• dau-title
  • Góc chia sẻ
  • cuoi-title

Gốc đa quê

Thứ ba - 04/02/2020 21:34

Đã lâu rồi em có về thăm quê không, có còn nhớ cây đa làng đã từng chở che tuổi thơ chúng mình bao năm tháng?

Ngày ấy, khi tôi và em đã biết khắc tên mình lên thân đa thì gốc đa quê đã xum xuê tán lá như một vuông trời xanh dịu mát. Thân đa lồi lõm bao vết sẹo chìm nổi theo thời gian, hết lớp này lặng thầm phủ dày lên lớp khác. Tên của chúng mình giờ đây đã chìm sâu vào từng thớ gỗ. Cây đa tựa như linh hồn của làng mãi mãi gìn giữ những kỷ niệm đẹp thời hoa niên của chúng ta.

Nhớ ngày ấy làng mình còn nghèo lắm, gốc đa là nơi nghỉ chân của dân làng sau mỗi buổi làm đồng vất vả. Sau mỗi buổi cày bừa, cha dong trâu về ghé vào gốc đa uống bát nước chè xanh, hút điếu thuốc lào mơ màng phả khói lên tán lá.

Mẹ tất bật đi chợ xa về mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt vẫn không quên tạt vào gốc đa bỏ chiếc nón trên đầu xuống, bốc nắm bỏng ngô chia cho lũ trẻ con.

Tuổi thơ chúng mình hồn nhiên gắn với gốc đa làng, với những buổi sáng tha thẩn bày trò chơi đợi mẹ, với những buổi chiều dong trâu ra sông tắm mát, ánh mắt khao khát thả lên trời theo vi vút cánh diều bay.

Nhớ nhất là những buổi trưa hè dân làng mình tụ hội dưới gốc đa. Cây đa hiền từ như ông Bụt dang rộng vòng tay che mát cho mọi người, tán lá xanh dày ríu rít tiếng chim kêu. Chim cu gáy gù cúc cù…cu…cu gọi nhau tha thiết, lũ chim sâu rúc rích chuyền cành, bọn chào mào, sáo sậu đánh nhau chí chóe. Lũ chim là nguyên nhân tạo ra những trận mưa quả đa chín rụng ào ào xuống đất.

Quả đa chín mọng to hơn ngón tay màu đỏ sậm, ăn chát ngọt tím hết cả môi lũ trẻ con. Các cụ bà trầm ngâm ngồi nhai trầu bỏm bẻm, tay xoa xoa lưng đứa cháu nhỏ đang ngủ ngon lành trong lòng. Các cụ ông liên tục truyền tay nhau chiếc điếu cày mù mịt khói. Mẹ mang nồi nước vối ra, một mùi thơm ngát dịu nhẹ lan tỏa ngọt ngào.

Ngoài kia con sông Hồng dào dạt chảy, gửi theo cơn gió nồm nam làn hơi nước lành mát ào tới vòm đa xanh. Hương lúa, hương sen thơm nồng nàn bao quanh, không gian dưới gốc đa thật yên ả, thanh bình. Mọi người cùng nâng bát nước vối thơm đậm đà lên nhấp từng ngụm nhỏ, tận hưởng chút hương vị mộc mạc, dân dã của làng quê, cảm giác thời gian như dừng lại, bao lo toan vất vả chợt tan biến theo mây khói. Những câu chuyện về mùa màng, về mưa nắng lại râm ran.

Mỗi khi nhớ về quê hương bao yêu thương lắng lại trong lòng là hình ảnh gốc đa già cổ kính. Cây đa bao nhiêu năm tuổi làng ta chẳng có ai nhớ nữa, chỉ biết rằng khi mình sinh ra nó đã sừng sững xanh tốt cả một góc làng, hồn hậu chở che những người dân quê mùa hiền lành, chân thật. Cây đa là chứng nhân bao cảnh đổi thay thăng trầm của lịch sử, của quê hương, đã tiễn biệt bao người con của dân làng đi chiến trường.

Cây đa này cũng đã chứng kiến những buổi hẹn hò, những giọt nước mắt chia ly, những cái nắm tay lưu luyến, những ánh mắt tha thiết trao nhau của gái trai làng trong những buổi giao quân. Chúng mình cũng thế, những người con của quê hương trong lòng ăm ắp bao kỷ niệm, mãi mãi mắc hẹn với gốc đa làng.

Trưa nay tôi lại về đây, bần thần đứng mãi dưới gốc đa cổ thụ nhớ tới những người bạn với những tháng ngày tươi đẹp xa xưa. Cây đa làng mình trải qua bao nắng mưa giông tố, bão gió quăng quật gãy mất nhiều cành nhưng cành này gãy cành khác lại vươn lên xanh tươi bình thản, vô ưu an thái một góc làng. Tán lá xanh đậm màu sương gió, những chùm rễ ngày xưa buông xuống giờ đã cắm chặt vào đất làng trở thành những gốc đa con bao quanh thân mẹ hiên ngang vững chãi.

Tôi đưa tay chạm vào chỗ khắc tên chúng mình ngày xưa chỉ còn thấy vỏ cội xù xì, mốc thếch nhưng lạ kỳ không một chút rêu phong. Trên vòm đa cao có tiếng chim lảnh lót đánh rơi những quả đa chín mọng, ngọt chát tuổi thơ nghèo. Ngoài kia sông Hồng thao thiết chảy gửi theo ngọn gió trời làn hơi mát nhẹ nhàng vào tán đa xanh biếc. Đôi chiếc lá vàng tươi liệng nghiêng nghiêng theo gió rơi xuống rồi khẽ khàng đậu lại bờ vai.

Đã bao tháng ngày mưu sinh giữa dòng đời mê mải, trưa nay được trở về đứng dưới gốc đa làng, đôi mắt tôi chợt nhạt nhòa hạnh phúc.

Nguyễn Thúy Hằng



Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.