30 kg hả chị ba?

- Ừa! Muốn vô Đoàn là phải ráng!

- Vô Đảng khó hơn chắc phải làm liền liền 40, 50 kg quá!

- Khó mấy chị em mình cũng rán phấn đấu nghe. Bên Đội Bà Rá cũng sắp kết nạp Đoàn cho Tám Hồng rồi đó!

- Dạ chị!

Cam đi nhanh nói nho nhỏ với Ý 

- Chút đến chỗ tập kết chị mở quà anh Hoan gởi, coi ổng gởi cái gì nghen!

- Nhỏ nhỏ cái miệng thôi. Mấy ảnh nghe thấy, méc chủ Tám là bị phê bình kiểm điểm chết luôn đó!

- Em biết rồi! Nhớ nghe! Người ta nôn bắt chết hà!

- Ngộ ghê ha! Của tui, tui chưa nôn, mắc chi nôn giùm tui dữ!

- Chị Ba! Có người yêu sướng thiệt nghe!

Lâu lâu được nhận quà, được nhận thơ!

Ráng qua trận này, chị làm mai cho em nha chị ba!

- Ờ! Há! Sướng ghê vậy đó.

- Ê nhỏ! Hổng cần làm mai đâu, bên C15 đặc công có mấy anh hay qua mình xin lọ nghẹ đó. Ưng ai thì ưng đi!

- Quỉ nè! Chú Tám mà biết là tiêu luôn bao công lao phấn đấu của em à? 

Đầu đoàn người, có tiếng giục:

- Lẹ lẹ lên các đồng chí!

Ý kéo tay Cam:

- Thôi nghe! Không nói chuyện tào lao nữa. Đi lẹ lên kìa!

Địa điểm tập kết nằm sâu trong vùng an toàn của ta. Mọi người nghỉ ngơi. Người tranh thủ xuống suối tắm gội, vài người khác kiếm chỗ nấu cơm. Mỗi lần đi tải gạo lại được đặc cách ăn cơm. Thức ăn chỉ có muối ớt, muối sả. Bữa nào may mắn kiếm thêm được nắm rau rừng nấu nồi canh nữa là được bữa ngon coi như ăn tiệc. 

Chờ lúc mọi người đã vắng, Cam kéo Ý ra gốc cây cách xa một đoạn, lôi trong bồng ra một gói vuông vuông. 

- Hôm qua em gặp nhỏ Tám ở trạm giao liên. Nó nói của anh Hoan gởi cho chị. Nhỏ còn dặn em phải bí mật. 

- Bé Tám bữa nay có mập ra chút nào không?

- Vẫn ốm nhách à!

- Nhỏ Tám dễ thương, lanh lẹ. Nó cưng chị Ba Ý hết sức đó. 

- Chị xinh đẹp, hiền quá trời, ai mà không cưng!

- Thôi thôi! Lẻo hoài à. Mở lẹ coi!

Mở gói ra, hai chị em mắt tròn mắt dẹt thấy hai hộp thịt hộp và bánh xà bông thơm. 

Cam cầm bánh xà bông hít hà 

- Thơm dễ sợ chị Ba ơi!

Chiều nay cho em tắm với nha!

- Đừng có mà khùng! Thơm này mà lan ra, lộ mục tiêu là chết nghen cưng!

Cam lè lưỡi đưa bánh xà bông cho Ý vẻ tiếc rẻ:

- Thơm thiệt là thơm mà không được xài. Thôi để đến khi hoà bình, em sẽ mua toàn xà bông này về tắm, chà cả chân tay cho bõ ghét!

Ý cầm cục xà bông gói vội vô mảnh giấy, sợ mùi thơm lan xa, nói bâng khuâng. 

- Biết đến bao giờ chị em mình mới được tắm gội bằng xà bông thơm nhỉ!

Trong lúc đó, Cam vẫn loay hoay với hai hộp thịt.

- Cách nào khui được ha?

Hay là kêu mấy ảnh khui giùm!

- Thôi đi bà nội! Bộ hổng sợ bị kỉ luật hả?

Mấy ổng mà biết là tiêu thành tích tải gạo nha. Làm kiểm điểm dài dài cho biết!

- Ờ heng! Nhưng không cho mấy ảnh thì hoá ra chị em mình ăn vụng à? 

- Không phải ăn vụng mà là phải ăn bí mật!

- Thôi! Kiếm con dao nậy đi!

- Một hộp thôi nghe! Hộp kia để dành!

Thịt hộp của Mỹ thật thơm ngon. Mùi thơm vị ngon thấm vào từng mạch máu. Cam vừa nhón miếng thịt bỏ vào miệng vừa xuýt xoa:

- Công nhận anh Hoan và mấy ảnh sướng thiệt. Mỗi lần quân Mỹ rút là lại được đi thu chiến lợi phẩm! Chị Ba được đi thu chiến lợi phẩm bao giờ chưa?

- Rồi. Hai lần. 

- Con Tám cũng được mấy lần. Em chưa được đi bao giờ đó!

Đánh Mỹ cho giỏi, nó thua nó rút chạy, vô đồn tha hồ mà thu!

- Chị Ba, có người yêu sướng quá hen! Có chi cũng được chừa phần!

Đang xầm xì thì nghe tiếng gọi:

- Ba Ý, Cam đâu rồi. Chuẩn bị lên đường! 

Đợt tải gạo ấy vượt chỉ tiêu. Cả đội đều an toàn. Ông Tám rất vui, thưởng nóng một chầu cháo cá. Cá do anh em bắt dưới suối, gạo là chính, chỉ pha một ít củ nần. 

Về cơ sở mới được hai tháng, thủ trưởng phân công  Cam, Kiên và Ý đi nhận quân nhu. Ba anh em lên đường. Họ vượt qua bưng sình lầy mới đến địa điểm tập kết. Vừa  lên đến bờ bưng bên kia thì Kiên trúng mìn bị thương vào chân rất nặng. Ý vội lấy băng cá nhân băng bó cho Kiên. Cam và Ý lấy võng cáng Kiên về cứ. Đường rừng, đêm, cây cỏ dây leo lùng bùng vướng víu. Đòn cáng hằn lên vai. Đêm mù mịt. Mưa trơn. Có lúc ngã chúi về phía trước. Hai người khiêng cáng lên cầu tre qua sông. Nước sông mùa mưa chảy ầm ào. Cây cầu nhỏ lắc lư. Hai cô gái vừa bước vừa run. Kiên bị mất nhiều máu, một chân dập nát. Vừa ra đến giữa cầu, địch bắn pháo chụp. Pháo nổ, mảnh rơi quanh. Mảnh đạn rơi xuống nước lũm bũm. Cam sợ hãi. 

- Chết rồi! Biết làm sao đây chị Ba?

- Thả anh xuống! Hai đứa lo chạy núp pháo đi!

Anh Kiên la lên. 

- Đang giữa sông, tụi em thả là anh tiêu luôn đó. Nằm im nghe! - Ý nói như ra lệnh.

- Kệ nó! Ráng lên anh! Sắp tới nơi rồi!

Đạn dữ quá!

- Thây kệ đi! Mình không né được nó đâu!

- Cầu trời phò hộ cho tụi con đưa được thương binh về cứ an toàn. 

- Cầu trời phò hộ! Cầu trời phò hộ!

Ì ạch hồi lâu, Ý và Cam cũng đưa được Kiên về đến cứ. 

Vừa trông thấy ba người, ông Tám đội trưởng K11 vui mừng la lớn:

- Về được rồi! Hên quá! Nghe pháo bắn hướng đó dữ dằn, tao sợ tụi bây tiêu rồi!

Y tá băng bó cho Kiên. Ý và Cam được chị nuôi đưa cho mỗi người một khúc khoai mì. Hai người vừa ăn vừa kể lại tình hình. Ông Tám lắng nghe. Khuôn mặt ông lộ rõ vẻ suy tư. Ông đang tính: Phải làm cách nào để tải được số lương thực bên hậu cần đã báo từ đường 59 về kho. Địch pháo kích và cài mìn khắp nơi. Mấy tháng qua, số người bị thương và hy sinh của ta không ít. K11 đã bị thương 3 người. Hy sinh 2 người. Trên đội Bà Rá cũng năm người hy sinh. 

Nghỉ ngơi được một ngày, ông Tám gọi Ý và Cam giao nhiệm vụ mới. Lần  này nhiệm vụ của K11 là phối hợp với hậu cần Miền chuyển lương thực và nhu yếu phẩm về kho dã chiến. Tổ công tác gồm 5 người, Đẩu làm nhóm trưởng. Cam đeo đồ dùng, Ý đeo bồng đựng hai  kg gạo và một chiếc nồi quân dụng. Trên đường đi nghỉ sẽ nấu cơm ăn. Ba người nam mỗi người một khẩu Cạc bin. Cam và Ý mang AK. Vừa vượt qua khúc cua định băng qua lộ 13 thì đụng địch phục kích. 

- Tản đội hình, tìm cách thoát an toàn!

Đẩu ra lệnh. Ý chạy sau cùng. Bỗng cô nghe phần ngực nhói đau, đưa tay lên sờ thấy máu dính ra bàn tay. Ý biết mình đã bị thương nhưng vẫn ráng hết sức chạy. Cô đuối dần. Ra khỏi ổ phục kích, Đẩu quay lại tìm. Cam đã bị trúng đạn hy sinh tại chỗ. Ý bị thương nặng máu ra nhiều. Đẩu cùng Bổng phải vừa xốc nách kéo Ý đi vừa lăm lăm khẩu súng trong tay phòng vệ. Đạn vẫn bắn như vãi trấu. Bọn lính hò nhau kéo xác Cam phơi ra đường quốc lộ 13. Chúng cắm tấm biển to đề: “Đã tiêu diệt được một nữ Việt cộng”. 

Máu vẫn chảy. Phần  phổi của Ý bị thương cứ thậm thà thậm thụt theo nhịp thở. Mặt Ý tái xanh, hơi thở yếu dần. Hồng gỡ chiếc bát ăn cơm bằng sắt của mình úp vào vết thương cho Ý, lấy dây ràng lại cho chặt. 

- Tao hy sinh tài sản quí nhất cho Ba Ý đó nha! Ráng mà sống!

Đoạn đường về đội phẫu tiền phương còn xa. Đẩu, Hồng thay nhau vừa dìu vừa cõng Ý. 

Bác sĩ Huỳnh cấp cứu cho Ý. Không mấy khi ông gặp người thương binh nào gan lì như Ý. Cô không thể nằm được do vết thương vào phổi. Cô ngồi tựa đầu vào vách lán. Vết thương rộng, nguy hiểm nhưng Ý không rên la. Cô cắn chặt hai hàm răng. Mặt tái nhợt. Mồ hôi đầm  đìa. Viên đạn quái ác xuyên thủng chiếc nồi quân dụng đeo sau lưng vào đến phổi. 

Những ngày nằm viện, Ý nhớ Hoan. Mong được Hoan đến thăm. Nhưng cô không dám hy vọng. Ý biết Hoan không thể nào rời đơn vị được. 

Ý nhớ Cam. Nhớ những lúc hai chị em đi đào củ nần, củ chụp, đi tải gạo, tải thương. Nhớ khi Cam ước được tắm gội bằng xà bông thơm. 

Thương Cam hy sinh bị giặc bêu xác ngoài đường. Phải khó khăn lắm ta mới lấy được xác Cam về mai táng. 

Vết thương nặng, thuốc Tây uống và chích liên tục hai tháng ròng và nỗi nhớ thương Cam làm cho Ý kiệt sức. 

Nhiều đêm, nước mắt Ý ướt nhèm, nhưng cô ráng cắn răng chịu đựng. Cũng may, chế độ ăn uống giành cho thương binh nặng cũng khá, ngoài kháng sinh, Ý còn được uống thêm thuốc bổ nên cô cũng vượt được qua ải tử thần. Ba tháng nằm viện, vết thương đã lành nhưng người Ý gầy yếu xanh xao. 

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.