• dau-title
  • Góc chia sẻ
  • cuoi-title

Người Mèo và truyền thuyết Xi-vưu

Thứ hai - 02/03/2020 12:12


Có rất nhiều nghiên cứu lịch sử và xã hội học về sắc tộc H’Mong, hay còn gọi là người Mèo hoặc người Miêu trên thế giới. Các nghiên cứu này làm hé lộ nhiều bí ẩn về một dân tộc lưu vong bắt đầu được các nhà truyền giáo phương Tây ghi chép lại từ thế kỷ 17. Điều gì đã làm cho một dân tộc có lịch sử hùng tráng và nền văn hóa rực rỡ qua nhiều thế kỷ lại bị suy vong biến thành một tộc người sống lang thang trên triền núi? 


Theo tác giả Trần Trúc Lâm trong bài Người Miêu – Lịch sử của một dân tộc lưu vong, ngày nay ước tính có khoảng 6 triệu người Mèo cư trú chủ yếu ở Tây Nam Trung quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar. Trong số này có tới 80 ngàn người định cư ở Mỹ. Người Mèo cư trú trên đỉnh núi cao từ 800 mét trở lên so với mực nước biển. Xã hội người Mèo gần như khép kín không giao lưu nên ít bị ảnh hưởng bởi văn hóa của các dân tộc khác. Có lẽ chính vì vậy mà văn hóa và ngôn ngữ của người Mèo được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh sau nhiều thế kỷ di cư. 

Những câu chuyện về lịch sử của dân tộc Mèo mà chúng ta biết ngày nay phần lớn được kể lại qua truyền thuyết từ đời này qua đời khác mà hiếm có một tài liệu nào được ghi chép nào cụ thể. Có vẻ như là người Hoa cố tình không nhắc đến dân tộc này trong lịch sử của họ. Cuốn sách đầu tiên đề cập tương đối đầy đủ về tộc người Mèo là cuốn “Histoire Des Miao” (Lịch sử về Miêu tộc) do nhà truyền giáo F. M. Savina viết năm 1924 sau nhiều năm chung sống với nhiều bộ tộc Mèo ở Việt Nam và Lào.

Lịch sử dân tộc Mèo cổ đại gắn liền với những truyền thuyết về tộc trưởng Xi-Vưu (Chi You), người đã dẫn dắt người Mèo cổ đại từ vùng Siberia lạnh lẽo đến định cư ở lưu vực sông Hoàng Hà (Trung Quốc) ấm áp. Mặc dù các truyền thuyết kể lại có khác nhau, song tất cả đều có chi tiết giống nhau rằng tộc trưởng Xi Vưu đã lãnh đạo bộ tộc của mình định cư và phát triển rực rỡ trở thành một bộ phận quan trọng trong xã hội nước Sở ở vùng thượng Hà Nam. Nhiều truyền thuyết nói đến sự hùng mạnh của người Mèo vào thời tiền sử Trung Hoa chính là nguyên nhân dẫn đến sự xung đột không thể tránh khỏi với Hoàng Đế (Hoang-ti) Hiên-Viên (Huan-yuan) của người Hoa thời bấy giờ. Những cuộc chiến đấu của Xi Vưu và 81 người anh em thiện chiến của mình chống lại sự đô hộ của người Hoa diễn ra rất phức tạp và ngày nay đã được thần thoại hóa ở mức độ cao. Nhiều truyền thuyết cho rằng Xi Vưu "chế tạo năm loại binh khí, biến đổi mây mù", "làm ra sương mù dày đặc, trọn ba ngày", để ngăn chặn và phản kháng lại nỗ lực thôn tính của Hoàng Đế. 

Khoảng chừng 2690 năm trước tân lịch, người Mèo bị thua trận Trác Lộc trước người Hoa dẫn đến cái chết của tộc trưởng Xi Vưu tại Hồ Bắc (Hubei). Từ đó người Mèo bị đẩy lui đến đồng bằng sông Dương Tử. Sau khi Tần Thủy Hoàng thôn tính toàn bộ nước Sở, người Mèo không chịu hòa nhập với nền văn hóa của người Hoa nên phải chạy trốn lên vùng núi Quý Châu, Tứ Xuyên và Vân Nam. Nhưng vì sự gia tăng dân số, nên người Hoa vẫn tiếp tục tấn công và chiếm đất của người Mèo. Cực chẳng đã, người Mèo phải tổ chức các cuộc di cư theo rừng núi sang các nước khu vực bán đảo Đông dương. Ngày nay, người ta được biết tới ba làn sóng người Mèo sang Đông Dương, trong đó làn sóng cuối cùng diễn ra dưới triều đại nhà Thanh (1840 – 1868).

Điều này có nghĩa là người Mèo đã di cư đến Việt Nam từ khoảng 3 thế kỷ trước. Ở Việt Nam, người Mèo được biết đến với các nhóm sắc tộc Mèo Xanh, Mèo Trắng, Mèo Đen, Mèo Hoa và Mèo Nước qua các màu chủ đạo trong sắc phục của họ. Các sắc tộc Mèo đều nổi tiếng về kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt trên đất dốc, dệt vải và thêu trang phục. 

Con trai con gái Mèo lớn lên đều được dạy rằng:

Lớn lên anh theo cha đi cày nương.

Theo anh đi vào rừng săn thú

Lớn lên em theo mẹ tập thêu

Theo chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới.


Tục ngữ Mèo có câu “Muốn biết người tốt xem gác bếp, muốn xem người đẹp xem quần áo”. Con gái Mèo đẹp được quan niệm là phải biết thêu khéo như trôn con ốc. Người giỏi thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Thêu thùa may vá và nghề dệt vải thêu hoa văn là thước đo giá trị của người phụ nữ Mèo:

Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu

Gái xinh chưa biết cầm kim là hư.


Cái lý chung của người Mèo là có chết cũng phải ăn mặc đẹp. Mặc không đẹp hoặc không đúng phong cách của dòng tộc mình thì tổ tiên ông bà không nhận ra và họ phải thành con ma đi lang thang không nơi trú ngụ. Có phải chăng cái lý này đã đến với người Mèo vì tổ tiên của họ đã bị tước đoạt đất đai nhà cửa, buộc phải du canh du cư trên các triền núi? Dù lịch sử có ghi hay không, thì truyền thuyết của người Mèo vẫn được truyền lại cho muôn đời con cái mai sau về một dân tộc văn minh, yêu tự do và không bao giờ chịu khuất phục.


 


Tuấn Khanh tổng hợp


Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.