• dau-title
  • Truyện ngắn
  • cuoi-title

Một Vầng Trăng Xanh

Thứ sáu - 29/05/2020 09:10


Chuông điện thoại đổ dồn, hối thúc. Cảm giác khó chịu khi phải dứt khỏi trang viết của mình. Tôi cầm máy – “Mẹ ơi, mẹ ơi! Con bán được nhiều tranh lắm rồi! Sắp đủ rồi mẹ ạ! Thế nhé, mẹ nhé! Con lại bận rồi, có một ông khách đang muốn hỏi con. Thơm mẹ!”. Con gái nói một thôi, một hồi, rồi ngắt máy, cũng đột ngột như khi gọi. Cái giọng véo von, luôn hấp tấp của con, tôi đã thuộc từ tấm bé. Nhưng hôm nay, cái tiếng vui như con chim nhảy nhót đó, tự nhiên làm tôi chùng lại. Một chút buồn, xót xa. Con bé đang tính tiền. Tính số tranh bán được để gom góp đủ tiền cho năm đại học đầu tiên ở nước ngoài. Con chỉ cần một năm đầu thôi, những năm sau con sẽ kiếm việc làm thêm, và tự trang trải! Con gái thuyết phục mẹ với một quyết tâm cao. Thương cái ước mơ đẹp của con hơn là việc tính toán cụ thể những hơn thiệt, tôi đồng ý với kế hoạch của con vạch ra. Tôi ôm con vào lòng, với ước nguyện làm tất cả vì con, đứa con gái duy nhất trong căn nhà nhỏ của tôi.
 

Tôi bất giác nhào xuống trang viết. Bản dịch tập truyện ngắn của một nữ nhà văn châu Phi hút lấy tôi với một sức mạnh mê hồn. Không chỉ là tôi đã say đắm chị, hiện thân qua những nhân vật nữ trong tập truyện, không chỉ vì một châu Phi hùng vĩ, hoang dại một cách bí ẩn, luôn là những khám phá bất ngờ…, mà còn vì những đồng tiền nhuận bút tôi phải kiếm bằng được từ việc dịch cuốn sách này, để góp thành tiền học cho con gái tôi. Những câu chữ bật tung dưới ngón tay tôi, vội vã, háo hức, như những đàn kiến nối nhau cấp tập khuân vác thức ăn về tổ giữa những dập dồn của một cơn giông đang đến. Sắp đủ tiền rồi! Con gái đã tỉ mỉ ngồi tính toán, nếu bán được thêm một ít tranh nữa! Đây là lần thứ ba con tham gia triển lãm và bán tranh. Những lần trước chẳng được là bao, con buồn xỉu, còn mẹ lại thấy chút gì vui vui. Vậy là vẫn còn lại những bức tranh của con trong nhà. Những bức tranh mẹ nâng niu, gìn giữ, thương như thương đứa con gái bé bỏng.Tôi đã ngồi ngắm rất lâu, trong những đêm mất ngủ, những bức tranh kỷ niệm. Có một bức tranh, đôi khi tôi không dám nhìn tới.Tôi thường tránh nó, tránh cơn buồn len lỏi bỗng nhiên, tránh gặp ánh mắt của người phụ nữ trong đó: không biết có hẳn là buồn, là nuối tiếc, là khao khát một điều gì đó thật xa xôi… Nhưng mục đích khi vẽ bức tranh đó lại không phải là vẽ người thiếu phụ, cái chính là muốn lưu lại một vật kỷ niệm: một chiếc khăn choàng màu hạt dẻ, ôm nhẹ trên vai. Con gái đã tìm ra chiếc khăn choàng đó dưới đáy tủ. Và vì nó được bao bọc trong một chiếc hộp lạ, rất đẹp, có vẻ rất kỹ lưỡng, có vẻ rất nâng niu… con gái nhất định bắt mẹ phải quàng chiếc khăn, và phải kể về nó. Mẹ chiều con, choàng lên mình chiếc khăn lụa mềm và mảnh mai như một làn gió xuân, nhưng kể về nó, thì chưa bao giờ.

Con gái đã ký họa bức tranh đó náo nức, vội vàng, lúc mẹ ngồi nâng chén trà ướp hương sen vào một buổi sáng trong lành. Mùa xuân non nớt ngoài cửa sổ. Lấm tấm những vệt xanh của đôi vạt cỏ, của những chiếc mầm mới nhú, những màu xanh còn chưa mang hình lá. Thoảng trong mùi đất ẩm ướt, có chút bỡ ngỡ của đôi mắt thiên nhiên vừa thức dậy sau giấc ngủ dài. Gió rất mỏng, giống đôi cánh lụa, chỉ khẽ bay… Tất cả những cảnh đó không có trong bức vẽ. Chúng chỉ ẩn hiện đâu đó, trong ánh mắt mơ màng, có chút buồn ngơ ngác giăng mắc như tơ nhện trong vườn; trong nụ cười rất nhẹ thoáng trên làn môi, tựa như một hồi tưởng có cả hạnh phúc và tiếc nuối…Một mái tóc bồng bềnh phía sau lưng, nhiều sợi xoăn xoăn vương trên má… Tất cả được tôn lên trên một nền nâu nhẹ màu hạt dẻ, nhu mì, mềm ấm, màu của chiếc khăn choàng lớn ôm trọn nửa người.


Bức tranh được hoàn thành rất nhanh, không mấy chỉnh sửa. Dường như đường nét nào cũng là của nó, màu sắc tự nó hiển hiện, tìm đến, nằm đúng vào nơi cần. Con gái thở mạnh một hơi dài, như là nó đã nín thở rất lâu, mắt không rời tranh, nhận xét: “Trông mẹ lạ quá, chưa bao giờ con thấy mẹ giống như thế!”. Rồi con buông cây cọ, vô tư lăn xuống đi-văng, chỉ vài phút sau đã nghe tiếng thở đều đều của một giấc ngủ ngon lành, thanh thản.

Tôi ngắm con thấy chút gì yên tâm trong lòng, nét mặt con gái hệt như bố nó, tròn trịa, đầy đặn, tươi tắn, gợi cảm giác chân chất, rất dễ tin cậy. Mớ tóc tơ thẳng, mượt, ngây thơ phủ trên vầng trán phẳng phiu. May mà con không có tóc quăn. Người ta bảo đàn bà tóc quăn tự nhiên, thì khổ, đời sống nội tâm phức tạp. Tôi đã tin vào điều đó, còn khi ấy, tôi không mảy may nghĩ đến. Anh hay vuốt tóc tôi, bàn tay thật nâng niu, dịu dàng, bảo: “Anh yêu những lọn tóc xoăn của em!” – “Thật không?” – “Yêu lắm, anh muốn em luôn để tóc dài như thế này!”. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn mang tóc dài. Những buổi sớm mai thức dậy, nhìn những cọng tóc rụng nằm buồn trên gối, cảm thấy xót xa, nuối tiếc như tiếc những sợi thời gian cứ lặng lẽ rời xa, mang đi những kỷ niệm.


… Ga tàu mà tôi vừa xuống giống như một ga xép nhỏ, chẳng hùng vĩ như tôi tưởng tượng trước khi đi. Tôi đi từ Bỉ và dừng lại ở Lucxambua. Cô bạn học thời phổ thông đến Lucxambua học được 1 năm, và suốt 12 tháng của một năm ấy, tháng nào tôi cũng nhận được thư của nó hối thúc việc tôi phải đến Lucxambua gặp nhau. 
 


Đó là một chiều xuân, có mưa mỏng, và lạnh. Tôi ngồi thu lu trên một chiếc ghế ngay cạnh đường ga đơn, đợi bạn ra đón. - “Mày cứ ngồi im một chỗ nhé, đừng có chạy đi đâu đấy, nhất định tao sẽ ra. Lạc đường là chết dở đấy, mày có biết tiếng tăm gì đâu!”. Cô bạn tôi vẫn thế, chu đáo, nhiệt tình qua cả giọng nói. Tôi ngoan ngoãn ngồi đợi, thỉnh thoảng lại ngó ra phía cổng hướng vào thành phố, hình dung chỉ một chút nữa thôi là tôi sẽ nhìn thấy nó - dúm vải hoa nhiều màu thoăn thoắt bước đi. (Tôi đã từng luôn lo lắng nhìn cái váy hoa rộng như cái thúng ấy, mà lo là nó có thể vấp chân ngã). Nhưng sân ga chỉ một màu đen xám của áo ấm, và người ta cúi đầu bước vội như chạy trốn màn chiều đang dần ôm trùm không gian. Người thưa dần. Tôi buồn thiu. Để giết thời gian, tôi bắt đầu quan sát những người trên ga. Quay lưng về phía tôi, đứng sát trên mép đường ray, một thanh niên mặc măng-tô đen, dáng bồn chồn sốt ruột. Anh không thể đứng yên một chỗ, bước qua, bước lại. Có lúc lại ngoái hẳn về phía đường ray, giường như anh ấy sẽ phải là người đầu tiên nhìn thấy nét mờ mờ đầu tiên của một con tàu mới vào ga. Mưa rắc chút lạnh ẩm ướt lên mọi vật và đậu lại những hạt trắng mỏng như phấn lên tóc anh. Nét mặt thư sinh khi phủ chút lo âu lại có vẻ như mang thêm chút quyến rũ riêng. Tôi để ý thấy thỉnh thoảng anh ấy lại cúi đầu sâu xuống mép cổ áo măng-tô, như kiểu người ta khi lạnh thì muốn rúc mặt vào bên trong áo khoác để sưởi ấm. Làn hơi thở trong không khí lạnh đã trở nên như làn khói tỏa ra từ mép cổ áo.


Tự nhiên tôi thấy lạnh hơn, và nỗi hoang mang bỗng lớn hơn lên. Nếu không thấy bạn tôi, biết đi đâu về đâu bây giờ? Tôi hoàn toàn dựa vào bạn, nên thậm chí địa chỉ ký túc xá cũng chẳng buồn nhớ. Tôi bước đến chỗ anh thanh niên, tính hỏi han đôi điều. Anh thanh niên hoàn toàn bất ngờ và mừng rỡ hỏi có phải tôi đang đợi bạn Minh Hương ra đón? Có phải tôi tên là H đến từ Kisinhop? Tôi chỉ biết ngỡ ngàng vâng, và hỏi anh ấy có biết bạn tôi sắp ra đón hay không? Thay cho câu trả lời, anh mở vạt áo măng- tô, lấy ra một vật đưa cho tôi: một bông Tulip đen thẫm như nhung! – “Minh Hương nhờ tôi ra đón H, cô ấy bị cảm, nhẹ thôi, đừng lo, nhưng thời tiết này thì không nên ra ngoài”. Tôi nhận lấy bông hoa của người đi đón. Hóa ra chính là nó, bông hoa đầu mùa mong manh, non nớt ủ sâu trong ngực áo măng-tô, để anh ấy cứ phải thỉnh thoảng lại cúi xuống, cho nó một hơi thở ấm, để nó không bị lả đi. Chưa bao giờ tôi được quan sát hoa và người tặng hoa cho mình từ đầu đến cuối như thế. Bởi vậy bông hoa nhỏ bé bỗng trở nên thật ấn tượng đối với tôi.


 Minh Hương đã làm mối tôi cho anh bạn cùng trường của nó như thế, bắt đầu bằng cách nhờ ra đón ở ga tàu. Cả tôi và anh sau này mới biết ngầm ý của nó. Cả tôi và anh đều cảm thấy biết ơn cô bạn nhỏ. Vì chúng tôi yêu nhau, yêu và vô cùng hạnh phúc. Anh học trên tôi 2 năm, lúc đó tôi bước sang năm thứ 2 còn anh bước vào năm thứ 4. Những ngày tháng sau đó, ga tàu ấy là nơi đưa đón của riêng chúng tôi. Tôi vẫn luôn nhớ về cái ga xép nhỏ trong chiều mùa xuân, nhớ cái ghế tôi ngồi, vô tình nhìn thấy anh, nhớ bông Tulip nhỏ bé đã trở thành kỷ niệm tình yêu của chúng tôi. Chúng tôi đã có những ngày tháng tuyệt vời, những tháng Năm ngan ngát hoa Siren, những tháng Sáu với chùm quả mơ non mới nhú, tháng Bảy với những cơn mưa rào bất chợt, tháng Tám với hoa bất tử tím ngặt ngào một sườn đồi, và mùa đông chờ nhau trong tuyết lạnh, và những mùa xuân với bông Tulip đầu tiên… Lúc đó, đôi khi tôi không dám tin niềm hạnh phúc ấy là đang có thật, là tôi đã tìm được tình yêu của mình. Hạnh phúc quá lớn lao, đến nhẹ nhàng và tự nhiên như một ánh ngày vừa lên, như một ban mai ùa vào cửa sổ khi tôi thức dậy. Tôi đón nhận nó hồn nhiên, hết mình, không mảy may lo âu, do dự một điều gì. 

Và cũng như thế, tôi đã đón nhận lời tình yêu của anh chân thành, tin cậy, như người khát, đón từ chiếc ly thủy tinh trong suốt những giọt nước mát trong. Đó là đêm của ngày 8/3, anh đến bất ngờ, chiều muộn, đặt vào tay tôi những bông Tulip anh ấp ủ suốt một ngày tàu. Những bông Tulip chúm chím, ngủ thiêm thiếp trên nền nâu nhẹ, ấm mềm - chiếc khăn choàng anh tặng tôi nhân ngày lễ 8/3.


“Con sẻ nâu”, anh đã gọi tôi như thế, vào một buổi sáng mờ hơi sương, khi anh chợt nhìn thấy tôi ngồi trên bậu cửa sổ, chiếc khăn choàng nâu trễ xuống một bên vai. Lúc đó anh đã đi đến bên tôi, gần lắm, tôi cảm thấy hơi thở, mà bao nhiêu năm sau này, tôi vẫn nhớ, nó ấm và mềm như một chút hương xuân, như tỏa lên từ mặt đất, như trùm xuống từ không trung. Tôi đã nghẹn ngào úp mặt vào vồng ngực đang rộn lên run rẩy những nhịp đập xốn xang của con tim. Hơi thở của chúng tôi làm mờ đi ô cửa kính, phía sau nó là cả một mùa xuân in hình lên, tựa như trong một khung ảnh: một bầu trời màu bạc, những vệt xanh li ti, những chồi non căng lên muốn bật tung, những cành cây trĩu giọt xuân, và tôi, ép chặt trên khung kính, trong nụ hôn ngàn ngạt yêu…


Tình yêu của chúng tôi sẽ là ngọt ngào thế, nếu không phải là tôi, đang cắn chặt chiếc gối để dập đi tiếng nấc trong tiếng tàu đang siết lên đường ray. Tàu chạy hối hả về một thành phố lạ, tôi chạy trốn khỏi anh. Tôi nằm giường sát nóc toa tàu, đếm từng khu rừng, từng dòng sông, từng cánh đồng đã nối nhau lướt qua cửa sổ con tàu nhạt nhòa ánh đèn. Tôi đi về phương bắc, đến một thành phố xa lắc của nước Nga, còn anh đi về phương nam, về Kisinhop, tìm tôi. Sẽ không bao giờ tìm được, không bao giờ gặp lại! Tôi cay đắng nhủ thầm. Đêm dập dềnh, cả thế giới chao đảo trong tôi. Những đường ray song song, không bao giờ gặp nhau, những đường ray đang xuyên vào ngực đêm, buốt nhói! Tôi không muốn tin vào điều đó, và không muốn nghe bất cứ lời giải thích nào. Tiếng anh lạc đi trong ống nghe điện thoại: “Xin em đừng gác máy, hãy bình tĩnh, nghe anh này…! Em nghe anh nói không, bạn anh, anh bạn cùng phòng, anh ấy, anh ấy nhờ anh…”. Tôi không muốn hình dung ra gương mặt người tôi từng yêu lúc đó, tôi nhào ra khỏi phòng điện thoại công cộng, chiếc ống nghe rơi nhào xuống, đầu dây còn rung lên bần bật.

Có người gửi cho tôi xem bức ảnh anh ấy bế trên tay một bé trẻ sơ sinh, cười tươi bên cạnh một cô Tây trẻ măng, tràn trề hạnh phúc, trước cửa một nhà hộ sinh. Và cũng chiều thứ bảy đó, tôi đợi mà không thấy anh gọi điện như hàng tuần. Tôi gọi cho Minh Hương, nó bảo anh bận đến nhà Catherine, giúp tắm cho em bé. Bạn tôi hồn nhiên kể anh khéo tay trong việc chăm bé sơ sinh lắm nhé, và chưa bao giờ nó biết anh đảm đang như thế trong chuyện chợ búa, nội trợ. Tôi không nhớ là tôi đã để rơi ống nghe lúc nào, và cô bạn tôi còn nói gì gì nữa… chỉ biết trong đầu tôi một ý nghĩ: phải đi! Phải đi khỏi nơi đây, đi đâu cũng được, càng xa càng tốt! Sau hôm anh gọi điện, tôi đã có trong tay tấm vé cuối cùng trong chuyến tàu đi Tyumen, và khi người ta chuyển đến tay tôi bức điện báo tin anh đã lên tàu đến chỗ tôi, thì cũng là lúc tàu tôi chuyển bánh. Có ai hình dung được cảnh một con sẻ nâu đang vui tươi, nhảy nhót trong nắng đầu xuân, bỗng ngay lập tức bị trúng tên và ngã nhào xuống? Hạnh phúc và khổ đau chỉ sau một khoảnh khắc. Lúc đó đã sang hè, anh đã bảo vệ luận án tốt nghiệp, và sẽ phải về nước. Tôi đã tìm mọi cách trốn biệt khỏi đời anh, lòng tự nhủ sẽ không yêu ai, và không cần ai nữa.


… Nhưng tôi đã lấy chồng, ngay sau khi học xong, về nước. Chồng tôi, bố của con gái tôi bây giờ là một người nhân hậu, và yêu tôi hết lòng. Ở anh mọi cái đều giản dị, sáng tỏ, chân thành, như ánh sáng Mặt trời, không một nơi u tối, không một góc khuất. Anh chăm chỉ làm lụng, và nhường nhịn, hy sinh tất cả cho vợ con. Vì vậy mà nỗi buồn của tôi được tôi bọc kín lại, cất giữ ở một góc sâu thẳm. Nhưng đôi khi nó ngọ nguậy trong tôi, bắt đầu bằng cảm giác nhớ, nỗi nhớ như từ tiềm thức khẽ dâng lên, rồi cồn lên, rồi từng đợt trào dâng. Tôi như chiếc lá mỏng vật vã, ngạt thở trong những cơn nhớ triều cường đó, thường là những khi một mình, vào những chiều xuân.


… Chuông điện thoại cắt ngang dòng nghĩ của tôi. Tiếng con gái rụt rè: “ Mẹ ơi, có người muốn mua bức tranh ấy!”- “Không, không đâu, con nhé, không được đâu!” Tôi sợ nếu không nói đủ bằng ấy lời từ chối thì người ta sẽ mang bức tranh đi ngay. Tôi hoàn toàn không muốn mất bức tranh.Tôi và con gái thỏa thuận, chỉ mang bức tranh đó - (“Cánh sẻ nâu” - tôi thầm đặt tên cho bức tranh tấm khăn choàng của mình như thế), đến các triển lãm để treo, và không đề giá bán. Thế mà lần nào cũng có người hỏi mua. Chúng tôi đều đã chiến thắng, bức tranh vẫn nguyên vẹn trở về nhà, nằm đúng vị trí của nó. Tôi luôn thấy ấm áp trong lòng khi có bức tranh ở bên. “Mẹ ơi, ông ấy rất muốn, ông ấy chấp nhận bất cứ điều kiện nào!” – “Con hãy nói là mẹ không thể xa bức tranh ấy được!”- “Ông ấy bảo, ông ấy sống trong thành phố này, bất cứ lúc nào muốn, mẹ cũng có thể đến nhà để gặp bức tranh!” – “Mẹ ơi, giọng con nhỏ hẳn đi, bất lực – ông ấy trả hết số tiền nộp học còn thiếu của con!” Một kế hoạch bỗng nhiên được nảy ra trong đầu tôi. Tôi bảo con gái, hỏi ông ta xem khi nào mẹ kiếm đủ số tiền ông ấy trả, mẹ sẽ đến để chuộc lại bức tranh? – “Ông ấy đồng ý, mẹ ạ!”. Tôi lặng đi giây lát, con gái đã ríu rít: “Mẹ đồng ý, mẹ nhá! Con sẽ vẽ cho mẹ bức khác!”. Như một lời hứa an ủi, con yên tâm cúp máy, để lại tôi bàng hoàng, không định hình ngay được có phải chính là tôi vừa quyết định điều hệ trọng đó. Tôi ngồi lặng trên đi-văng đợi, không biết là đợi con gái về hay đợi một phép lạ, bỗng nhiên bức tranh quay trở lại…


Con gái nhập học vào trường con mơ ước. Tôi vui niềm vui của người mẹ. Những ngày tháng sau đó là những ngày làm việc cật lực của tôi. Tôi không rời trang sách cả ngày, cả đêm. Tôi hoàn thành cuốn sách sớm hơn dự định rất nhiều. Lúc ấy là cuối mùa đông. Tôi chắc sẽ không nhận ra ngày tháng nếu buổi sáng đó chồng tôi không nhìn ra mảnh vườn nhỏ vừa ửng lên chút nắng vàng hoe – “ Còn một tuần nữa là sinh nhật em!”.


Tôi đếm cẩn thận số tiền nhận được của nhà xuất bản, khi đã chắc là quá đủ, kể cả khi ông ấy “bắt bí” đòi cả tiền lãi suất nhà băng. Tôi quả quyết gói số tiền ấy vào chiếc khăn mùi xoa nhỏ, cất vào góc tủ. Tôi mạnh dạn gọi điện, hẹn ngày tôi đến “thăm” bức tranh. Một giọng đàn ông xa xôi trả lời từ đầu dây bên kia, xin tôi hoãn lại một tuần, vì ông ấy đang có công việc ở nước ngoài. Tôi đành đồng ý, lòng đã hơi lo lắng, bồn chồn, sợ ông ấy đổi ý, phá vỡ mọi thỏa thuận về bức tranh. Một tuần trôi qua nặng nề, thấp thỏm. Ngày mà ông ấy hẹn tôi đến đúng vào sinh nhật tôi. Chẳng sao, tôi không muốn trì hoãn thêm bất cứ một phút nào nữa. Tôi cần phải đến đó, chuộc lại bức tranh, đón lại kỷ niệm của tôi trở về. Với tất cả quyết tâm cao, tôi không thấy sợ, hay chút ngại ngần nào nữa. Tôi lặng lẽ khép cửa nhà, xuống đường, đi về phía địa chỉ xa lạ đó. Tôi bấm chuông ngôi biệt thự nhỏ, nằm ẩn sâu trong vườn cây. Một bà già nhỏ nhắn ra mở cổng, dáng nhẹ nhàng và giọng nói cũng nhẹ nhàng như thế : “Mời cô vào nhà!” – (Cứ như là tôi là khách mời riêng của bà - tôi thầm nghĩ, thấy trong lòng cảm giác gần gũi, dễ chịu). Một phòng khách rộng, đồ đạc trang nhã, nhẹ nhàng, những tấm rèm cửa mỏng mềm như những chiếc cánh lớn. Tôi đón ly trà từ đôi bàn tay rất dịu dàng của bà, lòng muốn hỏi: “Thưa, bác là…”. Một nụ cười hiền hậu - : “Vâng, tôi giúp việc cho ông chủ tôi đã hai chục năm nay, từ trước khi ông ấy cưới vợ! Chúng tôi mới chuyển về đây một năm nay. Ông bà ấy chia tay nhau, ông ấy muốn trở lại quê hương, tôi cũng về theo, để ông ấy một mình, tội lắm, tôi không đành!”. -“Vâng, phải chia tay là điều khủng khiếp, nhất là khi đã gắn bó hơn hai chục năm”- Tôi thông cảm. Bà già dường như tin cậy nơi tôi, giãi bày: “Nào có hạnh phúc gì đâu. Ông ấy cũng vật vã bằng ấy năm. Bà ấy là người tốt lắm, cả hai người đều tốt, vậy mà không thành. Đúng là con người ta phải có duyên, có số!” Bà chợt ngước nhìn ra phía cửa sổ bảo: “Ông chủ tôi về đấy!” Tôi ngạc nhiên: “Chưa nghe thấy tiếng chuông, tiếng xe nào...“.  Nụ cười của bà thật hiền hậu : “Ông chủ tôi tự mở cổng vào, thấy tấm rèm cửa sổ kia lay động, là tôi biết có gió ngoài đường len vào!”. Tôi kinh ngạc và cảm phục nhìn theo con người vô cùng tinh tế ấy, thầm nghĩ ông chủ hẳn phải là người tinh tế lắm.


Ông chủ bước vào nhà, một người đàn ông thanh mảnh, với tấm áo sơ mi màu xanh nhẹ, và mớ tóc mềm phủ che một phần vầng trán cao, phẳng. Tôi bất ngờ nhận ra những bông hoa Tulip đen màu nhung trên bàn tay có những ngón dài và thon. Tôi dán mắt vào những bông Tulip đen ấy, và bỗng không phân biệt nổi những bông hoa đang rung lên hay tại những ngón tay đang run run. 


“Cánh sẻ nâu” của tôi là bức tranh duy nhất được treo trên tường trong phòng đọc. Vẻ ấm cúng nhẹ nhàng của căn phòng làm tôi có cảm giác ánh mắt người thiếu phụ trong tranh có chút khác xưa, bình yên hơn, thanh thản hơn. Tôi ngơ ngác nhìn lên bức tranh như lần đầu tiên tôi đến một viện bảo tàng tranh thế giới: muốn chiêm ngưỡng, muốn khám phá, muốn được hiểu và được cảm với người trong tranh. Nhưng chỉ một lúc sau, tấm khăn choàng màu hạt dẻ bỗng như khẽ lay động, và tôi thấy mình được trở về cảm giác ấm mềm, âu yếm của bao năm xa lạc. Những bông Tulip hé mở trong tay tôi, như chính chúng nói ra những lời mà tôi đang nghe: “Hôm nay là sinh nhật em!”. Tôi đã để cho nước mắt và những sợi tóc buồn của mình rơi trên bờ vai ấy. Thời gian ngưng lại trong khoảnh khắc. Chiều mùa xuân ấy ào về. Những hiểu lầm thời tuổi trẻ làm nên lỗi, mà sao không nỡ trách. Chúng tôi không nói gì với nhau, tất cả như đã được hiểu, được cảm nhận.


Mobile rung lên - chồng tôi. –”Hôm nay anh về sớm, anh đến đón em, em đang ở đâu?”. Lúc đó tôi mới cảm thấy một tay mình vẫn nắm chặt cái sắc nhỏ, trong đó có gói tiền tôi mang đến để chuộc lại bức tranh. Thoáng chốc, tôi cảm thấy không cần đến nó nữa, hoàn toàn không. “Cánh sẻ nâu” của tôi đã có nơi đậu. Chưa bao giờ tôi cảm thấy yên lòng và thanh thản đến thế khi ngắm nhìn bức tranh. Cuộc đời thật kỳ lạ, những kỷ niệm sẽ còn ngọ nguậy, những ký ức sẽ còn day dứt mãi, nếu chúng chưa tìm được bến đậu. Tôi gửi lại anh “Cánh sẻ nâu” một thời, gửi lại mối tình đầu của tôi... để trở về với hiện tại của mình.


Tôi ngồi sau xe chồng, gục mặt vào tấm lưng rộng, ấm áp và tin cậy, mà biết rằng tôi đang để lại phía sau một Vầng Trăng Xanh, xa ngái, vĩnh hằng…


 

Bùi Thanh Huyền


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.