• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ (II)

Thứ ba - 02/02/2021 16:10


(Ảnh: Pexels)


Tiếp theo


Một dị bản vốn gốc từ thần tích kể rằng: Trương Ba là nho sĩ người đời nhà Lý, ở làng Liên Hạ (Hải-Dương). Trương Ba ở đây không đánh cờ với Kỵ Như mà thường đánh với Trang Ứng Long vốn là bạn cờ. Trong truyện cũng có việc quan thử thách để tìm ra chân lý. Người chết sống lại cũng không mổ được lợn, nhưng lại làm được thơ phú thao thao bất tuyệt, và khi người bạn cờ Trang Ứng Long cùng đánh một ván, thì ông này nhận ra ngay đó chỉ có thể là Trương Ba.


Đoạn kết chuyện còn kể: vì thấy vợ người hàng thịt khóc lóc thảm thiết nên Trương Ba tái sinh đã bàn với vợ và khi được vợ ưng thuận, anh ta lấy luôn người đàn bà kia làm vợ lẽ.


Trung-quốc cũng có truyện "Xác công tử, hồn ông sư":


Một ông sư ở chùa Vạn Phúc tu hành đắc đạo, tuổi hơn 80 mới chết. Hồn sư đi vơ vẩn gặp một công tử con nhà quan đi săn cùng 10 người hầu, bất thình lình ngã ngựa chết. Hồn sư nhập vào xác mới làm cho xác sống lại. Bọn người hầu tưởng chủ tỉnh lại, chạy tới chăm sóc, nhưng sư ta trừng mắt hỏi: - "Làm sao ta lại ở đây?". Người ta đưa về nhà công tử. Ai đến thăm cũng niệm: - "Nam mô a di đà Phật, làm sao ta lại đến đây?". Người ta đưa cơm cho thì ăn, còn thịt thì không đụng đến. Đêm ngủ một mình, hễ thấy bóng đàn bà đến gần là chạy. Cả nhà ngạc nhiên tưởng công tử hóa điên.


Được ba ngày sau, sư ta đi bách bộ ra ngoài hỏi thăm chùa Vạn-Phúc, tìm đến, nói mình vốn là hòa thượng ở chùa này. Các sư tiểu trong chùa cho là nói đùa, nhưng sư ta kể lại mọi việc đều phù hợp. Cuối cùng ở lại chùa tu hành như cũ.


Gần đây, người ta đã có những khảo cứu và biết cụ thể hơn. 


Bối cảnh của giai thoại được cho là ở Thôn Liêu Hạ, Xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên. Giai thoại này được Cụ Trần Quốc Chính là một nhà thư pháp và học giả uyên thâm biên soạn lại thành một cuốn sách có tên: "Dấu ấn làng Đình Sơn", xuất bản 2011. Năm 2012 Đài Truyền hình Tỉnh Hưng Yên đã tổ chức làm phóng sự để nghiên cứu khu di tích này.


Như vậy, nếu chúng ta tin những chuyện tâm linh, chuyện vong hồn nhập xác có thật thì đây không phải là mê tín. Bởi vì nó huyền hoặc và không xảy ra phổ biến cũng không dùng những kiến thức hàng ngày để giải thích được nên ta cho nó là cổ tích và dùng cả một chuyên ngành nghiên cứu nó  là folklore (phôn-clo) để tìm các ý nghĩa ẩn dụ của các hình tượng huyền hoặc. 


Câu chuyện trên cho ta thấy có thế giới của người trần và thế giới của Thần. Ta gọi là "trần thế" và "cõi trên, cõi trời". Rõ ràng vị Tiên Đế Thích có khả năng đánh cờ siêu phàm. Người trần dù nổi tiếng đến mức nhất nhì như Trương Ba hoặc  Kỵ Như từ Trung Quốc sang cũng không thể là địch thủ của ông Tiên Cờ này được. 


Giữa Thần và người là có sự cách biệt về tầng thứ. Cụ thể là không gian, thời gian họ khác nhau cho nên sinh mệnh Thần và Người là thuộc cảnh giới khác. Do đó khả năng của Thần luôn hơn hẳn người. 


Thế nhưng, tiêu chuẩn giá trị của vũ trụ có thể đậm nhạt khác nhau nhưng cái hằng số chung là Đạo Đức. Vì mến Trương Ba là người biết kính ngưỡng Thần Linh nên Đế Thích sẵn sàng cho thêm chút trí tuệ tài năng của mình... 


Câu chuyện dân gian này đã chứng minh một điều mà khoa học hiện đại hôm nay đang hé mở. Con người là một sinh mệnh còn bí ẩn và phong phú hơn vũ trụ vĩ mô mà hàng ngày chúng ta chiêm nghiệm với bầu trời bằng các phương tiện hiện đại nhất. 


Thuyết Tiến hóa càng ngày càng bị khoa học phản bác. 


Người nghiêm túc và có khoa học càng ngày càng gần hơn với quan điểm xưa kia: Con người do Thần tạo ra. Thân xác thịt chỉ là 90% nước và những nguyên tố hóa học của bảng hệ thống tuần hoàn. Con người nếu không có linh hồn, không có Nguyên Thần, Nguyên Anh, Anh Hài, không có ba hồn bảy vía hoặc 3 hồn chín phách... thì chỉ là một tảng thịt, không hơn. 


Chỉ có con người là được câu thông với Thần Thánh. Cho nên chỉ có con người mới được quyền tu luyện để phản bổn quy chân trở về ngôi nhà của mình vốn ở tầng trời của Đế Thích hoặc những tầng trời cao hơn, cao hơn nữa... 


Khi nói tới linh hồn và khả năng siêu thường của các sinh mệnh cao tầng ta sẽ hiểu tại sao người ta có thể lấy hồn của người này để đưa vào xác của một người khác. 


Thông thường, có những người đã chết nhưng sống lại trong chính thân thể mình. Ta gọi là trạng thái phục sinh, cận tử. Nhưng lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia như câu chuyện trên thì quá lạ. Lạ nên ta gọi là bịa, là cổ tích! 


Trường phái Đạo Gia tu xuất được rất nhiều công năng. Trường hợp "nguyên thần ly thể" thường được Sư phụ của họ cảnh báo rất nghiêm khắc. 


Khi nhập định, linh hồn có thể xuất ra. Họ đến các không gian khác nghĩa là đến thời gian khác, cảnh giới khác. Có khi lên trên ấy chỉ thoáng chốc nhưng về lại thì xác thịt đã bị hủy hoại rồi.  Chuyện Lưu Nguyễn của Trung Quốc; Từ Thức của Việt Nam đến cõi Tiên, khi trở về thì trần thế đã mấy trăm năm trôi qua đã để lại không ít ngậm ngùi.

 

Chắc là người của thời đại xưa nên tôi tin Tản Đà có cái nhìn về cuộc chơi xứ Tiên của Lưu Nguyễn là có thật. Vì thế bài thơ Tổng biệt mới ngậm ngùi một cách thanh tao khôn tả đến thế:


Lá đào rơi rắc lối thiên thai 

Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi 

Nửa năm tiên cảnh 

Một bước trần ai 

Ước cũ, duyên thừa có thế thôi! 

Đá mòn, rêu nhạt. 

Nước chảy, hoa trôi 

Cái hạc bay lên vút tận trời 

Trời đất từ nay xa cách mãi 

Cửa động 

Đầu non 

Đừơng lối cũ 

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi ....


Như vậy, hồn Trương Ba nhập xác được với điều kiện bắt buộc là có ngay xác người hàng thịt vừa mới chết. Nếu coi xác chỉ là phương tiện để Hồn nương náu và sống kiếp người thì với một vị thần tiên, việc cho Hồn ấy ở xác nào cũng như nhau thôi! 


Những người theo trường phái Đạo Gia thường nói về Bát Tiên. Chắc ai cũng biết trong "Bát Tiên truyền kỳ", vị tiên đứng đầu là Lý Thiết Quải, có thân hình của một ông lão già nua xấu xí với một bên chân khập khiễng. 

Đã là tiên, vì sao lại có vẻ ngoài khổ sở như vậy? Kể rằng, ông tên thật là Lý Huyền, vốn là một đạo sĩ khôi ngô tuấn tú. Khi chưa hoàn toàn viên mãn, ông đã có thể "nguyên thần ly thể", ngao du tận chốn sơn cùng thủy tận.


Có lần, Lý Huyền muốn cùng Thái Thượng Lão Quân đến Hóa Sơn, trước khi đi ông căn dặn đệ tử phải canh giữ xác ông trong 7 ngày, nếu sau 7 ngày mà nguyên thần không về thì hãy thiêu xác. Đến trưa ngày thứ 7, mặc dù nguyên thần của sư phụ chưa về, nhưng người đệ tử  đã mang xác đi thiêu vì anh ta phải về nhà chịu tang.


Đến lúc Lý Huyền trở về không tìm thấy xác, ông đành phải bay đi tìm một thân xác mới, thấy trong rừng có người ăn mày vừa chết vì đói, ông bèn nhập vào và hoàn dương. Bởi người ăn mày xấu xí, lại thêm cái chân khập khiễng phải chống gậy, nên từ đó Lý Huyền mới có tên là “Thiết Quải”, nghĩa là ‘gậy sắt’ (dẫn theo Hồng Liên trong "Cảm ngộ Tây Du" (Kỳ 6), Đại Kỷ Nguyên).

 

Vì vậy, Trương Ba sống lại trong thân xác người khác không gây một bất ngờ lớn nào với vợ anh ta; với quan xử kiện; với bạn cờ của mình. 


Có lẽ người xưa bằng trực giác thiên định, hoặc sống trong môi trường văn hóa Thần truyền họ không bị khoa học thực chứng quấy rầy nên đã thấy mọi chuyện rồi kết thúc có hậu như mọi chuyện cổ tích! 


Khi khoa học thống trị thế giới này và đưa nhân loại vào sự tiện ích, hưởng thụ thì tất nhiên Khoa Học là tất cả, là định giá mọi giá trị của nhân loại. Người ta chuộng vật chất, chuộng tiện nghi. Người ta cho rằng đây mới chính là văn minh của con người…

 

Hiển nhiên, khi rời bỏ thế giới của Thần luôn duy trì và khuyến dương Đạo Đức thì bây giờ hậu quả khó lường mà nhân loại phải đối đầu chính là tư duy con người bị biến dị. Ai đề cao Đạo Đức xưa là không thực tế. Nó bị gắn cho hai tiếng "lạc hậu".


Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch có phong cách. Ông vạm vỡ không chỉ là để lại cho văn học Việt Nam một khối lượng kịch bản nhiều, trong một thời gian rất ngắn. Cái kỳ lạ là ông đang sống trong một dòng văn học lấy cảm hứng sử thi, lấy nhiệm vụ cách mạng làm mục đích mà lại chuyển làn và thích ứng với dòng văn học hướng về nhân sinh, hướng về cuộc bể dâu của kiếp người. 


Tác phẩm để đời được trình diễn nhiều nơi trên thế giới của ông lại là lấy cảm hứng trực tiếp từ câu chuyện cổ tích trên. 


Phải chăng đây cũng là con đường của William Shakespeare đã đi, khi nhà soạn kịch vĩ đại người Anh này dựa vào các giai thoại, các câu chuyện dân gian để sáng tạo. Những tác phẩm Hamlet, Vua Lear, Othello, Macbeth,... ra đời trên tinh thần đó!


Lưu Quang Vũ cũng tận dụng một kinh nghiệm nữa của Nam Cao khi ông sử dụng thời gian nghệ thuật hạn chế. 


Câu chuyện Chí Phèo được đặc tả khi khởi đầu bằng một buổi trưa Chí say rượu chửi mọi thứ. Buổi trưa ngày thứ 7, Chí đến nhà chửi Bá Kiến và cái chết của hai người! 


Câu chuyện trong vở kịch của Lưu Quang Vũ được khởi đầu khi câu chuyện cổ tích đã đi về nơi có hậu và kết thúc. 


Các nhân vật trong gia đình, lan đến ngoài xã hội; từ tầng thứ lê dân đến lũ sâu mọt ở hạ giới; từ những ông Tiên cô đơn đến những quan coi việc an bài sống chết ở Thiên Đình... 


Tất cả tạo nên một liên tưởng về xã hội hiện đại. Có huyền hoặc, có cõi người và cõi Trời nhưng điểm nhìn của họ Lưu không chất phác chân thật như người xưa nữa rồi! 


Thực ra, rất dễ nhận diện đó chỉ là một cõi người ta với “hỉ, nộ, ái, ố” với sự rắc rối nhiêu khê của nhân loại sống vùi trong “tham, sân, si” và các dục vọng của thời đại khoa học với những biến dị làm tổn thương nghiêm trọng Đạo Đức. 


Những Pháp môn cao tầng của Phật Gia và Đạo Gia cho ta hình dung vũ trụ có nhiều tầng, nhiều cảnh giới chứ không giản đơn có thế giới của Người và thế giới khác là Phật hoặc Ma.


Thích Ca Mâu Ni nói có 8 vạn 4 ngàn Pháp tu. Vì thế Phật nhiều như "cát sông Hằng". Thế giới có những sinh mệnh được gọi là Thần, là Phật hẳn nhiên không thể xấu hơn chúng ta về Đạo Đức. Tất nhiên, những Thần Phật càng cao tầng hơn thì tiêu chuẩn Đạo Đức của họ phải cao hơn. 


Hãy vào Thiên Đình và nghe hai vị quan nói chuyện:


Nam Tào: (Thở dài thườn thượt) Chán lắm, chán lắm ông Bắc Đẩu ạ! Cõi giời quanh quẩn vẫn chỉ có thế. Đào tiên ăn mãi cũng chán, vũ nhạc Nghê Thường xem mãi cũng nhạt trò… Tù túng, gò bó quá, lắm lúc nghĩ, thà cứ xuống mẹ nó hạ giới làm cái chân anh thổ địa có lẽ lại hơn!

 

Bắc Đẩu: Đừng có nói quấy! Chẳng hơn đâu! Mình đã quen cảnh an nhàn, oai vệ rồi, sa xuống hạ giới lầm lụi, đầu tro mặt muội, mình chịu sao nổi? Ở đây, chẳng gì cũng là giời.


Có vẻ như ta thấy những công chức "sáng vác ô đi tối vác về" ở một xã hội hiện tại mà người ta luôn phấn đấu bằng mọi cách làm "người nhà nước" để được an nhàn yên phận; không có chỗ cho sự đột phá, mở đường sáng tạo!

 

Có lẽ người nhà Trời không có cái ngán ngẩm như Nam Tào: “Người dưới hạ giới, lúc nào khổ quá, buồn quá họ còn biết kêu giời chứ mình là giời rồi, thì mình còn biết kêu ai?”


Cách nhận thức này cũng là suy nghĩ của con người. Thực ra, sinh mệnh con người là luân hồi trong quy luật "nghiệp lực luân báo". Ai ra đi ngày nào là đã được an bài từ khi giáng sinh. Không phải:


“(...) có những đứa ta bắt đi sớm ngày nào, hạ giới họ mừng ngày ấy, có những người dở việc phải để cho họ làm nốt, lại có những người cũng tốt đấy, nhưng việc họ xong rồi, lộc giời họ hưởng cũng đủ rồi, chẳng còn lý do gì để họ ở lại..”


Bởi chiếu theo quy luật nhân quả thì người trần gian Mê muội làm sao thắng được mệnh trời. Họ Lưu cũng đang nhìn bằng cặp mắt mê và theo logic trần thế:


"Nam Tào: Nhưng ông ạ, đâu dưới hạ giới giờ không như trước đâu, họ cứng đầu cứng cổ, coi trời bằng vung. Làm sai là họ chửi. Không phải muốn bắt ai chết là được đâu! Đến rối trí điên đầu vì họ. Mà họ cũng gớm lắm, quỷ quyệt, ngày một nghĩ thêm đủ loại thuốc thang, nhiều người ốm thập tử nhất sinh rồi mà vẫn không bắt đi được, mệnh giời có khi phải thua họ đấy!"


Bệnh tật với thế giới con người, khoa học đã tìm ra căn nguyên của nó. Với nhà Phật, nếu có vạn thứ bệnh thì có bấy nhiêu loại nghiệp lực. Nghiệp không mơ hồ hoặc là khái niệm trừu tượng như ta nghĩ mà nó chính là vật chất, là những thể sinh mệnh. Hầu hết những bệnh nặng, thuốc thang chỉ đẩy lùi nó. Nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ quật ngã chúng ta. 


Đây là lý do sâu xa tại sao con người tu luyện lại có thể tiêu nghiệp, có thể trị bệnh từ căn gốc.


Thế nhưng, định luật nhân quả công bình đã ẩn nấp trong những lời này của Nam Tào: 


Một ông lão đã hơn 90 tuổi, đã có cháu chắt đầy đàn, phúc lộc thọ đã hưởng đủ, ta đưa đi là lẽ phải. Thứ hai là một tên bạc ác bất nhân, lừa thầy phản bạn, vì mưu lợi mà dối trá tham tàn, nó hoành hành làm khổ thiên hạ đã lắm, cho nên dù nó đang khoẻ mạnh, ta cũng nên bắt nó đi!”


Vị Tiên có thể thích thảng nhàn nhã với những ván cờ là Đế Thích cũng rất buồn chán bởi không có đối thủ:


“Đế Thích: Đến nỗi nhiều lúc chính tôi cũng không hiểu là thực ra mình có cao cờ không? Lần cuối cùng tôi đánh cờ với kẻ khác đã cách đây mấy vạn năm rồi.”


Chuyển cảnh về Hạ Giới, ta nhận ra gia đình Trương Ba là gia đình còn giữ được rất nhiều truyền thống cổ xưa. Trương Ba sống với tư cách một người làm vườn, "nông chi điền" lương thiện. Có nghèo nhưng vui với cảnh nghèo. Vợ chồng vẫn sắt son với nhau bởi những sợi dây tình nghĩa. Họ già rồi, có cháu, có dâu rồi mà vẫn "tương kính như tân". Trương Ba luôn nhắc với vợ mình kỷ niệm của buổi đầu gặp gỡ, của những thăng trầm thửa hàn vi…


Trương Ba có thú vui rất tao nhã khiến ta nghĩ về cảnh nhưng Tiên ông mặc khách sống trong rừng thông khe suối bạn với hạc nội mây ngàn, ngắm hoa lan, nghe trăng hát cùng suối trong…


Đây không chỉ là nói về cờ mà lại là một triết lý sống với cổ nhân xưa:


"Tôi không coi cờ chỉ là giải pháp phiền qua ngày bác ạ. Tôi thích cờ bởi nó chẳng thiên vị ai, ông quan đánh với anh dân đen cũng thế thôi. Mới đầu hai bên ngang quân ngang thế nhau. Anh nào tài trí hơn thì thắng. Đánh cờ làm cho trí mình sáng, mà trí sáng thì tâm sẽ bình thản. Có gì khó bằng sự bình thản trong tâm hả bác?" 


Nhưng vết nứt của Đạo đức trong gia đình cũng như ngoài xã hội đang mở dần những đường rãnh xấu xí, những giao thông hào cách trở của nó qua nhân vật anh con trai say mê buôn bán bất chính, tính toán mọi giá trị dựa vào đồng tiền và hưởng thụ.


Sự gia tăng những căng thẳng trong mái ấm cổ kính này chính là yếu tố "hiện đại, văn minh" mà ngày nay chúng ta cổ súy. Nhưng loay hoay cũng  không có cách gì kìm hãm cổ xe Đạo đức  suy thoái đang ầm ầm lao dốc. 

Lưu Quang Vũ viết vở kịch 1981. Lúc mà cái đói hoành hành, miếng ăn trở thành sự săn lùng thường trực, quyết liệt của cả một cộng đồng đông đảo bị dạ dày hành hạ. 


Nhưng đọc lại những câu, những chi tiết nói về bất hiếu của đứa con này  thì ta ngờ ngợ. Bởi, nó vẫn còn một chút nào đó về đạo đức.

 

Chỉ mới hơn 20 năm trôi qua, những nghịch tử của xã hội hiện đại đã giày xéo chữ Hiếu đến mức độ thê thảm mà người ta không nhận diện ra nữa.. 

Anh bạn tôi vốn là gia đình gia giáo. Anh cũng là một nhà giáo có chuyên môn và nổi tiếng nghiêm khắc.

 

Anh có đứa con học Đại Học 4 năm thì chơi game cả 4. Nó lêu lổng với kẻ nghiện ma túy. Nợ nhiều môn nên về chạy xe Grap. Nó dẫn gái vào nhà ngang nhiên; xưng hô "mày, tao" với cha mẹ như địch nhân.


Đã 60 tuổi, lại mổ hai lần xương sống nhưng từ cái chén ăn, cái nhà, cái sân bẩn anh đành phải làm; nước ngập nhà, bị chốt 6 cái đinh trong xương sống mà anh phải tự khiêng đồ nặng. Cậu con vẫn nhìn thản nhiên! 


Đọc những lời của con với cha ở vở kịch này để so sánh với cái "mạt" trong những cái "mạt" của thời buổi hôm nay, thấy nó cách xa. Và, không biết rồi Đạo đức sẽ dừng ở điểm nào?

 

“Anh con trai: Tôi biết rồi, thầy khỏi phải nhắc lại. ‘Phụ tử tình thâm, công cha như núi Thái Sơn’ hừ, thầy u đẻ ra tôi, chỉ cho tôi cái thân cái xác nhưng cái hồn cái vía tôi, thì là của tôi chứ, tôi muốn làm gì mặc tôi! “


Sự thay đổi chưa đến mức tha hóa của anh con cũng chưa đủ khả năng để tạo ra phản ứng domino với các thành viên khác. Bằng chứng là cháu nói:
 

"Cái Gái: Ông, ông ơi! Bố cháu gắt ông, bố cháu làm ông buồn phải không? Nhưng cháu yêu ông, cháu nghe lời ông. Không cần bố cháu, ông cháu mình chơi với nhau thôi ông nhỉ? Cháu vừa xách nước tưới mấy luống cà chua của ông rồi đấy!"


Việc gặp Tiên Đế Thích đã khiến cả hai có được tri âm. Vị Tiên xuống trần gặp người Đạo Đức, biết cung kính mình bởi tài năng dù ông đang đóng vai kẻ ăn mày. 


Trương Ba quả là hạnh phúc bởi ông đã tìm được niềm vui tao nhã với tri âm là Tiên cờ. Hạnh phúc ấy thật lẻ loi giữa một thời thế mà mọi người, trong đó đứa con trai ông,đang tìm những giá trị biến dị làm đạo đức. 


Vốn là nhà thơ, họ Lưu để cho Trương Ba thăng hoa thành thi sỹ:


"Tôi nói sống trong cõi trời đất này lý thú quá! Chỉ tiếc mình không còn trẻ nữa. Giá như tôi sống mươi năm nữa nhỉ? Tôi còn bao việc muốn làm, còn muốn khu vườn này đầy ắp những cây quả thơm ngon. (Sau  một lát) Vừa mới nắng to thế mà chiều đã tắt dần trên rặng tre. Hôm nay sao gió lộng khắp vườn? Bầu trời như cao và rộng rãi... Bà ngồi xuống đây với tôi một lát, tôi thấy trong người làm sao ấy! (Bà vợ ngồi xuống  cạnh chồng, Trương Ba nhìn phía khu vườn) Rặng mồng tơi lá lên xanh tốt làm sao! Những quả cam vàng như cái đèn lồng bà nhỉ?"


Thế mà, Trương Ba đột ngột chết. Nó có nguyên nhân từ cái ẩu, cái vô trách nhiệm của hai quan nhà Trời mê ăn nhậu. 


So với sự xuống dốc của những vị quan tha hóa hôm nay thì quan xưa chỉ tắc trách bởi cái bàn ăn.


Quan nay thì có ý thức và tính toán mưu mô, ăn "không từ bất cứ thứ gì"!

Đọc Lưu Quang Vũ lấy khoảng cách của 2 thập niên để nhìn biểu đồ đổ đốn của Đạo Đức mà rùng mình! 


Cái chết của Trương Ba chỉ là một "sơ sẩy kỹ thuật". Nó dễ gợi đến cái chết Chí Phèo chỉ là do tâm tật đố nổi con ghen vô lý của bà cô không chồng với cháu gái mình là Thị Nở sắp được hạnh phúc gia đình! 


Chỉ sơ sẩy mà mang tội sát sinh. Cái ác hôm nay nó có chủ đích không như cái thời của họ Lưu viết kịch.


Giải pháp để sửa sai của của Thần là lấy hồn Trương Ba làm sống lại xác thân ông hàng thịt. 


Điều này câu chuyện dân gian đã kể có hậu. Vâng! Mọi chuyện rất êm thấm. 


Với những dẫn chứng phần sau bài viết này, tôi cũng thấy hiện tượng tâm linh này đã và đang xảy ra. Dù khoa học thực chứng lúng túng thì đây là điều khó ai phủ nhận nó. 


Thế nhưng, cái lạ là, họ Lưu đã sáng tạo ra phần bi kịch rắc rối phía sau.


Đó là Hồn và Xác mâu thuẫn đến mức xung khắc, phải giải quyết bằng giải pháp một mất một còn. Nói đúng hơn, hồn thanh cao của Trương Ba nếu không muốn sống trong xác phàm tục thô lậu của anh hàng thịt thì phải ra đi; phải  chấp nhận cái chết, chấp nhận việc làm sai trái của quan trên Trời! 
 

Ban đầu, vợ, con dâu và bé gái rồi cả ông hàng xóm Trưởng Hoạt đều chấp nhận Trương Ba. Họ chấp nhận một người thân như vừa hôn mê tỉnh dậy. Chỉ có anh con trai lại nhìn vấn đề này theo cách tính toán làm ăn: Cái xác hàng thịt sẽ làm cha anh đóng vai xứng đáng người chủ lò mổ. Và đó là kinh doanh, là đồng tiền tươi sống! 


Cái điều anh con hí hửng, thấy hời lại là điều bất hạnh cho Trương Ba và cho tất cả mọi người! 


Phần cuối vở kịch có 3 cuộc đối thoại đẩy nhân vật vào đường cùng nếu không muốn tha hóa.
(Còn nữa)

La Vinh


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.