• dau-title
  • Văn học dân gian
  • cuoi-title

Duyên nợ ba sinh

Thứ sáu - 25/10/2019 22:47

Phật gia giảng rằng tất cả những người mà chúng ta gặp trên cõi đời này đều có duyên nợ từ kiếp trước. Kiếp này gặp được nhau đã là khó, nắm tay nhau để đi hết cuộc đời cho trọn nghĩa vẹn tình lại càng khó hơn. Vậy nên người xưa khuyên sống ở đời phải biết trân quý tình nghĩa; nếu như kiếp này duyên nợ kia vẫn không trả hết, thì hãy khắc cốt ghi xương để trả dần trong ba kiếp khác, gọi là “duyên nợ ba sinh”. 
 
Nhắc đến món nợ ba sinh, người vùng Kinh Bắc có câu: 
 
Đôi ta duyên bén nghĩa tình
Kiếp này không phải ba sinh xin đền
 
Câu “duyên nợ ba sinh” mà người quan họ quê tôi hay nhắc tới là gắn với câu chuyện có thật xảy ra ở vùng sông Tiêu Tương thuộc miền Kinh Bắc xưa. Chuyện rằng: Ngày xưa, có ông quan thừa tướng sinh được người con gái tên là Mỵ Nương, nhan sắc tuyệt trần. Nàng ở cấm cung trong ngôi lầu Tây (chính là đồi Hồng Vân nay gọi là đồi Lim, Huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) cạnh bờ sông Tiêu Tương, gần di tích chùa Tiêu bây giờ. 
 
Bấy giờ có một chàng trai tên là Trương Chi, ngày ngày chèo đò trên sông Tiêu Tương. Chàng ta thường vừa chèo đò vừa hát. Tiếng hát rất hay, khiến cho Mỵ Nương ở trong lầu xao xuyến say mê.
 
Mỵ Nương liền cho gọi anh lái đò lên để xem mặt. Trương Chi đội chiếc nón lá che mất khuôn mặt mình. Mỵ Nương năn nỉ mãi, phải ra lệnh, Trương Chi mới ngả nón ra. Nhưng khi nhìn thấy mặt Trương Chi, Mỵ Nương vỡ mộng, vì Trương Chi xấu xí quê mùa quá. Nàng cho chàng ra về, và từ đó không còn tơ tưởng hình bóng Trương Chi nữa.
 
Trương Chi tủi cho thân phận nghèo hèn của mình. Buồn chán và đau khổ, từ đó chàng không hát nữa. Do không được nghe tiếng hát Trương Chi, Mỵ Nương sinh ra sầu não. Nàng bồn chồn trông đợi. Tiếng hát vẫn vắng lặng và nàng bắt đầu đau ốm. 
 
Thừa tướng cho mời các lương y đến xem mạch, bốc thuốc. Một ông thầy đã đoán ra bệnh tình của Mỵ Nương và khuyên thừa tướng cho gọi anh lái đò Trương Chi đến. Trớ trêu thay, ông thầy nói rằng nếu Mỵ Nương muốn khỏi được bệnh, thì phải uống thuốc do chính tay chàng Trương Chi sắc. Hỏi rằng, nếu không phải do duyên nghiệp kiếp trước thì sao sự tình lại trớ trêu đến thế này? 
 
Bất kể những chuyện buồn xảy ra trước đó với Mỵ Nương, chàng Trương Chi vẫn không quản ngại, chàng vui vẻ nhận lời sắc thuốc cứu người. Có điều lúc nào chàng cũng đội nón che mặt để tránh Mỵ Nương nhìn thấy lại buồn thêm. 
 
Ông bà Thừa tướng cũng không cho con gái biết ai là người sắc thuốc ở ngoài kia. Cứ như vậy, thuốc uống bao nhiêu thang cũng bằng thừa.  Đã có lúc Trương Chi gần như muốn buông bỏ còn Ông bà Thừa tướng thì lo lắm.  Rồi một hôm, Trương Chi buồn quá, đành hát một câu, và ngay sau khi chàng hát, nàng Mỵ Nương khỏi bệnh. Nhưng nợ tình đâu phải muốn là trả được ngay. Thay vì cảm ơn người sắc thuốc cứu con mình, ông bà Thừa tướng lại lấy ba lạng vàng mà trả công cho ông thầy thuốc và đuổi chàng Trương Chi đi. Âu cũng là dễ hiểu vì họ chẳng thích cái cái sự quê mùa xấu xí của chàng Trương. Vả lại, họ sợ nếu Mỵ Nương biết chuyện sẽ đem lòng thương yêu chàng vì ơn cứu mạng. 
 
Chàng Trương buồn rầu quay về bến đò xưa. Nghĩ đến thân phận nghèo hèn của mình và cái kết mung lung về mối duyên tình với nàng Mỵ Nương, chàng đã nhảy xuống sông tự vẫn. Song cái chết của chàng Trương Chi vẫn chưa phải là dấu hết của câu chuyện một duyên, hai nợ, ba tình. Hồn chàng sau đó đã nhập vào một cây bạch đàn. Thừa tướng mua được cây bạch đàn quý đó, truyền sai người tiện gỗ làm một bộ ấm chén. Nhân hôm hai cha con đang vui vẻ, thừa tướng truyền pha trà bằng bộ ấm chén quý mới tiện xong. Không ngờ, cứ cầm đến cái chén là Mỵ Nương lại thấy bóng hình Trương Chi hiện lên, chèo thuyền và hát. Đến lúc này, Mỵ Nương mới nhận ra rằng Trương Chi chính là người tình của mình kiếp trước, kiếp này đến để trả nợ tình, song vì cuộc sống lầu son gác tía kia đã mê hoặc khiến nàng vô tình làm cho chàng phải đau khổ mà đi đến cái chết. Nàng khóc, giọt nước mắt của nàng rơi vào chén nước, lập tức người chèo thuyền và con thuyền cũng biến mất. Có lẽ giọt nước mắt của nàng đã an ủi chàng, rằng họ đã nhận ra nhau nên hình bóng chàng và chiếc thuyền kia đã tan biến đi. Chàng Trương đã ra đi nhưng duyên nợ giữa hai người thì chắc phải chờ đợi đến các kiếp sau mới trả được. 
 
Ngày nay ở vùng Tiên Du thuộc tỉnh Bắc Ninh, trai gái hàng năm vẫn hẹn nhau ở đồi Lim, tương truyền là nơi bến sông có chàng Trương Chi và cô Mỵ Nương ngày xưa, để hát những câu quan họ thiết tha, như nhắn nhủ rằng” đời người trân quý cái nghĩa cái tình, nếu đã có duyên gặp gỡ ở đời này kiếp này thì cần phải sống sao cho trọn nghĩa vẹn tình để khi nhắm mắt lìa đời, không phải ôm mãi mối nợ nghiệp truyền từ kiếp này sang kiếp sau nữa. Có thơ rằng:
 
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thật hay
Cô Mỵ Nương người ở Lầu Tây
Con quan Thừa Tướng ngày rày cấm cung
Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
Đêm thanh chàng hát một câu
Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
Anh Trương Chi bèn trở ra về
Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
"Kiếp này đã lỡ duyên nhau
Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành !"
Cô Mỵ Nương tư lự thất tình
Kém nhan sắc trước, sút võ hình hơn xưa
Kém trang điểm, kém bữa ăn trưa
Kém ăn, kém ngủ cô thẫn thờ chẳng yên
Thất tình bệnh phát liên miên
Ông bà Thừa Tướng lo đêm lo ngày
Truyền mời đến một ông thầy
Ông thầy bắt mạch đoán ngay sự tình
Bệnh này duyên nợ ba sinh
Tương tư ắt có cầu tình với ai
 Bệnh này nếu muốn khỏi ngay
Truyền người xuống bến gọi ngay anh lái đò
Nhờ chàng sắc thuốc hộ cho
Chàng mà sắc thuốc tựa hồ thuốc tiên
Anh Trương Chi ở dưới đò lên
Quạt lò sắc thuốc anh ở bên cạnh lầu
Ngồi buồn anh hát một câu
Cô Mỵ Nương giải cơn sầu như không
Mười phần đổ bệnh xuống sông
Lấy vàng ba lạng mà thưởng công cho ông thầy
Anh Trương Chi trở xuống đò ngay
Cắm sào cho chặt anh nhảy rày xuống sông
Xác thời trôi ở giữa dòng
Hồn thời mới nhập vào trong cây bạch đàn
Đến khi Thừa tướng thăng quan
Mua được cây gỗ bạch đàn quý thay
Gỗ thời để đã lâu ngày
Truyền gọi thợ khéo tiện ngay bộ chén chè
Xong rồi quạt nước màn the
Cha con mang bộ chén chè uống chơi
Không cầm đến chén thì thôi
Hễ cầm đến chén lại thấy người hò khoan
Cô Mỵ Nương đau đớn can tràng
Hạt châu rơi xuống vỡ tan thuyền tình!
 
Tuấn Khanh

Từ khóa: duyên nợ

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.