• dau-title
  • Truyện ngắn
  • cuoi-title

Tiểu thuyết: Lính Miền Đông

Thứ ba - 13/06/2023 10:34


(Ảnh: Đại Dũng)


TIỂU THUYẾT "LÍNH MIỀN ĐÔNG"
(Tác giả: Biên Linh)


Đã qua ba tháng hè. Nắng bớt gay gắt. Nhưng trời vẫn oi ả. Ở thao trường về, áo đẫm mồ hôi, bữa cơm của lính tuy đạm bạc nhưng cũng phần nào lấy lại sức lực cho chiến sĩ.

Đơn vị chuẩn bị đi B. Tất cả đã sẵn sàng. Đúng 12 giờ đêm, đoàn xe quân sự gồm 12 chiếc được đưa lên. Xe nào cũng phủ bạt. Mỗi xe chở hai tiểu đội. Huấn luyện ngoài thao trường đã khổ nhưng còn được nói, được hít thở khí trời trong lành. Ngồi trong xe không được chuyện trò để đảm bảo an toàn, bí mật suốt chặng đường dài còn khổ ải gấp trăm lần. Cảm giác thật ngột ngạt. Đường càng vào sâu phía Nam càng khó đi, có chỗ xóc nẩy người, có chỗ xe nghiêng đi như sắp đổ. Ai cũng mong mau đến nơi. Đi hết ngày đầu, xe tạm dừng nghỉ ở một trại cùi (hủi) của tỉnh Quảng Bình để ăn uống và để xe tiếp thêm nhiên liệu. Sáng sớm hôm sau lại lên đường. Xe chở quân đến một làng ở miền núi tỉnh Quảng Bình có tên gọi là làng Ho, cả đoàn được nghỉ một ngày. Ra khỏi xe người nào cũng phấn khởi vì được hít thở không khí trong lành giữa núi rừng. Ai nấy như khỏe ra. Ở đây, tất cả chiến sĩ được thay trang phục. Xếp lại những trang phục của bộ đội chính quy miền Bắc. Mỗi người được phát hai bộ kaki màu xám, hai bộ bà ba đen và đồ lót... Hình ảnh bên ngoài của đoàn quân phía Bắc đã hoàn toàn thay đổi. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương nhân lên.

Bắt đầu hành quân vào Trường Sơn. Mỗi người mang trên lưng quân tư trang cá nhân, súng đạn, gạo... bình quân khoảng 30 đến 40 kg. Hoan là tiểu đội phó nên còn phải đeo thêm nồi quân dụng để nấu ăn cho tiểu đội. Lỉnh kỉnh. Nặng. Đường cheo leo đèo dốc. Trèo đèo, lội suối, dốc cao, vực sâu, đường trơn, đá tai mèo sắc nhọn... Có khó khăn nào không trải qua. Hành quân bộ liên tục sáu ngày, được nghỉ thứ 7, chủ nhật. Thời tiết ở Trường Sơn khắc nghiệt. Áo chiến sĩ vừa ướt đẫm mồ hôi lại ướt đầm mưa đổ. Nước mưa lắm khi tạt vào mặt rạt rạt. Hoan vốn có thể lực tốt lại là con nhà nông, quen chân lấm tay bùn, quen việc đồng áng từ khi chưa đến tuổi lao động, cũng còn thấy gian nan vất vả. Huống chi nhiều người sức vóc nhỏ con, dáng thư sinh mảnh khảnh. Phần nhiều họ là những học sinh đang học dở cấp III hoặc vừa vào đại học năm thứ nhất. Có cậu cân cả người và áo quần may ra mới được hơn 40 cân, vậy mà phải đeo cũng ngần ấy số cân, trèo đèo lội suối. Có người cố hết sức cũng không theo kịp đội hình. Hoan và những người có sức khỏe khá hơn san sẻ mang bớt cho những người yếu vài cân cho đến chục cân.

Mỗi người đều có một cây gậy cầm tay để vừa chống, vừa làm điểm tựa điểm trụ cho bước chân thêm vững.

Những bài hát về người chiến sỹ luôn được bộ đội ta yêu thích. Lúc nghỉ, hát lên lại truyền cho đoàn quân sự phấn chấn, quên bớt mệt mỏi. Trong tiểu đội của Hoan có Hiến – sinh viên năm thứ nhất Đại Học Bách Khoa, Hiến thông minh nhưng sức yếu. Từ ngày vào Trường Sơn, Hiến bị sốt rét, môi khô, da tái nhưng mỗi khi nghe hát là hai mắt Hiến sáng lên, khuôn mặt tươi tắn, đôi môi nứt nẻ mấp máy hát theo. Thương nhất là những người yếu quá không chịu nổi gian khổ. Họ đổ bệnh. Giữa đường hành quân, thuốc men khan hiếm. Đơn vị đành để bệnh binh ở lại chờ khi phục hồi sức khỏe thì nhập vào đoàn nào đó đến sau. Hoặc bệnh nặng sẽ phải đợi có xe ra thì chuyển về quân y viện điều trị. Hoan nghe nhiều những câu chuyện kể có trường hợp chưa kịp vào tiền tuyến đã hy sinh. Có anh mắc võng ngay ven đường thì giao liên tìm thấy hỗ trợ. Có người mắc võng khuất sau lùm cây, không ai phát hiện ra. Bệnh quá, chết trong chiếc võng. Nhiều năm, cây lớn lên đưa võng lên cao, khi được phát hiện chỉ còn thấy bộ xương khô trong chiếc võng dù cũ kĩ treo lơ lửng trên thân cây giữa um tùm cành lá...

Máy bay Mỹ oanh tạc liên tục. Có đoạn trọng yếu chúng ném bom rải thảm. Cứ bình quân 5 phút một trận bom. Đoàn quân vẫn thần tốc khẩn trương ra tiền tuyến. Mỗi bước là khói lửa, đạn bom, máu và nước mắt. Có đơn vị chưa vào trận đã thương vong quá nửa...

Những chuyện như thế không lạ. Nhưng cũng không vì thế mà khiến những đoàn quân nao núng. Vui mừng nhất là khi lính ta nghe khẩu lệnh:

- Toàn đơn vị nghỉ!

- Rõ!

Các chiến sĩ cởi bỏ ba lô. Tạm trút bỏ được “gia tài” nặng trĩu trên lưng. Hít thở căng lồng ngực.

Người yếu được nghỉ, người khỏe kiếm củi, tìm suối vác nước từ suối lên bằng các ống lồ ô. Đi kiếm hái lá tầu bay, rau rừng. Có anh tháo vát còn bắt được vài con cá, con cua. Cả tiểu đội có bữa tươi ngon miệng. Lúc nghỉ ngơi những chuyện cười của lính mặc sức mà kể. Có chuyện đến đá cũng phải bật cười.

Đoàn đi B đợt này có nhiều sinh viên. Hầu như người nào cũng có một cuốn sổ tay chép thơ và bài hát. Thơ Tố Hữu, thơ Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi... là nhiều nhất. Cánh lính sinh viên viết thư về cho vợ hoặc bạn gái cũng hay chép những câu như: 

“Xa nhau không hề rơi nước mắt /Nước mắt dành cho những ngày vui gặp mặt”. Họ nói với nhau:

- Dù gian khổ mấy cũng không nên kể lể làm cho người hậu phương lo lắng. Phải viết về những cái vui để tăng cường sức chiến đấu cho cả tiền tuyến lẫn hậu phương. 

Tiếng cười của lính làm cho đường hành quân như ngắn lại. Nhưng có những ngày không bòn đâu ra được tiếng cười. Đó là khi vượt núi cao. Có ngọn cao chọc trời. Leo mãi, leo mãi,  chùn gối, mỏi chân, ba lô đè nặng trên lưng, thân người như đổ gập về phía trước, tim đập nhanh, mồm há ra mà thở. Hành quân từ sáng đến tận chiều tối mới lên đến đỉnh núi. Lên đến nơi, mới được nghỉ lấy sức sáng hôm sau xuống núi. Núi cao ngất quanh năm suốt tháng mây bao phủ. Mùa hè còn đỡ, mùa đông lạnh thấu xương. Trên núi toàn cây xanh, không có lồ ô hay củi khô để nấu ăn. Nhưng có loài cây lạ có chất dầu, cành tươi nguyên vẫn cháy. Bộ Đội Cụ Hồ là những người “trong cái khó ló cái khôn”. Không khó khăn nào khiến họ không tìm được cách vượt qua. Trên đỉnh núi cao chất ngất cơm vẫn chín. Bữa ăn đôi khi khá tươm tất với thịt hộp, rau rừng.

Ăn xong là ngủ say sưa như quên hết chặng đường gian khổ đã qua.

Sáng sớm trên đỉnh núi mờ sương, Hoan mới có dịp nhìn cảnh vật từ độ cao hàng ngàn mét. Đã nghe nói về sự hùng vĩ của Trường Sơn nhưng phải đến lúc này, Hoan mới cảm nhận được rõ sự khổng lồ trùng điệp của nó. Núi cao, vực sâu nối nhau liên tiếp. Xa xa trong màn sương thấp thoáng bóng những ngôi nhà nhỏ giữa những vòm xanh của cây lá. Hoan không biết đó là nhà của đồng bào người Kinh hay người Cờ Ho hoặc Cơ Tu... nhưng anh thấy lòng ấm áp nao nao, dâng dâng nỗi nhớ nhà nhớ quê  da diết.



Khi đội ngũ đã chỉnh tề. Tiếng chỉ huy dõng dạc

- Toàn đơn vị, chuẩn bị xuống núi!

- Rõ!

Lên núi đã khó, xuống núi càng khó hơn. Ba lô nặng trở thành lực đẩy mạnh từ phía sau khiến người chỉ chực lao xuống. Phải dùng sức ghìm bước chân kèm với cây gậy chống, trụ thật vững mới không trượt ngã. Dưới kia là vực sâu thăm thẳm như sẵn sàng nuốt chửng những gì rơi xuống đó. Có mấy người sáng chế ra kiểu xoay ba lô ra phía trước. Bước đi tuy có vướng nhưng dễ đi hơn một chút. Có anh tếu táo

- Mang ba lô thế này mai mốt mới biết thương vợ chửa các cậu nhỉ!

- Mình mang có từng lúc chứ người ta phải mang suốt ngày đêm hơn 9 tháng trời cơ đấy!

- Khổ thế mà bà nào cũng năm bẩy lần chửa đẻ, nghĩ cũng nể thật!

- Thế mới có nhiều con mà nối tiếp nhau đi đánh giặc!

- Làng tớ có nhà năm sáu người con đều đi bộ đội.

- Làng tớ cũng thế, nhà nào cũng có người đi B. Có nhà mấy người đi đều là liệt sĩ, thế mà đứa út vẫn xung phong đi nốt! 

- Nói chung theo tớ phụ nữ Việt Nam xứng đáng là những anh hùng. Vì mọi anh hùng đều do phụ nữ sinh ra!

- Phải đấy! Họ xứng đáng là những anh hùng! 

- Nếu nay mai chiến đấu tớ lập được nhiều chiến công tức là chiến công ấy cũng thuộc về mẹ tớ!

Những chuyện lan man đôi khi không đầu không cuối làm cho đoạn đường hiểm nguy ngắn lại. Đều đặn, lịch trình: sáng hôm trước leo lên đỉnh núi mãi chiều tối đến nơi. Nghỉ lại một đêm sáng mai lại xuống núi... Gặp được ngọn núi không quá cao là may mắn rồi! Cứ như vậy ròng rã năm tháng trời mới vào được đến tỉnh Phước Long.

Gạo đã hết. Đói quá. Chỉ mong nhanh đến địa điểm tập kết. Được ăn một bữa no và ngủ một giấc quên trời đất là mong muốn tha thiết của cả đoàn quân lúc ấy. Chờ chừng nửa tiếng thì bộ phận tiếp nhận của tỉnh Đội Phước Long và bộ chỉ huy quân sự Miền đến. Họ đều hồ hởi dễ gần.

- Chào các đồng chí!

- Chào đồng chí!

Sau khi giới thiệu, anh chỉ huy chỉ vào người mặc bộ bà ba đen, dáng dong dỏng, khuôn mặt thanh thoát đang cầm trên tay con dao có cán dài 

- Đây là Ba Lê, đồng chí này sẽ hỗ trợ các đồng chí việc hậu cần tại chỗ. Chắc đói dữ rồi. Chỗ chúng tôi hiện giờ gạo thì không có nhưng có bắp và mì!

- Thế thì tốt quá! Chúng tôi hết gạo đã hai hôm.

- Được rồi! Bây giờ mấy đồng chí giã bắp nhỏ ra để nấu nha! 

Ba Lê vừa nói vừa nhanh nhẹn đưa cho mấy chiến sĩ mới vài cái mũ cối sắt (loại mũ lính Mỹ hay đội). Rồi bê ra một phần bao tải bắp. Anh mở dây buộc miệng bao, lấy mũ xúc bắp ra đưa cho từng người. Thì ra bắp chính là ngô (cánh lính trẻ mới từ Bắc vào nhìn mũ bắp rồi nhìn nhau. Mỗi người một khúc cành cây ngắn và chắc dùng làm chày mải miết giã. Bắp tẻ mầu vàng sẫm, cứng như đá (ngoài miền Bắc gọi là ngô răng ngựa) để đã lâu, có hạt bị mọt ăn gần hết ruột. Một người buột miệng:

- Ngô này chắc để lâu lắm rồi phải không đồng chí?

- Đúng rồi! Trữ đó. Nhiều hồi đói lắm nhưng chúng tôi cũng không được ăn. Phải ăn củ nần củ chụp. Lệnh trên là phải giành lương thực đón quân Miền Bắc chi viện. Nghe có bộ đội chính quy ngoài đó vô tăng cường nên dù đói chúng tôi cũng vui.

Hoan và mọi  người đã giã xong cối bắp. Hạt vỡ ra nhiều mảnh nhỏ. Xảy vỏ và mọt đi là nấu. Nồi nước trên bếp đã sôi. Đội đi nhổ mì cũng về tới. Những củ khoai mì to và dài lập tức được lột vỏ rửa sơ rồi luộc. Nhoáng cái đã xong. Củ mì (ngoài Bắc gọi là Sắn Tàu) đã chín vớt ra rổ khói nghi ngút... Sau gần hai ngày nhịn đói, những củ khoai mì trắng muốt, những hạt bắp mót ăn dở trở nên ngọt ngon vô kể. Hoan nhận ra củ mì trong Nam chắc và ngòn ngọt dẻo dẻo không bở tơi và có vị hơi đăng đắng như sắn Tầu ngoài Bắc. Bữa ăn đầu tiên trên mảnh đất Miền Đông của những người chiến sĩ từ xứ Bác Hồ (theo cách gọi của người dân Phước Long) chỉ đơn sơ thế nhưng với Hoan đó là bữa ăn nhớ mãi không quên. Sau bữa cơm đặc biệt này, đội quân chi viện đã chính thức trở thành Lính Miền Đông.

 

.....
(Còn nữa)

 

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.