• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Cảm nhận về tập thơ "Nhớ tìm tôi nhé" của Bùi Đại Dũng

Thứ sáu - 05/11/2021 09:43




Cảm nhận về tập thơ “Nhớ tìm tôi nhé” của nhà thơ Bùi Đại Dũng

 
Hai tập thơ “Nhớ tìm tôi nhé”, “Đuốc và mặt trời” là hai chặng đường nghệ thuật trên hành trình ĐờiThơ của Bùi Đại Dũng…. Với tổng cộng hơn một trăm bài thơ ta không khỏi ngỡ ngàng, cảm phục trước sức sáng tạo dồi dào và sự miệt mài lao động nghệ thuật của tác giả - Nhà ngoại giao – Nhà nghiên cứu kinh tế học- Người thầy tận tụy trên giảng đường trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội nhưng lại rất đỗi có duyên với nghiệp thi ca.
 
Như quả trên cây được hình thành bởi sự âm thầm tích nhựa từ mùa đông rét mướt, nụ hoa chúm chím của mùa xuân ẩm ướt, cái xanh tươi, mát lành của mưa rào mùa hạ đến vị ngọt ngào, chín mọng của mùa thu - quy luật nhận thức của con người thường đi từ những rung động non tơ đến những suy ngẫm sâu xa về nhân tình thế thái. Quả thật “Nhớ tìm tôi nhé”, “Đuốc và mặt trời” là sản phẩm tâm hồn, trí tuệ rất tương ứng với hai chặng đường thơ, đường đời thi sĩ: trẻ trung và từng trải…
 
 Nhưng vốn là một người sống thiên về cảm xúc tôi vẫn thấy đồng cảm và yêu thích hơn với tập thơ đầu đời của anh có tiêu đề như một lời nhắn nhủ tha thiết, chân thành: “Nhớ tìm tôi nhé”. Tập thơ này là tập hợp những bài thơ anh viết trong khoảng 7 năm, từ năm anh 18 tuổi.
 
“Nhớ tìm tôi nhé” của Bùi Đại Dũng là tập thơ mang đậm sắc màu hoài niệm. Dường như mạch thơ anh cứ dạt dào tuôn chảy từ ký ức thuở học trò với “Trường cũ”, Tháng năm”, Thương mùa lá rụng”, Mái trường”, Quê hương”, Tháng năm 2”, “Đừng tìm kỷ niệm”, Xa trường”, với những trăn trở: “Tôi đi tìm tôi, “Xa xăm”, “Ngõ xoan”, “Hôm nay – hôm qua”, Cuộc đời của tôi”, “Lửa và mẹ”,Tầm xuân 1”, Tầm xuân 2”, Trăng lên”, Xa”, Lá ướp”, và kết lại là lời nhắn nhủ: “Nhớ tìm tôi nhé”!
 
Nếu ví tâm hồn người thi sĩ dạt dào như biển cả, như ngàn vạn lớp sóng xô bờ thì hồn thơ Bùi Đại Dũng có thể không phải là những con sóng bạc đầu, thét gào, vần vũ, mãnh liệt mà như vạn ngàn con sóng nhỏ xôn xao, rì rào, thủ thỉ tâm tình song vẫn đủ sức xao động lòng người bởi những mạch ngầm dưới đáy sâu của nó. Và cứ thủ thỉ ngọt ngào như thế nhà thơ dẫn dắt ta vào thế giới của riêng anh, của tâm tư hoài niệm êm đềm: có tiếng “gió xào xạc vòm cây”, có những “ngày xa vắng” với “Con đường nhỏ hiền lành phơi nắng”, “Khoảng trời xưa sau ô cửa mở” – “Cỏ khô rối vương tiếng cười trẻ nhỏ/ Tháng năm nào nơi ấy bước chân ta”… “Tôi lại về đây thăm ngôi trường cũ/ Bâng khuâng đầu không mũ/ Nghe lá phượng rơi đầy”…những hoài niệm ấy như tiếng sỏi nhẹ rơi trên lối nhỏ mà hằn sâu vào ký ức, như từng giọt đàn giutar thảng thốt đủ làm thổn thức bất kỳ trái tim ai.
 
Thơ Bùi Đại Dũng bình dị, ấm áp như hơi thở của đời thường – không cầu kỳ câu chữ, không nhiều đột phá, độc đáo về hình thức nhưng lại rất giàu sức gợi. Bởi hình ảnh, ký ức trong thơ anh vô cùng gần gũi với mỗi chúng ta như cơn mưa rào tháng Năm bất chợt, như tiếng chim trong vắt và bầu trời thẳm xanh sau cơn mưa, như cánh hoa sim tím mong manh lưng đồi vắng, như giọt nắng lung linh lọt qua vòm lá buổi ban trưa. Tuổi thơ êm đềm, cành hoa phượng vỹ đỏ rực trời mùa hạ, tiếng ve ngân gióng dả, tiếng hát ngọt ngào của người thôn nữ và khát vọng tuổi thơ như chú ngựa tung bờm phi trên thảo nguyên xanh về phía chân trời (Tháng Năm 1). Hồn thơ anh là hồn thơ dịu dàng man mát, ngay cả nỗi đau cũng lặng lẽ âm thầm, không quằn quại, thét gào. Lời thơ không lộng ngôn, cường điệu mà cứ nhỏ nhẹ hiền hòa như dòng suối nhỏ róc rách vào tâm tư người đọc để ta dễ dàng đồng cảm cùng anh. Đó là:
 
“Dòng suy tư của một người lặng lẽ,
Bước lang thang cô độc giữa lòng người.
Cây ven đường lá xao xác mùa rơi,
Lá con tim có theo mùa không nhỉ?
Khi màu xanh đợi chờ chung thủy,
Ngả màu vàng theo lá Thu bay.
Ai đã trải qua lần chia ly đắng cay,
Mới thấm cô đơn giữa đời sôi động”
   (Thương mùa lá rụng)
 
Đôi khi trong “Nhớ tìm tôi nhé” ta cũng gặp một Bùi Đại Dũng trầm ngâm, triết lý nhưng đó cũng là một thứ triết lý rất đỗi nhẹ nhàng, không trừu tượng, khô khan mà xôn xao cảm xúc:
 
“Hạnh phúc là bông hoa
Nó bất ngờ mà tôi vụng dại
E ấp nỗi lòng buổi đầu ươm trái
Rồi ngày tháng trôi đi
Tôi vụng về ôm vào vòng tay
Những cách hoa tơi tả
Rơi khỏi kẽ tay tôi
Những dòng đời và hạnh phúc xa xôi….”
(Vô đề 1)
 
Ẩn hiện trong thơ anh là nỗi nhớ về một mốt tình thuở học trò trong trẻo và lãng mạn. Có bài thơ như một bức thư “Anh viết cho em…” mỗi trải nghiệm trong hiện tại đều khiến anh liên tưởng về em của ngày qua. Hương chè thơm cao nguyên Mộc Châu gợi anh nhớ hương lúa quen thuộc quê nhà với “dáng em thanh, gánh lúa đường làng”... Lên cao nguyên xa xôi anh lại nhớ bài ca “Thành phố buồn” hôm nao em hát …. Anh như bước đi hụt hẫng, miên man giữa hai bờ hư thực:
 
“…Nhưng đâu có những con đường đá lát,
Chỉ có đồi chè bát ngát trong sương.
Mơ ước tuổi thơ còn vấn vương,
Khi thoáng trông cánh bướm bay vờn,
Khi vẳng tiếng chim trong chiều tĩnh lặng,
Nỗi nhớ xa xôi một thời cắp sách,
Đã qua rồi mà ngỡ chưa qua.”
(Mộc Châu)
 
Ký ức ấy đủ làm tan chảy trái tim người đọc bởi sự gần gũi, đồng cảm!
 
Công tác ở Hà Nội nhiều năm, bên nỗi nhớ nao lòng về làng quê yêu dấu là sự cảm nhận tinh tế về đất kinh kỳ với nét đặc trưng của mùa thu Hà Nội: nồng nàn hoa sữa. Không gợi nỗi nhớ người xa như một tứ thơ quen thuộc của Hồng Đăng, viết về Hoa Sữa, thơ Bùi Đại Dũng khiến ta ngạc nhiên bởi những phát hiện mới mẻ thú vị:
 
“Hanh hao báo tiết lạnh
Mọi cây giấu chồi xanh.
Hoa Sữa sao lạ thế,
Lại đơm hương đầy cành.
 
Không sắc màu rực rỡ,
Ẩn mình lẫn vòm xanh.
Không chờ thời tiết ấm,
Nở, mặc mùa khô hanh…”
(Hoa Sữa)
 
Ồ, thì ra loài cây biểu tượng của mùa thu se sắt heo may ấy lại mang đầy sức xuân, sắc xuân, hương xuân. Và chính vì vậy mà hoa sữa làm ấm bừng không gian lạnh lẽo: “Hào hiệp mà lặng lẽ/ Ấm lòng người thu sang”. Bằng sự liên tưởng, cách sử dụng hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa, thiên nhiên trong thơ anh cũng trở nên rất đỗi nhân hậu, nhân tình. Với “Hoa sữa” Bùi Đại Dũng đã làm nên nét riêng, nét mới mẻ trong cảm nhận và sáng tạo về một hình tượng, một đề tài quen thuộc. Điều đó cho ta thấy sự sáng tạo trong nghệ thuật là không giới hạn và người nghệ sĩ phải làm được điều này như là sự khẳng định nét riêng trong cảm nhận về thế giới của chính mình.
 
Đọc thơ anh tôi bắt gặp người nghệ sĩ luôn trăn trở đi tìm bản ngã của cái tôi thi sĩ, là sự đào xới quá khứ - của ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai để rồi nhận chân ra:
 
“Cái tôi phải tìm không hề có trước
Anh phải tìm anh tức là mạnh bước
Tự khẳng định mình với toàn nỗ lực…”
(Tôi đi tìm tôi)
 
Chỉ có sự nỗ lực, mạnh mẽ, dấn thân về phía trước mới khẳng định được chính mình cũng như tìm được giá trị của bản thân mình. Đó cũng là lý tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ - của khát vọng sáng tạo và cống hiến trong con người trí thức -Nhà giáo – Nhà thơ Bùi Đại Dũng từ thuở đầu đến với nghiên cứu khoa học và cầm bút làm thơ.
 
Nếu nói rằng “Nhớ tìm tôi nhé” là tập thơ tình yêu của tác giả Bùi Đại Dũng cũng không sai. Tập thơ 65 bài thì có đến hơn 20 bài được tác giả viết ra từ những cảm xúc suy tư về tình yêu đôi lứa với rất nhiều cung bậc, trạng thái cảm xúc. Trong miên man ký ức về tuổi học trò, quê hương, mùa hạ là những ký ức tình yêu đẹp đẽ - ký ức về “Em”. “Em” được ẩn dụ trong hình ảnh “Sao mai xanh” nơi xa xôi:
 
“Em đấy ư, Sao Mai Xanh yêu dấu,
Vượt ngàn trùng xa cách tìm anh,
Chẳng ồn ào mà dịu êm lặng lẽ,
Nói ngàn lời qua ánh mắt long lanh”
(Sao mai xanh)
 
Để:
 
“Anh ước mình là hạt sương mai
Ghi trọn hình em xanh ngời lóng lánh.
Ở nơi đây hồn anh chắp cánh,
Khi được rọi vào ánh sáng từ em.”
 
Tình yêu trong thơ anh mang vẻ đẹp lý tưởng, trong trẻo và lãng mạn của một thời mà trong mỗi trang đầu cuốn sổ tay sinh viên hay người lính ra trận đều có bài thơ nắn nót chép tay, thuộc nằm lòng – bài thơ “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu:
 
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”…
 
Trong sự lý tưởng hóa đến mức tôn thờ tình yêu ấy, thơ Bùi Đại Dũng thường trở đi trở lại với hình ảnh “Ngôi sao” - Mắt em – tâm hồn người anh yêu còn đẹp hơn cả những vì sao ấy:
 
Ngôi sao chiều long lanh xa xăm,
Như dò hỏi điều anh suy tưởng,
Sao đẹp lắm song không ví được,
Với mắt em, sao thiếu tâm hồn.
       (Bất lực)
 
Tình yêu trong thơ anh đi liền với cảm hứng ngợi ca và ngưỡng mộ, bởi vậy mà nó vô cùng cao đẹp, trong sáng và lãng mạn, nó không gần trong vòng tay mà cứ mãi lấp lánh phía trời xa, trong hồi ức, trong nỗi nhớ. Ở bài thơ khác (Bình minh em) nhà thơ còn ví Em“ánh mai hồng”, là “bình minh”, là “tinh cầu trong không gian vô tận”, là “diệu kỳ trong ánh sáng trong đêm”. Nhờ có tình yêu kỳ diệu của em có thể biến “Hạt cát anh thành ngôi sao sáng”. Tình yêu có sức mạnh vô biên, cảm hóa tâm hồn. Còn sự ngợi ca nào tôn vinh tình yêu đẹp đẽ và nồng nhiệt hơn thế!
 
Tình yêu trong thơ Bùi Đại Dũng có khá nhiều cung bậc: từ khắc khoải mong chờ, trách móc đến dư vị đắng cay, nỗi đau không thể nói nên lời khi trái tim chân thành lại được đáp trả bằng sự đùa bỡn, vô tình:
 
Em đã đọc vần thơ hò hẹn,
Về nỗi niềm khắc khoải mong chờ.
Em đã đọc vần thơ trách cứ,
Với một người lỡ hẹn vì mưa.
Nhưng có thể em chưa từng đọc,
Tứ thơ không diễn đạt bằng lời,
Trong ánh mắt một người lặng lẽ,
Biết người hò hẹn để đùa chơi.
            (Hò hẹn)
 
Cả cái cảm giác “chơ vơ” đơn độc, bâng khuâng sau phút giây bất chợt gặp gỡ rồi chia tay. Bão nổi trong lòng khiến đất trời cũng đồng cảm, đồng điệu:
 
Gặp nhau lại là lúc xa nhau.
Chia tay em đất trời nổi gió,
Con tàu đi ngược chiều giông tố,
Sợi khói mềm vương vấn hồn anh.
 
Chặng tiếp con đường nắng lên long lanh,
Những ngọn đồi vàng chơ vơ trong nắng.
Gặp gỡ chia ly, thời gian không bình lặng,
Giọt nắng giữa trời rơi chậm bâng khuâng.
              (Ga lạc đạo)
 
Với “Xa xăm” – là sự tự nhận thức, là khát vọng thẳm sâu và tha thiết của nhà thơ được lục tìm ký ức để trở về cội nguồn - cát bụi hoang sơ, tìm lại chính mình:
 
“Bản năng gọi về từ chốn hoang sơ
Nhớ làn nước trong nhớ mùi cây cỏ
Một khoảng nắng vàng, đọt non tươi đỏ,
Cũng in hằn – ký ức – đời tôi…
Ta muốn tìm trong chùm lá vòm cây
Một kỷ niệm ai gửi vào trong đó
Và gió ơi chứng kiến đời dâu bể
Kể đi nào cho lớp lá non nghe
Rằng cuộc đời dù hối hả bộn bề
Vẫn ngưng đọng phút giây khắc khoải
Nao lòng lắm từ thẳm sâu êm ái
Về cội nguồn cát bụi hoang sơ”
 
Là sự ngộ ra “Cuộc đời sao vội vã/ Chẳng một phút nghỉ chân” (Chiều xuống). Là sự trầm ngâm về hiện tại và quá khứ (Hôm nay – Hôm qua) về quy luật của thời gian nghiệt ngã:
 
“Ngày xưa ấy không bao giờ trở lại
Ta đã mất, phải rồi ta mất mãi
Nghĩ cho cùng ai có lỗi gì đâu”
(Cuộc đời của tôi)
 
Nhưng chưa bao giờ trong thơ anh nhuộm sắc buồn u ám mà ngược lại luôn óng ánh một niềm tin trong vắt, màu xanh khi nghĩ về tình yêu, người yêu:
 
Ai bảo tầm xuân màu xanh,
Tôi ngẩn ngơ khi thấy hồng xòe nở.
Tôi vô tình hay ngây thơ... không biết nữa,
Có một nụ hồng xanh mãi trong tôi.
                 (Tầm xuân 1),
 
Tầm xuân ơi...
nụ xanh
Ơi giấc mơ
đời anh.
Biết bao nhiêu thương nhớ
vẫn dồn về
chùm hoa bé
rung rinh…
 (Tầm xuân 2)
 
Ta cảm nhận được vẻ đẹp nhân hậu nhân tình trong tình yêu đôi lứa và giá trị nhân văn lấp lánh trong những bài thơ tình của Bùi Đại Dũng. Ngay cả trong sự đổ vỡ không biết nguyên nhân vì sao nhưng người con trai ấy luôn nhận lỗi về mình (Mưa bụi), luôn trân trọng những kỷ niệm tình yêu (Xa).
 
Thơ Bùi Đại Dũng đi từ xu hướng cảm nhận đến suy tưởng, triết lý về tình yêu. Nhưng với một tâm hồn đa cảm ngay cả khi triết lý thơ anh vẫn bồi hồi, miên man cảm xúc:
 
… Tình yêu như thiên nhiên,
Không tuổi và vô tận,
Giây phút ấy năm nào,
Sống trong tôi vĩnh viễn.
(Trăng lên)
 
…Ơi vầng trăng xa xôi,
Treo trong đêm khuya khoắt,
Một tiếng vọng mơ hồ,
Cứ ngân vang không tắt...
 
Có phải tiếng cõi lòng,
Trăng như tôi cô quạnh.
  (Trăng muộn)
 
Và nếu tìm anh xin hãy tìm về ký ức với “Ngôi nhà nhỏ”, “Mảnh vườn xưa be bé” “Vạt nắng hè sao giống ánh trăng”. Nó quá đỗi dịu dàng như tâm hồn anh, như thơ anh - một hồn thơ, một trái tim luôn khát khao yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm và hướng thiện. Đọc “Nhớ tìm tôi nhé” của Bùi Đại Dũng tôi đã nhớ rất nhiều về Exenin của nước Nga xa xôi mà vô cùng gần gũi với tâm hồn người Việt. Bởi Exenin chính là nhà thơ của đồng quê Nga yêu tha thiết thảo nguyên xanh với những khúc ca trên thảm cỏ, với làng quê êm đềm và những ngôi nhà bằng gỗ sồi vàng óng, với người mẹ nghèo chốn quê nhà luôn mong ngóng đứa con xa mỗi chiều về mà chỉ hình dung thôi cũng thấy tim mình thắt lại:
 
“Con sẽ về khi vào độ xuân sang
Mảnh vườn ta cây đâm cành nẩy lộc..
 
...Mẹ chớ đi đi lại lại trên đường
Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát”
(Thư gửi mẹ - Exenin)
 
Với “Nhớ tìm tôi nhé” Bùi Đại Dũng đã lưu giữ vẻ đẹp của hồn mình, hồn quê, hồn người trong những cảm xúc thơ bình dị mà sâu lắng, mãi còn làm lòng ta xôn xao.
 
Tây Nguyên, tháng 10 năm 2021
 Nguyễn Thị Toán


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.