• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Chiếc xe đạp của cha tôi

Thứ ba - 12/11/2019 09:23

Khoảng mười phút trước giờ tan học, trước cổng trường tôi dạy lại vòng trong vòng ngoài phụ huynh đón con. Vòng ngoài cùng là xe ô tô, rồi chủ yếu là xe máy,  chỉ lác đác vài chiếc xe đạp thường đứng vòng trong cùng. Chủ nhân của nó, chắc cũng đến hơn chín mươi phần trăm, là những mái tóc hoa râm, những cặp mắt hiền từ sau cặp kính lão - đó là những người Ông, người Bà với sứ mệnh cao cả: đưa đón cháu đi họ . Họ bao giờ cũng đến sớm, đứng sát mép vạch quy định của nhà trường, để dành chỗ cho học sinh có lối thoát ra, tránh ùn tắc và cũng để cháu mình dễ phát hiện ra ông, bà. Mỗi lần nhìn ngắm họ, tôi lại rưng rưng nhớ về cha tôi và cả một Tuổi Thơ Văn ngồi sau chiếc xe đạp của cha, trong hành trình đi tìm những con chữ ẩn mình trong cỏ!

Người ta gọi quê tôi là Quê Lúa, và ở cái tỉnh lỵ duy nhất không có đồi, núi, rừng cây ấy, huyện Đông Hưng (Tỉnh Thái Bình) quê tôi, là nơi có năng xuất lúa cao nhất toàn tỉnh trong  những năm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho chiến trường thắng giặc Mỹ. Tôi là con út trong một gia đình đông con. Khi Bu tôi sinh tôi, Người đã bốn lăm tuổi, và khi tôi sáu tuổi, Thầy tôi đã về nghỉ hưu. (quê tôi gọi Cha Mẹ  là Thầy, Bu). Thầy tôi là trưởng nam trong một gia đình ít con ở nông thôn ngày xưa, vì “Có sinh mà không dưỡng”. Trên thầy tôi là một bác gái, sau thầy tôi là một chú, một cô … nhưng cô tôi mất sớm vì bệnh. Tuy vậy, thầy tôi có may mắn là được ông bà cho đi học, vì vậy khi cách mạng tháng 8 -1945 thành công, thầy tôi được vào ngành giáo dục, trở thành ông giáo làng, rồi sau này chuyển sang ngành phát hành sách, cho đến lúc về nghỉ hưu. Thầy tôi thực sự là thế hệ những người nông dân quê tôi được Cách mạng đổi đời và suốt đời biết ơn, trung thành với cách mạng. Gần 30 năm công tác, tài sản đáng  giá nhất của cha tôi khi về hưu là một chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô được phân phối khi làm Chủ nhiệm Quốc doanh phát hành sách của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Đối với vùng quê tôi bấy giờ, đó cũng đã là niềm ao ước của biết bao người, là sự hãnh diện của đàn con thơ, vì ở quê tôi bấy giờ, những chiếc xe như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay... Cái xe đạp thiếu nhi  của thầy tôi có tuổi đời chắc hẳn  gấp vài lần tuổi tôi lúc ấy, chẳng khác gì một ... “thiết xa” kỳ diệu đã theo thầy tôi đi khắp nơi nơi, có khi hàng vài trăm k-i lô-mét, vì ông cùng là người có chút “máu xê dịch nghệ sỹ” - có lẽ ảnh hưởng của miền đất Chèo quê tôi.

Khi vào lớp ba, tôi được tham gia đội tuyển học sinh giỏi Văn  của huyện Đông Hưng đi thi cấp tỉnh. Ngày ấy ở quê tôi, được đi thi học sinh giỏi của tỉnh là một niềm tự hào lớn của cả gia đình và trường học. Cả huyện, sau hai vòng thi, chọn ra khoảng mười lăm đến hai mươi học sinh được đi học “Bồi giỏi” (sau này được gọi bằng các tên rất… sang: Chuyên Văn). Lớp “Bồi giỏi” thường kéo dài khoảng một đến hai tháng, sau đó thi tuyển chọn, lấy mười hai học sinh, trong đó mười học sinh chính thức và hai học sinh dự thính đi thi cấp tỉnh. Những xã nào năm ấy có nhiều học sinh lọt vào đội tuyển của huyện sẽ được chọn để đặt lớp bồi dưỡng học sinh giỏi  đi thi cấp tỉnh. Vì lẽ đó mà mỗi năm chúng tôi thường học ở một xã... nhưng rất buồn là không không có năm nào được học ở xã tôi. Nhưng cũng chính vì vậy mà cả Tuổi Thơ Văn tươi đẹp của tôi trải dài ở nhiều miền quê trong huyện. Cái xe đạp “thần Thánh” của thầy tôi đã trở thành một hình ảnh đọng lại trong tôi như một người bạn đường chung thủy trên hành trình khám phá ấy.

Với học sinh nông thôn chúng tôi bấy giờ, đi bộ từ ba đến mười ki-lô-mét đến trường là chuyện bình thường. Nhà tôi có tám chị em, nhưng có đến bảy cô con gái. Thầy tôi là trưởng nam nên mẹ tôi nhất thiết phải sinh bằng được con trai. May mắn thay, lần sinh thứ sáu, anh tôi đã đem lại hạnh phúc lớn cho cả gia đình, giúp mẹ tôi  hoàn thành trách nhiệm lớn lao với gia đình nhà chồng. Nhà nhiều con gái, nhưng do cha tôi đi thoát ly, tư tưởng tiến bộ nên chị em tôi đều được đi học cấp ba. Cái giá cho niềm hạnh phúc ấy là nhà tôi đã nghèo lại càng nghèo. Năm chị gái đầu và anh trai tôi đều phải trọ học hoặc đi bộ đến trường cấp ba cách nhà từ tám đến hai mươi ki-lô-mét mà không một ai được đi chiếc xe đạp “gia bảo” ấy đến trường (vì lúc đó thầy tôi còn công tác xa nhà). Về hưu, thầy tôi vẫn tham gia công tác xã hội, ông làm cán bộ tuyên huấn, nên hay đi làm công tác phong trào ở các xã trong huyện. Chiếc xe đạp thiếu nhi cà tàng, bánh 650ml, màu vàng sữa đã tróc sơn, không phanh, không chuông, thường xuyên tuột xích, săm lốp vá chằng vá đụp ấy vẫn thủy chung cùng ông trên những ngả đường. Mùa gặt, nó biến thành xe thồ lúa, rạ, phân bón ra đồng. Hết mùa, nó lại cùng thầy tôi rong ruổi trên mọi nẻo đường trong và ngoài tỉnh, đi họp hành, thăm nom bè bạn, họ hàng. Thầy tôi là người thích giao du, nhiệt tình trong những việc “thổi tù và hàng tổng” nên bánh xe của  ông in dấu trên mọi nẻo đường gần xa trong và cả ngoài tỉnh. Hành trang của ông mang theo luôn có chiếc bơm tay, mấy dụng cụ chữa xe cơ bản và hộp keo vá xăm…, hỏng đâu sửa đấy.

Những năm tôi đi học đội tuyển học sinh giỏi phần lớn là xa nhà phải ở trọ. Cứ thứ hai đầu tuần, thầy tôi lại lóc cóc chở tôi đi học trên con “chiến mã”  mang tên “thiếu nhi” dù nó đã sắp sang tuổi “tứ tuần”. Trước ngày ấy, “bạn thiếu nhi cao tuổi” này lại được đem ra hiệu “bảo dưỡng” để an toàn cho chuyến phục vụ “nhân tài cấp huyện lị” – là tôi. Dù nắng hay mưa trong cái  thời tiết cuối Xuân đầu Hạ (tôi thường đi học vào tháng 2, 3), trên những con đường nông thôn liên xã lầy lội hay ngồn ngộn rạ rơm, thầy tôi gò lưng chở tôi trên cái gác-ba-ga có lót mảnh áo mưa cho khỏi đau mông vì ngày ấy, đường xóc long sòng sọc. Nhiều đoạn đường xấu quá, thầy tôi phải xuống đẩy hay dắt xe. Nếu là đường ghồ ghề thì tôi xuống xe lẽo đẽo đi sau; nếu đường lầy lội, thầy tôi vẫn cố cho tôi ngồi trên xe vì sợ tôi đi bộ  thì bẩn quần áo, không kịp vào lớp học đúng giờ. Thầy tôi dầm chân trong bùn lầy lõng lõng hòa lẫn phân trâu bò, cố sức giữ và đẩy chiếc xe cà tàng. Tôi ngồi sau yên xe, chân cố nâng cao tránh bùn lấm, mặt tái đi vì sợ, chỉ muốn xuống đường đi mà thầy tôi không cho... Thực ra, lúc ấy tôi chưa biết thương thầy tôi như bây giờ, và vì vậy mỗi lần nhớ lại, tôi lại se sắt một mỗi nỗi ân hận muộn màng.

Năm lớp bốn, chúng tôi học ở xã Đông Dương hai tháng để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chọn đội tuyển đi thi toàn quốc. Dạo ấy là tháng một dương lịch, sắp sang xuân, đường đến xã này vào những ngày mưa dầm giáp  Tết rất khó đi, lại phải qua một quãng đường đê dài. Gió bấc từ sông Trà và cánh đồng buốt lạnh như dùi đâm cùng mưa xát muối. Cha con tôi chơi vơi xiêu vẹo, dúm dó trên con đường đê, nắng thì gồ ghề sống lưng trâu, mưa thì đất thịt níu chặt chiếc bánh xe mòn vẹt, ốc vít đã chờn ren, lỏng lẻo như một cơ thể già nua kiệt sức. Đã có lần cha con tôi bị ngã xe, thầy tôi đau như thế nào, ngày ấy  tôi chưa thể biết, còn tôi, may mắn chỉ bầm tím và lấm lem, run cầm cập vì rét. Không nói ra, nhưng tôi biết thầy tôi ân hận và cả... ngại với tôi. Thầy tôi đưa tôi về nhà trọ, thay quần áo, và đưa tôi đến tận lớp, nói với thầy, mong thầy thông cảm, vì buổi học đã được một phần ba thời gian. Sau này lớn lên, mỗi lần có dịp hiếm hoi đi trên con đường đê ngày ấy, hình ảnh những ngày rét mướt được cha chở đi học chuyên văn trên chiếc xe cà tàng, lọc cọc lại hiện về trong tôi. Yêu thương và xót xa…!

Tôi nhớ, ngày ấy chúng tôi còn nhỏ, hay nhớ nhà, ăn uống lại kham khổ nên cứ  nì nèo được một thầy giáo còn trẻ, khá dễ tính (Thầy Trác) cho nghỉ học nửa ngày, hay tan học sớm vào buổi chiều là tót về nhà, dù đi bộ có khi hơn chục cây số. Những lần tôi bất ngờ xuất hiện ở nhà như thế, thầy tôi rất lo nhưng không nỡ mắng giận.  Sáng hôm sau, hai cha con lại dậy sớm, mẹ tôi lại đùm dúm tất cả những gì có thể cho tôi mang đi ăn (tí muối vừng, dúm tép kho, bò ngô rang, vài cân gạo). Hôm nào mưa gió lạnh quá, thầy tôi không dám đi lối đường đê, dù đường gần, mà đi một đường vòng xa gấp đôi, nhưng đỡ rét. Lại cưỡi cỗ “chiến xa” ọp ẹp, can trường, xích rão rào rào, bánh trước có khi “cởi truồng”, lốp xe có chỗ phải lót vì mòn thủng…, thầy tôi hào hứng đưa tôi trở về “lò luyện nhân tài” với bao kỳ vọng về cô con gái út giỏi văn ... nhất xã. Những vòng bánh xe lật sật vì có một đoạn lốp mòn vẹt, phải lót, cộm lên.., nhưng cả hai cha con đều rất vui!Trên đường đi, hai cha con líu ríu bao nhiêu là chuyện. Cứ nhìn thấy cái gì là lạ, không giống ở làng mình là tôi lại hỏi thầy tôi. Ông hào hứng, ân cần giảng giải cho tôi những gì ông biết. Đa số những kiến thức về thiên nhiên, phong tục tập quán, lịch sử, giao tiếp xã hội của tôi là từ những bài học trên gác-ba-ga xe đạp của thầy tôi. Vốn  làm trong ngành văn hóa, lại là người tính tình vui vẻ, thích và tìm hiểu, thăm thú đó đây; rất nhẹ nhàng, sâu sắc, tự nhiên, thầy tôi đã truyền cho tôi cảm hứng về thiên nhiên con người và cái đẹp, để tôi thêm yêu và học văn tốt hơn. Mỗi chặng đường, mảnh đất và con người tôi đi qua cùng thầy tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch, cà tàng ấy là những hoài niệm tuổi thơ tươi đẹp luôn có dáng hình thầy tôi và chiếc xe đạp thiếu nhi cũ kỹ, bé nhỏ.

Năm ấy, ra tết, tôi được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi văn  toàn quốc, học ở tận xã Vũ An (huyện Kiến Xương), rất xa nhà. Chúng tôi học một mạch, một tháng không được về nhà. Dù học hành căng thẳng, nhưng tuần đầu tiên, chúng tôi nhớ nhà quá, nhiều đứa khóc tu tu. Tôi không thuộc dạng “mít ướt” như thế, nhưng cũng thẫn thờ. Rồi niềm vui bất ngờ đã đến, thầy tôi và “bạn thiếu nhi cao tuổi” xuất hiện khi chúng tôi tan giờ học sáng chủ nhật. Thầy tôi mang bao nhiêu là quà cho cả ba đứa (Tôi, Lựu, Phương) trọ cùng một nhà… Những tuần sau đó, vẫn có những lần thầy tôi đến thăm tôi, dù không phải ngày cuối tuần, mà chỉ vì nhà có giỗ, thầy tôi đem xôi, gà, thịt cho đứa con xa. Trong số ba bạn cùng huyện, tôi là đứa hay được gia đình thăm nom nhất, các bạn tôi cũng vì thế mà quý mến thầy tôi, bởi ông đến thì tất cả chúng tôi đều có quà. Giờ đây,  cuộc sống vật chất thừa đủ với đa số trẻ thơ, những thức ăn như thịt cá với chúng, đôi khi, là sự tra tấn. Nhưng với tuổi thơ thiếu thốn của chúng tôi bấy giờ, đó là những “miếng ngon không quên” bởi nó là tình yêu thương sự chắt bóp, nhịn nhường của cha mẹ.

Những năm tháng tuổi thơ của tôi cứ thế êm đềm trôi đi. Từ lớp ba đến lớp 7 năm nào tôi cũng có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi văn các cấp, mỗi năm, tôi lại đi học ở những miền quê khác nhau, với những người bạn cũ mới. Thầy tôi và con ngựa sắt già nua vẫn thủy chung, bền bỉ trên những con đường nông thôn giống nhau như rơm rạ, đưa tôi đến với thế giới mới mẻ và tươi đẹp của những trang văn. Chỉ có một điều khác là Thầy tôi mỗi ngày một già đi, “bạn thiếu nhi cao tuổi” cũng bao lần thay “phụ tùng” mới để phục vụ những chuyến đi về  không ngừng nghỉ của chủ nhân. Mỗi chiều thứ bảy, tôi và các bạn trong lớp lại thấp thỏm, mất tập trung trong giờ học để ngóng về nhà. Trống hết giờ, chúng tôi lao ra khỏi lớp, chạy nhanh ra cổng trường… Sẽ hơi buồn cho những ai chưa nhìn thấy người nhà đang chờ đón mình. Còn tôi, tôi luôn là đứa trẻ hạnh phúc vì bao giờ thầy tôi cũng đã chờ sẵn, nụ cười rất tươi bởi hàm răng đều đẹp trên gương mặt rạng rỡ. Dù chỉ đi đón con, nhưng Thầy tôi luôn mặc rất tươm tất như đi chơi nhà bạn. Phong cách của một cán bộ văn hóa luôn được ông thể hiện mỗi khi ra khỏi nhà. Dù ngày ấy chẳng có nhiều áo quần đẹp như bây giờ nhưng trang phục của ông luôn sạch sẽ, toát lên sự mực thước: áo sơ mi sơ-vin, tay áo xắn cao, chân đi giày hoặc dép quai hậu của bộ đội (rất đặc trưng kiểu  cán bộ ngày xưa). Thầy tôi không phải là người đàn ông cao lớn sức vóc; dáng ông bé nhỏ nhưng cân đối, săn chắc, nhanh nhẹn (vì ông rất chú ý rèn luyện thân thể bằng thể dục dưỡng sinh và sinh hoạt ,ăn uống điều độ). Tôi chạy thật nhanh ra cổng trường, và gọi to: “Thầy ơi, con đây”! Thầy tôi vẫy tay đón tôi, và bao giờ ông cũng mang theo một thứ quà vặt nào đó cho tôi ăn trước khi về, dù chỉ là một quả chuối, quả ổi, mấy chiếc bánh qui hay một củ khoai còn âm ấm. Có lẽ đó là những phút giây hạnh phúc nhất của Tuổi thơ tôi trong những tháng ngày là: Học sinh Chuyên Văn.

Lên cấp hai (ngày ấy là lớp năm) tôi rất thèm được tập xe để tự đi về, không để cha phải đón đưa, nhưng tôi cũng biết đó là điều không thể với thầy tôi. Hình  như được vất vả hy sinh cho con cái vẫn luôn là ý thức ăn sâu vào máu thịt, một đặc điểm vừa đáng trọng, vừa đáng phê phán của người Việt Nam ta. Theo tháng năm, tôi lớn dần lên sau mỗi chuyến  xe của thầy tôi. Chiếc xe đạp già nua vẫn đưa tôi đi tới các miền quê cùng những câu chuyện nhà, chuyện làng, chuyện trong sách, chuyện các cụ ta xưa… mà thầy tôi vừa đi vừa kể. Với thầy tôi, việc đưa đón tôi trong mỗi khóa học Chuyên Văn là niềm vui, niềm tự hào và càng làm cho tình cảm cha con thêm lắng sâu. Nghe các chị lớn của tôi nói: thầy tôi là người dữ đòn…, nhưng tôi chưa bao giờ bị thầy tôi đánh roi. Không biết có phải vì tôi là út ít, tôi “giỏi nịnh” (chị gái kế tôi bảo thế), hay vì thầy tôi yêu quý tôi hơn, vì tôi học hành khá nổi trội so với bạn bè xung quanh khiến ông tự hào.

Trên đường đưa tôi đi học ở các xã, Thầy tôi có niềm vui hay gặp bạn bè cùng công tác phong trào ở huyện. Ông hãnh diện khoe với bạn bè về cô con gái út “cấn cơm, cấn sữa” luôn là học sinh trong đội tuyển Văn của huyện và tỉnh. Thỉnh thoảng, chiều thứ bảy và sáng thứ hai đi đón, đưa tôi, ông lại tranh thủ tiện đường ghé vào thăm bạn bè. Vốn gốc gác là nông dân, lại thích trồng cây và hoa cảnh, đi đến đâu thấy có cây, hoa gì mới lạ, thầy tôi cũng tìm cách xin giống về trồng. Mỗi lần như vậy, trên đường về, tôi lại được ông giảng giải cho về cây và hoa, về thú tiêu giao của người xưa với thiên nhiên.  Có lẽ vì thế mà sau này, tôi cũng giống thầy tôi: thích ngao du, lang thang, yêu hoa lá cỏ cây và gặp gỡ bè bạn.

Trong số bạn bè học chuyên văn của huyện Đông Hưng ngày ấy, có hai người bạn gắn bó nhiều nhất với tôi là Lựu ở xã Đông La và Quyên ở xã Đông Kinh. Năm nào chúng tôi cũng học với nhau và hay trọ cùng một nhà. Mỗi lần gửi gắm chúng tôi vào một gia đình, thầy tôi thường gặp gỡ và nhờ gia đình chăm sóc dạy bảo chúng tôi rất nghiêm khắc. Ở nhà, tôi phải làm gì thì đến nhà trọ ông yêu cầu tôi và các bạn phải làm đúng như thế. Quét dọn nhà cửa, sân, ngõ, cùng nhà chủ tưới hoa, rau trong vườn (nếu có), rửa cốc chén bát đĩa… giúp việc gia đình khi cần (chỉ là nấu cơm là những việc chúng tôi phải làm nghiêm túc (vì ông luôn có cách để kiểm tra). Nhưng chúng tôi sợ nhất là ông yêu cầu ba đứa  buổi sáng phải dậy sớm, tập thể dục và chạy quanh sân ít nhất từ 10 vòng đến 20 vòng (hai ngày tăng một vòng). Tôi nhớ nhất dạo trọ ở nhà cụ Huyên xã Đông Dương. Nhà cụ có cái sân khá rộng, cụ cũng rất nghiêm nên chúng tôi không dám ăn gian. Thời gian đầu phải chạy, hai bạn tôi chưa quen, mệt vô cùng. Quyên thì rất hiền, chỉ kêu với chị gái (chị đưa đón Quyên). Lựu thì không giỏi chịu đựng như Quyên nên đã có ý định đổi nhà không ở với tôi nữa… Nhưng rồi mọi việc dần đi vào ổn định. Cũng vì phải “khổ luyện” như vậy nên chúng tôi đứa nào cũng khỏe mạnh, nhanh nhẹ và chăm chỉ, được chủ nhà quý mến, chăm sóc như cháu con.

Thầy tôi luôn quán triệt cho tôi tư tưởng nhường nhịn bạn bè… Phải chăng vì tôi là út trong nhà, hầu như không phải nhường ai! Ông thường nói với tôi: “Con chơi với bạn phải biết nhường nhịn. Khi con nhường được một ai đó, nhận phần ít hơn về mình, không phải con thiệt mà là con đã hơn lớn hơn họ một chút. Nhường bạn bè chẳng thiệt đâu con. Tình cảm bạn bè sẽ tốt đẹp hơn, nếu con biết nhường nhịn. Đừng sợ thiệt khi nhường người khác, rồi con sẽ được  Trời bù đắp cho hơn thế”. Thực ra, lúc đó tôi cũng chưa hiểu hết được những điều này. Nhưng hình như vì được nhắc nhở thường xuyên nên tôi cũng thực hiện được phần nào những điều đó. Vì tôi thấy sau này, các bạn tôi hay nói: “Ngày ấy cậu người lớn hơn chúng tớ”. Các bạn tôi cũng rất quý thầy tôi. Ngày thầy tôi mất đột ngột, các bạn đến viếng, ai cũng khóc.

Tôi là đứa hay quên, tôi cũng chẳng nhớ, dạo bé tí ấy, tôi đã giống “người lớn” như thế nào. Sau này khi tôi lớn, bài học “nhường nhịn” ấy vẫn luôn được quán triệt thường xuyên. Và đến khi tôi đi lấy chồng, chữ “nhịn” càng được thầy tôi nhắc nhở nhiều hơn. Tôi cứ nghĩ: Hay do nhà tôi nghèo, lại đông con quá, nên bài học này phải được dạy dỗ cẩn thận đầu tiên để anh chị em tôi biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Và cứ thế, cứ thế, tôi lớn lên sau chiếc yên xe đạp của thầy tôi mỗi tháng ngày. Con ngựa già mang tên “thiếu nhi” cứ nhẫn nại, miệt mài tiến lên, đưa tôi gần hơn cái đích cần đến thì tấm lưng gầy của cha tôi càng cong xuống gần chiếc ghi đông xe đạp. Một Tuổi Thơ Văn ngọt ngào, lấp lánh niềm vui theo vòng quay của bánh xe yêu thương ấy đã đưa tôi đến với cánh đồng chữ nghĩa rộng  lớn. Viết tiếp giấc mơ dang dở của cha một thời, tôi trở thành người gieo chữ chăm cây, tiếp tục hành trình “trồng người” của ông…!

 Giờ đây, mỗi khi vào mùa gieo hạt mới, nhìn những em bé hạnh phúc, sung sướng chạy từ cổng trường, ôm chầm lấy ông bà đang dang tay đón mình trở về nhà, tôi lại rưng rưng nhớ về người Cha già của tôi năm xưa… Người Cha ấy, với chiếc xe đạp bé nhỏ cà tàng, đã bền bỉ đồng hành, tiếp sức cho tôi trên đường tìm kiếm những con chữ ẩn mình trong cỏ, để đôi chân tôi vững vàng, không lạc lối trên con đường kiếm tìm hạnh phúc. Và tôi biết, đôi mắt Người luôn dõi theo tôi mỗi ngày.

Mùa khai trường  2019

Phạm Minh Châu

 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.