- Văn học dân gian
Thực tế và Thực tiễn
Thứ ba - 15/11/2022 07:51
(Ảnh: Đặng Văn Tôn)
THỰC TẾ VÀ THỰC TIỄN
(Dương Chính Chức)
"Thực tế" và "thực tiễn" là hai từ hay bị dùng lẫn, sai và đại đa số là do không hiểu được ý nghĩa của nó là gì.
1. Thực tế (實际, 실제) là sự thật khách quan đang diễn ra trong một khung cảnh nào đó. Thực (實) là sự thực, Tế (际) là đang diễn ra. Tức là cái đang thực sự diễn ra.
Ví dụ:
- Yêu, về lý thuyết thì đẹp lắm, nhưng về thực tế thì rất phũ phàng (tức là phũ phàng là cái đang diễn ra, không đẹp như ta nghĩ).
- Luyện bắt đạn bằng tay không là một ý tưởng phi thực tế (tức là trong cuộc sống không thể tồn tại cái việc đó).
2. Thực tiễn (實踐, 실천) là sự thật chủ quan, được diễn ra, xảy ra do ý chí chủ quan của ai đó, để chứng minh một lý thuyết nào đó. Ta hiểu đơn giản là "quá trình thực hành" lý thuyết, chủ trương. Thực (實) là sự thực, Tiễn (踐) là trải qua, dẫm, đạp qua. Tức là sự thực hành đã diễn ra.
Ví dụ:
- Tổng kết 30 năm thực tiễn chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai trong quan hệ đối ngoại (tức là 30 năm trước đề ra chủ trương "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" và trong 30 năm qua thực hiện nó).
- Đưa lý luận, chính sách vào thực tiễn cuộc sống (tức là áp dụng chủ trương đó vào cuộc sống).
- Kinh nghiệm thực tiễn (kinh nghiệm đạt được qua thực hành).
3. Đôi khi, Thực tiễn và Thực tế đều có 1 nghĩa là thực dụng, nhưng hàm ý có phần khác nhau.
- Anh ấy sống thực tế: tức là sống thực dụng.
- Ngôi nhà ấm cúng và thực tiễn: thực tiễn ở đây cũng là ý thực dụng, có giá trị sử dụng hợp lý.
4. Thực tiễn, phần nào đó là cách để chứng minh cái gì đó phù hợp với Thực tế.
- Càng tiếp cận gần với Đạo Phật là càng tiếp cận với thực tiễn cuộc sống. Tức là càng tiếp cận với việc chứng minh cái ta làm, cách ta sống là phù hợp với thực tế.
5. Vài thí dụ dễ nhầm.
- Anh ta là kẻ sống thực tế <-> Anh ta là kẻ sống thực tiễn.
Ở đây, sống thực tế là sống với những gì đang diễn ra, xử lý mọi thứ theo những gì đang diễn ra, không kỳ vọng cao xa, không mơ tưởng. Sống thực tiễn là sống không chỉ bằng lý luận, lý thuyết, ý tưởng mà cụ thể hóa thực hành những điều ấy vào cuộc sống. Tôi sẽ sống lương thiện tức là mọi sự, mọi hành vi, mọi suy nghĩ sẽ đều phải lương thiện. Sống biến khu dân cư thành khu an ninh, an toàn là quá trình sống và áp dụng mọi biện pháp để biến khu đó thành an toàn, an ninh.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một thí dụ tiêu biểu về thực tiễn hóa chủ trương Phật giáo nhập thế, tức là mỗi việc, mỗi suy nghĩ thiền sư làm đều là cụ thể hóa chủ trương ấy.
- Thực tế chứng minh < -> thực tiễn chứng minh
Thực tế chứng minh là cái khách quan diễn ra nó chứng minh, còn thực tiễn chứng minh là kết quả thực hành, áp dụng chứng minh. Thế nên, khi chứng tỏ cái quy trình, lý luận, Đề tài, hay phát minh nào đó đúng, phù hợp thì người ta hay dùng kết quả thực tiễn để chứng minh.
- Giá trị thực tế <-> giá trị thực tiễn
Giá trị thực tế là giá trị phù hợp với cuộc sống hiện tại đang diễn ra, hoặc là giá trị khách quan mà nó có. Giá trị thực tiễn là giá trị đưa cái gì đó về thực tế, hay sát với thực tế.
* Tóm lại, sống phi thực tế là sống mơ mộng, viễn vông. Còn sống phi thực tiễn là sống sách vở, giáo điều.
Lý do và Nguyên nhân là 2 từ rất hay bị dùng nhầm. Nhầm không phải do nhỡ, mà là do không phân biệt được.
Lý do (理由) là căn cứ, cơ sở mang tính chủ quan của chủ thể sự việc, dẫn đến kết quả, kết luận, quyết định, còn Nguyên nhân (原因) là yếu tố khách quan, là gốc rễ tạo ra sự thay đổi của chủ thể sự việc đấy.
Ví dụ:
- Lý do cô ấy tham gia thi hoa hậu là để chứng minh nhan sắc, trí tuệ của mình. Nguyên nhân cô ấy trở thành hoa hậu là vì cô ấy đẹp và thông minh.
- Lý do em yêu anh là bởi em thấy anh menly. Nguyên nhân em bỏ anh là vì anh không menly như em nghĩ.
- Lý do anh ta nhảy cầu tự tử vì cảm thấy quẫn bức, chán sống. Nguyên nhân khiến anh ta chết do bị sặc nước.
Đấy. Thế nên chỉ có lý do Nông Thúy Hằng tham gia thi hoa hậu chứ không có lý do Nông Thúy Hằng trở thành hoa hậu (đâu phải muốn thành là thành). Chỉ có nguyên nhân cô ấy trở thành hoa hậu thôi.