• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Thu trong thơ Trần Huyền Tâm

Thứ hai - 20/12/2021 22:07



(Ảnh: Trần Huyền Tâm)

THU TRONG THƠ TRẦN HUYỀN TÂM

(Rơm Vàng)
 
Lần đầu gặp nữ thi sĩ Trần Huyền Tâm, tôi ngỡ mình đã quen chị từ lâu. Chị dịu dàng, đằm thắm, khi nhoẻn cười, cả không gian chung quanh như bừng sáng. Ở chị, tố chất của một nhà ngoại giao kỳ cựu có thừa: Thông minh sắc sảo, tư duy mạch lạc của dân chuyên toán, mềm mỏng nhẹ nhàng, những chia sẻ vô cùng thuyết phục của người sở hữu trí tuệ uyên thâm, giọng nói trong trẻo quyến rũ… Chị có một tâm hồn rất đẹp, cảnh vật qua con mắt của chị dường như đẹp hơn, cuốn hút hơn, lay động người đọc, để rồi truyền tải những ý thơ khiến họ say mê. Ai đã từng một lần được đọc thơ chị, có lẽ sẽ giống như tôi, trở thành “fan cuồng” của những vần thơ đầy chất họa, chất nhạc ấy.
 
Mọi người yêu “chất nhạc” trong thơ chị, nên thơ chị được phổ nhạc nhiều. Ở đây, tôi muốn chia sẻ một chút cảm nhận của tôi về “chất họa” trong thơ của chị. Nó là men say, một khi đã đắm mình trong nó, ai rồi cũng sẽ trở thành người hâm mộ những vần thơ của chị.
 
Tôi luôn yêu thích vẻ đẹp của Mùa thu trong thi ca. Tôi từng cho rằng sẽ không có mùa thu nào đẹp được như mùa thu trong thơ của Olga Bergolz (Bằng Việt dịch):
 
“Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ,
Cái nắng êm ru, màu trời không chói,”
 
Cho đến khi đọc được thu trong thơ chị.
 
Đó là lúc tôi thấy mình đang được thưởng thức cảnh đẹp cuối hạ đầu thu. Với chút nắng ấm của mùa hè còn sót lại cùng những vạt nắng hanh của buổi chớm thu hòa vào nhau, tạo nên một bức tranh giao mùa tuyệt mỹ. Mùa hạ còn đó với hình ảnh những đóa sen cuối vụ, nhưng mùa thu cũng tràn về cùng với gió heo may, nắng nhạt màu trong vắt… Chỉ cần đọc thôi cũng thấy quá đỗi an yên.
“Đã thấy Hè thoáng vướng vất ly tao
Nắng hanh hao khởi sắc vàng lên lá
Sen cuối vụ thương về nơi gió cả
Cọng khô nào hờn mát ngọn heo may.”
(Thu an)
 
Cảnh thu được chị dùng những từ ngữ thật tinh tế vẽ lên đẹp tới nao lòng. Mỗi một sắc thái thu trong thơ chị đều có “cảm tính”, có “hồn”, có “chất” của riêng nó. Tôi thích cách chị vận dụng thủ pháp “nhân cách hóa” trong thơ. Rất ý nhị không hề phô trương. Cơn mưa thu bằng cách nào đó thể hiện sự “dịu dàng”, vạt nắng “lung linh”, gió thổi “chùng chình” kiểu quyến luyến cảnh thu đẹp không nỡ rời đi, hay như sương chiều bay cũng “lãng đãng” như thể còn mải suy tư điều gì…
 
“Dịu dàng đến từ cơn mưa
Lung linh ấm về vạt nắng
Chùng chình gió qua đường vắng
Lãng đãng sương chiều nhẹ bay”
(Thu về sớm nhịp hương giăng)
 
Tôi như đang được xem phim quay chậm một buổi chiều chớm thu bừng sáng sau một cơn mưa dịu nhẹ. Không gian lung linh huyền ảo nhờ những vạt nắng nhạt màu. “Tiếng nhạc thiền vang nơi nơi” khiến hồn ta thư thái. Rồi, bởi vì mùa thu, trời tối khá nhanh, không gian vắng lặng mờ dần bởi sương chiều, những cơn gió nhẹ khẽ lay động những chiếc lá trên những hàng cây ven đường… Và rồi, màn đêm buông xuống, với “sóng sánh hơi may”, với ánh trăng như dát bạc mềm mại trên những tán lá:
 
“Đêm buông sóng sánh hơi may
Trăng tràn lênh loang trên lá”
(Thu về sớm nhịp hương giăng)
 
Tôi thấy mình trong thước phim ấy, đang tận hưởng cảnh thu, hít hà hương hoa sữa thơm nồng, nhấm nháp chút cốm đầu mùa, ăn xong mà mùi vị còn vương vấn đầu môi… Nhưng lại bỗng nhận ra mình đang được chạm môi vào cảnh sắc thu dịu dàng ấy, tận hưởng toàn bộ hương thu ngọt ngào ấy...
 
“Hoa sữa nức cơn gió cả
Hương thu ngọt ngào trên môi.”
(Thu về sớm nhịp hương giăng)
 
Lần khác, tôi được xem một bức tranh vẽ mùa thu chín, với những đụn rơm chất cao sau mùa gặt, với những chiếc lá vàng nửa rụng rơi đang xoay vòng dưới đất, nửa luyến lưu chưa muốn rời cành. Sương “chùng chình” buông xuống, “lặng lẽ đỡ mùa rơi”:
 
“Chộn rộn chất chồng những rạ cùng rơm
Vừa mới thật thu, đông đã về cận cửa
Lá chín bời bời
rưng rức niềm đi, ở
Sương chùng chình
lặng lẽ
đỡ mùa rơi”
(Thu chín)
 
Trong khung cảnh níu giữ lòng người ấy, tôi thấy một người đàn ông từng trải, đầy suy tư, yêu thương ngập tràn, đang ngắm nhìn người phụ nữ rất đẹp của mình; sóng mắt chị qua thời gian với đủ đầy chiêm nghiệm cuộc sống thẳm sâu, tím biếc. Người ấy nắm tay chị, thấy lòng chùng xuống khi bắt găp “mái xuân thì” không còn như xưa. Nhưng anh ấy bởi vì yêu, mà “đem chênh chao níu giữ”
 
“Em đưa mùa thu đi đâu
Mà sóng mắt chiều lơi tím thế
Lòng tôi thành cơn gió mùa đa đoan cả nể
Đem chênh chao níu giữ mái xuân thì.”
(Thu chín)
 
Tôi thích từ “chênh chao” của chị. Nó nhẹ bẫng, nhưng cũng nặng lòng lắm. Nó khiến ta như hiểu rằng anh ấy biết trước tỷ lệ thành công rất nhỏ, nhưng cũng không vì thế mà từ bỏ nỗ lực của mình…
 

(Ảnh: Rơm Vàng)

Rồi tôi lại bắt gặp hình ảnh người phụ nữ rất đẹp ấy đang ngóng chờ anh ấy của chị trong một mùa thu xa. Nỗi nhớ anh khiến chị nhìn cảnh thu chỉ một màu “nhạt nhòa”, “những điều thân quen chợt như xa lạ”. Lòng người buồn, thu cũng buồn theo:
 
“Anh đi rồi, ngày vui cũng đi theo
Mây nhạt nhòa, nắng không ra nắng
Mưa dùng dằng quẩn quanh nơi ngõ vắng
Đêm sương mòn một nửa vầng trăng
         
Lòng em rêu phong trong nỗi nhớ anh
Thơ cạn nguồn trơ mòn như bờ đá
Những điều thân quen chợt như xa lạ
Đắp nửa chăn nào cũng thiếu lạnh một bên”
(Thu xa)
 
Nhưng với tôi, hình ảnh đẹp nhất có lẽ là hình ảnh hai người ấy, chị và anh ấy của chị, tay trong tay ngồi bên nhau ngắm nhìn “khung trời thần tiên”. Trong “không gian pha lê, hư thực, chơi vơi” ấy, là hai người họ đang dõi mắt nhìn xa xa xuống mặt hồ phía trước. Ánh nắng lấp lánh trên mặt nước, rắc vàng trên tóc họ, những hàng cây ven hồ dường như cũng tỏa sáng theo. Trong mắt anh và chị ngời lên những tia nắng dịu dàng ấm áp, như tình yêu của họ dành cho nhau:
 
“Một góc đường thu nắng lao xao
 Nắng dịu ngọt ru chiều vào trong mắt
 Nắng tơ óng rắc lung linh lên tóc
 Nắng khơi vàng sắc lá thu tươi.
 
 Không gian pha lê, hư thực, chơi vơi
 Chiều tinh khôi soi mắt hồ trong vắt
 Nắng dịu dàng duỗi mình trên mặt nước
Sóng vàng, sóng bạc long lanh.
 
Em cứ lo…chiều mong manh, nắng tan
Lo mây tím sớm dắt chiều vào tối
Trước diệu kỳ, ta ngồi yên không nói
Chỉ lặng nhìn khung trời thần tiên...”
(Chiều thu vàng)
 
Thơ về mùa thu của chị nhiều lắm. Có đến cả trăm bài. Có lẽ vì chị là “cô gái mùa thu” như có lần chị tự giới thiệu trong bài thơ “Bài ca Đất”: Con sinh ra đêm tháng Tám nực trời. Thu trong thơ chị đẹp và quyến rũ hệt như tác giả của nó vậy. Gặp được chị, tôi chợt nhận ra, đôi lúc tạo hóa vẫn có thể ưu ái một người nhiều đến thế: trí tuệ sắc sảo, thông minh ưu tú, tâm hồn bay bổng, bình dị đời thường, dịu dàng mềm mại, bao dung ấm áp…
 
Tôi cảm thấy mình thực sự may mắn vì đã gặp được chị, biết đến thơ chị. Để giờ đây, tôi là một tôi rất khác, nhìn thế giới này nhiều sắc màu hơn, tinh tế hơn, sâu lắng hơn... Nếu chỉ được dùng hai từ để hình dung về thơ chị, xin phép cho tôi được viết ở đây: “Đẳng cấp”!
 
Hà Nội, 28/11/2021
Rơm Vàng


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.