• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Quan niệm và thái độ đối với vấn đề cổ học

Chủ nhật - 01/05/2022 21:44


(Ảnh: Lê Thu)


QUAN NIỆM VÀ THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ CỔ HỌC

(Tác giả: Lê Quang Tuệ)

    

Trước hết, khái niệm “cổ” là tất cả những gì đã thuộc về quá khứ xa xưa. Tuỳ theo mức độ xa xưa đến đâu, mà người ta chia ra làm: Cổ, trung cổ, viễn cổ hay thái cổ. Mà thái cổ là xa xưa nhất. 

     

Và do vậy, đương nhiên cổ học là những tư tưởng, quan niệm của cổ nhân các thời đại đó, về những vấn đề tự nhiên, xã hội và nhân sinh. 

    

Những tư tưởng quan niệm đó còn lại đến ngày nay, nghĩa là đã chịu sự chà xát, thử thách khốc liệt của thời gian, với quy luật đào thải và sự chiêm nghiệm, chọn lọc của hàng ngàn, hàng vạn thế hệ con người.

     

Do vậy  không thể xem thường được. 

    

Tuy nhiên, gần đây do xu thế thời đại, những vấn đề cổ học đang được quan tâm đặc biệt, được đào xới, khai thác ở nhiều lĩnh vực, khía cạnh khác nhau. 

     

Từ việc phục hồi các giá trị văn hoá cũ, các lễ hội truyền thống. Đến việc nghiên cứu Dịch học, tìm hiểu hệ thống các quan niệm về nhân tướng học, chiêm tinh học, tử vi, địa lý, phong thủy và cả bốc dịch, bói toán nữa ... 

     

Sự quan tâm ấy, đang diễn ra với hai xu hướng đối nghịch nhau: Hoài cổ và bác cổ. 

     

Những người hoài cổ, sùng cổ, xem tất cả những gì thuộc về cổ học là anh hoa, tinh tuý, đáng trân trọng nhất. Là hoàn thiện, hoàn mỹ như “chân lý tuyệt đối” vậy. 

     

Đối với họ, cổ học không có vấn đề lỗi thời, lạc hậu. Không cần tranh luận, bàn cãi, phân tích, bổ sung chi hết. Chỉ có tuân theo, học theo và ứng dụng triệt để mà thôi.

     

Những người có tư tưởng bác cổ, thì ngược lại hoàn toàn.

     

Họ nghi ngờ những giá trị cổ học. Thậm chí không thừa nhận, phủ định những giá trị đó. Coi nó chỉ có giá trị lịch sử nhất thời, trong một giai đoạn cụ thể và đã lỗi thời, lạc hậu, vô nghĩa lý, cần bác bỏ. Là phản lực, cản trở sự phát triển của khoa học hiện đại. 

   

 (Đấy là chưa kể người không học, chẳng đủ kiến thức và tư duy để “sùng cổ” hoặc “bác cổ”, mà chỉ đơn thuần là đám thầy bói dốt nát, kiếm ăn bằng cổ học với sự ngu dốt của những người còn ngu dốt hơn họ)

     

Cả hai thái độ trên, không hoàn toàn vô căn cứ, nhưng đều không đầy đủ và thiếu khoa học. 

     

Thái độ “sùng cổ quá đáng” hay “bác cổ triệt để” đều phiến diện, hồ đồ, võ đoán như nhau. Và tác hại, thì chưa biết cái nào hơn. 

     

Chúng ta ai cũng biết rằng, sự phát triển của tư tưởng nhân loại - hay khoa học cũng vậy, là con đường đầy gian nan để tiệm cận chân lý. Nghĩa là để từng bước tiến dần đến chân lý hơn. Cái sau nương dựa vào cái trước để tồn tại, rồi lại phủ định cái trước để phát triển. 

     

Bởi vậy, mỗi cái phải có giá trị đích thực của nó, để làm chức năng nương dựa, tồn tại hoặc phủ định, phát triển.

     

Cái cũ nào cũng từng là cái mới và cái mới nào rồi chẳng cũ ?!

    

Nhưng có cái cũ thành cổ hủ, lạc hậu. Có cái cũ thành cổ điển, tinh hoa. 

     

Và chính cái tinh hoa cổ điển ấy, mới đích thực là cổ học tinh túy, có giá trị trường tồn qua mọi thời đại.

     

Cũng như, không phải bất cứ cái gì của hiện tại cũng đều là tiên tiến, hiện đại cả. Có cái thành lạc hậu, lỗi thời, ngay khi nó vừa mới ra đời. Và tất nhiên, nó sẽ nhanh chóng bị đào thải, mà chẳng bao giờ có cơ hội để trở thành cổ cả.

     

Vậy, thái độ cần có với những vấn đề cổ học như thế nào là đúng mực và khoa học ?

     

Theo quy luật tiến hoá của tự nhiên và vạn vật. Khoa học cũng phát triển từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ bất hoàn thiện đến hoàn thiện.

     

Những tư tưởng khoa học đó, dù đơn giản, thô sơ, hay phức tạp, tinh túy, sâu sắc đến đâu, cũng đều xuất phát từ thực tế khách quan. Mà thực tế khách quan thì vô cùng  phong phú và luôn luôn biến động (tất nhiên có quy luật của nó).

     

Chính vì thế, thái độ đầu tiên cần có, đối với những vấn đề cổ học còn lại đến ngày nay là:

     

Phải thừa nhận đó là một thực tế khách quan và phải coi đó là đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu. Để tìm ra cái cần bổ sung hoặc loại trừ, cần duy trì ứng dụng hay bác bỏ... 

     

Mà cái đó lại tùy thuộc hoàn toàn vào khả năng, trình độ và phương pháp tư duy, nghiên cứu ở mỗi con người. 

     

Ngày nay, chúng ta may mắn hơn cổ nhân là, được “đứng trên vai người khổng lồ”(*), được thừa hưởng một hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh mà nhân loại đã tích luỹ, tổng kết được từ thực tiễn cuộc sống hàng ngàn năm. Từ đó soi rọi vào thực tiễn, rồi trở lại bổ sung cho lý thuyết, làm cho hệ thống lý luận ngày càng hoàn chỉnh hơn. Và do vậy, lại tiếp tục có thêm phương tiện hữu hiệu hơn để nghiên cứu sâu sắc bản chất của sự vật. 

     

Hay nói cách khác, chúng ta có phương tiện để đi thẳng từ hiện tượng vào bản chất, rồi từ đó mà loại trừ hoặc dung nạp các hiện tượng. Nghiên cứu hiện tượng trong mối quan hệ biện chứng với bản chất, để bổ sung hoàn thiện lý luận. 

    

Đó là con đường tuyệt vời để đi từ hiện tượng đến bản chất, rồi lại từ bản chất giải thích hiện tượng, để cuối cùng trở về bổ sung khẳng định cho bản chất, có cơ sở khách quan, thực tiễn và khoa học. 

     

Vì vậy, hệ thống lý luận cơ bản ngày càng hoàn thiện hơn. 

     

Người xưa chưa có phương tiện ấy, hoặc nếu có, cũng còn hết sức thô sơ. Họ đơn giản đi từ hiện tượng đến bản chất và dừng lại ở đó, chỉ đơn thuần là kinh nghiệm. 

     

Những kinh nghiệm quan sát được bằng trực quan đơn giản. Nhưng không thể vì vậy mà chúng ta có thể xem thường. Bởi kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn khách quan – dù chưa được phân tích đánh giá, thực nghiệm đầy đủ và khoa học. 

    

Điều đó không thể đòi hỏi ở cổ nhân, những người sống trước chúng ta hàng thế kỷ, hàng thiên niên kỷ được. 

     

Do vậy, thái độ và nghĩa vụ của chúng ta là, phải trân trọng những kinh nghiệm đó. Phải coi đó là đối tượng cần được nghiên cứu nghiêm túc và khoa học.

    

Với tinh thần “ôn cố tri tân” để trước hết, không phụ cái tình của cổ nhân và để được xứng đáng làm người kế tục, “đứng trên vai người khổng lồ” làm động lực thúc đẩy xã hội phát triển, theo quy luật tiến hoá của nhân loại.

     

Để hiểu đấy đủ và sâu sắc thêm vấn đề này, chúng ta hãy thử hình dung: 

     

Do yêu cầu cuộc sống và lao động, bằng kinh nghiệm quan sát những hiện tượng lặp đi lặp lại trong tự nhiên, người xưa đã phát hiện ra rằng: 


     “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,

     Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”


 Đó là một hiện tượng tự nhiên có thật, mà ngày nay chúng ta còn thấy được. 


a mình, họ liên tưởng đến mối quan hệ trực tiếp giữa con chuồn chuồn và hiện tượng nắng mưa. Mà không biết được rằng, giữa hai hiện tượng tự nhiên đơn lẻ ấy, có mối quan hệ hệ biện chứng là thời tiết và đời sống sinh thái con chuồn chuồn. 


Đó mới là bản chất của vấn đề trời sẽ mưa hay nắng, mà con chuồn chuồn chỉ là hiện tượng phản ánh mà thôi. 


Do vậy, họ ngỡ con chuồn chuồn kia linh thiêng, có thể bay cao thấp mà tạo ra mưa nắng. Nên khi cần nắng mưa, họ đã cầu cứu con chuồn chuồn như một vị thần linh. 


Đó là một trong những hình thức của “tô tem giáo” như tục thờ cúng thần núi, thần sông, thần sấm sét vậy... 


Còn chúng ta ngày nay, bằng những tri thức tích lũy được, với một hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh, đã được kiểm nghiệm. Biết rõ đời sống sinh thái con chuồn chuồn. Là sinh vật gì? Thuộc loại máu nóng hay lạnh? Thân nhiệt bao nhiêu? Thích ứng đời sống tự nhiên với nhiệt độ, thời tiết, áp suất thế nào là phù hợp...? 


Nghĩa là, ta biết rõ mối quan hệ bản chất, biện chứng giữa con chuồn chuồn và hiện tượng trời mưa nắng.


Hay nói cách khác: Biết rõ thời tiết thay đổi, áp suất thay đổi, nên con chuồn chuồn phải thích ứng tự nhiên mà bay thấp hay cao. Mà thời tiết, áp suất là triệu chứng và cũng là nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng trời sẽ mưa hay nắng.


Nhưng! Như thế đã đủ chưa? 


Nếu chỉ căn cứ vào lý luận đơn thuần, ta đã có thể ngỡ rằng, quan niệm đó là đúng đắn và kết luận đó là khoa học.


Xin thưa: Chưa!


Chúng ta đã vấp một sai lầm thô thiển, mà nghiệm trọng không thể tha thứ được, là: Bỏ qua thực tiễn. 


Mà thực tiễn khách quan thì vô cùng phong phú và luôn luôn biến động, như đã nói ở trên. 


Một trong những quy luật khách quan ấy là: Để tồn tại và phát triển, mọi sinh vật đều tìm tới “cái lợi lớn nhất” và “cái hại nhỏ nhất”. 


Đó là một quy luật phổ biến và bất biến!


Nếu không tìm được cái lợi lớn nhất mới chấp nhận sự “bằng cẳng”, nghĩa là tìm tới cái lợi nhỏ hơn có thể, hoặc không lợi không hại. Nếu cũng không thể, mà chỉ còn toàn cái bất lợi, thì tất nhiên sẽ tìm tới cái bất lợi nhỏ nhất (cái hại nhỏ nhất). Nếu cuối cùng cũng không thể được nữa, thì đó là... “chọn lọc tự nhiên”.


Cũng vậy, lẽ ra ngày mai trời nắng, con chuồn chuồn phải bay cao hơn mới dễ chịu, có lợi nhất. Nhưng vì lý do nào đó, ở không gian ấy đột nhiên xuất hiện loài sinh vật mạnh hơn, có thể tiêu diệt chuồn chuồn. “Thà khó chịu hơn là chết” tất nhiên, chuồn chuồn phải hạ độ cao, để duy trì sự sống theo quy luật sinh tồn.


Hoặc ngày mai trời sẽ mưa, lẽ ra phải bay thấp mới thích hợp. Nhưng ở không gian ấy, xuất hiện những yếu tố bất lợi cho sự sống, buộc chuồn chuồn phải bay lên cao chọn cái “hại nhỏ nhất” thì sao?


Còn vô vàn những tác động khách quan nữa... 


Nếu chúng ta chỉ căn cứ vào một vài hiện tượng đơn lẻ, với một mớ lý luận sách vở, mà vô tình bỏ qua những yếu tố thực tiễn tác động đến sự vật, hiện tượng, thì hệ quả sẽ thế nào chắc ai cũng rõ.


Thêm một ví dụ nữa:


Trong nhân tướng học cổ, có câu:

“Tay không mà chẳng có văn

Mình to đầu nhỏ kiếm ăn được nào”


Chưa bàn đến vế thứ hai, câu thứ nhất được giải thích đại khái là: Những người có bàn tay chai lỳ, nhẵn nhụi, khô cứng, thô ráp, không có nhiều đường vân là những người được sinh ra để sống cuộc đời lam lũ, lầm than. Không thể là “văn nhân tài tử” có cuộc sống thanh nhàn, sung túc được. 


Thật ra hoàn toàn không phải thế. Đó là sự lầm lẫn, quy chiếu lộn ngược bản chất và hiện tượng. 


Do đơn thuần quan sát hiện tượng rồi quy ra bản chất, mà không biết rằng: Bản chất mới quyết định hiện tượng.


Bởi quan sát trực quan đơn giản, người ta chỉ thấy rằng: Người nào có bàn tay “kiểu đó” thì cuộc sống “kiểu đó”. Mà không biết rằng “cuộc sống kiểu đó” khắc hệ quả sẽ là “bàn tay kiểu đó”.


Người lao động lam lũ tất bàn tay phải chai sần, chứ không phải bàn tay chai sần là nguyên nhân khiến cuộc đời lam lũ. Mà đôi khi ngược lại, bàn tay chai sần khiến cuộc đời thoát lam lũ: do cần mẫn lao động mà đổi đời, ở những người có chí vậy. 


Nếu đi từ mối quan hệ bản chất và hiện tượng rồi trở lại khẳng định bản chất như đã nói ở trên, sẽ không thể có sai lầm đó. Không trách người xưa được.


Từ những ví dụ giản đơn trên, chúng ta có thể tạm rút ra kết luận:


Trước bất cứ hiện tượng sự vật nào, không kể cổ học hay hiện đại (vì hiện đại ngày nay sẽ thành cổ học ngày mai) phải có thái độ cẩn trọng, nghiêm túc và khoa học. Càng cổ bao nhiêu lại càng phải thận trọng, nghiêm túc bấy nhiêu. 


Phải coi đó là đối tượng cần được nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện. Nghiên cứu kỹ càng từng sự vật, hiện tượng. So sánh, tổng kết, chiêm nghiệm, thực nghiệm đầy đủ, có căn cứ, cơ sở mới mong có thể hiểu được phần nào bản chất sự vật. Tìm ra được những điều khả dụng và bất khả dụng. Những điều cần bổ sung, duy trì, ứng dụng hay bác bỏ.


Không thể hồ đồ, tùy tiện, sùng tín hay bác bỏ được.


Đó là thái độ khoa học, đúng đắn nhất.


Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, tinh hoa cổ học nhân loại phần lớn đều xuất phát từ các nền văn minh cổ: Trung quốc, Ấn độ, Lưỡng hà, Ai cập, Hy- La... Mà ở những quốc gia dân tộc ấy, hoặc các nước chịu ảnh hưởng của họ, phần lớn đều có hệ ngôn ngữ và văn tự phát triển tương đối hệ thống, tuần tự. Nên việc họ dùng ngôn ngữ hiện tại của mình để nghiên cứu cổ học dễ dàng, thuận lợi hơn.


Còn chúng ta, do điều kiện lịch sử phức tạp, chịu ảnh hưởng lâu dài của văn minh Trung Hoa - nhất là về văn tự - đã sử dụng văn tự Hán (kể cả văn tự Nôm cũng xuất phát từ gốc Hán) cho mãi đến cuối thế kỷ XIX. 


Chữ quốc ngữ, mới thực sự thịnh hành từ những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đã nhanh chóng chiếm được vị trí độc tôn, với những lợi thế tuyệt đối của nó trong thời đại ngày nay. 


Tuy nhiên, những vấn đề cổ học, lại hoàn toàn không nằm trong hệ thống văn tự đó. Và do vậy, đương nhiên không thể chỉ dùng quốc ngữ ngày nay để nghiên cứu mà sâu sắc, triệt để, toàn diện được. 


Muốn nghiên cứu những vấn đề cổ học sâu sắc, có hiệu qủa khoa học, nhất thiết cần phải có kiến thức Hán - Nôm. 


Kiến thức Hán - Nôm càng vững vàng sâu sắc bao nhiêu, càng có điều kiện để nghiên cứu cổ học uyên thâm, sâu sắc bấy nhiêu. 


Đó là một chân lý!


Đó còn là phương tiện thiết thực, không thể thiếu với người nghiên cứu cổ học. 


Và do vậy, nhân đây, cũng thành thật khuyến cáo các vị có tâm huyết và tham vọng nghiên cứu những vấn đề cổ học. Hãy trang bị phương tiện, trước khi quyết định tấn công vào tòa lâu đài đầy bí ẩn và vô cùng hấp dẫn đó. 


Hoặc vui lòng làm người sưu tầm, lưu trữ và chiêm ngưỡng “kính nhi viễn chi” vậy!


Nếu không, sẽ chỉ là  “cưỡi ngựa xem hoa”, mà hậu quả có thể là vô ích hay tai hại nữa.


Đó là lời thành thật và thiện chí!


Người xưa có câu: 

“Bất tri nhi ngôn giả – ác

Thiện tri nhi bất ngôn giả – hiểm”

*Dịch:

     Người không biết mà nói bừa là: ác.

     Người biết rõ mà không nói là: hiểm. 

     Đó là lời khuyên thật đạt tình thấu lý!


LQT

Hà My - 4.2019

Trích: "Phiếm luận: ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM"

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.