- Văn học dân gian
Trầu trong văn hóa quan họ
Thứ sáu - 08/11/2019 14:54
Trầu trong văn hóa quan họ
Trầu là một phần quan trọng trong văn hóa quan họ. Mỗi khi đi chơi, người quan họ bao giờ cũng mang theo cơi trầu làm lễ nghĩa. Với người quan họ, trầu không phải là món ăn, mà nó là biểu trưng của tấm lòng của người đi chơi. Trầu được nâng niu, sửa soạn, trân trọng, khuyên mời như là một thủ tục đầu tiên mở đầu cho mỗi câu chuyện. Nhìn vào miếng trầu người ta thấy được cái tình, cái nghĩa, cái tâm của người mời.
Người quan họ học cách têm trầu trước khi học hát. Ấy thế mà chẳng phải ai cũng biết têm trầu. Người sửa cơi trầu phải là người khéo léo, biết chọn trầu, chọn vỏ, chọn cau, rồi dọc, tỉa, têm, trang trí sao cho miếng trầu thanh lịch, tươi ngon, hương thơm vị đậm. Nếu không khéo thì miếng trầu có thể quá cay, quá nồng, cũng có thể nhạt nhẽo, các hương vị không quyện nhau, màu không được đỏ.
Trầu xanh, cau trắng, chay hồng
Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên
Trình tự khi vào một canh hát của người quan họ bao giờ cũng trải qua ca mời nước, mời giầu, rồi qua thử thách các giọng cổ lề lối có tính chất như vòng loại nhưng không chính thức. Các giọng lề lối thường rất khó ca, giai điệu lắt lẻo, lòng vòng như thử thách bề dày kinh nghiệm của người hát. Lúc này thì miếng giầu nhai đã thấm, nên các liền anh liền chị lúc đầu say trầu, rồi sau mới lên câu ngả giọng ngọt ngào được. Những đôi hát nào qua được chặng này mới được mời ca tiếp chặng sau.
Từ khi ăn phải miếng trầu
Dạ ăn môi đỏ dạ sầu tương tư
Ai về em gửi bức thư
Trên ngăn chữ mực dưới đè chữ son
(Từ khi ăn phải miếng giầu – DCQHBN)
Miếng trầu, cơi trầu xuất hiện trong rất nhiều câu hát cổ. Nó giúp người quan họ nói lên nỗi niềm, cung bậc tình cảm của mình. Trong văn hóa quan họ, miếng trầu có tâm hồn, biết nói, biết ca, biết hờn biết giận. Trầu chẳng những để làm quen, mà còn là chất keo sơn gắn kết nghĩa trăm năm của người quan họ. Người quan họ nói ăn một miếng giầu để lấy duyên.
Mời người xơi miếng giầu này
Dù mặn dù nhạt dù cay dù nồng
Dù chẳng nên điệu vợ chồng
Không ăn cầm lấy kẻo lòng sầu bi
(Mụ quán bán hàng – DCQHBN)
Ngày nay, tuổi trẻ vùng Kinh Bắc không có mấy người nghiện trầu nữa. Chỉ khi thoảng lúc vào đám hội vui thì người ta nhai một đôi miếng để làm duyên thôi. Thế nhưng trầu vẫn không thể thiếu được ở những đám hội đám hát như một nét văn hóa riêng của người quan họ.
Người ơi ở lại xơi giầu
Tham nơi phú quý bỏ nhau sao đành?
(Ngắt lá giầu xanh – DCQHBN)
Tuấn Khanh